Bệnh Tắc Tĩnh Mạch Võng Mạc

Tắc tĩnh mạch võng mạc là một dạng bệnh mạch máu võng mạc phổ biến. Xảy ra khi các mạch máu trong võng mạc bị tắc nghẽn, khiến máu và chất lỏng dư thừa rò rỉ từ tĩnh mạch gây tổn thương tĩnh mạch. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và mù lòa, nhất là ở người lớn tuổi. 

Tổng quan

Tắc tĩnh mạch võng mạc (Retinal Vein Occlusion - RVO) là tình trạng một hoặc nhiều tĩnh mạch trong võng mạc bị tắc nghẽn. Tình trạng này có thể xảy ra do sự hình thành bất thường của các cục máu đông hoặc hoặc khi có một mạch máu lớn khác đè lên tĩnh mạch.

Tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc kéo dài khiến các mạch máu bị ức chế hoạt động, suy yếu dần và rò rỉ dịch. Hậu quả làm gây kích thích điểm vàng sưng hoặc dày lên. Trong y khoa gọi đây là tình trạng phù hoàng điểm, nếu không điều trị sớm có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa (tỷ lệ mù do tắc tĩnh mạch võng mạc đứng thứ 2 sau bệnh võng mạc tiểu đường).

Tắc tĩnh mạch võng mạc là tình trạng tắc nghẽn xảy ra trong một hoặc nhiều tĩnh mạch mang máu ra khỏi võng mạc

Khi xảy ra tắc nghẽn, các mạch máu phát triển bất thường trong mống mắt (khu vực mắt có màu). Chính điều này tạo ra áp lực bên trong mắt, gây chảy máu phía sau mắt và bong võng mạc.

Đây là căn bệnh về mắt khá phổ biến, chiếm khoảng 0.7 - 1.6% trong tổng số các ca mắc bệnh về mắt. Chủ yếu xuất hiện ở người cao tuổi (từ 50 - 70 tuổi), có tiền sử bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, rối loạn mỡ máu… hoặc các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào…

Phân loại

Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc được phân chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm (CRVO): Xảy ra khi tĩnh mạch chính trong võng mạc mắt bị tắc nghẽn. Thường là do huyết khối gây ra. Dạng này được chia làm 2 thể nhỏ gồm:
    • Loại không thiếu máu cục bộ (được tưới máu) là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 70%, còn được gọi là bệnh võng mạc hoàn toàn;
    • Loại thiếu máu cục bộ (không được tưới máu) tương đối ít gặp, chiếm khoảng 30%. Tình trạng này còn được gọi là bệnh võng mạc ứ đọng một phần;
  • Tắc tĩnh mạch võng mạc nhánh (BRVO): Là tình trạng tắc nghẽn một trong các nhánh của tĩnh mạch trong võng mạc.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Võng mạc là lớp mô mỏng nằm ở vị trí phía sau nhãn cầu. Nhiệm vụ của nó là chuyển hóa ánh sáng thành tín hiệu truyền đến não để nhận biết về mặt thị giác. Sự tắc nghẽn của các tĩnh mạch võng mạc được gọi là tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc.

Về cơ chế bệnh sinh, tắc tĩnh mạch võng mạc xảy ra có do sự tắc nghẽn, khiến máu không thể tuần hoàn bình thường, làm giảm dòng chảy tĩnh mạch. Ngoài ra, sự xuất hiện bất thường của một hoặc nhiều cục máu đông, tình trạng tích tụ mảng bám đè lên tĩnh mạch võng mạc đều có thể dẫn đến tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc.

Bệnh nhân lớn tuổi và có tiền sử mắc bệnh tăng nhãn áp, tim mạch, tiểu đường... rất dễ phát triển tắc tĩnh mạch võng mạc với tiên lượng xấu

Trên thực tế, nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ được xác định có liên quan đến tình trạng này, bao gồm:

  • Tuổi tác: Ước tính có khoảng 90% trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc là người lớn tuổi trên 50.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý mạn tính: Một số tiền sử bệnh lý như tăng nhãn áp góc mở, tăng huyết áp động mạch hệ thống, tiểu đường, tăng lipid máu, cholesterol cao, bệnh tim mạch, rối loạn đông máu... cũng có liên quan mật thiết gây tắc tĩnh mạch võng mạc.
  • Các yếu tố khác:
    • Hút thuốc lá;
    • Hiện tượng tăng đông máu gồm đa u tủy, đa hồng cầu, hội chứng kháng phospholipid, yếu tố Leiden V, kháng protein C hoạt hóa, tăng homocystein máu…;
    • Mắc bệnh giang mai,nhiễm HIV…;
    • U sarcoidosis;
    • Bệnh viêm mạch;
    • Bệnh hồng cầu hình liềm;
    • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai;
    • Chấn thương ở mắt;
    • Biến chứng của chứng đau nửa đầu;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Trong hầu hết các trường hợp, bất thường tắc tĩnh mạch võng mạc chỉ xảy ra ở một bên mắt. Tuy nhiên, không phải lúc nào mắc bệnh bệnh nhân cũng có triệu chứng, trong một số trường hợp tắc tĩnh mạch võng mạc nhánh có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc đặc trưng bởi triệu chứng mất thị lực đột ngột nhưng không gây đau nhức

Nhưng về cơ bản, các triệu chứng tắc tĩnh mạch võng mạc có thể gặp phải như:

  • Mất thị lực đột ngột nhưng không gây đau;
  • Tiến triển nhanh chóng trong vòng vài tiếng hoặc vài ngày;
  • Xuất hiện các quầng sáng hoặc đốm đen, đường kẻ ngoằn ngoèo trong tầm nhìn;
  • Có cảm giác cộm mắt, khó chịu do áp lực nội nhãn lớn;

Chẩn đoán

Khám mắt tổng quát là cách duy nhất để phát hiện các bất thường về mắt. Thông qua những triệu chứng mà bệnh nhân mô tả, bác sĩ chuyên khoa có thể nghi ngờ tắc tĩnh mạch võng mạc. Nhưng để xác nhận chính xác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra và thủ tục xét nghiệm sau:

Đánh giá mắt toàn diện thông qua các bài kiểm tra và xác nhận chẩn đoán tắc tĩnh mạch võng mạc bằng các xét nghiệm hình ảnh

  • Kiểm tra mắt: Đây là bước kiểm tra lâm sàng được thực hiện nhằm kiểm tra thị lực của bệnh nhân. Được yêu cầu đọc các chữ cái trên bảng chữ cái Snellen. Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh cá nhân, gia đình, chấn thương… có liên quan đến sự phát triển của bệnh.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các kỹ thuật chụp chiếu dưới đây có thể cần thiết như;
    • Chụp ảnh đáy mắt;
    • Chụp cắt lớp mạch lạc quang học (OCT);
    • Chụp mạch huỳnh quang;
  • Xét nghiệm bổ sung: Trong một vài trường hợp cần thiết, các xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm máu đo lượng đường, nồng độ cholesterol, đo huyết áp… cũng có thể cần thiết nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt giữa tắc tĩnh mạch võng mạc với các vấn đề sức khỏe khác cũng gây ra triệu chứng tương tự như:

  • Hội chứng thiếu máu cục bộ ở mắt;
  • Bệnh võng mạc tăng huyết áp;
  • Bệnh võng mạc tiểu đường;
  • Bệnh võng mạc do nhiễm virus HIV;
  • Bệnh võng mạc do rối loạn tạo máu;

Biến chứng và tiên lượng

Tắc tĩnh mạch võng mạc là một trong những bệnh lý về mắt tương đối phổ biến và nguy hiểm. Hậu quả của bệnh là gây ra thay đổi thị lực dưới sự ảnh hưởng của một số biến chứng sau đây:

  • Phù hoàng điểm dạng nang gây mờ dần mắt và suy giảm thị lực;
  • Xuất huyết thủy tinh thể;
  • Bệnh tăng nhãn áp tân mạch (là sự hình thành của các mạch máu bất thường trong mống mắt);
  • Tăng nhãn áp thần kinh gây đau nhức và gia tăng áp lực trong mắt nghiêm trọng;
  • Bong tách võng mạc;

Các chuyên gia cảnh báo, những người có tiền sử tắc tĩnh mạch võng mạc thường có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn so với những người không mắc. Trong đó, bao gồm cả đột quỵ, gây ra những di chứng dài lâu, thậm chí tử vong.

Tiên lượng về bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc thường khá tốt ở bệnh nhân trẻ tuổi. Riêng người lớn tuổi, khoảng ⅓ trường hợp nhẹ có thể tự cải thiện mà không cần điều trị, riêng ⅔ còn lại có thể tiến triển ngày càng nặng hơn.

Điều trị

Không có một phương pháp đặc hiệu nào có thể chữa khỏi bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc. Việc điều trị y tế chủ yếu dựa vào mức độ triệu chứng và tiến triển tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF).

Một phác đồ điều trị tắc tĩnh mạch võng mạc thông thường bao gồm các phương pháp sau:

Dùng thuốc tiêm kháng VEGF

Đa số trường hợp tắc tĩnh mạch võng mạc có biến chứng phù hoàng điểm sẽ được chỉ định dùng thuốc tiêm kháng VEGF. Đây là cụm viết tắt của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, một loại protein cần thiết giúp thúc đẩy sự phát triển cả các mạch máu mới. Một người bị phù hoàng điểm là do dư thừa yếu tố VEGF, khiến các mạch máu bất thường hình thành, rò rỉ và gây sưng tấy.

Dùng thuốc tiêm kháng VEGF là phương pháp điều trị đầu tay đối với bệnh nhân bị phù hoàng điểm

Thuốc ức chế VEGF có khả năng làm gián đoạn quá trình sản xuất yếu tố này bên trong mắt. Thuốc được tiêm trực tiếp vào dịch kính nhằm ngăn cản sự phát triển và sưng phù của các mạch máu mới. Nhờ đó giúp làm chậm quá trình suy giảm thị lực.

Một số loại thuốc anti-VEGF thường dùng như:

  • Aflibercept;
  • Ranibizumab;
  • Bevacizumab;

Tiêm thuốc Steroid

Bên cạnh anti VEGF, nhóm thuốc steroid cũng đem lại hiệu quả tương đối tốt trong việc làm giảm sưng. Tiêm Steroid thường được thực hiện bằng cách tiêm một loại steroid giải phóng chậm hoặc tiêm một viên thuốc nhỏ có chứa steroid vào mắt. Hoạt chất steroid từ viên thuốc này sẽ giải phóng từ từ và đều đặn vào mắt trong khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, vì có mặt hạn chế là làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp và phát triển đục thủy tinh thể nên không phải bệnh nhân nào cũng áp dụng được.

Can thiệp ngoại khoa

Để xử lý trực tiếp tổn thương tắc tĩnh mạch võng mạc trong mắt, nhất là khi việc dùng thuốc không đem lại kết quả khả quan, bác sĩ nhãn khoa thường chỉ định phẫu thuật vào thời điểm phù hợp.

Phẫu thuật có thể cần thiết nhằm xử lý tổn thương tắc nghẽn và cải thiện thị lực

Các phương pháp phẫu thuật hiện đang được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:

  • Phẫu thuật laser: Thiết bị chứa tia laser được dùng để tác động trực tiếp vào mắt nhằm thu nhỏ các các mạch máu trong tĩnh mạch. Điều này giúp ngăn không cho chúng tiếp tục chảy máu và tái phát triển trở lại sau điều trị.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính: Kỹ thuật được áp dụng phổ biến là Pars plana (PPV), thường được chỉ định nhằm loại bỏ tiến triển của quá trình tân mạch, ngăn ngừa biến chứng tăng nhãn áp.

Sau phẫu thuật, cần chú ý bảo vệ mắt cẩn thận và chăm sóc kỹ lưỡng hàng ngày để đảm bảo quá trình hồi phục thị lực diễn ra suôn sẻ.

Các biện pháp hỗ trợ khác 

Chủ yếu điều trị và kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến tắc tĩnh mạch võng mạc cùng các biến chứng. Bao gồm:

  • Dùng thuốc kiểm soát huyết áp, tiểu đường và chỉ số cholesterol;
  • Dùng thuốc nhỏ mắt được kê đơn bởi bác sĩ;
  • Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính chuyên dụng;
  • Tái khám theo dõi trong suốt quá trình điều trị hoặc kể cả khi đã phục hồi.
    • Tái khám 3 - 6 tháng/ lần để phát hiện sớm dấu hiệu tăng nhãn áp tân mạch bằng phương pháp nội soi;
    • Tái khám 1 - 2 năm/ lần để đánh giá thị lực và tình trạng thiếu máu cục bộ, phù hoàng điểm…;

Phòng ngừa

Tắc tĩnh mạch võng mạc ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và kéo theo hàng loạt các hệ lụy sức khỏe khó lường. Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng ngừa bệnh trước khi nó diễn ra.

  • Khám sức khỏe mắt định kỳ, càng có nguy cơ mắc bệnh cao tần suất khám mắt càng dày từ 3 - 6 tháng/ lần.
  • Thường xuyên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hỗ trợ theo dõi sức khỏe mắt, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về thị lực.
  • Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch, mạch máu, tập thể dục điều độ hàng ngày, duy trì cân nặng và tránh sử dụng thuốc lá để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị tắc tĩnh mạch võng mạc là gì?

2. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc có nguy hiểm không?

3. Tôi có thể bị mù lòa vĩnh viễn khi bị tắc tĩnh mạch võng mạc không?

4. Tôi cần làm những xét nghiệm kiểm tra nào để chẩn đoán tắc tĩnh mạch võng mạc?

5. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc có chữa khỏi hoàn toàn được không?

6. Các phương pháp điều trị tắc tĩnh mạch võng mạc hiệu quả nhất dành cho tôi?

7. Tôi cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà nào để cải thiện thị lực?

8. Tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc của tôi có cần phẫu thuật không?

9. Lợi ích và rủi ro liên quan đến phẫu thuật?

10. Tiên lượng phục hồi thị lực của tôi sau phẫu thuật là bao nhiêu phần trăm?

Tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh lý về mắt nguy hiểm, gây suy giảm thị lực nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm và chủ động thăm khám, điều trị kịp thời, tiên lượng về phục hồi thị lực vẫn tương đối tốt, nhất là ở người trẻ tuổi. Tuyệt đối không nên chủ quan trước những dấu hiệu bất thường, kết hợp thăm khám định kỳ để phòng ngừa bệnh.