Tắc tuyến lệ

Tắc tuyến lệ xảy ra do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nước mắt liên tục chảy không hiểu nguyên do, thị lực giảm, mờ, mắt đỏ ở tròng trắng,... Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng tuy nhiên hiện tượng bất thường ở mắt gây ra không ít hệ lụy cho người bệnh đối với sinh hoạt đời sống, công việc, học tập.

Tổng quan

Tắc tuyến lệ (tắc tuyến lệ đạo) là bệnh lý thường gặp ở nhiều người. Bệnh xuất hiện do tình trạng hệ thống dẫn lưu nước mắt gặp gián đoạn, rối loạn khiến nước mắt bị tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần. Đây là nguyên do vì sao nhiều người gặp phải hiện tượng chảy nước mắt sống, chảy nước mắt không rõ nguyên nhân.

Tắc tuyến lệ
Trẻ em và người lớn đều có khả năng bị tắc tuyến lệ

Theo đó, hệ thống tuyến lệ được cấu tạo gồm tuyến lệ chính, tuyến lệ phụ. Tuyến lệ được phân bố nằm trong góc trên, phía bên ngoài hai bên mắt. Vai trò của tuyến lệ là cung cấp nước mắt, giữ ẩm cho bề mặt mắt, bôi trơn màng mí mắt. Nhờ đó, mắt có khả năng giảm ma sát, ngăn nguy cơ bụi bẩn xâm nhập để tránh trường hợp mắt bị nhiễm trùng.

Hiện tượng tắc tuyến lệ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó trẻ em là đối tượng thường gặp nhất. Có đến 20% trong tổng số trẻ em mắc bệnh do liên quan đến yếu tố bẩm sinh, sau khi bé được 12 tháng tuổi tình trạng tắc tuyến lệ tự động khỏi không cần điều trị.

Trường hợp tắc tuyến lệ ở người trưởng thành đáng lo ngại hơn. Đa số các trường hợp đến từ nguyên nhân nhiễm trùng mắt, sưng mắt, chấn thương hoặc có khối u trong mắt. Bệnh nhân cần kiểm tra mắt sớm, điều trị khắc phục tắc tuyến lệ phòng rủi ro gây hại cho mắt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây tắc tuyến lệ. Người bệnh cần xác định yếu tố nguy cơ để có biện pháp điều trị khắc phục tương ứng. Một số vấn đề liên quan được đề cập đến như:

  • Yếu tố bẩm sinh: Như đã đề cập có nhiều trường hợp trẻ em sinh ra bị tắc tuyến lệ bẩm sinh. Tình trạng sau đó sẽ thuyên giảm biến mất khi bé được 1 tuổi. Hệ thống thoát nước mắt của bé chưa hoàn thiện là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ nhỏ.
  • Yếu tố tuổi tác: Ngoài trẻ em, những người lớn tuổi cũng là đối tượng mắc bệnh thường gặp nhất. Tuổi tác càng cao tuyến lệ càng thu nhỏ khiến nước mắt không thoát ra được gây ra hiện tượng tắc nghẽn.
  • Nhiễm trùng, viêm: Bên cạnh các yếu tố kể trên, một số bệnh nhân đến khám phát hiện tắc tuyến lệ do liên quan đến hiện tượng nhiễm trùng mãn tính, viêm mắt dẫn đến ảnh hưởng quá trình dẫn lưu nước mắt. Đặc biệt liên quan đến nhiều bệnh lý như viêm xoang mãn tính. Các mô trên cơ thể có khả năng hình thành sẹo, bao gồm tuyến lệ khiến quá trình dẫn lưu nước mắt gặp trở ngại.
  • Các nguyên nhân khác: Tình trạng tắc tuyến lệ còn có khả năng xảy ra do ảnh hưởng khi hộp sọ phát triển không bình thường, người mắc hội chứng Down, người bị chấn thương mũi, có khối u, polyp mũi, gặp tác dụng phụ của thuốc,...

Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh kể đến như:

  • Trẻ sơ sinh
  • Người mới phẫu thuật mí mắt, mũi
  • Phụ nữ lớn tuổi
  • Người mắc bệnh viêm mí mắt mãn tính
  • Người bị Glaucoma
  • Người bị ung thư điều trị bằng thuốc hóa trị, xạ trị

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bị tắc tuyến lệ gặp phải các biểu hiện bất thường như:

  • Nước mắt chảy liên tục không có nguyên nhân mặc dù cơ thể đang ở trong trạng thái ổn định, không bị xúc động, kích động. Nếu hiện tượng chảy nước mắt ồ ạt không được kiểm soát rất dễ dẫn đến nhiễm trùng mắt, tái phát các bệnh lý về mắt khác.
  • Mắt có khả năng bị chảy mủ bất thường, điều này cũng khiến thị lực giảm đi trông thấy.
  • Phần tròng trắng của mắt còn bị đỏ bất thường, kèm theo đó là hiện tượng đau nhức, sưng vị trí góc trong của mắt.
  • Trường hợp tắc tuyến lệ có viêm nhiễm sẽ gây ra nhiều dấu hiệu nặng nề hơn, nước mắt chảy bất thường có màu lạ, bệnh nhân nhìn không rõ, bị sốt, đóng váng ở lông mi do mủ từ mắt tiết ra.

Bệnh nhân được khuyên nên đến bệnh viện mắt để khám, điều trị tắc tuyến lệ càng sớm càng tốt. Đặc biệt là những trường hợp tắc tuyến lệ kèm theo biểu hiện viêm nhiễm bất thường. Nếu không điều trị người bệnh có thể gặp phải các biến chứng ảnh hưởng thị giác.

Triệu chứng và chẩn đoán
Nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở mắt để chủ động điều trị phòng ngừa rủi ro

Chẩn đoán

Bác sĩ thăm hỏi triệu chứng, quan sát các bất thường bệnh nhân gặp phải. Sau đó, người bệnh được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác về hiện tượng tắc tuyến lệ bệnh nhân đang gặp phải. Cụ thể:

  • Nhuộm Fluorescein: Thực hiện bơm chất nhuộm màu đặc biệt trong y tế bào trong hai bên mắt. Nếu sau 5 phút mắt vẫn nhấp nháy bình thường không có phản ứng đặc biệt có nghĩa tuyến lệ vẫn hoạt động bình thường. Ngược lại khi một bên mắt xuất hiện màu chất nhuộm có nghĩa ống dẫn nước mắt đang bị tắc nghẽn.
  • Kiểm tra lưu lượng nước mắt: Tiến hành bơm dịch vào hệ thống lệ đạo. Xác định tắc tuyến lệ khi dịch không di chuyển xuống họng mà đọng lại rất có thể là do tuyến lệ bị tắc nghẽn.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Người bệnh được chỉ định chụp X quang, CT Scan để thu thập hình ảnh tại tuyến lệ và các khu vực lân cận. Biện pháp xét nghiệm hình ảnh cũng cố kết quả chẩn đoán, giúp bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp với người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Tắc tuyến lệ không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên các triệu chứng tắc tuyến lệ có thể gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt đời sống. Hiện tượng chảy nước mắt sống liên tục khiến tầm nhìn của người bệnh bị cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động vận hành máy móc, lái xe,...

Ngoài những vấn đề kể trên, hiện tượng tắc tuyến lệ còn làm tăng rủi ro bị nhiễm trùng mắt, kích ứng ảnh hưởng đến thị lực. Trường hợp viêm nhiễm nặng khiến người bệnh nhìn kém, giảm thị lực rõ rệt. Tuy nhiên bạn đọc không cần quá lo lắng, tình trạng tắc tuyến lệ có thể được khắc phục nếu bệnh nhân phát hiện và chủ động đến gặp bác sĩ.

Trường hợp tắc tuyến lệ ở trẻ em từ khi bẩm sinh có thể cải thiện khi bé 1-2 tuổi mà không cần can thiệp điều trị. Bố mẹ nên vệ sinh mắt cho bé thận trọng nhằm phòng ngừa rủi ro viêm nhiễm. Nếu phát hiện mắt bé có nhiều biểu hiện lạ cần đưa bé đến cơ sở y tế kiểm tra, kịp thời điều trị.

Điều trị

Tùy vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc tuyến lệ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp khắc phục phù hợp cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, xác định tổn thương người bệnh đang gặp phải, dựa vào độ tuổi, mức độ đáp ứng điều trị để cân nhắc xây dựng phác đồ tương ứng.

Dưới đây là những cách can thiệp điều trị tắc tuyến lệ thường được áp dụng:

Điều trị bảo tồn

Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tình trạng tắc ống dẫn lệ. Phương án này có thể được sử dụng nhiều lần hoặc áp dụng khi bệnh nhân sắp bước vào quá trình phẫu thuật sửa chữa ống dẫn lệ. Tùy loại thuốc khác nhau công dụng sẽ khác nhau, dựa trên nguyên nhân gây bệnh để bác sĩ chỉ định giải pháp này.

Điều trị
Tùy tinh trạng tắc tuyến lệ ở mỗi người để đưa ra cách khác phục phù hợp, an toàn nhất cho người bệnh

Công dụng chính của thuốc là hỗ trợ bệnh nhân giảm triệu chứng, phòng tránh viêm nhiễm và các vấn đề khác xảy ra khi tình trạng tắc tuyến lệ kéo dài. Người bệnh sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, nhằm tránh tác dụng phụ tốt nhất bạn không nên lạm dụng, sử dụng quá liều hoặc kết hợp thuốc bừa bãi.

Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị tật mắt bẩm sinh, tắc tuyến lệ từ khi chào đời có thể tự phục hồi sau khi lớn lên, tuyến lệ hoạt động ổn định. Trong thời gian này bố mẹ có thể thực hiện massage giúp cho bé mở các màng, hỗ trợ khắc phục tắc tuyến lệ. Mỗi ngày áp dụng 2-4 lần kiên trì, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể sử dụng kèm kháng sinh khi cần thiết.

Phương pháp xâm lấn tối thiểu

Ngoài biện pháp kể trên, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp giãn nở, thăm dò sau đó bơm nước nhằm thông ống dẫn lệ. Biện pháp được chỉ định thực hiện đối với em bé dị tật tuyến lệ bẩm sinh không khắc phục sau thời gian nhất định. Thao tác chính gồm:

  • Tiến hành giãn nở lỗ puncta bằng dụng cụ y khoa chuyên dụng.
  • Đưa ống thăm dò nhỏ vào trong hệ thống ống nước mắt.
  • Tiến hành kiểm tra các đường ống từ ống dẫn nước mắt đến các đường ra tại lỗ mũi.
  • Bơm bóng giãn nở đối với trường hợp thu hẹp hoặc xuất hiện sẹo, viêm ở ống dẫn lệ.
  • Các thủ thuật cần thiết khác được tiến hành cho những đối tượng bị tắc tuyến lệ do các nguyên nhân khác.

Dựa vào tình hình sức khỏe, mức độ đáp ứng điều trị của bệnh nhân phác đồ xâm lấn tối thiểu sẽ được hướng dẫn thực hiện. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín để khám chữa bệnh nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Phẫu thuật

Một số trường hợp tắc tuyến lệ nặng, nguyên nhân đến từ các dị dạng, khối u, viêm nhiễm,... xảy ra ở người lớn và trẻ em được chỉ định phẫu thuật. Phương pháp xâm lấn nhằm sửa chữa vị trí bị tổn thương, hư hỏng mang lại hiệu quả nhanh chóng.

Tuy nhiên trước hết bác sĩ sẽ kiểm tra, thăm khám để xác định vị trí cần tác động, xem xét chẩn đoán khả năng điều trị, hiệu quả điều trị trước khi thực hiện. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn, trao đổi những ưu và nhược điểm khi tiến hành phẫu thuật thông tuyến lệ.

Bệnh nhân nên đến các địa chỉ y tế uy tín, bệnh viện lớn để thực hiện. Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, kết hợp chăm sóc cơ thể, ăn uống đều độ để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các rủi ro không mong muốn, nhất là trường hợp viêm nhiễm sau phẫu thuật.

Điều trị nội soi

So với phẫu thuật mở, nội soi chỉ sử dụng ống dẫn nhỏ, đưa từ lỗ mũi vào hệ thống ống dẫn, tác động lên vùng cần điều trị không gây vết thương hở cho bệnh nhân. Phương pháp được áp dụng cho những đối tượng bị tắc tuyến lệ. Thông qua điều trị nội soi, bệnh không không lo bị sẹo, vết thương lành nhanh chóng.

Tùy vào mức độ tắc tuyến lệ, nguyên nhân gây ra hiện tượng này, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tương ứng. Sau nội soi, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc xịt mũi giúp bệnh nhân ngăn nguy cơ viêm nhiễm sau điều trị, dùng thuốc theo phác đồ. Bệnh nhân nên trở lại bệnh viện tái khám theo lịch hẹn để đảm bảo không gặp phải các vấn đề hậu phẫu nguy hiểm.

Phòng ngừa

Tắc tuyến lệ mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên có thể gây ra nhiều tác hại lên đời sống, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Trường hợp bệnh nhân chủ quan không chăm sóc tốt có thể gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm khác, trong đó đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm nặng.

Phòng ngừa
Hạn chế dụi mắt, lựa chọn mỹ phẩm phù hợp,... bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh

Chính vì thế, khi phát hiện các biểu hiện bất thường bạn nên chủ động thăm khám và điều trị sớm. Ngoài ra, bạn đọc nên chủ động phòng ngừa bệnh lý này, một số lưu ý kể đến như:

  • Trẻ sơ sinh khi chào đời nếu phát hiện dấu hiệu lạ nên đến gặp bác sĩ cớm.
  • Chăm sóc, vệ sinh vùng mắt cho bé sơ sinh cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa viêm nhiễm.
  • Đối với người lớn nên chủ động bảo vệ mắt, đeo mắt kính bảo hộ để tránh tình trạng mắt bị tổn thương trong quá tình làm việc, nhất là người phải làm trong môi trường có nhiều khói bụi, ô nhiễm, hóa chất độc hại,...
  • Không dụi mắt thường xuyên, đặc biệt là khi tay không được vệ sinh sạch sẽ.
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh về mắt, nhất là trường hợp bệnh nhân đang bị viêm kết mạc.
  • Sử dụng mỹ phẩm chính hãng, không dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là dùng cho mắt như phấn mắt, chì kẻ mắt,...
  • Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra mắt để sớm phát hiện bất thường và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc: Nguyên nhân và điều trị

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân vì sao tôi bị tắc tuyến lệ?

2. Tôi có thể nhận biết tắc tuyến lệ thông qua dấu hiệu nào?

3. Những biến chứng tắc tuyến lệ gây ra là gì?

4. Tôi cần điều trị tắc tuyến lệ như thế nào?

5. Dùng thuốc có chữa được tắc tuyến lệ không?

6. Khi nào cần áp dụng ngoại khoa chữa tắc tuyến lệ?

7. Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ có cần điều trị không?

8. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa tắc tuyến lệ tái phát?

Tắc tuyến lệ là một trong những bệnh lý về mắt nhiều người gặp phải. Bệnh xảy ra do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Người mắc bệnh nếu không phát hiện và điều trị có thể gặp phải các rủi ro như viêm nhiễm, ảnh hưởng đời sống, sức khỏe. Chính vì vậy bạn nên sớm khám chữa bệnh, chủ động phòng tránh để bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh.