Bệnh Thoái Hóa Cột Sống
Thoái hóa cột sống là bệnh xương khớp mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh có mối liên hệ mật thiết với yếu tố tuổi tác và quá trình lão hóa nên không thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, có thể giữ bệnh ở giai đoạn ổn định nếu dùng thuốc đúng chỉ định, điều chỉnh lối sống và tích cực phục hồi chức năng.
Tổng quan
Bệnh thoái hóa cột sống (Degenerative Spine) là tình trạng sụn, đĩa đệm, màng hoạt dịch và phần xương dưới sụn bị thoái hóa.
Bệnh có tính chất mãn tính, tiến triển chậm với biểu hiện đặc trưng là cơn đau âm ỉ, dai dẳng và khả năng vận động bị hạn chế theo thời gian. Đặc điểm của các loại thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa cột sống nói riêng là không có phản ứng viêm.
Do có liên quan đến quá trình lão hóa nên thoái hóa cột sống thường gặp ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Tuy nhiên, tốc độ lão hóa có thể gia tăng khi có những yếu tố như sai tư thế, béo phì, làm việc nặng, chế độ sinh hoạt không lành mạnh,...
Cột sống có chức năng chống đỡ trọng lực của cơ thể, đảm bảo sự linh hoạt khi cử động, bảo vệ tủy sống… Do đó, hiện tượng thoái hóa thường sẽ xảy ra ở những vị trí chịu áp lực lớn như cổ và thắt lưng.
Bệnh tiến triển chậm nên đa số bệnh nhân đều chủ quan không điều trị sớm. Hầu hết các trường hợp đến thăm khám đều đã xuất hiện biến chứng các biến chứng như phình đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa…
Phân loại bệnh
Thoái hóa cột sống có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào. Tuy nhiên, cổ và thắt lưng là hai vị trí dễ bị tổn thương nhất do cường độ vận động cao và phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể. Có ba loại thoái hóa cột sống bao gồm:
- Thoái hóa cột sống cổ: Đây là tình trạng đốt sống cổ bị tổn thương do quá trình lão hóa. Hiện tượng thoái hóa thường xảy ra ở cột sống cổ C3, C4, C5, C6, C7.
- Thoái hóa cột sống ngực: Thoái hóa cột sống ngực ít gặp hơn so với thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng. Biểu hiện điển hình là đau ở vùng lưng giữa, cơn đau thường bùng phát khi gập người về phía trước.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: Xảy ra chủ yếu ở 2 vị trí là L4-L5 và L5-S1. Do nằm ở vị trí thắt lưng nên những đốt sống này phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể kể cả khi đứng và ngồi. Vì vậy, cột sống thắt lưng là vị trí có nguy cơ thoái hóa cao nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thoái hóa cột sống là kết quả do nhiều yếu tố tác động nhưng thường có liên quan đến tuổi tác cao. Theo thời gian, cột sống bị tổn thương do chịu áp lực quá tải dẫn đến mòn sụn, lộ xương dưới sụn, đĩa đệm, dây chằng xơ cứng, giảm tính đàn hồi…
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh thoái hóa cột sống:
- Tuổi tác cao
- Tính chất nghề nghiệp (lao động nặng, ngồi trong một thời gian dài…)
- Tiền sử chấn thương cột sống
- Tiền sử phẫu thuật cột sống
- Dị tật chi dưới (chân ngắn chân dài) làm cho cột sống bị cong vẹo, gia tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống
- Sai tư thế (đứng, ngồi, mang vác vật nặng…)
- Yếu tố di truyền
Triệu chứng và chẩn đoán
Thoái hóa cột sống không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là đau âm ỉ không dứt, dai dẳng kéo dài. Mức độ đau tăng lên khi cử động và giảm đáng kể khi nghỉ ngơi.
Bệnh có tiến triển chậm nên bệnh nhân có tâm lý chủ quan. Nếu không được điều trị, tình trạng thoái hóa sẽ tiếp diễn kéo theo một loạt các biến chứng nặng nề.
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống:
- Đau ở vị trí cột sống bị thoái hóa, có thể đau ở vùng lưng dưới, mông và bẹn hoặc đau ở cổ, vai và lưng trên.
- Đau âm ỉ, dai dẳng, giảm đáng kể khi nghỉ ngơi và tăng lên khi vận động.
- Trường hợp thoái hóa nặng sẽ gây đau liên tục, kéo dài ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Đi kèm với hiện tượng cứng cột sống, thường là vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Ban đầu, cứng khớp chỉ xảy ra khoảng dưới 30 phút nhưng sau đó tăng dần theo thời gian.
- Khi ưỡn ngực, cúi người sẽ nghe tiếng lục khục.
- Trường hợp nặng có thể gây hạn chế vận động, không thể cúi cổ và cúi gập người. Cột sống có thể bị biến dạng (gù, vẹo).
Các triệu chứng của thoái hóa cột sống khởi phát âm thầm, không rõ rệt ở giai đoạn đầu. Nếu nhận thấy cột sống bị đau dai dẳng kèm theo cứng khớp, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán.
Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về triệu chứng gặp phải, khai thác các yếu tố nguy cơ, tiền sử cá nhân… Sau bước khám lâm sàng, bệnh nhân cần thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như đo đường huyết, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm CRP, xét nghiệm chức năng gan, thận, X-Quang cột sống, chụp MRI, CT…
Biến chứng và tiên lượng
Thoái hóa cột sống có tiến triển nghiêm trọng dần theo thời gian. Ngoài yếu tố tuổi tác, sai tư thế, thường xuyên mang vác nặng… cũng là yếu tố khiến cho bệnh tiến triển nặng dần.
Nếu không được điều trị, mô sụn bao bọc đốt sống sẽ bị mài mòn hoàn toàn làm lộ phần xương dưới sụn. Đĩa đệm, dây chằng giảm tính đàn hồi. Khi mô sụn bị mài mòn, áp lực lên đĩa đệm gia tăng dẫn đến phình, lồi và thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, thoái hóa cột sống không được điều trị đúng cách còn gia tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa, gai cột sống,... Dần dần cột sống sẽ bị biến dạng dẫn đến gù, vẹo khiến cho chức năng vận động bị hạn chế.
Đau do thoái hóa cột sống ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày. Cơn đau xuất hiện thường xuyên khiến bệnh nhân khó có thể duy trì hiệu suất lao động. Dù không gây ra triệu chứng toàn thân nhưng đau dai dẳng có thể khiến cho tinh thần suy sụp, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém…
Điều trị
Thoái hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể nên không thể ngăn chặn. Tuy nhiên, có thể làm chậm tiến triển bằng cách dùng thuốc, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Điều trị ưu tiên luôn là các phương pháp bảo tồn. Chỉ khi phát sinh biến chứng, điều trị ngoại khoa mới được cân nhắc.
Các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa cột sống bao gồm:
Vật lý trị liệu
Trong giai đoạn đầu khi thoái hóa cột sống chưa gây đau nhiều, có thể kiểm soát triệu chứng bằng vật lý trị liệu. Phương pháp này giúp giảm đau, cứng khớp đáng kể. Đồng thời hỗ trợ tăng tính linh hoạt cho cột sống, giải phóng áp lực lên sụn, đĩa đệm bị thoái hóa và góp phần bảo tồn chức năng vận động.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa cột sống bao gồm:
- Xoa bóp, bấm huyệt
- Các bài tập thể dục
- Chiếu hồng ngoại
- Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da
- Chườm nóng
- Liệu pháp suối khoáng, bùn nóng
- Kéo nắn cột sống
Sử dụng thuốc
Thuốc dùng trong điều trị thoái hóa cột sống gồm có 2 loại chính là thuốc giảm triệu chứng và thuốc hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa. Thuốc sẽ được chỉ định từ loại có tác dụng nhẹ cho đến mạnh để giảm thiểu tối đa tác dụng ngoại ý.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh thoái hóa cột sống:
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau được dùng để làm giảm triệu chứng đau do thoái hóa cột sống gây ra. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc theo bậc, bậc 1 là Paracetamol, bậc 2 là Paracetamol kết hợp với opioid nhẹ (Tramadol, Codein).
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Được chỉ định khi Paracetamol không có đáp ứng. Bác sĩ sẽ ưu tiên dùng các loại thuốc ít có nguy cơ gây viêm loét dạ dày tá tràng như Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam, Celecoxib… Thuốc có thể được dùng ở dạng gel bôi ngoài da, tiêm bắp hoặc dạng uống.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ (Eperisone, Tolperisone) được dùng để giảm đau do co thắt. Bởi thoái hóa cột sống có thể gây co thắt các cơ xung quanh dẫn đến đau nhiều, đau dữ dội.
- Thuốc ức chế interleukin 1: Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm và làm chậm tiến triển của quá trình thoái hóa sụn, xương ở cột sống. Đối với bệnh thoái hóa cột sống, Diacerein là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất.
- Các loại thuốc hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa: Glucosamine sulfate và Chondroitin sulphate có tác dụng làm chậm quá trình thoái hóa, thúc đẩy phục hồi mô sụn, gia tăng độ đàn hồi cho dây chằng và đĩa đệm. Nhóm thuốc này thường được dùng dài hạn để hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
- Tiêm ngoài màng cứng: Corticoid sẽ được tiêm tại chỗ trong trường hợp thoái hóa cột sống gây đau thần kinh tọa dai dẳng, đau nặng và không đáp ứng với các loại thuốc khác. Hai loại corticoid thường được sử dụng là hydrocortison acetate và methyl prednisolon acetate.
Điều chỉnh lối sống
Lối sống thiếu khoa học sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống. Do đó, ngoài sử dụng thuốc và vật lý trị liệu, phải kết hợp với các biện pháp sau đây:
- Thay đổi các tư thế xấu như đứng, ngồi, nằm, tư thế khi mang vác vật nặng…
- Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột, cử động nhẹ nhàng khi cúi gập và vặn mình…
- Giảm cân trong trường hợp thừa cân - béo phì.
- Nghỉ ngơi trong các đợt tiến triển, cột sống đau nhiều.
- Tránh tình trạng lười vận động, đứng hoặc ngồi quá lâu. Nên thực hiện các bài tập tốt cho cột sống mỗi ngày để cải thiện cơn đau và hạn chế biến chứng cong, vẹo cột sống.
ĐỌC NGAY: Tư thế nằm cho người bị thoái hóa cột sống giúp đỡ đau
Điều trị ngoại khoa
Thoái hóa cột sống ít khi được điều trị bằng ngoại khoa. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi đau dai dẳng, đau nhiều và không có đáp ứng với thuốc cùng với vật lý trị liệu. Trường hợp hẹp ống sống, đau dây thần kinh tọa kéo dài, trượt ống sống độ 3, 4, thoát vị đĩa đệm nặng cũng được cân nhắc phẫu thuật.
Mổ thoái hóa cột sống phụ thuộc vào tình trạng cụ thể. Có thể là phẫu thuật cắt gai cột sống, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo, phẫu thuật cố định cột sống, giải phóng chèn ép rễ thần kinh…
Phòng ngừa
Thoái hóa cột sống không thể phòng ngừa hoàn toàn do có liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ.
Các phương pháp phòng ngừa thoái hóa cột sống:
- Phát hiện, điều trị kịp thời dị tật cột sống, chi dưới.
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập giúp tăng độ đàn hồi, linh hoạt của cột sống.
- Sửa các tư thế xấu khi mang vác vật nặng, ngồi, đứng…
- Người làm những công việc nặng nhọc nên khám cột sống định kỳ 1 - 2 lần/ năm. Đồng thời nên chủ động thực hiện các bài tập tốt cho cột sống để phòng ngừa bệnh.
- Giảm cân để hạn chế áp lực lên cột sống cổ và thắt lưng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh thoái hóa cột sống có nguy hiểm không?
2. Thoái hóa cột sống có chữa được không?
3. Bị thoái hóa cột sống có nên đi bộ, chạy xe đạp, tập gym… không?
4. Thoái hóa cột sống nên ăn gì, kiêng ăn gì để cải thiện bệnh?
5. Bị thoái hóa cột sống nên kiêng gì khi sinh hoạt, vận động?
6.Thoái hóa cột sống có nên uống sữa? Nên uống loại nào?
7. Bị thoái hóa cột sống phải làm thế nào để quản lý bệnh thành công?
8. Có nên uống thuốc trị thoái hóa cột sống dài ngày?
Thoái hóa cột sống là bệnh xương khớp mãn tính, hay gặp ở người cao tuổi. Đa phần các trường hợp đều có thể duy trì bệnh ở giai đoạn ổn định sau khi điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan khiến cho cột sống bị gù, vẹo, biến dạng.
Gợi ý:
- Cách tập thể dục khi bị thoái hóa cột sống cực đơn giản
- 6 Loại thảo dược trị thoái hóa cột sống có ở quanh nhà