Bệnh Uốn Ván
Bệnh uốn ván là một trong những bệnh lý nguy hiểm gây ra bởi một loại khuẩn uốn ván có tên là Clostridium tetani. Người bệnh bị vi khuẩn tấn công dẫn đến tổn thương não, tổn thương thần kinh trung ương, nếu không phát hiện kịp thời nguy cơ tử vong cao.
Tổng quan
Bệnh uốn ván (Tetaus) là tình trạng nhiễm trùng mức độ cấp tính với các triệu chứng vô cùng nặng nề. Bệnh xuất hiện khi cơ thể nhiễm phải ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani). Toàn bộ cơ thể đều chịu ảnh hưởng khi mắc phải chứng bệnh này. Đặc biệt nghiêm trọng khi não bộ, hệ thần kinh bị tổn thương, rủi ro tử vong cao.
Khác với một số bệnh theo mùa, uốn ván có thể xuất hiện ở bất kỳ thời gian nào trong năm. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh uốn ván được tiêm cho trẻ em và người lớn tại các cơ sở y tế, trung tâm tiêm chủng trong nước. Bạn đọc nên chủ động tìm hiểu và lựa chọn dịch vụ phù hợp để thực hiện tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh uốn ván xảy ra do một loại trực khuẩn gram dương có tên là Clostridium tetani gây ra. Cấu tạo của trực khuẩn uốn ván được bao bọc bởi một lớp lông quanh thân, trong môi trường yếm khí chúng di chuyển một cách tương đối. Các trực khuẩn tạo ra nha bào, chúng có thể tồn tại ở trong môi trường 56 độ C, trong khi các trực khuẩn uốn ván bị chết đi.
Vi khuẩn gây uốn ván xuất hiện ở khắp mọi nơi, gây bệnh ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt các khu vực chăn nuôi, vùng nông nghiệp trọng điểm với lượng lớn chất thải thải ra hàng ngày, và những vùng không được tiêm phòng bệnh từ sớm.
Người ta có thể tìm thấy vi khuẩn uốn ván ở bên trong ruột gia súc, thậm chí là bên trong ruột con người. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi phát hiện nha bào uốn ván ở bên trong phân hoặc các đồ vật bị dính phải chất thải của vật nuôi, con người.
Thời gian ủ bệnh khi nha bào tiếp xúc với vết thương hở trong khoảng 3-21 ngày, sau đó các triệu chứng bắt đầu bùng phát. Tùy vào mức độ viêm nhiễm tại vết thương mà thời gian ủ bệnh ngắn hay kéo dài. Bệnh không lây nhiễm từ người sang người.
Phương thức lây truyền của bệnh uốn ván là từ các nha bào, chúng xâm nhập vào vết thương khi người bệnh tiếp xúc với vùng đất, bụi bẩn, phân súc vật,... có nha bào uốn ván. Một số trường hợp bị uốn ván sau phẫu thuật, nạo phá thai tại địa điểm không vệ sinh, không đảm bảo an toàn y tế.
Trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm uốn ván có thể là do quá trình cắt dây rốn không đảm bảo, dụng cụ bẩn, quá trình chăm sóc cuống rốn sau sinh không đúng cách,... Còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bệnh uốn ván.
Đối tượng nằm trong danh sách có nguy cơ cao mắc phải chứng bệnh này bao gồm:
- Người làm trong những trang trại chăn nuôi.
- Người phải làm việc ngoài đồng ruộng, công nhân xây dựng.
- Công nhân dọn vệ sinh đường phố, lao công tại nơi công cộng.
- Người tham gia tình nguyện dọn vệ sinh, thanh niên xung phong, bộ đội,...
Vi khuẩn uốn ván có thể gây bệnh khi tiếp xúc với các vết thương trên cơ thể. Do đó nếu bạn đang có vết thương hở, vết xăm, mới xỏ khuyên tai, tiêm phòng, vết bỏng, chấn thương, vết mổ,... hãy thận trọng chăm sóc, vệ sinh cẩn thận để tránh nhiễm phải trực khuẩn uốn ván.
Triệu chứng và chẩn đoán
Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào trong cơ thể người có thời gian ủ bệnh từ 3-21 ngày. Theo từng thời kỳ các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
Thời kỳ ủ bệnh
Như đã đề cập, trong khoảng 3-21 ngày là thời gian ủ bệnh tính từ khi vi khuẩn thâm nhập đến khi bùng phát triệu chứng đầu tiên. Tùy mức độ viêm nhiễm ở mỗi người mà thời gian ủ bệnh dài hay ngắn. Biểu hiện ghi nhận đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh uốn ván là tình trạng cứng hàm.
Theo thống kê cho thấy, có khoảng 15% trong tổng số bệnh nhân bùng phát triệu chứng ngay từ ngày thứ 3, 10% phát bệnh vào từ ngày thứ 14. Trung bình sau khoảng 1 tuần nhiễm khuẩn, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện biểu hiện bất thường và ngày càng nặng hơn theo thời gian.
Thời kỳ tiến triển
Sau khi xuất hiện tình trạng cứng hàm, các cơn co giật cơ thể, co giật hầu họng và thanh quản bắt đầu khởi phát. Các triệu chứng từ khi bắt đầu đến giai đoạn bệnh nặng hơn gồm:
- Cứng hàm: Khó nuốt, nuốt vướng, mỏi hàm, nhai khó khăn, há miệng khó. Hàm càng cắn chặt hơn khi đè lưỡi ấn hàm xuống. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh uốn ván mà hầu hết người bệnh đều gặp phải.
- Cứng cơ mặt: Hình thành nếp nhăn rõ trên trán, chân mày cau lại, xuất hiện vết hằn sâu ở vùng rãnh mũi và má.
- Co cứng cơ gáy: Cúng cổ khó cử động, không ngừa, cúi được bình thường, nhìn rõ sự thay đổi cơ ức đòn hai bên.
- Co cứng cơ lưng: Lưng bị uốn cong hoặc ưỡn thẳng bất thường.
- Các trường hợp co cứng khác: Co cứng cơ ngực, cơ chi trên và các cơ chi dưới.
Tình trạng co cứng này xuất hiện và ngày càng trở nên nghiêm trọng khi cơ thể người bệnh gặp phải một kích thích nào đó. Cơn đau cũng nghiêm trọng hơn khiến người bệnh vô cùng đau khổ. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốt cao, kèm theo tình trạng nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn.
Thời kỳ toàn phát
Các triệu chứng bắt đầu trở nên nặng nề hơn. Thời gian kéo dài từ 1-3 tuần tính từ thời kỳ khởi phát đến hết giai đoạn toàn phát. Các biểu hiện bao gồm:
- Người bệnh đau đớn, cứng cơ, co giật tăng lên, đặc biệt nặng hơn khi bị kích thích.
- Người bệnh bị ưỡn cong, đây là triệu chứng điển hình của bệnh nhân mắc uốn ván.
- Khó thở, cơ thể tím tái, có khi bị ngạt thở, suy tim do thanh quản bị co thắt ngày càng nặng nề.
- Hầu họng, các cơ vòng cũng bị co thắt dữ dội gây ra triệu chứng khó nuốt, ứ đọng đờm dãi, bí tiểu,...
- Các cơn co giật toàn thân xuất hiện ngày càng nhiều. Người bệnh vẫn tỉnh táo trong khi cơn co giật toàn thân xuất hiện, tuy nhiên có thể ngừng thở bất cứ lúc nào.
- Trong cơn co giật thanh quản có thể bị co thắt nhiều hơn dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, ngừng thở và tử vong.
- Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật khi bị uốn ván nặng, quan sát da dẻ tái xanh, mồ hôi vã ra ồ ạt, đờm dãi tiết ra nhiều hơn, thân nhiệt có khi lên đến 39-40 độ C, huyết áp thay đổi liên tục, nhịp tim đập loạn xạ,...
Thời kỳ lui bệnh
Các cơn co thắt bắt đầu thuyên giảm, thưa dần. Hiện tượng toàn thân của người bệnh bị co cứng cũng giảm tần suất. Lúc này người bệnh có thể phản xạ nuốt tốt hơn, há mở miệng dễ dàng hơn giai đoạn bùng phát dữ dội.
Trên đây là những biểu hiện xảy ra khi người trưởng thành bị nhiễm trực khuẩn uốn ván. Trường hợp ở trẻ em, hay còn gọi là uốn ván rốn có thời gian ủ bệnh ngắn trong khoảng 2 ngày. Từ ngày thứ 3 trở đi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Uốn ván xảy ra ở trẻ sơ sinh thường là trong khoảng 2 tuần sau khi chào đời.
Trẻ em bị uốn ván thường có các biểu hiện như cứng hàm khó bú, cơ thể co cứng, người ưỡn cong,... Nếu trẻ sơ sinh không được khám chữa kịp thời khả năng tử vong cao hơn so với người trưởng thành do cơ thể của trẻ chưa phát triển toàn diện, khả năng chống chọi với bệnh kém.
Chẩn đoán
Chẩn đoán uốn ván dựa trên các biểu hiện lâm sàng bao gồm hiện tượng co cứng hàm, khít hàm, cứng cơ toàn thân kèm theo đau, co giật toàn thân,... Thông thường người bệnh sẽ có vết thương trước khi các triệu chứng uốn ván xuất hiện.
Dựa trên các triệu chứng ở người lớn, trẻ sơ sinh bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh uốn ván một cách dễ dàng. Bởi, hầu hết các triệu chứng kể trên đều là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết uốn ván. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định nuôi cấy vi trùng uốn ván, đo nồng độ kháng thể trong máu để chẩn đoán bệnh, tuy nhiên các thủ thuật cần lâm sàng thường ít khi sử dụng.
Biến chứng và tiên lượng
Uốn ván là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng biến chứng cao, thậm chí có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Các rủi ro xảy ra khi bệnh nhân không kịp thời điều trị như:
- Biến chứng xương khớp: Người bị uốn ván có những cơn co thắt, co giật cơ thể dữ dội, trường hợp nặng nề có thể dẫn đến gãy xương.
- Biến chứng đường hô hấp: Người bệnh có thể bị viêm phổi, co thắt thanh quản nghiêm trọng dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
- Biến chứng thần kinh: Rối loạn thần kinh thực vật, động kinh,... Nhiễm trùng uốn ván dẫn đến tổn thương dây thần kinh và ảnh hưởng đến não bộ.
- Các biến chứng khác: Ngoài các rủi ro nặng nề đã nêu, bệnh nhân có thể bị suy thận, thuyên tắc phổi nghiêm trọng kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Người bệnh uốn ván có thể tử vong sau khi các triệu chứng bùng phát nặng nề không được kiểm soát kịp thời. Chính vì thế, ngay khi bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường hãy đến bệnh viện kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị
Bệnh bùng phát trong vòng 2 ngày đầu là thời điểm thích hợp để bạn điều trị uốn ván. Bởi thời gian này cơ thể vẫn còn tỉnh táo, triệu chứng sốt cao có tần suất xuất hiện thấp. Tuy nhiên nếu không can thiệp, các triệu chứng bắt đầu nặng nề hơn với nhiều cơn co giật, cứng cơ, sốt cao,...
Người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được kiểm tra, theo dõi và điều trị sớm. Dựa trên tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ kịp thời chỉ định phương án kiểm soát triệu chứng, ngăn rủi ro ảnh hưởng tính mạng của người bệnh.
Nguyên tắc điều trị bao gồm:
- Hạn chế tối đa các kích thích đến cơ thể bệnh nhân để không ảnh hưởng các cơn co giật, không gây đau đớn cho người bệnh.
- Sử dụng thuốc kháng sinh nhằm loại bỏ các trực khuẩn uốn ván tồn tại trong cơ thể.
- Sử dụng phương pháp trung hòa độc tố uốn ván trong máu người bệnh bằng biện pháp SAT.
- Áp dụng kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn cơn co cứng cơ, co giật hoặc các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật.
- Dùng các biện pháp hỗ trợ duy trì nhịp tim, nhịp thở, cung cấp oxy cho người bệnh kéo dài tiên lượng sống.
Phương pháp điều trị bao gồm:
Sử dụng kháng sinh: Tiêm Metronidazol đường tĩnh mạch 8 tiếng/lần, liều lượng 0,5g/lần, ngày không quá 3 lần tiêm. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm kháng sinh Cephalosporin cho bệnh nhân. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày.
Trung hòa độc tố uốn ván trong máu: Tiếp tục tiêm SAT cho người bệnh nếu trước đó bệnh nhân đã được tiêm SAT tại bệnh viện tuyến trước. Lưu ý nên test thử trước khi tiêm, trường hợp SAT dương tính tiến hành giải mẫu cảm bằng Besredka.
Khống chế co giật, co cứng cơ, rối loạn thần kinh thực vật:
- Dùng Diazepam tiêm hoặc uống 2-4 tiếng/lần. Tùy từng trường hợp điều chỉnh liều lượng đảm bảo cắt đứt cơn co giật cho người bệnh, tuy nhiên hiện tượng co cứng cơ có thể còn xảy ra ở mức độ nhẹ. Không sử dụng quá 240mg Diazepam trong ngày cho bệnh nhân. Trường hợp thuốc không hiệu quả tối ưu cần dùng thêm Thiopental.
- Sử dụng Cocktaillytique nhằm khống chế cơn co giật, kết hợp Aminazin, Dimedrol với liều lượng được chỉ định. Tiêm bắp theo chỉ định của bác sĩ.
Hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn: Sử dụng dụng cụ hỗ trợ duy trì hô hấp cho bệnh nhân, cho người bệnh thở máy oxy, truyền dịch, thêm thuốc vận mạch khi cần thiết.
Vị trí vết thương nơi vi khuẩn xâm nhập cần được làm sạch, thay băng hàng ngày. Bên cạnh đó, người bệnh cần được đặt sonde dạ dày, sonde tiểu. Chăm sóc người bệnh đúng cách, đặc biệt là tuân thủ thời gian để bệnh nhân uống thuốc, ăn súp. Hộ lý, người chăm bệnh cần thường xuyên vệ sinh, hút đờm nhớt, chống loét cho người bệnh.
Sau khi cơ thể trở về thân nhiệt bình thường, không xuất hiện các cơn co cứng, người bệnh đi lại được và nói chuyện, ăn uống bình thường, vết thương phục hồi hoàn toàn có thể ra viện về nhà tiếp tục chăm sóc, theo dõi.
Phòng ngừa
Vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết thương hở. Chính vì thế, nếu bạn có vết cắt sâu, da bị đâm thủng, bị động vật cắn,... cần chăm sóc, vệ sinh vết thương đúng cách để ngăn nguy cơ nhiễm trực khuẩn uốn ván. Một số lưu ý:
- Băng bó vết thương cẩn thận, cầm máu bằng băng gạc sạch, kiểm soát vết thương tránh mất máu.
- Vệ sinh vết thương bằng nước máy sạch hoặc dung dịch nước muối loãng, dung dịch sát khuẩn y tế. Đừng quên làm sạch các vùng xung quanh với nước sạch, khăn bông thấm khô.
- Làm sạch vết thương, diệt khuẩn bằng lớp kem kháng sinh, thuốc mỡ chứa chất kháng sinh an toàn với vết thương hở. Thuốc có tác dụng ngăn căn sự xâm nhập của vi khuẩn, đồng thời giúp vết thương lành lại nhanh chóng hơn.
- Băng bó vết thương, thường xuyên thay băng và vệ sinh làm sạch bề mặt vết thương.
- Trong thời gian này bạn nên chọn lựa trang phục thoải mái, không nên mặc đồ bó sát, thay đồ mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn, viêm nhiễm vùng đang điều trị.
Hạn chế đi chân đất ở những vùng có nguy cơ dẫm phải đinh, đồ sắt nhọn, kim tiêm,... Tránh những tổn thương trên cơ thể càng ít càng tốt. Trường hợp vô tình bị thương hãy nhớ chăm sóc, vệ sinh vết thương như những lưu ý kể trên.
Ngoài ra, ngay từ sớm bạn nên đến trung tâm tiêm phòng để thực hiện tiêm ngừa uốn ván. Hiện nay vắc xin phòng bệnh đã có tại nhiều cơ sở y tế, trung tâm tiêm chủng trong nước, bạn nên tìm hiểu và sớm tiêm chủng cho bản thân và người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tình trạng uốn ván tôi đang gặp phải có nguy hiểm không?
2. Dùng thuốc điều trị uốn ván có khỏi hoàn toàn được không? Có di chứng gì không?
3. Uốn ván có ảnh hưởng gì sau điều trị hay không?
4. Bị uốn ván có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi hay không?
5. Uốn ván có lây nhiễm từ mẹ sang con không?
6. Khi nào thì nên tiêm ngừa bệnh uốn ván?
7. Phụ nữ đang mang thai có tiêm ngừa uốn ván được không?
8. Bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?
Bệnh uốn ván có nguy cơ gây tử vong cao nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kiểm soát sớm. Đây là một trong những bệnh lý nhiễm khuẩn có mức độ nguy hiểm cao. Đừng chủ quan trước những biểu hiện bất thường cơ thể gặp phải. Ngoài chủ động phòng tránh, bạn nên thực hiện tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.