Bệnh viêm mống mắt

Bệnh viêm mống mắt gây đau nhức mắt, đỏ mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng,... Thị lực ngày càng giảm nếu tình trạng này không được cải thiện. Các biến chứng có thể xuất hiện khi viêm mống mắt kéo dài là đục thủy tinh thể, sạn vôi ở mắt, rách bong võng mạc và nhiều vấn đề khác.

Tổng quan

Bệnh viêm mống mắt (Iritis) là một trong số các trường hợp viêm màng bồ đào nhiều người mắc phải. Tình trạng viêm xuất hiện ở vị trí lớp giữa mắt, ảnh hưởng đến khu vực mống mắt. Theo đó, có thể bạn chưa biết mống mắt là những vòng màu xung quanh mô đồng tử, chúng nằm phía sau giác mạc, trong suốt.

Viêm mống mắt là bệnh lý nhãn khoa thường gặp hiện nay

Mống mắt có tác dụng điều chỉnh đồng tử hoạt động phù hợp với từng điều kiện ánh sáng. Nếu xảy ra tình trạng viêm tại đây, đồng tử sẽ có kích thước nhỏ hơn, hoặc đôi khi đồng tử thay đổi hình dạng bất thường gây ra các biến chứng khác, đặc biệt thường gặp nhất là tăng nhãn áp.

Bệnh viêm mống mắt là tình trạng bệnh về mắt có mức độ nghiêm trọng cao. Trường hợp bệnh nhân chủ quan, không điều trị có thể dẫn đến mù lòa, cùng nhiều biến chứng nặng nề. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh lý này còn gây ra nhiều biến chứng hại sức khỏe tổng thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo thống kê nhiều năm trở lại đây số lượng bệnh nhân mắc bệnh viêm mống mắt gia tăng. Nguyên nhân gây ra vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố từ di truyền đến các chấn thương, thói quen sinh hoạt,... Cụ thể:

  • Viêm mống mắt xảy ra khi mắt bị chấn thương nhẹ, tai nạn ảnh hưởng đến vùng mắt, bỏng hóa chất hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao gây viêm nhiễm, tổn thương mống mắt.
  • Nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây viêm mống mắt. Virus tấn công dẫn đến viêm loét và nhiều vấn đề ở vùng mắt. Loại virus gây hại thường gặp là virus herpes, virus gây bệnh giang mai, lao, toxoplasmosis,...
  • Ảnh hưởng bởi ký sinh trùng ký sinh trong cơ thể thông qua các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Chúng xâm nhập vào đường miệng rồi di chuyển lan rộng gây hại cho đôi mắt cũng như nhiều bộ phận khác.
  • Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân có liên quan gây viêm mống mắt.
  • Một số bệnh lý xuất hiện tăng nguy cơ viêm mống mắt cho người bệnh như bệnh Behcet, bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên, bệnh Sarcoidosis, Lupus ban đỏ,... Các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho tác nhân gây hại tấn công mắt.
  • Tác dụng phụ của thuốc cũng có khả năng gây bệnh viêm mống mắt. Nhất là trường hợp người bệnh lạm dụng thuốc, không sử dụng đúng liều dùng được bác sĩ chỉ định.

Những đối tượng có nguy cơ bị viêm mống mắt kể đến như:

  • Người mang gen HLA-B27
  • Người bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Bệnh nhân sống ở nơi có nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm, môi trường vệ sinh không đảm bảo.
  • Người đang bị suy giảm hệ miễn dịch cho mắc bệnh tự miễn,...

Nhận biết triệu chứng sớm và tìm nguyên nhân gây bệnh giúp việc điều trị có nhiều khả quan. Trường hợp viêm mống mắt nặng có thể gây ra nhiều biến chứng, do đó bạn đọc không nên chủ quan.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh viêm mống mắt gây ra các triệu chứng khó chịu ở vùng mắt. Người bệnh có thể nhầm lẫn tình trạng viêm với các biểu hiện thông thường khác khiến việc phát hiện và điều trị bệnh chậm trễ. Như đã đề cập căn bệnh này khá nặng nề, nhiều rủi ro phát sinh biến chứng.

Mắt bị đỏ, kèm theo đau nhức, thị lực giảm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe

Do đó, nếu gặp phải các dấu hiệu dưới đây bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm:

  • Mắt đỏ, tròng rắng chuyển sang màu hồng nhạt, đỏ xung quanh vị trí con ngươi.
  • Cơn đau nhức mắt khó chịu xuất hiện, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống và sức khỏe của người bệnh.
  • Mờ mắt, mắt trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng. Điều này khiến cho người bệnh sợ khi tiếp xúc với ánh sáng, nhất là nơi có ánh sáng mạnh, chóp nháy liên tục.
  • Xuất hiện hạt nổi mắt.

Viêm mống mắt có thể diễn biến cấp tính với các đợt xuất hiện triệu chứng bất ngờ. Triệu chứng bùng phát mạnh mẽ, sau đó có thể chuyển dần thành dạng mãn tính. Bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp thăm khám để chẩn đoán viêm mống mắt.

Chẩn đoán

Mắt được kiểm tra để chẩn đoán tình trạng bệnh. Bác sĩ thực hiện thăm khám bên ngoài, sử dụng penlight để nhìn đồng tử, quan sát các biểu hiện bất thường của mắt. Kết hợp kiểm tra thị lực của bệnh nhân bằng bảng thị lực, sử dụng đèn khe để quan sát sâu trong mắt.

Sau khi kết luận viêm mống mắt, tùy từng mức độ viêm, nguyên nhân gây tổn thương để đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp. Bệnh nhân nên thăm khám và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để sớm đẩy lùi viêm mống mắt cũng như các vấn đề liên quan khác.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân bị viêm mống mắt gặp các triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe. Trường hợp kéo dài, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề hơn tại mắt, chẳng hạn:

  • Nguy cơ gây đục thủy tinh thể nếu tình trạng viêm mống mắt kéo dài không có biện pháp can thiệp phù hợp. Các vết xước hình thành, để lại sẹo làm mống mắt dính vào thủy tinh thể. Điều này khiến đồng tử trở nên bất thường, gặp ánh sáng phản ứng chậm chạp, hình ảnh thu được không hoàn toàn.
  • Một biến chứng khác bệnh nhân có thể gặp phải là tình trạng tăng nhãn áp. Mắt trở nên yếu dần, nhìn kém hơn. Bệnh nhân lúc này cần can thiệp điều trị, sử dụng kính để hỗ trợ khả năng nhìn.
  • Người bệnh viêm mống mắt kéo dài có thể xuất hiện sạn vôi ở mắt. Khi đó, giác mạc đã có dấu hiệu thoái hóa dần, thị lực của bệnh nhân giảm mạnh, khó nhìn.
  • Ngoài các biến chứng đã đề cập, bệnh nhân có khả năng bị bong rách võng mạc khi tình trạng viêm kéo dài không được kiểm soát. Thị lực trung tâm và tại hoàng điểm không còn tốt, bệnh nhân nhìn kém.

Chủ động điều trị viêm mống mắt từ sớm nhằm loại bỏ nguy cơ gặp phải các biến chứng kể trên. Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy mắt có các dấu hiệu bất thường. Tùy tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ dẫn phác đồ can thiệp điều trị tương ứng.

Điều trị

Điều trị viêm mống mắt trên nguyên tắc giảm đau, kháng viêm, bảo tồn thị lực tốt nhất cho người bệnh, ngăn chặn rủi ro biến chứng ảnh hưởng đến hoạt động của mắt. Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ điều trị riêng. Dưới đây là 3 cách can thiệp phục hồi thị lực cơ bản cho người bệnh:

Thăm khám mắt khi gặp phải triệu chứng bất thường được bác sĩ chỉ định điều trị

Điều trị bằng thuốc

Thuốc có tác dụng nhanh, hiệu quả giúp giảm đau kháng viêm cho mắt. Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng thuốc để tránh ảnh hưởng đến thị lực. Một số loại thuốc như:

  • Thuốc nhỏ giãn mắt Cycloplegics, đây là loại được dùng phổ biến có tác dụng làm giãn đồng tử. Thuốc sử dụng dạng nhỏ tiện dụng, giảm cơn đau cho bênh nhân, bảo vệ mắt khỏi tình trạng dính mống mắt tránh biến chứng đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
  • Các loại thuốc bổ sung vitamin A, B, C D có tác dụng cung cấp dưỡng chất giúp mắt sáng, tăng đề kháng chống lại tác nhân gây hại.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa steroid trong trường hợp cần thiết.
  • Dùng thuốc Glucocorticoid giảm viêm cho bệnh nhân, tăng tính ổn định tế bào, phòng nguy cơ viêm nhiễm gây biến chứng.

Bệnh nhân sử dụng theo phác đồ của bác sĩ. Mỗi trường hợp cần sử dụng thuốc với liều lượng nhất định, tránh tình trạng lạm dụng. Nếu trong thời gian điều trị gặp phải biểu hiện lạ, bệnh nhân nên thông báo để bác sĩ xử lý tác dụng phụ và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Chăm sóc mắt

Để phòng ngừa rủi ro viêm nhiễm nặng hơn, trong thời gian sử dụng thuốc người bệnh cần kết hợp vệ sinh mắt, không dùng tay dụi mắt tránh lây nhiễm vi khuẩn, virus gây biến chứng về mắt. Một số lưu ý:

  • Cần rửa tay trước khi vệ sinh mắt để đảm bảo không lan vi khuẩn, virus vào mắt.
  • Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt làm sạch bề mặt mắt.
  • Sử dụng gạc y tế hoặc khăn sạch lau nước bên ngoài mắt, không dùng tay chà xát mắt.
  • Vệ sinh từng mắt, không sử dụng khăn hoặc gạc từ mắt này sang mắt kia, tốt nhất phải dùng riêng để hạn chế nguy cơ lây lan viêm nhiễm.

Bên cạnh chăm sóc vệ sinh mắt đúng cách, người bệnh cần bổ sung các nhóm chất có lợi cho mắt, ăn uống đủ chất để tăng cường đề kháng cơ thể. Sức khỏe khỏe mạnh góp phần giúp người bệnh sớm chữa khỏi chứng viêm mống mắt cũng như nhiều bệnh lý khác.

Sử dụng kính hỗ trợ

Mắt khi bị viêm nhạy cảm hơn với ánh sáng, do đó trong thời gian điều trị viêm mống mắt bệnh nhân có thể phải dùng đến mắt kính bảo hộ. Bác sĩ sẽ chỉ định loại mắt kính phù hợp với tình trạng của mắt, sử dụng kính có độ để bệnh nhân nhìn rõ hơn, mắt kính có màu để giảm tia cực tím, ánh sáng xanh,...

Phòng ngừa

Bệnh viêm mống mắt có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Trường hợp bệnh xuất hiện mà không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện mắt có triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và điều trị theo hướng dẫn bác sĩ.

Chăm sóc bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh, phòng rủi ro viêm mống mắt

Ngoài ra, chủ động phòng bệnh cũng là vấn đề mỗi người nên thực hiện. Chăm sóc đôi mắt sáng khỏe, phòng ngừa nhiều rủi ro cho mắt và sức khỏe tổng thể. Các lưu ý:

  • Vệ sinh mắt đúng cách, không sử dụng tay bẩn dụi, chà vào mắt để tránh tổn thương, viêm nhiễm mắt.
  • Ăn uống đủ chất, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm ký sinh trùng gây hại. Hạn chế ăn những món gỏi, tái sống,...
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, sử dụng nước sạch, tránh dùng nước bị ô nhiễm để tắm rửa.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, nơi bị ô nhiễm không khí. Sử dụng kính bảo hộ khi phải làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng có nhiều bụi, tiếp xúc với nắng mặt trời trong nhiều giờ liền.
  • Hạn chế thức khuya, nên ngủ đủ giấc, tránh lạm dụng mắt, tốt nhất nên dành thời gian cho đôi mắt được nghỉ ngơi, giảm nguy cơ cận thị hoặc các vấn đề về mắt trong đó có viêm mống mắt.
  • Kiểm tra mắt khi có dấu hiệu bất thường, đeo kính cận và sử dụng các biện pháp điều trị cận thị, viễn thị,... để bảo vệ mắt khỏe mạnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Mắt tôi bị đau, nhìn mờ có phải bị viêm mống mắt không?

2. Dấu hiệu nhận biết viêm mống mắt là gì?

3. Nguyên nhân nào gây viêm mống mắt?

4. Tôi cần làm các kiểm tra nào để chẩn đoán viêm mống mắt?

5. Trường hợp không điều trị viêm mống mắt có được không?

6. Biến chứng tôi có thể gặp khi bị viêm mống mắt là gì?

7. Tôi cần sử dụng thuốc nào để chữa viêm mống mắt?

8. Sử dụng thuốc trong bao lâu thì có kết quả?

9. Trong thời gian dùng thuốc tôi nên tránh làm gì và nên làm gì để mắt mau khỏi?

10. Tình trạng viêm mống mắt có tái phát sau điều trị không?

Viêm mống mắt là một bệnh lý phổ biến nhiều người gặp phải. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng biện pháp phù hợp với tình hình viêm mống mắt của bệnh nhân. Bạn nên chủ động thăm khám ngay khi phát hiện mắt có dấu hiệu bất thường nhằm phòng ngừa các biến chứng gây hại.

Tham khảo thêm: