Bệnh Viêm Bờ Mi Mắt
Viêm bờ mi mắt xảy ra khi vùng mí mắt bị sưng viêm gây đau nhức, ngứa rát khó chịu. Đây là một tình trạng mãn tính, kéo dài dai dẳng và dễ tái phát, tuy nhiên nó thường không lây lan nhiễm trùng. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, tổn thương viêm nhiễm có thể được kiểm soát nhanh chóng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Viêm bờ mi mắt (Blepharitis) là tình trạng mí mắt bị viêm, gây sưng đau, đỏ mắt, đóng vảy bong tróc lên lông mi. Tổn thương có thể xảy ra ở 1 hoặc ở cả 2 mắt. Dạng viêm này có tính chất dai dẳng, khó điều trị khỏi dứt điểm và có xu hướng tái phát thường xuyên. Hậu quả phát triển viêm bờ mi mắt mãn tính gây ra nhiều ảnh hưởng và biến chứng về thị lực đáng lo ngại.
Viêm bờ mi mắt xảy ra rất phổ biến. Ước tính khoảng 37 - 47% trường hợp sẽ mắc phải viêm bờ mi mắt ở một thời điểm nhất định nào đó trong đời. Người lớn và trẻ em ở cả hai giới đều có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Nhưng có một dạng viêm bờ mi chủ yếu ảnh hưởng đến nữ giới là do tụ cầu.
Phân loại
Bệnh viêm bờ mi mắt có nhiều loại khác nhau, được phân chia tùy thuộc vào vị trí phát triển viêm trên mi mắt. Bao gồm:
- Viêm bờ mi trước: Dạng viêm bờ mi này xảy ra ở mặt trước của mí mắt. Đây là nơi lông mi mọc ra bám vào mí mắt, đặc trưng triệu chứng khi viêm là sưng viêm vùng da tại mí mắt, ửng đỏ hoặc xuất hiện các mảng vảy bong tróc trên mí mắt.
- Viêm bờ mi sau: Dạng viêm bờ mi mắt này xảy ra khi các tuyến meibomian nằm ẩn ở mép trong của mí mắt bị tắc nghẽn. Lượng dầu tiết ra nhiều nhưng tích tụ lại bên tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển.
- Thể viêm hỗn hợp: Ít phổ biến hơn 2 loại cụ thể trên, xảy ra khi người bệnh vừa bị viêm bờ mi trước vừa viêm bờ mi sau.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm bờ mi mắt xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Nhiễm trùng: Các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng có khả năng gây nhiễm trùng mí mắt cao. Một số loại thường được phát hiện ở bệnh nhân bị viêm bờ mi mắt như: vi khuẩn staphylococcal gây nhiễm trùng ở gốc lông mi, virus varicella zoster hoặc herpes simplex hoặc ký sinh trùng Demodex gây nhiễm trùng trực tiếp ở mi mắt.
- Tắc nghẽn tuyến Meibomius: Tuyến Meibomius là một tuyến nhỏ nằm ở vị trí mép trong của mí mắt, chúng có tác dụng sản xuất ra lipid nhằm duy trì độ ẩm cho mắt. Tuy nhiên, khi tuyến này thay đổi cấu trúc hoặc hoạt động bất thường, các lỗ tuyến và ống dẫn bên trong sẽ bị bít tắc, gây cản trở quá trình thoát dầu. Lâu ngày dẫn đến khô mắt và phát triển nhiễm trùng.
- Ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe khác: Chẳng hạn như:
- Dị ứng với thuốc nhỏ mắt, kính áp tròng hoặc các sản phẩm trang điểm mắt;
- Nổi mụn trứng cá đỏ gây viêm da mặt, bao gồm cả phần mí mắt;
- Khô mắt do ống dẫn nước mắt gặp vấn đề, thường là do bị thay đổi sức đề kháng hoặc bị viêm nhiễm do vi khuẩn;
- Bị chấy hoặc ve Demodex ở các nang và tuyến lông mi ở mắt, tăng nguy cơ phát triển viêm bờ mi mắt mãn tính;
- Nổi mụn trứng cá hồng hoặc gàu;
- Viêm bờ mi mắt do tụ cầu;
Ngoài những nguyên nhân trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển của viêm bờ mi mắt, chẳng hạn như:
- Người thường xuyên đeo kính áp tròng hoặc không tẩy trang mắt kỹ lưỡng;
- Vệ sinh bờ mi kém, không rửa kỹ mí mắt và lông mi;
- Người có cơ địa da dầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển quá mức trên da;
- Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại hoặc chất kích thích như bụi mịn;
- Người có tiền sử tiểu đường, sử dụng thuốc điều trị ung thư;
- Phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh;
Biến chứng và tiên lượng
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm bờ mi mắt thường biểu hiện rất rõ ràng, dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Chúng thường tiến triển nặng hơn vào mỗi buổi sáng. Bao gồm:
- Sưng đỏ mí mắt;
- Ngứa lông mi
- Có cảm giác ngứa rát, châm chích mí mắt;
- Xuất hiện các mảnh vụn như gàu ở gốc lông mi;
- 2 mép mí mắt dính lại với nhau;
- Chảy nước mắt;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Cảm giác cộm mắt như có vật gì đó nằm trong mắt;
- Tầm nhìn mắt bị mờ liên tục, chỉ được cải thiện khi chớp mắt liên tục;
Ngoài các triệu chứng cơ bản trên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm bờ mi mắt cũng có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn như:
- Sưng nhiều vị trí khác trong mắt, điển hình như giác mạc;
- Lông mi rụng nhiều hoặc trụi hẳn;
- Lông mọc sai hướng;
Chẩn đoán
Khám mắt là bước cần thiết và quan trọng giúp chẩn đoán viêm bờ mi mắt. Vì không có một xét nghiệm duy nhất và đặc hiệu nào để chẩn đoán căn bệnh này. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chính xác cũng không hề khó khăn, chỉ cần thực hiện kết hợp một số cách dưới đây:
- Khám mắt: Việc thăm khám bên ngoài mắt bằng cách kiểm tra những triệu chứng thực thể, đánh giá mức độ đỏ mắt, đau nhức, ngứa rát, sưng phù, chảy mủ... Đồng thời, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh thông qua đặt các câu hỏi về tiền sử bệnh để xác định các yếu tố nguy cơ liên quan.
- Xét nghiệm: Các xét nghiệm cần thiết giúp xác nhận chẩn đoán viêm bờ mi mắt, bao gồm:
- Mẫu dịch tiết được lấy từ mí mắt;
- Kiểm tra nước mắt;
- Sinh thiết mí mắt;
Biến chứng và tiên lượng
Viêm bờ mi mắt là một dạng viêm có tính chất dai dẳng và rất dễ tái phát, gần như không thể chữa khỏi dứt điểm. Việc điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng và loại bỏ viêm nhiễm, ngăn ngừa tiến triển viêm ngày càng nặng hơn. Với những trường hợp nhẹ, chỉ cần chăm sóc vệ sinh sạch sẽ mí mắt, tình trạng viêm sẽ thuyên giảm. Nhưng với những trường hợp nặng, nếu không điều trị y tế có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Hình thành nốt sưng cứng, mụn lẹo, chắp mắt;
- Viêm loét giác mạc;
- Viêm mống mắt
- Các vấn đề bất thường về mí mắt;
- Phát triển viêm kết mạc;
- Các vấn đề về lông mi;
Viêm bờ mi mắt không phải căn bệnh quá nguy hiểm, không đe dọa đến tính mạng. Trong một số trường hợp, biến chứng của bệnh chỉ gây ra những phiền toái về cảm giác khó chịu ở mí mắt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và suy giảm một phần thị lực. Do đó, khuyến khích bệnh nhân nên chủ động thăm khám và chẩn đoán để có hướng điều trị kịp thời.
Điều trị
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị viêm bờ mi mắt phù hợp. Một số phương pháp dưới đây được áp dụng phổ biến, bao gồm:
Chăm sóc tại nhà
Làm sạch mí mắt là bước quan trọng đầu tiên cần được thực hiện nhằm cải thiện triệu chứng viêm. Để làm sạch mí mắt, hãy thực hiện một số theo các bước sau:
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn;
- Dùng khăn ướt, tăm bông hoặc miếng gạc y tế nhúng vào dung dịch tẩy rửa;
- Lau trực tiếp và nhẹ nhàng lên mi mắt, sau đó lau lại bằng nước ấm;
- Lặp lại bước tương tự ở bên mắt còn lại, lưu ý cần thay khăn hoặc miếng khăn sạch khác;
Ngoài ra, để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng viêm bờ mi mắt, người bệnh cần chú ý các cách sau đây:
- Tránh trang điểm mắt trong quá trình điều trị bệnh nhằm giảm thiểu kích ứng cho mắt;
- Sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết cho mắt dạng xịt, chứa bọt, thường có chứa hoạt chất axit hypochlorous để giảm lượng vi khuẩn và mảng gàu trên lông mi;
- Chườm ấm lên mắt giúp giảm cảm giác đau nhức, ngứa rát khó chịu;
- Tăng cường bổ sung hoạt chất omega-3 trong thực phẩm hoặc viên uống TPCN để kích thích sự hoạt động của các tuyến trong mắt;
Điều trị bằng thuốc
Để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng viêm nhiễm ở mi mắt, bác sĩ sẽ kê toa sử dụng các loại thuốc phù hợp để loại bỏ nhiễm trùng. Các loại thuốc được chỉ định phổ biến gồm:
- Thuốc kháng sinh: Các loại thuốc kháng sinh được điều chế dạng mỡ được dùng để bôi trực tiếp lên vùng mí mắt bị viêm. Chẳng hạn như erythromycin hoặc bacitrcin... Một số trường hợp có thể kết hợp sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh, kết hợp giữa polymyxin B và trimethprim nhằm loại bỏ tình trạng viêm nhiễm. Nếu viêm nhiễm quá nặng có thể kết hợp sử dụng kháng sinh dạng uống để loại bỏ nhiễm trùng hiệu quả như doxycycline hoặc azithromycin.
- Thuốc chống viêm: Nhóm thuốc Steroid cũng được chỉ định sử dụng phổ biến nhằm cải thiện triệu chứng viêm bờ mi mắt. Kết hợp với thuốc kháng sinh nhằm điều trị các bệnh lý tiềm ẩn hoặc nhiễm trùng thứ cấp.
- Thuốc hỗ trợ điều hòa miễn dịch: Loại thuốc này có tác dụng hỗ trợ giảm viêm nhờ khả năng ức chế phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể khi phản ứng lại với các tác nhân gây viêm. Có thể sử dụng loại thuốc nhỏ mắt phổ biến như cyclosporine để điều trị viêm bờ mi mắt.
Các thủ thuật y tế
Một số thủ thuật y tế cũng được chỉ định để hỗ trợ điều trị viêm bờ mi mắt. Các phương pháp mới thường được áp dụng như:
- Liệu pháp Lipiflow giúp làm ấm mí mắt và loại bỏ tắc nghẽn tuyến dầu có hại cho mí mắt;
- Liệu pháp laser sử dụng nguồn ánh sáng cường độ cao để tác động trực tiếp đến vùng da mí mắt bị viêm;
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm bờ mi mắt, cần loại bỏ các yếu tố rủi ro có khả năng kích thích phản ứng viêm. Các cách dưới đây có thể đem lại lợi ích tích cực, chẳng hạn như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh chạm tay trực tiếp lên mắt, không dụi mắt để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Vệ sinh mí mắt hàng ngày để ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn, giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn hoặc bọ ve trên mí mắt.
- Tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là axit béo omega-3 có thể giúp tuyến meibomian luôn hoạt động khỏe mạnh.
- Đeo kính áp tròng đúng cách và vệ sinh sạch sẽ cả mắt lẫn kính áp tròng để giảm thiểu nguy cơ phát triển viêm bờ mi mắt.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt thường xuyên để giảm khô mắt.
- Chọn lựa đồ trang điểm chất lượng hoặc thay mới thường xuyên để tránh việc dùng các sản phẩm có chứa vi khuẩn, giảm nguy cơ tái nhiễm.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Lý do tại sao tôi bị sưng đau mí mắt, khô mắt, chảy nước mắt, rụng lông mi, nhạy với ánh sáng...?
2. Cần thực hiện những xét nghiệm gì để chẩn đoán nguyên nhân?
3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh viêm bờ mi mắt?
4. Bị viêm bờ mi mắt có gây ra biến chứng gì hay không?
5. Bệnh viêm bờ mi mắt có tự khỏi không?
6. Phương pháp điều trị viêm bờ mi mắt tốt nhất dành cho tôi?
7. Tôi cần làm gì để chăm sóc cải thiện triệu chứng viêm bờ mi mắt tại nhà?
8. Sau điều trị viêm bờ mi mắt, viêm nhiễm có tái phát trở lại không?
Viêm bờ mi mắt là tình trạng rất phổ biến, hiếm khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Nhưng nếu để bệnh phát triển kéo dài, tổn thương viêm nhiễm có thể gây ra mệt mỏi và nhiều phiền toái trong đời sống hàng ngày. Do đó, tốt nhất người bệnh nên thăm khám sớm tại các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị bằng kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Bệnh giác mạc hình chóp - Dấu hiệu và cách điều trị
- Bong võng mạc - Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị