Bệnh Tăng Nhãn Áp
Tăng nhãn áp là một bệnh về mắt nghiêm trọng có thể gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là người lớn tuổi. Nhưng tình trạng này hoàn toàn có thể được ngăn chặn bằng cách phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Tổng quan
Tăng nhãn áp (Glaucoma) hay còn gọi là bệnh cườm nước. Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác trong mắt, bộ phận truyền thông tin tín hiệu từ mắt đến não. Xảy ra khi chất lỏng tích tụ quá mức ở phần trước của mắt. Chính lượng chất lỏng dư thừa này là tác nhân làm tăng áp lực trong mắt và gây ra tổn thương hoặc suy yếu các dây thần kinh thị giác.
Bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa vĩnh viễn ở đa số người lớn tuổi (thường > 60 tuổi). Nhưng bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải bệnh lý này. Các chuyên gia về mắt khuyến cáo mỗi người cần thận trọng trước những dấu hiệu bất thường về mắt. Vì trong hầu hết trường hợp mắc bệnh đều không có dấu hiệu cảnh báo trước.
Tuy có nguy cơ cao về mất thị lực không thể phục hồi, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương này có thể ngăn ngừa được.
Phân loại
Bệnh tăng nhãn áp được phân chia làm 2 dạng chính gồm góc mở và góc đóng. Trong đó, thuật ngữ “góc” được dùng để chỉ vị trí của cơ chế thoát nước tại điểm nối của mép cửa sổ mắt (giác mạc) và phần màu của mắt (mống mắt).
Theo cơ chế tuần hoàn chất lỏng bình thường, chất lỏng sẽ được tạo ra và tích tụ ở phía sau mống mắt, sau đó chảy qua đồng tử đi vào khoảng trống giữa buồng trước (điểm nối giữa giác mạc và mống mắt). Sự tuần hoàn này diễn ra liên tục nhằm duy trì áp suất bình thường trong mắt.
- Tăng nhãn áp góc mở (Open-angle glaucoma): Bệnh nhân tăng nhãn áp góc mở, chất lỏng sẽ tiếp cận hoàn toàn với cơ chế thoát nước, nhưng cơ chế này hiện đang bị tắc nghẽn. Đây là dạng tăng nhãn áp phổ biến nhất, xảy ra do sự tích tụ dần dần chất dịch lỏng tạo áp lực cho mắt và gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Dạng tăng nhãn áp này thường không gây đau đớn và không làm suy giảm thị lực ở giai đoạn đầu.
- Tăng nhãn áp góc đóng (Angle-closure glaucoma): Đối với tăng nhãn áp góc đóng, chất lỏng di chuyển đến cơ chế dẫn lưu nhưng bị chặn lại do một tác nhân vật lý nào đó. Điều này dẫn đến tạo áp lực trong mắt đột ngột, kéo dài thường xuyên. Đa số trường hợp này phải tiến hành điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa biến chứng mù lòa. Đặc trưng của bệnh tăng nhãn áp dạng này là ban đầu không có triệu chứng cho đến khi bộc phát đợt cấp tính đầu tiên.
Ngoài ra, bệnh tăng nhãn áp còn được phân loại thành 4 dạng khác là thể nguyên phát, thể thứ phát và thể phát triển dựa vào căn nguyên gây ra.
- Tăng nhãn áp nguyên phát: Thực chất đây chính là dạng tăng nhãn áp góc đóng. Đặc trưng bởi các triệu chứng cấp tính khi áp lực trong mắt tăng đột ngột, gây đau đớn dữ dội và kèm theo nhiều triệu chứng khác như đỏ mắt, đen mắt, suy giảm thị lực, buồn nôn, nôn ói…
- Tăng nhãn áp thứ phát: Dạng bệnh tăng nhãn áp này thường xảy ra do bị ảnh hưởng bởi một tình trạng sức khỏe về mắt khác (như viêm mắt, viêm màng bồ đào) hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Tăng nhãn áp bẩm sinh: Dạng tăng nhãn áp này chủ yếu ảnh hưởng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh có khả năng phát triển trong vài năm đầu đời.
- Tăng nhãn áp sắc tố (PDS): Đối với dạng này, tình trạng tăng nhãn áp xảy ra do có sự xuất hiện của các hạt sắc tố nhỏ bong ra khỏi mống mắt, gây tắc nghẽn hoặc ứ trệ quá trình tuần hoàn thoát nước từ mắt. Các hạt sắc tố này có thể bị khuấy động thông qua một số hoạt động thể chất như chạy bộ, đạp xe… Nhưng đến khi chúng lắng đọng lại tại điểm giao giữa mống mắt và giác mạc sẽ gây gia tăng áp lực.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Để hiểu chính xác về bệnh tăng nhãn áp, bạn cần nắm rõ thông tin của các bộ phận, cơ chế hoạt động nhằm duy trì áp lực trong mắt. Để duy trì áp lực nội nhãn trong giới hạn bình thường phụ thuộc vào 2 yếu tố là hoạt động của góc thoát nước và dây thần kinh thị giác.
Trong đó:
- Mắt con người có khả năng tiết ra thủy dịch liên tục, chúng tuần hoàn chảy vào mắt và chảy ra với lượng tương tự. Chúng thoát ra ngoài thông qua góc thoát nước (là điểm gặp nhau giữa giác mạc và mống mắt). Quá trình tuần hoàn này diễn ra liên tục nhằm duy trì áp lực trong mắt (nội nhãn/ IOP) luôn ở mức ổn định.
- Hệ thống dây thần kinh thị giác được tạo thành từ hơn 1 triệu sợi thần kinh nhỏ. Nó có hình dạng như một bó dây cáp điện và hoạt động bình thường nhằm duy trì thị lực.
Bệnh tăng nhãn áp xảy ra khi áp lực trong mắt tăng lên quá mức cho phép do mất cân bằng giữa việc sản xuất và thoát nước thủy dịch. Hậu quả gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, khiến áp lực bên trong mắt tăng lên, dẫn đến tổn thương các dây thần kinh thị giác.
Mức độ tổn thương phụ thuộc vào mức độ áp lực và thời gian tích tụ chất dịch lỏng… Áp lực càng lớn mức độ tổn thương càng cao, thậm chí tổn thương diễn ra ngay lập tức, gây mất thị lực đột ngột.
Số lượng dây thần kinh suy yếu hoặc chết đi càng nhiều, càng phát triển những điểm mù trong tầm nhìn. Khi toàn bộ các sợi dây thần kinh chết đi, bạn sẽ bị mù hoàn toàn.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp, bao gồm:
- Người lớn tuổi trên 40 - 60 tuổi;
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp;
- Bản thân bị cận thị hoặc viễn thị nặng;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý mãn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu hồng cầu hình liềm, đau nửa đầu…;
- Những người thuộc chủng tộc da đen, gốc Tây Ban Nha hoặc châu Á;
- Chấn thương mắt hoặc ảnh hưởng từ các phẫu thuật mắt;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc corticosteroid, nhất là sử dụng thuốc nhỏ mắt trong thời gian dài;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Đa số trường hợp mắc bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Nên trên thực tế, có khoảng ½ trường hợp không biết bản thân đang mắc bệnh.
Ở giai đoạn tiến triển và bộc phát nặng, mỗi dạng tăng nhãn áp sẽ có những biểu hiện khác nhau. Bao gồm:
- Triệu chứng tăng nhãn áp góc mở: Đối với thể này, bệnh nhân thường không nhận thấy được bất kỳ thay đổi nào về thị lực cho đến khi tổn thương tiến triển đến mức nghiêm trọng.
- Triệu chứng tăng nhãn áp góc đóng: Trước khi bệnh, bệnh nhân thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn đầu, có thể bị mờ mắt, đau mắt, đau đầu nhẹ… Đến giai đoạn tiến triển cấp sẽ có các triệu chứng điển hình như:
- Đau mắt dữ dội, đau lan sang trán, mắt;
- Đỏ mắt;
- Đau đầu;
- Xuất hiện quầng sáng bất thường trước mắt;
- Mờ mắt, giảm thị lực;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Triệu chứng tăng nhãn áp bẩm sinh:
- KÍch thước mắt to hơn bình thường;
- Chảy nước mắt liên tục;
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng;
- Đục giác mạc;
Chẩn đoán
Để chắc chắn bản thân có mắc bệnh về mắt hay không, đó là bệnh gì, cách duy nhất đó là thực hiện thăm khám và chẩn đoán tại bệnh viện chuyên khoa. Không có xét nghiệm tiêu chuẩn nào để chẩn đoán bệnh này, nhưng sự kết hợp của nhiều kỹ thuật nhãn khoa cùng lúc có thể đưa ra kết luận chính xác.
Để phát hiện bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một loạt các bài kiểm tra đơn giản sau:
- Đo áp lực nội nhãn: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng một dụng cụ đặc biệt là tonometer.
- Kiểm tra trường thị giác: Tổn thương hiển thị trên màn hình là một chuỗi các điểm sáng bất thường.
- Kiểm tra dây thần kinh thị giác: Kích thích mắt bằng cách chiếu đèn pin chuyên dụng để đánh giá mức độ nhạy cảm và mức độ tổn thương của dây thần kinh thị giác.
- Các kiểm tra khác:
- Kiểm tra góc thoát nước của mắt bằng kỹ thuật soi góc;
- Kiểm tra tầm nhìn ngoại vi;
- Đo độ dày giác mạc;
- Chụp cắt lớp mạch lạc quang học (OCT);
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác kỹ hơn về tiền sử bệnh cá nhân, gia đình, nhất là các bệnh về mắt. Bệnh nhân được yêu cầu đọc các chữ cái trên bảng chữ Snellen.
Biến chứng và tiên lượng
Suy giảm thị lực và mù lòa vĩnh viễn là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh tăng nhãn áp. Ước tính cứ 10 trường hợp mắc bệnh thì có 1 người không thể phục hồi thị lực, phải sống cảnh mù lòa suốt đời, thường xảy ra ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, tiên lượng bệnh thường tốt khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng các biện pháp y tế phù hợp.
Điều trị
Không có biện pháp đặc hiệu để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Dựa vào kết luận chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Mục tiêu dùng thuốc chủ yếu nhằm kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn chặn tổn thương tiến triển nặng thêm.
Các phương pháp điều trị phổ biến gồm:
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên ban đầu nhằm giảm áp lực mắt và cải thiện triệu chứng. Loại thuốc thường dùng là thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống, được kê đơn sử dụng hàng ngày, giúp giảm bớt lượng chất lỏng do mắt tạo ra và giảm áp lực mắt bằng cách thúc đẩy cơ chế thoát nước.
Một số nhóm thuốc thường dùng bao gồm:
Thuốc nhỏ mắt
- Hoạt chất prostaglandin
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc ức chế anhydrase carbonic
- Chất chủ vận alpha-2
- Thuốc co đồng tử
- Thuốc ức chế rho-kinase
- Thuốc cung cấp oxit nitric
Thuốc uống
Khi các loại thuốc nhỏ mắt không đem lại tác dụng như mong muốn, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống. Loại phổ biến là chất ức chế anhydrase carbonic.
Lưu ý: Tất cả các loại thuốc trị bệnh tăng nhãn áp tuy đem lại hiệu quả tốt nhưng đều có thể gây ra tác dụng phụ. Chẳng hạn như: cảm giác ngứa, châm chích, khó chịu trong mắt, đỏ mắt, mờ mắt, khô miệng, nặng hơn là thay đổi hô hấp, nhịp tim…
Can thiệp phẫu thuật
Với những trường hợp tăng nhãn áp nghiêm trọng, bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật nhằm loại bỏ chất lỏng và giải phóng áp lực trong mắt. Hiện nay, có 2 hình thức phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp.
Liệu pháp laser
Đây là liệu pháp sử dụng chùm tia laser với nguồn năng lượng ánh sáng mạnh tác động lên mắt. Có 2 kỹ thuật laser được áp dụng phổ biến gồm:
- Trabeculoplasty: Thường chỉ định cho những trường hợp bị tăng nhãn áp góc mở, thay thế hoặc áp dụng song song với thuốc để tăng hiệu quả. Dưới sự tác động của tia laser, góc thoát nước sẽ được thúc đẩy hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, giúp chất lỏng trong mắt chảy ra ngoài đúng cách, giảm bớt áp lực trong mắt.
- Phẫu thuật mống mắt: Áp dụng cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc đóng. Bác sĩ sẽ dùng tia laser để tạo ra một lỗ nhỏ trên mống mắt, giúp dẫn lưu chất lỏng chảy chính xác đến góc thoát nước.
Phẫu thuật xâm lấn
Một vài trường hợp nghiêm trọng có thể được chỉ định phẫu thuật tăng nhãn áp trong phòng phẫu thuật. Mục tiêu nhằm tạo ra một kênh thoát nước mới thay thế hệ thống ban đầu nhằm loại bỏ chất lỏng ra khỏi mắt.
Các kỹ thuật phẫu thuật thường được áp dụng gồm:
- Cắt bè củng mạc (được thực hiện bằng cách tạo một vạt ở củng mạc và một lỗ nhỏ trong mắt để giải phóng chất lỏng);
- Cấy ghép thiết bị thoát nước nhân tạo vào mắt;
- Phẫu thuật đục thủy tinh thể (cho những trường hợp giác mạc và mống mắt nằm quá gần nhau, chặn kênh thoát nước);
Phòng ngừa
Bệnh tăng nhãn áp hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần tuân thủ thực hiện một số biện pháp sau:
- Khám mắt định kỳ để đánh giá toàn diện về sức khỏe mắt, phát hiện các dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm và kiểm soát nó trước khi gây ra các tổn thương ngoài ý muốn.
- Khuyến cáo lịch khám mắt định kỳ như sau:
- Dưới 40 tuổi: khám từ 5 - 10 lần/ năm đối với người có nguy cơ cao hoặc 1 - 3 năm/ lần đối với người bình thường;
- Từ 40 - 54 tuổi: sau khoảng 1 - 3 năm/ lần;
- Từ 55 - 64 tuổi: sau khoảng 1 - 2 năm/ lần;
- Trên 65 tuổi: 6 - 12 tháng/ lần;
- Nắm rõ về tiền sử di truyền bệnh tăng nhãn áp của gia đình và làm kiểm tra sàng lọc sớm. Vì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có người trong gia đình đã hoặc đang mắc bệnh.
- Bảo vệ đôi mắt khỏi các chấn thương ngoài ý muốn, đeo kính râm tránh ánh tia UV hoặc dụng cụ che mắt chuyên dụng khi chơi thể thao, điện tử…
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt theo khuyến cáo và đúng liều, loại thuốc được kê đơn bởi bác sĩ.
- Thực hành lối sống khoa học bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc để giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi bị mờ mắt, đau đắt, đỏ mắt, đau đầu bất thường?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh tăng nhãn áp?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác nhận tăng nhãn áp?
4. Bị tăng nhãn áp có gây mù lòa vĩnh viễn không?
5. Điều trị bệnh tăng nhãn áp bằng phương pháp nào tốt nhất?
6. Tiên lượng phục hồi thị lực của tôi là bao nhiêu % sau điều trị?
7. Cách chăm sóc mắt tại nhà để cải thiện triệu chứng tăng nhãn áp?
8. Tình trạng bệnh của tôi có cần phẫu thuật không? Thời điểm nào phù hợp?
9. Thời gian và chi phí phẫu thuật tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát tăng nhãn áp sau điều trị?
Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh về mắt mãn tính và nghiêm trọng, có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm, chăm sóc đúng cách. Trước những ảnh hưởng này, mỗi người cần tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc và thăm khám sớm khi có bất thường để điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Bệnh Song Thị: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Phòng Ngừa
- Bệnh viêm mống mắt là gì? Cách nhận biết và điều trị