Bệnh Lạc Nội Mạc Tử Cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh lạc nội mạc tử cung là vấn đề đáng lo ngại với sức khỏe sinh sản của nữ giới. Căn nguyên chưa rõ nhưng có liên quan đến di truyền, tăng hormone estrogen và cấu trúc đường sinh dục bất thường. Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào vị trí của nội mạc tử cung, triệu chứng, độ tuổi và mong muốn của người bệnh.

Tổng quan

Bệnh lạc nội mạc tử cung (Adenomyosis) là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bên ngoài lòng tử cung, thường gặp nhất là buồng trứng, mặt sau của tử cung, ống dẫn trứng, mô nâng đỡ tử cung, thậm chí phát triển ở cả bàng quang và đường tiêu hóa dưới.

Ở phụ nữ khỏe mạnh, nội mạc tử cung sẽ chỉ phát triển bên trong lòng tử cung. Độ dày, mỏng của lớp nội mạc phụ thuộc vào sự tăng giảm của hormone estrogen và progesterone.

lạc nội mạc tử cung
Bệnh lạc nội mạc tử cung xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài lòng tử cung

Thường thì sau khi rụng trứng, lớp niêm mạc sẽ dày lên dưới tác động của progesterone nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ thai. Nếu không có thụ tinh, lớp niêm mạc sẽ bong ra và được đào thải trong thời gian hành kinh. Quá trình này sẽ lặp đi lặp lại mỗi tháng theo chu kỳ.

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được biết rõ. Mô nội mạc xuất hiện ở những vị trí bất thường sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan xung quanh, gây tổn thương dạng viêm, sẹo, xơ hóa. Một số trường hợp còn có thể tích tụ dịch tạo thành u nang.

Tần suất mắc bệnh chiếm 5 - 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, đặc biệt là từ 30 - 40 tuổi. Bên cạnh hội chứng đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân gây vô sinh phổ biến không kém. Do đó, nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức về căn bệnh này để có thể kịp thời phát hiện, điều trị khi mắc phải.

Phân loại bệnh

Bệnh lạc nội mạc tử cung được chia thành nhiều loại dựa vào giai đoạn phát triển. Thực tế, có khá nhiều cách phân loại bệnh lý này. Tuy nhiên, các bệnh viện Sản phụ khoa ở nước chủ yếu sử dụng cách phân loại sau:

Sang thương bề mặt phúc mạc

Sang thương bề mặt phúc mạc hay còn gọi là hẹp nội mạc tử cung. Đây là tình trạng nội mạc tử cung xuất hiện ở bề nông của lớp phúc mạc hoặc thanh mạc các tạng. Phúc mạc là lớp màng mỏng có chức năng bảo vệ các cơ quan. Do đó, nội mạc tử cung xuất hiện ở vị trí này thường có mức độ nhẹ, ít nghiêm trọng hơn so với các loại khác.

Tổn thương xuất hiện chủ yếu ở phúc mạc vùng chậu, tuy nhiên cũng có khi gặp ở những vị trí xa hơn như đại tràng.

Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng

Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là tình trạng nội mạc tử cung xuất hiện ở buồng trứng. Như đã biết, buồng trứng là cơ quan phóng noãn, sản xuất hormone sinh dục nữ và một số hormone quan trọng khác.

Nội mạc tử cung “lạc” ở buồng trứng sẽ làm xuất hiện các nang chứa dịch, do thoái hóa tế bào máu và nội mạc tử cung. Đặc điểm của nang này là có màu nâu đen, kích thước đa dạng khoảng vài cm nhưng cũng có khi lớn đến hàng chục cm. Sự xuất hiện của các nang ở buồng trứng chính là nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu

Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu đề cập đến tình trạng nội mạc tử cung xâm lấn sâu vào bên dưới thanh mạc và phúc mạc của các tạng. Dạng này có mức độ nghiêm trọng, dễ phát sinh biến chứng. Khoảng 1 - 5% trường hợp mắc bệnh gặp phải lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải chính xác vì sao nội mạc tử cung lại xuất hiện và phát triển ở những vị trí bất thường. Dù vậy, một số tác nhân tham gia vào cơ chế bệnh sinh và gia tăng nguy cơ mắc bệnh đã được xác định.

Một số yếu tố có thể gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung bao gồm:

Trào ngược kinh nguyệt

Khi hành kinh, tế bào bên trong lòng tử cung sẽ bong ra và được đào thải qua cổ tử cung, sau đó đi ra bên ngoài thông qua âm đạo. Tuy nhiên, do một số tác động, máu kinh có thể bị trào ngược lên trên thoát ra ở buồng trứng, vòi trứng. Sau đó, các tế bào sẽ bám vào các cơ quan và phát triển gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung.

bệnh lạc nội mạc tử cung là gì
Trào ngược máu kinh được cho là yếu tố trực tiếp gây bệnh lạc nội mạc tử cung

Cấu trúc đường sinh dục bất thường

Cấu trúc đường sinh dục bất thường là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Do cấu trúc khác thường nên máu kinh có thể tràn ra bên ngoài và phát triển ở những vị trí bên ngoài lòng tử cung.

Tiền sử gia đình, gen di truyền

Nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung tăng lên đáng kể nếu bà, mẹ, chị em ruột mắc phải bệnh lý này. Gen quy định cấu trúc đường sinh dục, hormone sinh dục nữ… nên ít nhiều sẽ có liên quan đến cơ chế bệnh sinh.

nguyên nhân gây bệnh lạc nội mạc tử cung
Gen di truyền cũng được cho là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung

Các yếu tố khác

  • Chưa từng sinh con, vô sinh - hiếm muộn
  • Có kinh nguyệt sớm (trước năm 11 tuổi)
  • Bị rối loạn kinh nguyệt (vòng kinh ngắn, chảy máu kinh nhiều, rong kinh)
  • Phụ nữ gầy yếu, suy dinh dưỡng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Hormone estrogen quá cao

Những yếu tố này mới chỉ được xác định là tác nhân gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Để có thể đưa ra kết luận chính thức, các chuyên gia sẽ cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Trong thời gian đầu, lạc nội mạc tử cung gần như không có triệu chứng. Chỉ khi nội mạc phát triển lớn gây viêm, sẹo, xơ hóa hoặc hình thành nang, cơ thể mới xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung sẽ phụ thuộc vào vị trí mà tế bào nội mạc tử cung phát triển. Nhưng nhìn chung, phụ nữ mắc căn bệnh này sẽ có những biểu hiện như sau:

biểu hiện bệnh lạc nội mạc tử cung
Biểu hiện dễ nhận thấy của bệnh lạc nội mạc tử cung là đau bụng dữ dội trong thời gian hành kinh

  • Đau bụng kinh, đau dữ dội hơn so với thời gian trước.
  • Đau lưng dưới, đau vùng hông vào những ngày đèn đỏ.
  • Giảm cảm giác khi quan hệ, thậm chí đau khi giao hợp.
  • Ra máu bất thường, có thể bị chảy máu ngoài thời gian hành kinh.
  • Chảy máu sau khi quan hệ.
  • Có máu lẫn trong nước tiểu, phân, khó chịu khi tiểu tiện và đại tiện sẽ xảy ra nếu nội mạc tử cung phát triển ở bàng quang và đại tràng.
  • Khó mang thai, vô sinh - hiếm muộn.
  • Có thể đi kèm với các triệu chứng toàn thân như căng thẳng, táo bón, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ đến sốt cao…

Để được chẩn đoán, nên thăm khám nếu nghi ngờ mắc căn bệnh này.

Chẩn đoán

Tương tự như các bệnh phụ khoa khác, lạc nội mạc tử cung sẽ được chẩn đoán bằng cách khám thực thể, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm CA-125, soi đại tràng, bàng quang, nội soi ổ bụng… Trong đó, nội soi ổ bụng có giá trị nhất trong chẩn đoán lạc nội mạc tử cung.

biểu hiện bệnh lạc nội mạc tử cung
Siêu âm, xét nghiệm máu, nội soi bụng... là những kỹ thuật được thực hiện để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Dựa vào lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, có thể xác định bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đánh giá giai đoạn bệnh thông qua nội soi và các xét nghiệm hình ảnh:

  • Giai đoạn I: Lạc nội mạc tử cung giai đoạn I có mức độ nhẹ, ít nguy hiểm. Trong các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ có thể nhìn thấy một vài mô ở vùng chậu hoặc bụng dưới và gần như không có mô sẹo.
  • Giai đoạn II: Ở giai đoạn II, bác sĩ quan sát thấy nhiều mô hơn. Đặc điểm là mô nằm sâu hơn, một số mô đã xơ hóa thành sẹo.
  • Giai đoạn III: Lạc nội mạc tử cung giai đoạn III cảnh báo mô nội mạc tử cung đã xâm lấn khá sâu. Lúc này buồng trứng, vòi trứng và các cơ quan khác đã xuất hiện mô xâm lấn sâu.
  • Giai đoạn IV: Giai đoạn VI được xác định là giai đoạn nặng nhất khi các tế bào nội mạc tử cung lan rộng, mô ăn sâu vào bên trong kèm theo mô sẹo. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với một loạt các biến chứng nguy hiểm.

Điều đặc biệt là mức độ triệu chứng không phụ thuộc vào giai đoạn của lạc nội mạc tử cung. Nhiều trường hợp dù ở giai đoạn I nhưng vùng chậu đau dữ dội, chảy máu bất thường. Trong khi đó, nhiều người bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn IV gần như không có biểu hiện đau.

Biến chứng và tiên lượng

Lạc nội mạc tử cung có tiên lượng tốt nếu được thăm khám và điều trị sớm. Với những trường hợp phát hiện kịp thời, sự phát triển của nội mạc tử cung sẽ được kiểm soát. Qua đó có thể giảm cơn đau và cải thiện khả năng sinh sản cho nữ giới.

Ảnh hưởng lớn nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu dai dẳng, đau bụng kinh, lưng dưới… Cơn đau có mức độ rất nặng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì triệu chứng gần như dai dẳng nên nhiều bệnh nhân trở nên căng thẳng, lo âu, trầm cảm.

Sự phát triển của nội mạc tử cung ở những vị trí bất thường cũng là gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư tuyến dạng nội mạc tử cung. Các biến chứng này đều đe dọa đến tính mạng, vì vậy cần phải điều trị tích cực để bảo vệ sức khỏe.

biểu hiện của bệnh lạc nội mạc tử cung
Phần lớn nữ giới bị lạc nội mạc tử cung đều có nguy cơ cao vô sinh - hiếm muộn

Lạc nội mạc tử cung và vô sinh - hiếm muộn có mối liên hệ mật thiết. Bên cạnh hội chứng đa nang buồng trứng thì căn bệnh này là nguyên nhân thứ 2 gây vô sinh ở nữ giới trong độ tuổi từ 30 - 40. Thống kê cho thấy, khoảng ⅖ phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung không thể mang thai tự nhiên.

Sự phát triển bất thường của nội mạc tử cung không gây vô sinh trực tiếp. Tuy nhiên, đây được xem là nguyên nhân cản trở quá trình rụng trứng, làm tắc nghẽn vòi trứng, gia tăng tỷ lệ sảy thai do phôi thai khó làm tổ…  Bên cạnh đó, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có miễn dịch và nội tiết bất thường. Những yếu tố này khiến cho việc thụ thai và giữ thai trở nên khó khăn hơn bình thường.

Điều trị

Lạc nội mạc tử cung phát triển âm thầm và đôi khi không có bất cứ triệu chứng nào trong thời gian dài. Phần lớn các trường hợp đến thăm khám là do triệu chứng đau vùng chậu dữ dội, một số khác “vô tình” phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ.

Hiện tại, không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm lạc nội mạc tử cung. Các phương pháp được áp dụng chỉ giúp kiểm soát bệnh, quản lý cơn đau và các vấn đề sức khỏe có liên quan như vô sinh - hiếm muộn, u nang…

Nếu không có triệu chứng đau hoặc (và) vô sinh, lạc nội mạc tử cung sẽ không có chỉ định điều trị. Tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của bệnh nhân, điều trị có thể bao gồm các phương pháp sau:

Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng với mục đích giảm đau do lạc nội mạc tử cung gây ra. Lựa chọn ưu tiên là các loại thuốc giảm đau nhẹ và vừa, trường hợp đau dữ dội có thể dùng thuốc giảm đau cơ chế thần kinh.

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung:

  • Thuốc giảm đau Paracetamol
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen…
  • Thuốc giảm đau gây opioid như Tramadol, Codein

Liệu pháp hormone

Ngoài dùng thuốc giảm đau, liệu pháp hormone được cân nhắc để kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh.

biểu hiện của bệnh lạc nội mạc tử cung
Thuốc tránh thai được dùng để làm mất kinh, qua đó giảm cơn đau dữ dội liên quan đến kinh nguyệt

Các loại thuốc hormone được sử dụng trong điều trị bao gồm:

  • Thuốc tránh thai Progestin/ viên ngừa thai kết hợp: Nhóm thuốc này cũng có thể giảm đau do lạc nội mạc tử cung bằng cách gây mất kinh. Trường hợp không có hiệu quả, cần ngưng dùng sau 3 tháng.
  • Progestin đường tiêm: Nếu sử dụng đường uống không mang lại hiệu quả, Progestin đường tiêm sẽ được chỉ định. Thuốc giúp tăng hormone progesterone, từ đó gây mất kinh nguyệt ở nữ giới. Khi không có kinh nguyệt, cảm giác đau dữ dội vào những ngày hành kinh sẽ được kiểm soát hoàn toàn.
  • Danazol: Danazol là một trong những loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị lạc nội mạc tử cung. Thuốc có cơ chế làm tăng testosterone trong cơ thể, từ đó làm giảm estrogen trong máu. Khi hormone sinh dục nữ giảm, nội mạc tử cung sẽ teo dần. Thuốc cần được dùng lâu dài để làm teo triệt để niêm mạc tử cung. Hạn chế khi dùng Danazol là tỷ lệ tái phát cao (khoảng 37% sau 5 năm điều trị).
  • Chất đồng vận GnRH: Chất đồng vận GnRH được sử dụng để làm giảm chức năng sản xuất hormone của trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng. Từ đó làm sụt giảm estrogen và làm teo nội mạc tử cung. Giảm estrogen mạnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và một loạt các vấn đề sức khỏe. Do đó, chất đồng vận GnRH thường không được dùng quá 6 tháng.

Liệu pháp hormone được cân nhắc kỹ lưỡng vì đi kèm với nhiều tác dụng phụ và rủi ro. Vì vậy, nếu không cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ đề xuất dùng các loại thuốc giảm đau và thuốc tránh thai hằng ngày.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được cân nhắc khi điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Đau vùng chậu dữ dội, dai dẳng, xuất hiện biến chứng xoắn hoặc vỡ nang ở buồng trứng. Phần lớn các trường hợp phải phẫu thuật đều là dạng lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.

điều trị lạc nội mạc tử cung
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh đã gây ra biến chứng u nang, đau dữ dội và không đáp ứng với điều trị nội khoa

Hiện tại, phẫu thuật nội soi chiếm ưu thế so với mổ mở truyền thống. Mục tiêu của can thiệp ngoại khoa là loại bỏ tổn thương do nội mạc tử cung gây ra bằng các kỹ thuật như dẫn lưu, đốt lòng nang (áp dụng cho nam dưới 3cm), bóc nang (chỉ định với nang trên 3cm).

Can thiệp ngoại khoa giúp ngăn ngừa biến chứng và quản lý cơn đau dai dẳng ở vùng chậu. Tuy nhiên để tránh tái phát sau phẫu thuật, cần phải điều trị nội khoa hỗ trợ từ 3 - 6 tháng.

Các biện pháp hỗ trợ sinh sản

Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân gây giảm khả năng thụ thai. Trường hợp bệnh nhân mong muốn có thai, có thể cân nhắc một số biện pháp hỗ trợ sinh sản sau:

Thụ tinh nhân tạo (IUI):

Thụ tinh nhân tạo (IUI) không thật sự mang lại hiệu quả trong điều trị vô sinh ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, can thiệp phương pháp này có thể kích thích buồng trứng, từ đó gia tăng tỷ lệ mang thai.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF):

Nếu không thể mang thai tự nhiên, thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được thực hiện. IVF là phương pháp cho trứng và tinh trùng thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó mới chuyển vào bên trong tử cung để phôi làm tổ và phát triển.

điều trị lạc nội mạc tử cung
Các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IVF được thực hiện để giúp phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung mang thai

Trước khi làm IVF, phụ nữ cần được đánh giá dự trữ buồng trứng, vòi dẫn trứng. Nếu cần thiết, phải phẫu thuật và dùng thuốc để đảm bảo phôi sau khi chuyển có thể phát triển thuận lợi.

Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI):

Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) là biện pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong điều trị vô sinh - hiếm muộn do nhiều nguyên nhân.

Trong phương pháp ICSI, bác sĩ sẽ tiêm tinh trùng vào bào tương ứng để tạo phôi thai. Phôi sau đó sẽ được chuyển vào bên trong tử cung để làm tổ và phát triển. Hiện nay, ICSI được lựa chọn nhiều hơn IVF cổ điển vì mang lại tỷ lệ thụ tinh cao và tạo được nhiều phôi hơn.

Sau khi được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, nên lên kế hoạch mang thai sớm để gia tăng tỷ lệ mang thai tự nhiên. Ngoài ra, tỷ lệ thành công của các biện pháp hỗ trợ sinh sản cũng sẽ cao hơn ở phụ nữ trẻ tuổi.

Các biện pháp hỗ trợ sinh sản có chi phí thực hiện cao. Hơn nữa, không phải trường hợp nào cũng thành công khi thực hiện IVF và ICSI. Bản thân nữ giới can thiệp các biện pháp sinh sản rất dễ bị trầm cảm, lo âu… nên cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần trước, trong và sau khi thực hiện.

Thay đổi lối sống

Lạc nội mạc tử cung là bệnh hay tái phát và chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn. Vì vậy, ngoài sử dụng thuốc, cần phải thay đổi lối sống để ngăn tiến triển và quản lý triệu chứng đau.

Lối sống dành cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Hạn chế thịt đỏ, chất béo động vật và gia tăng chất xơ đã được chứng minh có thể cải thiện bệnh lạc nội mạc tử cung. Khi ăn quá nhiều thịt đỏ, nồng độ prostaglandin tăng mạnh làm tăng sản xuất estrogen. Từ đó khiến lạc nội mạc tử cung tiến triển mạnh, dễ tái phát.
  • Hạn chế bia rượu và thức uống chứa caffeine.
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
  • Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện bệnh lạc nội mạc tử cung. Thói quen lành mạnh này sẽ giúp điều hòa hormone estrogen và giảm cơn đau vào những ngày hành kinh.

Phòng ngừa

Bệnh lạc nội mạc tử cung không có nguyên nhân rõ ràng. Do đó, gần như không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn. Dù vậy, phụ nữ có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm tỷ lệ mắc bệnh:

  • Tăng estrogen quá mức là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Vì vậy, không nên tự ý dùng viên uống, TPCN bổ sung estrogen.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thịt đỏ ở vừa phải, kiêng rượu bia và cà phê.
  • Tầm soát lạc nội mạc tử cung ít nhất 1 năm/ lần nếu bà, mẹ và chị em gái ruột mắc căn bệnh này.
  • Tập thói quen khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung?

2. Bệnh lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không? Ảnh hưởng như thế nào nào đến sức khỏe và cuộc sống?

3. Có nhất thiết phải điều trị lạc nội mạc tử cung?

4. Tỷ lệ mang thai khi bị lạc nội mạc tử cung? Có con được không?

5. Nên điều trị lạc nội mạc tử cung bằng thuốc hay phẫu thuật?

6. Bị lạc nội mạc tử cung có nhất thiết phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản?

7. Điều trị lạc nội mạc tử cung mất bao lâu?

8. Chi phí chữa lạc nội mạc tử cung khoảng bao nhiêu? Có được BHYT chi trả?

9. Cần làm gì để quản lý bệnh lạc nội mạc tử cung?

10. Bị lạc nội mạc tử cung có cần tái khám? Bao lâu 1 lần?

Bệnh lạc nội mạc tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với căn nguyên chưa rõ. Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này. Do đó, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị sớm khi có vấn đề bất thường.