Bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường xảy ra ở người mắc tiểu đường lâu năm, bệnh huyết áp, cholesterol cao,... Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng nhìn mờ, thị lực giảm về đêm, tầm nhìn kém và nhiều vấn đề khác. Trường hợp kéo dài không được điều trị, bệnh có thể phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Bệnh võng mạc tiểu đường (Diabetic Retinopathy) xảy ra do ảnh hưởng của sự bất ổn đường huyết trong thời gian dài. Thị lực gặp nhiều vấn đề khi bệnh lý ngày càng trở nên phức tạp mà không được điều trị đúng cách. Có thể nói đây là một trong số các biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh tiểu đường từ 10-15 năm đều gặp phải tình trạng suy giảm thị lực, trong đó có bệnh võng mạc tiểu đường. Thị lực ngày càng giảm, trường hợp bệnh nhân không điều trị có thể dẫn đến mù lòa và các rủi ro khác kèm theo.
Nguyên nhân gây bệnh võng mạc tiểu đường ngoài liên quan đến yếu tố đường huyết còn chịu ảnh hưởng bởi các tác động khác. Bao gồm sự tăng tụt của huyết áp, thời gian bị tiểu đường, vấn đề ở thận, phẫu thuật nhãn cầu, mang thai,...
Phân loại
Có nhiều phân loại đối với bệnh võng mạc tiểu đường. Dựa theo Early Treatment Diabetic Retinopathy Study phân bệnh lý này dựa trên các giai đoạn tiến triển cụ thể:
- Giai đoạn nền: Vi phình mạch, xuất huyết võng mạc, xuất tiết cứng,... là các hiện tượng quan sát được ở giai đoạn nền. Bệnh nhân lúc này không cần sử dụng laser điều trị tuy nhiên phải định kỳ đến bệnh viện tái khám. Bên cạnh đó, nếu cần thiết người bệnh phải thực hiện một số biện pháp điều chỉnh huyết áp, vấn đề suy thận, thiếu máu.
- Giai đoạn hoàng điểm đái tháo đường: Các triệu chứng lúc này trở nên rõ ràng, nặng nề hơn. Trong đó bệnh nhân sẽ gặp phải các biểu hiện như phù, xuất tiết cứng hố trung tâm. Tùy mỗi trường hợp các triệu chứng sẽ ở mức độ khác nhau làm ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe.
- Giai đoạn tiền tăng sinh: Xuất hiện các sang thương khi tình trạng thiếu máu cục bộ xảy ra tại võng mạc. Ngoài ra, lúc này người bệnh còn gặp phải tình trạng biến đổi tiểu tĩnh mạch, tiểu động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn cùng với nhiều vấn đề gây suy giảm thị lực trầm trọng, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tiểu đường là một bệnh lý mãn tính nguy hiểm, có thể đe dọa sự an toàn tính mạng của người bệnh. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân lâu năm bị tổn thương mạch máu trên cơ thể, đặc biệt tại các mạch máu nhỏ trong mắt.
Biến chứng bệnh võng mạc tiểu đường nhiều người gặp phải. Lúc này, tại mắt các tổn thương mao mạch võng mạc đã quá rõ ràng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị tăng tính thấm thành mạch, xuất huyết vào võng mạc khiến mắt có hiện tượng phù nề.
Sự hủy hoại mao mạch ở người tiểu đường lâu năm dẫn đến tình trạng tắc mạch, thiếu máu cục bộ tại võng mạc. Cơ thể sẽ ngay lập tức điều tiết để tăng sự kích thích giúp mạch máu mới hay còn gọi là tân mạch sớm hình thành, cung cấp dinh dưỡng giúp võng mạc ổn định hoạt động.
Tuy nhiên, các tân mạch thường rất yếu, dễ bị tác động gây xuất huyết dịch kính hoặc các vấn đề như xơ hóa khiến võng mạch bị bong tróc. Do đảm nhận nhiệm vụ cảm thụ ánh sáng, khi võng mạc bị tổn thương sẽ gây ra các vấn đề thị lực từ nhẹ đến nặng nề cho bệnh nhân.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc tiểu đường là bất kỳ bệnh nhân nào khi mắc tiểu đường type 1, 2. Trong đó những người có nguy cơ cao là người bị tiểu đường lâu năm, có mức glucose, cholesterol trong máu cao, huyết áp tăng, phụ nữ đang trong thai kỳ, bệnh nhân hút thuốc lá thường xuyên,...
Bệnh lý có thể được kiểm soát nếu người bệnh chủ động ổn định đường huyết, huyết áp và cholesterol trong máu. Chăm sóc kết hợp điều trị bệnh đái tháo đường theo phác đồ của bác sĩ giúp bệnh nhân phòng ngừa biến chứng tại mắt và nhiều rủi ro khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Không dễ dàng phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường ở giai đoạn đầu. Bởi các triệu chứng lúc này tương đối mờ nhạt, bệnh nhân dễ nhầm lẫn vấn đề ở mắt là hiện tượng tự nhiên, tự biến mất. Tuy nhiên ở giai đoạn bệnh tiến triển, biến chứng tiểu đường càng này càng trở nên nghiêm trọng.
Thông qua xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường tại mắt của bệnh nhân. Người bệnh sẽ dần cảm nhận rõ các triệu chứng tại mắt trở nên nặng nề dần. Trong đó các dấu hiệu điển hình như:
- Sự suy giảm thị lực ngày càng rõ nét, mắt nhìn mờ, nhìn kém và thường xuyên mỏi mắt.
- Thị lực giảm đột ngột, đôi khi bị mất sau đó trở lại bình thường.
- Dịch kính vẩn đục khiến hình ảnh thu được trong mắt cũng trở nên mờ nhạt không rõ ràng.
- Bị nhìn mờ kèm theo tình trạng nhìn loang lổ.
- Tình trạng bệnh ngày càng nặng kéo theo các cơn đau nhức mắt, đau mắt đỏ.
Đây là các triệu chứng người bệnh võng mạc tiểu đường thường gặp phải. Tuy nhiên không thể kết luận ngay người có các dấu hiệu kể trên đều mắc bệnh lý này. Thay vào đó bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra mắt để có kết luận chính xác và can thiệp điều trị kịp thời.
Chẩn đoán
Bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám khi nhận thấy các biểu hiện bất thường tại mắt trong thời gian mắc bệnh tiểu đường. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra như:
- Thực hiện soi đáy mắt
- Chụp ảnh màu đáy mắt
- Chụp cắt lớp mắt quang học
- Chụp mạch bằng huỳnh quang
Các biện pháp cho kết quả bất thường tại đáy mắt người bệnh, xác định tình trạng võng mạc có đang bị tổn thương hay gặp vấn đề gì không. Thông qua kết luận chẩn đoán, phân biệt bệnh với các vấn đề liên quan, nhận định mức độ bệnh võng mạc để có cách can thiệp kịp thời.
Người bệnh tiểu đường tốt nhất nên chủ động thăm khám mắt thường xuyên để sớm phát hiện bất thường. Đặc biệt là trường hợp thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, mỗi 3 tháng 1 lần nên đến bệnh viện để kiểm tra mắt.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân dẫn đến mờ mắt, thậm chí là mù lòa. Có thể nói bệnh võng mạc là một trong những hệ lụy xảy ra phổ biến ở bệnh nhân mắc chứng tiểu đường kéo dài. Đặc biệt thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường từ 10-15 năm, có kiểm soát nhưng không hiệu quả.
Thị lực của người bệnh ngày càng suy giảm theo các giai đoạn mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân có nguy cư mất thị lực hoàn toàn. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra mắt định kỳ trong giai đoạn mắc chứng tiểu đường.
Trường hợp nhận diện biến chứng, tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp. Ngoài biến chứng bệnh võng mạc, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề ở mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, phù hoàng điểm,...
Điều trị
Chủ động thăm khám, kiểm soát đường huyết sớm giúp bệnh nhân phòng ngừa rủi ro mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Đối với trường hợp đã phát bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật nhằm hỗ trợ ổn định đường huyết, khắc phục các tổn thương tại võng mạc mắt của người bệnh.
Mỗi giai đoạn tiến triển sẽ có phác đồ tương ứng. Cụ thể:
- Trường hợp võng mạc không tăng sinh nhẹ: Bệnh ở giai đoạn nhẹ, các triệu chứng mờ nhạt không rõ ràng. Nếu phát hiện ở giai đoạn này, bệnh nhân không cần phẫu thuật, có thể điều trị bằng biện pháp kiểm soát đường huyết, kiểm tra mắt định kỳ để theo dõi tiến độ phục hồi. Bên cạnh kiểm soát đường huyết, người bệnh ở giai đoạn này cần ổn định huyết áp để ngăn rủi ro bị phù hoàng điểm, đồng thời kiểm soát lipid máu để tránh biến chứng mắt nặng nề dần.
- Trường hợp võng mạch không tăng sinh trung bình: Tương tự như trường hợp bên trên, người bệnh cần ổn định đường huyết, kiểm soát huyết áp, lipid máu,... Định kỳ 3-6 tháng một lần đến bệnh viện kiểm tra mắt để kịp thời phát hiện bất thường và khắc phục giai đoạn sớm.
- Trường hợp võng mạc không tăng sinh nặng: Ở giai đoạn bệnh lý trở nên phức tạp hơn, bệnh nhân phải kiểm soát đường huyết song song với điều trị laser để ngăn các tấn công khiến thị lực suy yếu.
- Trường hợp võng mạc tăng sinh: Chỉ định phương án quang đông toàn bộ bằng laser, các vết bỏng được tạo ra tại võng mạc tuy nhiên cần tránh vùng hoàng điểm. 1500 vết bỏng sẽ giúp cho tân mạch không tiếp tục phát triển, gây thoái mạch để giảm biến chứng của bệnh. Mặc dù người bệnh sau điều trị sẽ không bị mù lòa, tuy nhiên thực tế thị lực sẽ không thể khắc phục.
- Trường hợp phù hoàng điểm: Điều trị quang đông ổ bằng thủ thuật laser argon. Mục đích điều trị nhằm giúp bệnh nhân cải thiện thị lực. Trước khi quang đông chỉ định chụp mạch bằng fluorescein nhằm xác định tình trạng xuất tiết mạch máu và các vấn đề ở võng mạc xung quanh vùng hoàng điểm. Người bệnh tránh được nguy cơ suy giảm thị lực.
Ngoài các phương pháp kể trên, bệnh nhân sẽ được cắt dịch kính nhằm phục vụ nhu cầu nhìn, công việc. Kính có tác dụng hỗ trợ tăng thị lực cho người bệnh, đặc biệt là trường hợp võng mạc tăng sinh tiến triển khiến đục dịch kính hoặc bong võng mạc.
Thị lực của bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tiểu đường sau điều trị khó có thể trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên nếu kiểm soát và điều trị bằng biện pháp phù hợp, thị lực sẽ có sự cải thiện và ngăn được biến chứng nặng nề hơn. Người bệnh nên chủ động thăm khám để phát hiện và xử lý kiểm soát kịp thời.
Phòng ngừa
Bệnh võng mạc tiểu đường gây ra các vấn đề tại mắt, làm suy giảm thị lực của người bệnh từ nhẹ đến nặng nề. Bệnh nhân bị tiểu đường cần chủ động phòng tránh biến chứng tại mắt, bảo vệ thị lực. Những lưu ý:
- Mỗi 3-6 tháng/lần người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra mắt. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị, ngăn sự tiến triển của bệnh ảnh hưởng đến thị lực.
- Trong thời gian mắc tiểu đường, người bệnh nên dùng thuốc, điều chỉnh và ổn định đường huyết, huyết áp, lipid máu,... Đối với thai phụ mắc bệnh tiểu đường nên định kỳ kiểm tra đường huyết để kịp thời can thiệp các biện pháp điều trị phù hợp và an toàn nhất cho mẹ và bé.
- Ăn uống khoa học, dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi thư giãn. Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá để tránh biến chứng tại mắt khi mắc bệnh tiểu đường. Ngủ đủ giấc, xây dựng một lối sống tích cực và lành mạnh.
- Dùng thuốc theo hướng dẫn, tránh lạm dụng thuốc Tây hoặc kết hợp thuốc bừa bãi. Đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy mắt có biểu hiện bất thường như mờ, khó nhìn, mắt đỏ,...
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị tiểu đường đã lâu nay mắt nhìn mờ và mỏi có phải bị biến chứng tiểu đường không?
2. Bệnh võng mạc tiểu đường có triệu chứng gì?
3. Nguyên nhân nào khiến tôi bị bệnh võng mạc tiểu đường?
4. Tôi cần làm các xét nghiệm kiểm tra nào để chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường?
5. Bệnh võng mạc tiểu đường không điều trị có được không?
6. Tôi có bị mù mắt khi mắc bệnh võng mạc tiểu đường không?
7. Sử dụng thuốc có chữa được bệnh võng mạc tiểu đường không?
8. Khi nào tôi cần điều trị bệnh võng mạc tiểu đường bằng laser?
9. Bao lâu tôi nên tái khám một lần?
10. Tôi muốn biết về chi phí điều trị laser bệnh võng mạc tiểu đường?
Bệnh võng mạc tiểu đường có thể gây biến chứng mù lòa nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là thăm khám mắt để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Trường hợp chủ quan, bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải nhiều biến chứng tại mắt khác làm ảnh hưởng thị lực trầm trọng.
Xem thêm:
- Bệnh Tắc Tĩnh Mạch Võng Mạc: Cách Nhận Biết Và Điều Trị
- Bong võng mạc có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị