Bệnh Phì Đại Tuyến Tiền Liệt
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt là một dạng tăng sản lành tính do ảnh hưởng của tuổi tác và suy giảm testosterone. Ban đầu, bệnh không có triệu chứng sau một thời gian, u xơ có thể chèn ép gây kích thích bàng quang và hẹp niệu đạo. Chỉ định điều trị sẽ phụ thuộc vào trọng lượng u, mức độ triệu chứng và nguyện vọng của bệnh nhân.
Tổng quan
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt (BPH – Benign Prostatic Hyperplasia) là tình trạng tăng sinh lành tính, xảy ra khi các tế bào phát triển quá mức gây hiện tượng phì đại (gia tăng kích thước) tuyến tiền liệt. Bệnh lý này còn được biết đến với những cái tên khác như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hay u xơ tuyến tiền liệt.
Tuyến tiền liệt là cơ quan thuộc hệ sinh dục, bao bọc lấy đầu niệu đạo và nằm ngay phía dưới bàng quang. Cơ quan này chỉ nặng khoảng 20g với chức năng chính là tiết dịch để nuôi dưỡng, bảo vệ tinh trùng. Dưới tác động của tuổi tác, tuyến tiền liệt sẽ bị lão hóa và có xu hướng gia tăng kích thước.
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lành tính và không cần can thiệp nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên theo thời gian, mức độ phì đại có thể gia tăng gây hẹp niệu đạo dẫn đến khó tiểu và bí tiểu.
Nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt gia tăng theo độ tuổi. Ước tính có khoảng 30 triệu nam giới mắc phải chứng bệnh này và phần lớn đều trên 45 tuổi. Tương tự như các bệnh nam khoa khác, điều trị bệnh có nhiều lựa chọn và phương pháp bảo tồn luôn được ưu tiên.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hiện nay, cơ chế bệnh sinh của phì đại tuyến tiền liệt chưa được biết rõ. Tuy nhiên, vì bệnh chủ yếu gặp ở nam giới từ 45 tuổi trở lên nên có thể xác định có vai trò của quá trình lão hóa và suy giảm chức năng tinh hoàn.
Các nguyên nhân gây bệnh phì đại tuyến tiền liệt:
- Tuổi tác cao: Khi tuổi tác gia tăng, tất cả các cơ quan trong cơ thể phải đối mặt với quá trình lão hóa. Lão hóa ở tuyến tiền liệt được thể hiện qua hiện tượng tế bào tuyến co lại và sự tăng sinh lành tính của các tế bào xung. Kết quả là gây phì đại, gia tăng kích thước dẫn đến chèn ép niệu đạo.
- Suy giảm chức năng tinh hoàn: Tinh hoàn có chức năng sản xuất testosterone và kiểm soát nội tiết. Khi đối mặt với quá trình lão hóa, tinh hoàn sẽ bị suy giảm chức năng dẫn đến nồng độ testosterone thấp và hormone estrogen tăng gây phì đại tuyến tiền liệt.
Có thể thấy, tuổi tác là nguyên nhân lớn nhất gây ra bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh chỉ chiếm 18% ở tuổi 40 nhưng tăng lên 63% ở tuổi 50 và có đến 90% nam giới trên 80 tuổi mắc chứng bệnh này.
Dù nguyên nhân chính xác chưa được xác định, tuy nhiên một số yếu tố sau có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc thúc đẩy phì đại tuyến tiền liệt diễn ra nhanh hơn:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Sỏi đường niệu (sỏi thận, sỏi bàng quang)
- Sẹo ở bàng quang do từng can thiệp phẫu thuật
- Viêm tuyến tiền liệt
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát cơ bàng quang
Triệu chứng và chẩn đoán
Ở giai đoạn đầu, phì đại tuyến tiền liệt gần như không gây ra triệu chứng. Theo thời gian, mức độ phì đại gia tăng khiến cho niệu đạo bị thu hẹp và chèn ép. Ngoài ra, tuyến tiền liệt phì đại còn kích thích lên bàng quang và một số cơ quan xung quanh.
Các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt bao gồm:
- Khó tiểu, đứng lâu và phải rặn mới có thể tiểu tiện
- Có cảm giác tiểu không hết
- Tiểu yếu
- Són tiểu, tiểu không tự chủ
- Tiểu nhiều vào ban đêm
- Tiểu ngắt quãng
Ngoài ra, u xơ tuyến tiền liệt cũng có thể gây tiểu ra máu và bí tiểu hoàn toàn. Trường hợp bí tiểu cần cấp cứu sớm để được xử trí, tránh các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám do phì đại tuyến tiền liệt gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục như viêm bàng quang, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn…
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lành tính nhưng gây ra nhiều phiền toái do rối loạn tiểu tiện. Để tránh trường hợp bí tiểu và nhiễm trùng đường sinh dục - tiết niệu, cần thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải. Sau đó, xác định mức độ tiểu khó qua thang điểm IPSS. Kế tiếp sẽ khám thận, tinh hoàn 2 bên, dương vật, bao quy đầu, khám hạ vị và trực tràng. Sau khi khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện:
- Siêu âm: Siêu âm ở vùng xương mu hoặc qua trực tràng có thể phát hiện u xơ lành tính ở tuyến tiền liệt. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ cũng có thể ước lượng được trọng lượng của u. Siêu âm cũng hỗ trợ thăm dò bàng quang, đo lượng nước tiểu trong bàng quang và đánh giá thận.
- Xét nghiệm PSA: Xét nghiệm PSA được thực hiện thông qua xét nghiệm máu để tìm kháng nguyên đặc hiệu do tuyến tiền liệt sản xuất. Nồng độ PSA cao cho thấy tuyến tiền liệt đang gặp phải một số vấn đề như phì đại và viêm nhiễm. Xét nghiệm này không chỉ được sử dụng để chẩn đoán mà còn có giá trị trong theo dõi, điều trị bệnh.
- Nội soi bàng quang, niệu đạo: Nội soi bàng quang, niệu đạo được thực hiện trong trường hợp có tiểu ra máu, nhằm chẩn đoán phân biệt với u bàng quang và các vấn đề khác ở đường tiết niệu.
- Một số xét nghiệm khác: Ngoài những xét nghiệm kể trên, một số xét nghiệm như đo lưu lượng nước tiểu, đánh giá áp lực bàng quang, động học nước tiểu, lưu lượng dòng tiểu Qmax, đo lượng nước tiểu tồn đọng… cũng có thể được cân nhắc thực hiện. Trường hợp nghi ngờ ung thư, sinh thiết tuyến tiền liệt sẽ được thực hiện.
Biến chứng và tiên lượng
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lành tính, có đáp ứng tốt nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, do triệu chứng khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu nên nhiều trường hợp tuyến tiền liệt gia tăng kích thước gấp 2 - 3 lần gây hẹp niệu đạo và bí tiểu hoàn toàn. Những trường hợp này cần được xử trí sớm để tránh đe dọa đến tính mạng.
Ngoài biến chứng bí tiểu, phì đại tuyến tiền liệt còn gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi bàng quang, sỏi thận… Trường hợp nặng có thể gây thận ứ nước và suy thận mãn tính.
Một số nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt còn gặp phải các rối loạn chức năng tình dục như xuất tinh sớm, khó xuất tinh, đau khi xuất tinh, rối loạn cương dương… Tình trạng tiểu nhiều, tiểu đêm, són tiểu… cũng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
Điều trị
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt không nhất thiết phải điều trị trong trường hợp mức độ phì đại không đáng kể và không có triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ. Chỉ khi bệnh gây rối loạn tiểu tiện, điều trị mới được cân nhắc.
Chỉ định điều trị phụ thuộc vào mức độ triệu chứng và mong muốn của người bệnh dưới sự tư vấn, giáo dục của bác sĩ. Các phương pháp điều trị được xem xét bao gồm:
Theo dõi kết hợp thay đổi lối sống
Phì đại tuyến tiền liệt nhẹ (chỉ số IPSS dưới 7) không cần phải can thiệp điều trị. Trong trường hợp này, chỉ cần tái khám theo dõi và thay đổi lối sống để giảm những phiền toái do bệnh gây ra.
Điều trị cụ thể sẽ bao gồm các biện pháp sau:
- Tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để được đánh giá mức độ phì đại của tuyến tiền liệt, đồng thời thăm dò thận và bàng quang.
- Có thể giảm tình trạng tiểu nhiều, són tiểu, khó tiểu bằng cách giảm lượng nước uống vào buổi tối. Tốt nhất không nên uống nước sau 20:00 để hạn chế tiểu đêm.
- Không dùng thức ăn cay nóng, đồ uống chứa caffeine.
- Kiêng rượu bia và cai thuốc lá.
- Hạn chế dùng các loại thuốc có thể gây bí tiểu như thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, thuốc co mạch, chống phù nề…
- Chia nhỏ lượng nước cần uống trong ngày và bổ sung thành nhiều lần nhỏ. Biện pháp này sẽ giúp giảm áp lực lên thận, bàng quang và giảm kích thích lên tuyến tiền liệt.
- Tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, tốt cho cơ vùng chậu. Tránh đạp xe, nâng tạ hoặc các bài tập làm tăng áp lực lên tuyến tiền liệt.
- Tiểu tiện ngay khi có nhu cầu, hạn chế rặn khi tiểu tiện.
- Khi bị phì đại tuyến tiền liệt, nên phòng ngừa táo bón để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt và niệu đạo.
Thay đổi lối sống góp phần cải thiện rối loạn tiểu tiện do phì đại tuyến tiền liệt gây ra. Không chỉ những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có chỉ định điều trị cũng cần điều chỉnh lối sống để quản lý triệu chứng hiệu quả nhất.
Điều trị nội khoa
Dựa vào thang đánh giá mức độ tiểu khó, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa nếu kết quả IPSS dao động từ 8 - 18. Nhìn chung, thuốc sẽ được dùng khi u xơ tuyến tiền liệt chưa cản trở nhiều đến hệ tiết niệu và lượng nước tiểu tồn dư trong bàng quang ít hơn 100ml.
Thuốc chẹn alpha:
Thụ thể alpha -1 tập trung nhiều ở bàng quang với chức năng gây co thắt cơ. Trong trường hợp bị phì đại tuyến tiền liệt, sự kích thích của bàng quang sẽ gây ra tình trạng buồn tiểu, luôn có cảm giác muốn tiểu.
Thuốc chẹn alpha có tác dụng ức chế thụ thể alpha ở cổ bàng quang và tuyến tiền liệt, qua đó giúp giãn cơ, cải thiện dòng tiểu. Nhóm thuốc này là lựa chọn ưu tiên khi điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Trong đó thông dụng nhất là Terazosin, Tamsulosin, Doxazosin, Alfuzosin.
Nhóm thuốc ức chế alpha-5-testosterone reductase:
Nhóm thuốc ức chế alpha-5-testosterone reductase được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Cơ chế của thuốc là ngăn sự chuyển đổi testosterone thành androgen dihydrotestosterone, từ đó giúp thoái triển tuyến tiền liệt phì đại và giảm tình trạng bí tiểu, khó tiểu, són tiểu…
Loại thuốc thường được sử dụng là Finasteride. Thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc giảm triệu chứng và thoái triển u xơ tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, dùng thuốc kịp thời còn giúp hạn chế phải can thiệp phẫu thuật.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc đơn lẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được điều trị kết hợp bằng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế alpha-5-testosterone reductase.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được cân nhắc khi u xơ ở tuyến tiền liệt chèn ép và ảnh hưởng nhiều đến hệ tiết niệu (tiểu khó, lượng nước tiểu tồn dư nhiều hơn 100ml). Ngoài ra, những trường hợp đã gặp phải biến chứng như bí đái cấp, sỏi bàng quang, nhiễm khuẩn đường niệu, suy thận… cũng được cân nhắc phẫu thuật.
Với sự phát triển của y học, hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt. Các phương pháp phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
Phẫu thuật nội soi qua niệu đạo:
Phẫu thuật nội soi qua niệu đạo là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt. Hạn chế của phương pháp này là chỉ áp dụng cho những u nhỏ, trọng lượng dưới 70g.
Thông qua nội soi, bác sĩ có thể cắt bỏ tổ chức u xơ bắt đầu từ phía trong niệu đạo và dừng lại ở vỏ tuyến tiền liệt. Giới hạn dưới là ụ núi và trên là cổ bàng quang.
Những lý do giúp cho phương pháp này trở thành lựa chọn hàng đầu là mức độ xâm lấn thấp, thời gian phục hồi nhanh và giúp cải thiện rõ rệt các rối loạn tiểu tiện. Nguy cơ tái phát u sau 5 năm chỉ chiếm khoảng 5% và tỷ lệ tử vong vô cùng thấp chỉ 0.23%.
Phẫu thuật qua đường trên:
Phẫu thuật qua đường trên được chỉ định đối với u lớn hơn 50g hoặc phối hợp với các bệnh lý như sỏi, túi thừa bàng quang. Bệnh nhân không thể đặt máy nội soi cũng được cân nhắc phẫu thuật bằng phương pháp này.
Phẫu thuật qua đường trên bao gồm 2 kỹ thuật là phương pháp Millin - phẫu thuật sau xương mu và phương pháp Hryntschak. Vì không sử dụng kỹ thuật nội soi nên mức độ xâm lấn tương đối cao, bệnh nhân mất nhiều thời gian hồi phục.
Các phương pháp khác
Hiện nay, ngoài sử dụng thuốc và phẫu thuật, một số phương pháp khác cũng đã ra đời, mang đến nhiều lựa chọn cho bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt. Các phương pháp khá phổ biến hiện nay bao gồm:
Nong niệu đạo:
Khi tuyến tiền liệt phì đại, niệu đạo sẽ bị hẹp dẫn đến tình trạng khó tiểu, thậm chí là bí đái. Kỹ thuật nong niệu đạo được thực hiện bằng cách đưa bóng ống thông tiểu vào bên trong niệu đạo để giải quyết các vấn đề tiểu tiện. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được thực hiện khi bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn hệ tiết niệu.
Điều trị bằng nhiệt:
Điều trị bằng nhiệt (máy microwave) cũng được cân nhắc cho bệnh nhân phì đại tiền liệt tuyến. Phương pháp này sử dụng nhiệt để phá hủy tuyến tiền liệt, từ đó giảm mức độ của các triệu chứng. Điều trị bằng nhiệt được chỉ định cho những trường hợp điều trị nội khoa thất bại hoặc gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc.
Phương pháp phát nhiệt vi sóng qua đường niệu đạo:
Phương pháp phát nhiệt vi sóng qua đường niệu đạo sử dụng vi sóng để tạo ra nhiệt độ 60 - 80 độ C nhằm phá hủy mô ở tuyến tiền liệt. Sau khi can thiệp, kích thước u xơ sẽ giảm đáng kể. Các triệu chứng do chèn ép niệu đạo và bàng quang từ đó cũng thuyên giảm rõ rệt.
Kỹ thuật laser:
Hiện nay, kỹ thuật laser được áp dụng khá phổ biến trong điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Phương pháp này sử dụng hiệu ứng quang nhiệt của tia laser để loại bỏ mô của tuyến tiền liệt. Sau khi loại bỏ mô, kích thước của cơ quan này sẽ giảm đi đáng kể, nhờ đó sự chèn ép lên bàng quang và niệu đạo cũng được giải phóng.
Kỹ thuật laser được chỉ định cho trường hợp u xơ tuyến tiền liệt gây rối loạn tiểu tiện ở mức độ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, kỹ thuật này chống chỉ định với trường hợp u lớn hơn 60g, đã xuất hiện biến chứng hẹp niệu đạo và đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Các kỹ thuật dẫn lưu nước tiểu:
Trong trường hợp phì đại tuyến tiền liệt gây bí đái cấp tính, có thể dẫn lưu bàng quang hoặc đặt ống thông niệu đạo. Dẫn lưu bàng quang cũng được chỉ định trong trường hợp đã xuất hiện biến chứng suy thận.
Phòng ngừa
Phì đại tuyến tiền liệt là một phần tất yếu của quá trình lão hóa nên không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, nam giới có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Đi tiểu ngay khi có nhu cầu, tuyệt đối không nhịn tiểu làm gia tăng áp lực của bàng quang lên niệu đạo và tuyến tiền liệt.
- Viêm đường tiết niệu mãn tính có thể khiến cho tuyến tiền liệt bị kích thích và có xu hướng tăng sản lành tính.
- Nếu bị viêm tuyến tiền liệt, cần điều trị tích cực để tránh biến chứng phì đại. Các nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy, hiện tượng viêm mãn tính là yếu tố gia tăng nguy cơ và đẩy nhanh tốc độ phì đại tiền liệt tuyến.
- Nam giới trên 40 tuổi nên tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập giúp cải thiện cơ sàn chậu. Hạn chế đạp xe vì bộ môn này có thể gia tăng áp lực lên vùng hội âm.
Khám nam khoa 1 lần/ năm để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Nếu phát hiện sớm, phì đại tuyến tiền liệt có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc, qua đó hạn chế phải can thiệp phẫu thuật.
Tham khảo thêm: Những loại thuốc chữa phì đại tiền liệt tuyến thường dùng
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt?
2. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng? Có nhất thiết phải điều trị?
3. Phương pháp tốt nhất với tình trạng sức khỏe của tôi?
4. Gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc trị u xơ tuyến tiền liệt phải làm sao?
5. Bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính nên dùng thuốc hay phẫu thuật?
6. Điều trị phì đại tuyến tiền liệt có cần kiêng quan hệ tình dục không?
7. Cần chăm sóc như thế nào để có thể quản lý bệnh thành công?
8. Phì đại tuyến tiền liệt gây xuất tinh sớm, rối loạn cương dương phải làm sao?
9. Sau khi phẫu thuật, tỷ lệ tái phát phì đại tuyến tiền liệt khoảng bao nhiêu?
Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề sức khỏe thường gặp ở nam giới trên 45 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nên nam giới trung niên cần thăm khám định kỳ 1 năm/ lần để phát hiện sớm. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, cần điều trị tích cực để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng lên hệ tiết niệu.