Bệnh Áp Xe Phổi
Bệnh áp xe phổi thường là biến chứng do nhu mô phổi bị viêm nhiễm cấp nhưng không được điều trị kịp thời. Tùy vào vị trí, kích thước và số lượng ổ áp xe, chỉ định điều trị có thể là sử dụng kháng sinh, dẫn lưu mủ hoặc can thiệp ngoại khoa.
Tổng quan
Bệnh áp xe phổi (Lung Abscess) là hiện tượng nhu mô phổi xuất hiện các ổ mủ do viêm nhiễm cấp với nguyên nhân không phải do lao. Tình trạng này thường là biến chứng của bệnh viêm phổi.
Sau một thời gian gây viêm, vi khuẩn sẽ phá hủy màng phế nang, mao quản gây hoại tử tế bào dẫn đến sự hình thành của tổ chức chứa mủ gọi là áp xe (abscess). Áp xe thường chứa bạch cầu thoái hóa và các chất hoại tử.
Áp xe phổi có thể chỉ có một ổ hoặc nhiều ổ mủ nhưng nhìn chung, lựa chọn ban đầu luôn là điều trị bảo tồn bằng kháng sinh và dẫn lưu ổ áp xe. Nếu điều trị nội khoa thất bại, phẫu thuật sẽ được chỉ định.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người trung niên, đặc biệt là người hút thuốc lâu năm, nghiện rượu, hệ miễn dịch suy yếu… Ngày nay, với những tiến bộ trong gây mê hồi sức, tỷ lệ gặp phải biến chứng do áp xe phổi đã giảm đi đáng kể. Dù vậy, bệnh lý này vẫn gây ra những gánh nặng nhất định cho y tế và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Phân loại bệnh
Bệnh áp xe phổi được chia thành 2 loại là áp xe phổi cấp tính và áp xe phổi mãn tính:
Áp xe phổi cấp tính:
Áp xe phổi cấp tính khởi phát triệu chứng rõ rệt và đột ngột. Bệnh thường tiến triển trong 2 - 3 tháng. Nếu thất bại trong điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Khi quan sát phổi bằng các chẩn đoán hình ảnh, nhận thấy vùng phổi xung quanh áp xe bị đông đặc, lòng phế quản thu hẹp và phế quản có thành dày.
Áp xe phổi mãn tính:
Áp xe phổi mãn tính xảy ra khi áp xe phổi cấp tính không được điều trị dứt điểm. Lúc này, trong lòng ổ áp xe đã bắt đầu hình thành vỏ xơ bao bọc. Kích thước ổ áp xe thường không quá lớn, đường kính khoảng 2 - 5cm.
Ngoài cách phân loại này, áp xe phổi còn được phân thành 2 loại khác là áp xe phổi nguyên phát (tiên phát) và áp xe phổi thứ phát:
Áp xe phổi nguyên phát:
Áp xe phổi nguyên phát là tình trạng phổi bị viêm nhiễm sau đó hình thành ổ mủ bên trong. Tình trạng này thường là biến chứng của viêm phế quản, viêm phổi không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Áp xe phổi thứ phát:
Áp xe phổi thứ phát là tình trạng nhiễm khuẩn ngoài phổi (áp xe gan, áp xe dưới cơ hoành, nhiễm khuẩn huyết) không được kiểm soát. Sau đó, vi khuẩn xâm nhập vào phổi gây hình thành ổ mủ bên trong.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tác nhân trực tiếp gây áp xe phổi là vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng (thường là amip). Tuy nhiên, phổi là cơ quan hô hấp dưới nên nguy cơ viêm nhiễm, hoại tử thấp hơn rất nhiều so với các cơ quan hô hấp trên. Áp xe phổi chỉ phát triển khi có những yếu tố thuận lợi như suy giảm miễn dịch, tuổi tác cao, nghiện rượu… Ở người khỏe mạnh, nguy cơ mắc bệnh lý này thường không cao.
Các nguyên nhân thường gặp gây bệnh áp xe phổi:
- Vi khuẩn: Tụ cầu vàng - Staphylococcus aureus, trực khuẩn mủ xanh - Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae, phế cầu khuẩn - Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Escherichia coli, vi khuẩn proteus và các loại vi khuẩn yếm khí khác.
- Các tác nhân khác: Trong một số ít trường hợp, áp xe phổi có thể do amip và một số loại nấm.
Thông thường, các tác nhân này chỉ gây viêm nhiễm đường hô hấp và các cơ quan khác xung quanh phổi. Chỉ có một số ít trường hợp phát triển thành áp xe.
Nguy cơ mắc bệnh áp xe phổi sẽ gia tăng khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, ung thư, tiểu đường…)
- Người cao tuổi
- Nghiện rượu, hút thuốc lá, nhiễm độc thuốc ngủ
- Bị viêm tai mũi họng, răng hàm mặt mãn tính, tái phát nhiều lần
- Có các bệnh về phổi như viêm phổi, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản
- Bị nhiễm trùng ở các cơ quan gần phổi
- Phẫu thuật đường hô hấp trên như cắt amidan, nhổ răng khôn…
- Người bị hôn mê, động kinh có nguy cơ cao bị viêm phổi và áp xe phổi. Lý do là vì phản xạ ho bị ức chế khiến cho các chất nôn tràn vào phế quản gây viêm nhiễm và hoại tử.
- Bị nhiễm khuẩn máu do tụ cầu vàng, nhiễm khuẩn cơ hoành, viêm túi mật, áp xe gan…
Khi xâm nhập vào phổi, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng sẽ gây viêm nhu mô phổi. Sau 1 - 2 tuần, mô bắt đầu hoại tử và hình thành ổ áp xe. Nếu không có điều kiện thuận lợi kể trên, tình trạng viêm có thể được kiểm soát nhanh bằng kháng sinh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Áp xe phổi có thể có một hoặc nhiều ổ nhưng đa phần đều chỉ có duy nhất một ổ ủ (chiếm khoảng ¾ trường hợp). Ổ mủ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, phân thùy trước hoặc phân thùy sau. Dù vị trí và số lượng ổ mủ có khác biệt nhưng áp xe phổi đều gây ra các triệu chứng sau đây.
Các triệu chứng của bệnh áp xe phổi:
- Đau ngực tại chỗ, một số trường hợp có thể bị đau bụng
- Sốt cao từ 39 - 40 độ C, rét run
- Ho khan hoặc ho có đờm, chất nhầy màu vàng đục, bên trong chứa mủ
- Khó thở nhẹ
- Nếu chú ý có thể nghe thấy âm thanh rít bên trong phổi
- Từ ngày thứ 5 trở đi sẽ có biểu hiện khạc ra mủ, ho nhiều hơn và có thể ho ra máu, đôi khi kèm theo đau ngực dữ dội, bồn chồn, lo lắng
- Hơi thở có mùi hôi
- Trường hợp nặng, không được điều trị sớm sẽ gây ra các cơn ho dữ dội, ho dai dẳng và khạc ra nhiều đờm mủ (thường là buổi sáng). Đờm đặc quánh, có màu xanh nhạt và đôi khi có lẫn các tia máu. Đờm có thể không có mùi hoặc có mùi hôi rất đặc trưng.
- Đi kèm với các biển hiện toàn thân như người gầy sút, xanh xao, thể trạng kém…
Các triệu chứng của bệnh áp xe phổi tương đối điển hình. Ban đầu, biểu hiện khá mờ nhạt nhưng sau 2 - 3 ngày sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khi nhận thấy các dấu hiệu này, cần tiến hành thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cũng giống như các bệnh hô hấp khác, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng gặp phải (thời điểm khởi phát, mức độ, thời gian tiến triển, đặc điểm cơn ho...), khai thác tiền sử bệnh lý và các yếu tố nguy cơ. Đa phần trong các trường hợp, bệnh cảnh lâm sàng có thể gợi ý nguy cơ áp xe phổi nhưng để chắc chắn, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm sau:
- Khám phổi: Khi khám phổi, bác sĩ có thể nhận thấy những dấu hiệu bất thường như phổi có tiếng ran nổ, ran ngáy…
- Xét nghiệm máu: Kết quả từ xét nghiệm máu có thể phát hiện tốc độ máu lắng và số lượng bạch cầu tăng. Đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng, gợi ý về bệnh viêm phổi và áp xe phổi.
- X-Quang phổi: X-Quang là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán các bệnh về phổi, đặc biệt là áp xe phổi. Ở giai đoạn đầu, X-Quang cho thấy bóng mờ không rõ ràng. Nhưng ở những giai đoạn sau, có thể quan sát thấy tổn thương rõ rệt hơn. Thông qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể xác định được vị trí và số lượng ổ áp xe.
- Nhuộm soi, nuôi cấy bệnh phẩm: Chẩn đoán xác định áp xe phổi không quá phức tạp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải thực hiện nuôi cấy, nhuộm soi bệnh phẩm (mủ từ ổ áp xe, dịch phế quản, đờm) để phát hiện tác nhân gây bệnh. Trường hợp sốt quá cao cũng cần cấy máu trước khi làm kháng sinh đồ.
Biến chứng và tiên lượng
Tương tự như các bệnh hô hấp khác, tính nghiêm trọng của bệnh áp xe phổi đã thay đổi đáng kể nhờ những tiến bộ trong y học. Sự ra đời của kháng sinh, khoa học kỹ thuật phát triển giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị trở nên thuận lợi hơn.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, áp xe phổi có thể được kiểm soát, bệnh nhân hồi phục sau một thời gian. Tuy nhiên với những đối tượng có thể trạng yếu, hệ miễn dịch kém… áp xe phổi có thể bị vỡ gây nhiễm khuẩn máu, suy kiệt, suy đa tạng và tử vong.
Một số trường hợp điều trị thất bại và chuyển sang áp xe phổi mãn tính. Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, xung quanh ổ áp xe hình thành tổ chức xơ nên áp xe không thể tự lành như giai đoạn cấp tính.
Áp xe phổi không được điều trị kịp thời và tích cực sẽ gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng toàn thân có thể là thoái hóa tinh bột, biến chứng tại chỗ thường là ho ra máu nặng, tử vong, hoại tử phổi, tràn mủ màng phổi, lao phổi và giãn phế quản.
Từ khi có kháng sinh ra đời, điều trị áp xe phổi đa phần đều có đáp ứng tốt và phục hồi nhanh sau vài tuần lễ. Tuy nhiên, do thói quen dùng kháng sinh bừa bãi nên một vài trường hợp có thể bị kháng kháng sinh. Những trường hợp này phải đổi kháng sinh và theo dõi sát sao để tránh ổ áp xe phát triển với kích thước lớn.
Điều trị
Bệnh áp xe phổi có thể gây tử vong và dẫn đến một loạt các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát nhiễm trùng, làm tiêu áp xe và ngăn ngừa vỡ ổ mủ.
Các phương pháp điều trị bệnh áp xe phổi bao gồm:
Kháng sinh
Kháng sinh là phương pháp chính trong điều trị áp xe phổi. Nguyên tắc khi dùng kháng sinh là sử dụng liều cao ngay từ đầu và cần phối hợp 2 loại kháng sinh theo đường tiêm bắp/ tiêm tĩnh mạch. Kháng sinh phải được dùng càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay sau khi có kết quả nhuộm soi và nuôi cấy bệnh phẩm.
Hiện nay, do tỷ lệ kháng kháng sinh khá cao nên bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao và đổi kháng sinh dựa trên diễn biến lâm sàng. Để tránh tái phát, kháng sinh cần được dùng ít nhất 4 tuần (có thể kéo dài đến 6 tuần ở một số trường hợp).
Các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh áp xe phổi:
- Penicillin G: Penicillin G được dùng với liều 10 - 50 triệu đơn vị theo đường tiêm tĩnh mạch. Phối hợp với một trong những kháng sinh nhóm aminoglycosid (Gentamycin, Netilmicin hoặc Amikacin).
- Amoxicillin - Acid clavulanic hoặc Ampicillin - Sulbactam: Trường hợp nghi ngờ tác nhân gây bệnh là vi khuẩn tiết Beta Lactamase không nên dùng Penicillin G. Thay vào đó, nên sử dụng Amoxicillin - Acid clavulanic hoặc Ampicillin - Sulbactam với liều từ 3 - 6g/ ngày.
- Cephalosporin thế hệ 3: Cephalosporin thế hệ 3 được sử dụng trong trường hợp áp xe phổi do vi khuẩn gram âm. Thường dùng nhất là Cefotaxim 3 - 6g/ngày hoặc Ceftazidim 3 - 6g/ngày kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid.
- Kết hợp nhóm Beta lactam - Acid clavulanic với Metronidazol: Trường hợp nghi ngờ áp xe phổi do vi khuẩn yếm khí sẽ sử dụng kháng sinh Beta lactam - Acid clavulanic kết hợp với kháng sinh Metronidazol.
- Oxacillin hoặc Vancomycin: Được chỉ định trong trường hợp áp xe phổi do tụ cầu vàng. Oxacillin hoặc Vancomycin cũng được kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid, thường là Amikacin.
- Ceftazidim kết hợp với kháng sinh nhóm quinolon: Nếu tác nhân là trực khuẩn mủ xanh - Pseudomonas aeruginosa, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Ceftazidim kết hợp với một loại kháng sinh nhóm quinolon, có thể là Ciprofloxacin, Levofloxacin hoặc Moxifloxacin.
- Metronidazol + kháng sinh khác: Trường hợp áp xe phổi do amip sẽ được điều trị chính bằng Metronidazol kết hợp với các kháng sinh khác.
Liều dùng kháng sinh sẽ được điều chỉnh dựa vào độ tuổi và cân nặng. Vì phải sử dụng kháng sinh trong thời gian dài nên bệnh nhân cần phải được xét nghiệm chức năng gan, thận thường xuyên - đặc biệt là trong trường hợp phải dùng kháng sinh nhóm aminoglycosid.
Dẫn lưu ổ áp xe
Thông thường sau khi dùng kháng sinh, ổ áp xe sẽ thuyên giảm và biến mất. Tuy nhiên, trường hợp ổ mủ có kích thước lớn và nguy cơ vỡ cao, bác sĩ sẽ chỉ định dẫn lưu. Tùy vào vị trí và kích thước của ổ áp xe, có thể dẫn lưu ổ áp xe bằng các kỹ thuật sau:
Dẫn lưu tư thế:
Trước khi dẫn lưu ổ mủ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-Quang và chụp CT phổi để lựa chọn tư thế phù hợp. Sau đó kết hợp vỗ rung lồng ngực để loại bỏ ổ mủ bên trong. Kỹ thuật này cần phải thực hiện nhiều lần trong ngày, những lần đầu chỉ thực hiện trong vài phút sau đó kéo dài khoảng 15 - 20 phút/ lần cho đến làm sạch ổ mủ hoàn toàn.
Dẫn lưu áp xe qua thành ngực:
Dẫn lưu áp xe qua thành ngực được chỉ định khi ổ áp xe không thông với phế quản mà nằm sát thành ngực hoặc dính với màng phổi. Những trường hợp này sẽ được dẫn lưu ổ mủ qua thành ngực.
Dẫn lưu áp xe bằng nội soi phế quản:
Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng ống mềm để hút mủ nằm trong phế quản. Nội soi phế quản ống mềm chỉ được thực hiện khí ổ áp xe nằm thông với phế quản. Trường hợp nằm ở ngoại vi sẽ được chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực.
Phẫu thuật
Nếu điều trị không mang lại hiệu quả, phẫu thuật sẽ được cân nhắc. Ngoài ra, can thiệp ngoại khoa cũng được chỉ định cho ổ áp xe có kích thước lớn hơn 10cm, ho ra máu nặng, tái phát nhiều lần đe dọa đến tính mạng, áp xe phổi kết hợp với giãn phế quản nặng.
Phẫu thuật cho bệnh nhân áp xe phổi thường là cắt thùy phổi, phân thùy phổi hoặc cắt một bên phổi tùy theo mức độ của ổ áp xe. Khi phẫu thuật cắt bỏ, đồng nghĩa với việc thể tích phổi giảm đi đáng kể. Vì vậy, phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp cần thiết.
Các biện pháp hỗ trợ
Khi điều trị áp xe phổi, cần nâng đỡ thể trạng để tránh suy kiệt, gầy sút và tạo điều kiện cho quá trình hồi phục. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
- Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt
- Truyền dịch nhằm cân bằng điện giải
- Uống đủ nước
- Ăn uống điều độ, đầy đủ chất, nên dùng thức ăn lỏng mềm để dễ tiêu hóa
Phòng ngừa
Áp xe phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý này bằng một số biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh răng miệng và tai mũi họng để hạn chế viêm nhiễm.
- Tiêm vaccine phế cầu, cúm A… để phòng tránh viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác. Khi kiểm soát được những vấn đề này, nguy cơ bị áp xe phổi sẽ giảm đi đáng kể.
- Phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh viêm đường hô hấp, răng hàm mặt.
- Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm, áp xe ở những cơ quan khác như gan, màng tim…
- Phòng ngừa dị vật rơi vào đường thở.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, rửa tay bằng cồn và xà phòng sau khi chạm vào các vật dụng công cộng.
- Nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch bằng lối sống lành mạnh. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.
- Những người có các vấn đề về phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… cần có kế hoạch chăm sóc và quản lý bệnh hiệu quả.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị sốt, khó thở, ho khan, khạc nhiều đờm… là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Để chẩn đoán bệnh, tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
3. Tôi cần điều trị áp xe phổi tại bệnh viện hay có thể điều trị ngoại trú?
4. Điều trị bệnh áp xe phổi mất bao lâu?
5. Bệnh áp xe phổi có lây không? Tôi cần làm gì để tránh lây nhiễm cho người khác?
6. Khi nào cần phẫu thuật áp xe phổi?
7. Phát hiện biến chứng của bệnh áp xe phổi bằng cách nào?
8. Áp xe phổi có tái phát không? Làm sao để phòng ngừa?
Bệnh áp xe phổi là tình trạng cần được thăm khám và điều trị sớm. Những trường hợp can thiệp kịp thời có thể kiểm soát nhiễm trùng, tiêu ổ mủ mà không cần phải dẫn lưu hay phẫu thuật. Trong khi đó, trường hợp phát hiện muộn sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong. Vì vậy, tuyệt đối không nên chủ quan với những biểu hiện của cơ thể - đặc biệt là những đối tượng có sức khỏe kém, hệ miễn dịch suy giảm.