Bệnh Viêm hạch mạc treo
Viêm hạch mạc treo là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau nhức, khó chịu vùng bụng kèm theo sốt cao, nôn ói, tiêu chảy... Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này và đa số trường hợp đều không quá nghiêm trọng, có thể tự khỏi sau vài tuần. Các chọn lựa điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng và phục hồi sức khỏe cho trẻ trong quá trình tự hồi phục.
Tổng quan
Viêm hạch mạc treo (Mesenteric lymphadenitis) là tình trạng sưng viêm các hạch bạch huyết trong mạc treo - là nếp gấp màng nối ruột với thành bụng. Tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra do virus, vi khuẩn hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn khác gây suy giảm miễn dịch như ung thư, bệnh Crohn...
Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em và trẻ thanh thiếu niên < 16 tuổi. Hiếm khi xảy ra ở người trưởng thành > 20 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh viêm hạch mạc treo khá hiếm, chưa xác định được con số chính xác do rất nhiều trường hợp phát bệnh và tự khỏi không cần phải thăm khám, điều trị.
Phân loại
Bệnh viêm hạch mạc treo được chia làm 2 dạng chính gồm: cấp tính và mãn tính. Trong đó:
- Thể viêm hạch mạc treo cấp tính: Là tình trạng viêm nhiễm xảy ra đột ngột ở hạch mạc treo. Tác nhân chính gây ra điều này là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
- Thể viêm hạch mạc treo mãn tính: Đây là tình trạng viêm nhiễm kéo dài xảy ra ở các hạch bạch huyết mạc treo. Nguyên nhân liên quan thường là do nhiễm trùng mạn tính hoặc tình trạng rối loạn tự miễn dịch.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Mạc treo là bộ phận có nhiệm vụ gắn nối ruột với khoang bụng. Nó còn có nhiệm vụ kích thích nhu động ruột hoạt động bình thường trong phạm vi nhất định trong ổ bụng. Nếu mạc treo bị nhiễm trùng hoặc tổn thương, ruột sẽ thường xuyên chuyển động vặn xoắn và dẫn đến tắc nghẽn cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Bản chất của bệnh lý này là tình trạng sưng viêm các hạch bạch huyết trong bụng. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm khởi phát viêm hạch mạc treo như: nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm hạch mạc treo. Đây là tình trạng các hạch bạch huyết bên trong mạc treo bị viêm do nhiễm trùng trong ổ bụng hoặc vùng chậu. Một số tác nhân được xác định có liên quan như:
- Viêm dạ dày ruột;
- Viêm hồi tràng cấp tính;
- Nhiễm trùng gây suy giảm miễn dịch (điển hình là nhiễm HIV);
- Nhiễm vi khuẩn Yersinia enterocolitica trong thịt chưa nấu chín;
- Bệnh lao phổi;
- Phát triển từ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên;
Nguyên nhân viêm
Tình trạng viêm ruột cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây viêm hạch mạc treo. Đây thường là kết quả của một tình trạng khác lây lan và khiến một bộ phận khác trong cơ thể sưng viêm. Chẳng hạn như:
- Viêm ruột thừa;
- Viêm ruột;
- Viêm túi thừa;
- Viêm tụy;
- Bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng;
- Các bệnh mô liên kết như lupus ban đỏ, xơ cứng hoặc viêm khớp dạng thấp;
Nguyên nhân ung thư
Rất nhiều dạng ung thư có thể gây ra viêm hạch mạc treo, bao gồm ung thư tại chỗ hoặc các loại ung thư khác. Chẳng hạn như:
- Ung thư hạch bạch huyết;
- Ung thư đường tiêu hóa;
- Ung thư ruột kết;
- Ung thư buồng trứng;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các hạch bạch huyết mạc treo nằm bên trong bụng và là một trong những phần quan trọng của hệ thống bạch huyết. Chúng có nhiệm vụ tạo ra tế bào bạch cầu, tế bào lympho giúp bảo vệ cơ thể, chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.
Đối với người mắc bệnh viêm hạch mạc treo, các hạch bạch huyết này bị viêm sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường, bao gồm:
- Đau bụng, đau nhiều ở phần phía dưới bên phải bụng;
- Sốt;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Tiêu chảy hoặc táo bón;
- Ăn uống kém;
- Mệt mỏi, kiệt sức, suy nhược;
- Tăng số lượng bạch cầu;
Chẩn đoán
Đa số các trường hợp viêm hạch mạc treo thường không gây ra quá nhiều triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt, không rõ ràng. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng này, đặt các câu hỏi về tiền sử bệnh lý của con bạn. Đồng thời, để xác nhận chẩn đoán cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra các dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng, thông qua kiểm tra mức độ tế bào miễn dịch.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh được dùng để chẩn đoán viêm hạch mạc treo như siêu âm, chụp CT scan, MRI... Mục đích nhằm xác định vị trí và kích thước của các hạch bạch huyết vị viêm. Trường hợp các hạch bạch huyết mạc treo có đường kính trên 8mm có thể được chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
- Sinh thiết: Trong một số trường hợp cần thiết, sinh thiết cũng có thể được chỉ định thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm hạch mạc treo chủ yếu xảy ra ở trẻ em và trẻ thanh thiếu niên. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không quá nghiêm trọng, có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 1 - 4 tuần. Tình trạng này cũng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng hay di chứng nào sau khi phục hồi.
Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để tìm kiếm các biện pháp y tế giúp điều trị căn nguyên, kiểm soát triệu chứng và đẩy lùi bệnh nhanh hơn.
Một số ít trường hợp viêm hạch mạc treo phát triển nghiêm trọng, hạch bạch huyết sưng viêm nặng và không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng lây lan sang máu. Biến chứng nhiễm trùng huyết cực kỳ nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Điều trị
Đa số các trường hợp trẻ bị viêm hạch mạc treo đều không cần can thiệp điều trị y tế. Nếu có điều trị, chủ yếu chỉ nhằm kiểm soát triệu chứng bằng phương pháp phù hợp, phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nếu tình trạng này là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, thuốc kháng sinh có thể được kê đơn để chống lại viêm nhiễm. Hoặc nếu do nhiễm virus, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giảm đau không kê đơn để kiểm soát các triệu chứng như sốt, đau nhức... Cần tuân thủ liều dùng thuốc do bác sĩ chỉ định để tránh gây ra các rủi ro, tác dụng phụ ngoài ý muốn cho trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý thực hiện các biện pháp đơn giản khác để cải thiện triệu chứng viêm hạch mạc treo, bao gồm:
- Nghỉ ngơi nhiều giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe;
- Uống nhiều nước, tăng cường bổ sung chất lỏng để ngăn chặn tình trạng mất nước do sốt cao, tiêu chảy hoặc nôn mửa;
- Chườm khăn ấm lên trán giúp hạ sốt và lên bụng giúp giảm cảm giác đau nhức, khó chịu;
Phòng ngừa
Không có biện pháp đặc hiệu giúp phòng ngừa viêm hạch mạc treo. Tuy nhiên, con của bạn có thể giảm nguy cơ phát triển tình trạng này thông qua một số biện pháp tích cực sau:
- Đảm bảo vệ sinh thật tốt bằng cách rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
- Tránh tiếp xúc với các nguồn lây vi khuẩn, virus từ người bệnh và tránh dùng chung các loại vật dụng cá nhân với người khác.
- Duy trì lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng, ngủ đủ giấc, tập thể dục điều độ...
- Nói không với rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Con tôi thường xuyên bị đau bụng, sốt cao, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng này của con tôi là gì?
3. Mức độ bệnh viêm hạch mạc treo của con tôi có nghiêm trọng không?
4. Con tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán tình trạng bệnh?
5. Con tôi có nguy cơ gặp những biến chứng nào từ tình trạng này?
6. Bệnh viêm hạch mạc treo có tự khỏi được không?
7. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của con tôi?
8. Con tôi có nên dùng thuốc kháng sinh không? Cách sử dụng như thế nào để tránh gây tác dụng phụ?
9. Quá trình điều trị viêm hạch mạc treo cho con tôi mất bao lâu thì khỏi?
10. Bệnh có tái phát trở lại sau khi đã điều trị không?
Viêm hạch mạc treo là tình trạng sưng viêm hạch bạch huyết trong mạc treo phổ biến ở trẻ em. Tuy không có biện pháp điều trị đặc hiệu nhưng đa số trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát được triệu chứng thông qua các biện pháp chăm sóc tích cực. Do đó, bố mẹ cần chú ý theo dõi trẻ và tìm kiếm các biện pháp điều trị phù hợp khi cần thiết.