Bệnh Thoái Hóa Thần Kinh Thị Giác Leber

Thoái hóa thần kinh thị giác Leber là bệnh di truyền khá phổ biến, đặc trưng với các biểu hiện lâm sàng khác nhau do sự ảnh hưởng bởi các dạng đột biến hoặc yếu tố tác động từ môi trường, tiếp xúc với chất độc. Hầu hết người bệnh đều bị suy giảm thị lực dần dần và không gây đau. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người trẻ tuổi và hiếm có trường hợp thị lực được phục hồi hoàn toàn. 

Tổng quan

Thoái hóa thần kinh thị giác Leber (Leber Hereditary Optic Neuropathy - LHON) là một dạng rối loạn di truyền gây ảnh hưởng đến mắt và gây mất thị lực đột ngột. Nguyên nhân chính là do đột biến DNA ty thể, thường là 1 trong 3 đột biến điểm G11778A, T14484C và G3460A.

Bệnh có thể di truyền từ người mẹ hoặc một số ít trường hợp xảy ra do đột biến tự phát. Ngoài ra, đa yếu tố gồm di truyền, môi trường và kết hợp rối loạn nội tiết tố cũng có thể làm kích hoạt nguy cơ phát triển thoái hóa thần kinh thị giác Leber ở những người có mầm bệnh.

Thoái hóa thần kinh thị giác Leber là bệnh về mắt bẩm sinh gây mất thị lực đột ngột

Bệnh đặc trưng bởi sự suy giảm hoặc mất thị lực đột ngột, trước đó mắt có thể mờ dần nhưng không đau. Xảy ra ở một bên hoặc cả hai mắt. Mất thị lực chủ yếu ảnh hưởng đến thị lực trung tâm, gây ảnh hưởng đến các hoạt động cần thiết như lái xe, đọc sách, nhận diện màu sắc, khuôn mặt, các sự việc, sự kiện...

Đây là bệnh lý ty thể khá phổ biến, tỷ lệ mắc ước tính khoảng 1/27.000 trường hợp ở vùng Đông Bắc nước Anh và 1/45.000 trường hợp ở châu Âu. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới, khoảng 80 - 90% và bắt đầu khởi phát trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân được xác định gây ra bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber là do rối loạn chức năng ty thể. Cụ thể hơn là do sự đột biến các mã di truyền của ty thể. Ty thể là các tiểu đơn vị nhỏ tồn tại trong tế bào. Chúng còn được gọi là "nhà máy điện tế bào" do đảm nhiệm chức năng chuyển đổi liên tục năng lượng trong thức ăn thành năng lượng mà tế bào có thể sử dụng.

Khi đôi mắt thiếu năng lượng hoặc giảm khả năng sản xuất năng lượng có thể dẫn đến thoái hóa, làm chết các tế bào hạch võng mạch. Đây chính là các tế bào thần kinh truyền dẫn thông tin thị giác đến não. Việc mất đi các tế bào này chính là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa thần kinh thị giác và mất thị lực đột ngột.

Di truyền gen đột biến từ người mẹ là nguyên nhân khiến đứa trẻ chào đời mang gen bệnh LHON

Các đột biến gen gây ra thoái hóa thần kinh thị giác thường được di truyền từ mẹ. Vì cơ bản DNA ty thể chỉ có tế bào trứng mới đóng góp vào phôi đang phát triển. Đây là lý do vì sao bệnh này chỉ được truyền từ mẹ sang con. Một số gen bị ảnh hưởng bởi đột biến này gồm:

  • MT-ND1
  • MT-ND4
  • MT-ND4L
  • MT-ND6

Ngoài di truyền gen đột biến, một số nguyên nhân khác cũng được đề cập như:

  • Yếu tố miễn dịch: Chủ yếu liên quan đến sự phát triển giữa thoái hóa thần kinh thị giác Leber và bệnh đa xơ cứng, dẫn đến mất thị lực.
  • Các yếu tố môi trường:
    • Ảnh hưởng từ các bệnh lý toàn thân;
    • Thiếu hụt dinh dưỡng;
    • Chấn thương;
    • Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
    • Tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber thường được biểu hiện khá rõ ràng ở người trẻ tuổi dưới dạng suy thị bán cấp, ở 1 hoặc cả 2 bên mắt và không gây đau. Trong đa số trường hợp, người bệnh thường không gặp bất kỳ triệu chứng khác lạ nào cho đến khi mắt mờ dần và suy giảm thị lực trung tâm.

Ban đầu, nếu chỉ một mắt bị ảnh hưởng, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ở bên mắt còn lại trong khoảng 8 tuần sau đó. Ngoài ra, người mắc bệnh này cũng sẽ gặp khó khăn về việc quan sát và nhận diện màu sắc. Không thể phân biệt được giữa màu xanh lá cây và màu đỏ.

Giảm thị lực dần ở 1 bên mắt, không đau và tiến triển sang mắt còn lại sau khoảng vài tháng, vài tuần

Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như:

  • Đau mắt
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Giảm tập trung
  • Run rẩy
  • Rối loạn chuyển động
  • Vấn đề về nhịp tim
  • Các triệu chứng tương tự như bệnh đa xơ cứng

Chẩn đoán

Chẩn đoán ban đầu thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng gồm mất thị lực đột ngột, không gây đau hoặc mắt còn lại cũng có biểu hiện tương tự trong vòng vài tuần, vài tháng. Để kiểm tra xác nhận và loại trừ một số bệnh lý gây triệu chứng tương tự, bác sĩ thường chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán sau:

Các kỹ thuật hình ảnh như chụp đáy mắt, chụp cắt lớp mạch lạc quang học... giúp chẩn đoán xác định tình trạng LHON

  • Khám lâm sàng: Triệu chứng suy giảm thị lực có thể được kiểm tra bằng cách cho bệnh nhân đếm ngón tay hoặc được yêu cầu đọc các chữ cái trên biểu đồ (biểu đồ Snellen). Ngoài ra, kiểm tra trường thị giác cho thấy ám điểm trung tâm ngày càng lớn.
  • Kiểm tra hình ảnh: Những thông tin về bệnh lý này có thể được xác định bằng:
    • Kỹ thuật chụp ảnh đáy mắt màu hoặc trường rộng (chụp ảnh phía sau mắt);
    • Kỹ thuật chụp tự phát huỳnh quang đát mắt giúp phát hiện các tổn thương biểu mô sắc tố võng mạc hoặc tình trạng căng thẳng nhãn áp;
    • Chụp cắt lớp mạch lạc quang học (OCT) cũng có thể được chỉ định thực hiện để đánh giá các lớp phía sau mắt;
    • Chụp CT hoặc MRI não là cần thiết nhằm loại trừ các nguyên nhân gây tổn thương cấu trúc hoặc gây viêm dây thần kinh thị giác cấp tính nếu không có tiền sử gia đình mắc bệnh;
  • Đo điện võng mạc (ERG): Kỹ thuật này được chỉ định thực hiện nhằm đánh á chức năng của các tế bào cảm quang khác nhau, thường là hình nón và hình que.
  • Xét nghiệm di truyền: Đây là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn góp phần quan trọng vào việc chẩn đoán chính xác bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber. Kỹ thuật xét nghiệm di truyền phân tử có thể phát hiện bất kỳ đột biến nào trong số 3 đột biến liên quan đến bệnh. Cụ thể gồm MT-ND1, MT-ND4 hoặc MT-ND6. Những đột biến này gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của ty thể.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán khác: Kết hợp thực hiện sàng lọc một số các triệu chứng liên quan khác bằng các kỹ thuật như đo điện tâm đồ... Kết quả chẩn đoán có thể giúp phát hiện các triệu chứng của hội chứng tiền kích thích hoặc tăng áp lực nội nhãn.

Biến chứng và tiên lượng

Theo các chuyên gia, sự ảnh hưởng duy nhất của căn bệnh này chính là thoái hóa và teo thị giác vào một thời điểm cụ thể nào đó. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực rõ rệt và mất hoàn toàn thị lực.

Đa số trường hợp đều bị mù hoàn toàn không thể phục hồi. Nhưng cũng có một số ít trường hợp dạng đột biến không nghiêm trọng có thể cải thiện thị lực trung tâm trong vòng 12 tháng. Trong đó:

  • Bệnh nhân mắc đột biến G11778A có tiên lượng xấu nhất, gần như không thể phục hồi được;
  • Bệnh nhân mắc đột biến T14484C có tỷ lệ phục hồi cao nếu tình trạng mất thị lực xuất hiện trước năm 20 tuổi, thị lực phục hồi cuối cùng là hơn 20/80.

Căn bệnh này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trong trường hợp xấu nhất người bệnh sẽ mất đi thị lực vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Do đó, cần có những biện pháp y tế tích cực để chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

Điều trị

Điều trị bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber vẫn còn là một đề tài nghiên cứu của giới y khoa. Trên thực tế, không có bất kỳ loại thuốc hay biện pháp cụ thể nào có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào kiểm soát tiến triển bệnh và hạn chế các tác nhân khiến bệnh càng nặng hơn, bảo tồn thị lực cho bệnh nhân.

Dùng thuốc

Một số phương pháp điều trị mới đã được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị bệnh lý này bao gồm:

Hiện nay, Raxone là loại thuốc chứa hoạt chất idebenone duy nhất được chấp thuận sử dụng điều trị bệnh LHON

  • Idebenone (Raxone): Đây là loại thuốc có chứa hàm lượng cao vitamin B12 và vitamin C có khả năng phục hồi thị lực khá tốt. Đặc biệt phù hợp với nhiều mức độ mất thị lực khác nhau giữa 2 mắt. Chỉ định dùng thuốc này thường thực hiện càng sớm càng tốt với liều khuyến cáo 900mg/ ngày.
  • EPI-743: Đây là hoạt chất dẫn xuất vitamin E, được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bệnh LHON nhờ khả năng chống oxy hóa cao.
  • Liệu pháp estrogen: Có tác dụng thúc đẩy sự hoạt động của superoxide dismutase. Đây là một loại enzyme có khả năng chống oxy hóa mạnh, giảm mức độ các loại oxy phản ứng và thúc đẩy quá trình hoạt động của các ty thể tốt hơn.
  • Liệu pháp gen nhắm mục tiêu: Liệu pháp này cũng được cân nhắc sử dụng cho những người mắc LHON dạng đột biến gen m.11778G. Bản chất của nó là sử dụng vector virus để thay thế gen bị đột biến.
  • Liệu pháp thay thế ty thể: Phương pháp này được thực hiện trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Được chỉ định thực hiện cho những trường hợp đã làm sàng lọc đột biến gen và phát hiện có đột biến liên quan đến LHON. Từ đó giúp ngăn ngừa mtDNA di truyền từ mẹ sang con.

Thay đổi lối sống

Những người được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber cần tuân thủ một lối sống lành mạnh và tránh phạm phải những điều tối kỵ dưới đây:

  • Nói không với thuốc lá và rượu bia;
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh;
  • Xây dựng lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống cân bằng giàu chất chống oxy hóa, tập thể dục, vận động thể chất thường xuyên, sinh hoạt điều độ...;
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các bài tập hít thở sâu, yoga hoặc thiền định để thư giãn tinh thần, tránh làm tăng nặng các triệu chứng LHON;

Phòng ngừa

Vì thoái hóa thần kinh thị giác Leber là bệnh bẩm sinh do di truyền gen đột biến từ người mẹ nên hoàn toàn không có biện pháp nào ngăn chặn được. Tuy nhiên, nếu được thực hiện tư vấn di truyền sớm về căn bệnh này, nhất là những người từng có tiền sử gia đình mắc bệnh sẽ đem lại lợi ích đáng kể trong việc đưa ra quyết định về kế hoạch sinh con.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi/ con tôi bị suy giảm thị lực dần dần không rõ lý do?

2. Tôi/ con tôi có bị mù hoàn toàn hay không?

3. Cần làm những xét nghiệm gì để tìm ra nguyên nhân gây mất thị lực?

4. Nguyên nhân tại sao tôi/ con tôi mắc bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber?

5. Tình trạng suy giảm thị lực diễn ra tạm thời hay vĩnh viễn? Có khả năng phục hồi hay không?

6. Điều trị bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Tiên lượng hồi phục thị lực của tôi/ con tôi là bao nhiêu phần trăm?

8. Cần lầm gì để duy trì và cải thiện thị lực của tôi/ con tôi tại nhà?

9. Có biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh thoái hóa thần kinh thị giác Leber trong lần mang thai tiếp theo không?

Thoái hóa thần kinh thị giác Leber tuy là bệnh lý bẩm sinh đáng lo ngại khi gây suy giảm thị khó phục hồi. Tuy nhiên, nếu được nhận biết sớm và điều trị tích cực, tiến triển bệnh vẫn có thể được kiểm soát phần nào nhằm bảo tồn thị lực và giảm thiểu mức độ biến chứng. Do đó, cần phải thăm khám sớm và tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp để đạt mức tiên lượng tốt về bệnh lý này.

Xem thêm: