Bệnh quáng gà

Bệnh quáng gà khiến người bệnh nhìn kém, thị lực yếu, đặc biệt các triệu chứng càng biểu hiện rõ vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người bệnh. Do đó, nếu phát hiện mắt có các biểu hiện lạ, bệnh nhân cần chủ động đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

Tổng quan

Bệnh quáng gà hay còn gọi là mù đêm, đây là bệnh lý về mắt nhiều người gặp phải. Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là tình trạng mờ mắt vào ban đêm hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng. Bệnh hình thành do võng mạc mắt xuất hiện tình trạng thoái hóa sắc tố.

Bệnh quáng gà
Thị lực kém, mắt mỏi và nhìn mờ vào ban đêm, những nơi thiếu sáng do bệnh quáng gà gây ra

Thông qua các biện pháp thăm khám bác sĩ có thể nhận thấy những đám sắc tố bất thường hình thành ở võng mạc. Tình trạng mờ đục, nhìn kém vào ban đêm gây cản trợ việc tham gia giao thông của người bệnh. Ngoài ra, chứng bệnh này còn phát sinh nhiều ảnh hưởng đến công việc, đời sống, đặc biệt là tiềm ẩn rủi ro phát sinh biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh quáng gà. Theo đó, người bệnh có thể gặp phải một trong số các vấn đề sau đây khiến thị lực suy giảm, mắt kém dần về đêm:

  • Các bệnh về mắt: Bệnh quáng gà có thể hình thành do ảnh hưởng bởi các bệnh lý về mắt kể đến như tật cận thị, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh viêm võng mạc sắc tố do di truyền, hội chứng Usher,...
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A: Vitamin A là một dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với mắt. Tuy nhiên, ở nhiều người có chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, cơ thể không được nạp đủ vitamin A dễ phát sinh các biểu hiện bất thường, trong đó điển hình nhất là ở mắt.
  • Các yếu tố nguy cơ cao: Bên cạnh các nguyên nhân đã đề cập, bệnh quáng gà có thể xảy ra ở người mắc bệnh mãn tính, bệnh giác mạc hình chóp, bệnh tiểu đường, do tác dụng phụ khi dùng thuốc, do điều trị các bệnh lý khác,...

Những đối tượng nguy cơ mắc bệnh kể đến như:

  • Người lớn tuổi có nguy cơ cao, đặc biệt là khi họ đang mắc phải tình trạng đục thủy tinh thể.
  • Người ăn thiếu dinh dưỡng, những em bé dưới 3 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng.
  • Người thừa cân, béo phì,
  • Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh về mắc khác,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh quáng gà gây ra các triệu chứng dễ nhận biết ở mắt. Theo đó, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy các biểu hiện như:

  • Thị lực giảm dần khi trời càng tối, bệnh nhân cũng có thể nhận thấy rõ điều này khi đi vào vùng thiếu ánh sáng, nơi không có đèn. Người bệnh dễ bị va vấp phải đồ vật, không đảm bảo an toàn khi lái xe, tham gia giao thông.
  • Thị lực có thể giảm nhanh chóng khi bệnh nhân chuyển từ vùng sáng sang tối, lúc này mắt không nhìn thấy đường, độ tối khi mắt tiếp nhận tăng lên.
  • Thị trường của mắt thu hẹp, người bệnh có cảm giác như đang quan sát mọi vật thông qua một cái ống. Ngoài ra, một số trường hợp vài vùng nhỏ không được biểu hiện, người bệnh không nhìn thấy trong thị trường. Đây được gọi là tình trạng ám điểm, ám điểm càng lan ra khi bệnh quáng gà càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng quáng gà khó có thể phát hiện thông qua khám mắt bình thường, các chỉ số đo thị lực vẫn đảm bảo ở điều kiện môi trường đủ ánh sáng. Trường hợp người bệnh bị đục thủy tinh thể cũng được ghi nhận là giai đoạn muộn khi bệnh quáng gà tiến triển trong thời gian dài.

Triệu chứng
Nhận diện các triệu chứng do bệnh quáng gà gây ra để có biện pháp can thiệp điều chỉnh sớm

Lúc này, bệnh nhân đi soi mắt sẽ phát hiện các bất thường ở võng mạc. Mạch võng mạc thu nhỏ hơn bình thường, đổi màu đĩa thị giác, tìm thấy phù điểm vàng. Bệnh nhân cần được khám chuyên sâu hơn, đánh giá mức độ quáng gà và tìm hướng khắc phục phù hợp nhằm bảo vệ mắt, tránh trường hợp suy giảm thị lực.

Chẩn đoán

Người bệnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa, khai báo trung thực các triệu chứng đang gặp phải, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể cân nhắc thêm các xét nghiệm cần thiết khác. Bác sĩ sẽ thăm hỏi về tiền sử bệnh lý, khám thị trường của người bệnh nếu trường hợp nghi ngờ mắc bệnh quáng gà.

Phương pháp xét nghiệm được thực hiện kèm theo kể đến như:

  • Kiểm tra điện võng mạc
  • Xét nghiệm công thức máu
  • Sinh hóa máu
  • Kiểm tra bảng chuyển hóa cơ bản

Sau khi thu được kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định các giải pháp can thiệp phù hợp. Bệnh quáng gà là bệnh lý thị lực có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, chính vì thế bạn nên chủ động kiểm soát, bảo vệ thị lực càng sớm càng tốt.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh quáng gà tuy không nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên các triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống của người bệnh. Đặc biệt là đối với những người phải làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng, người cần làm việc vào ban đêm sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Không chỉ gây ra các vấn đề đối với công việc, sự kiện nhìn mờ đục, khó nhìn khi trời càng về tối khiến bệnh nhân gặp phải nhiều trở ngại về mặt tâm lý. Những biểu hiện bất thường ngày càng rõ ràng tuy nhiên qua thăm khám lại không phát hiện ra được. Điều này càng khiến người bệnh hoang mang, lo lắng.

Những vụ tai nạn bất ngờ có thể xảy ra do cản trở tầm nhìn, thị trường hẹp dần khi bệnh nhân tham gia giao thông vào ban đêm, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh và những người xung quanh. Ngoài ra, khi di chuyển, vận động trong bóng tối người bệnh có khả năng bị té ngã, vấp phải đồ vật, bị thương do tầm nhìn hẹp, mắt mờ yếu.

Biến chứng
Bệnh quáng gà khiến người bệnh gặp khó khăn khi tham gia giao thông vào ban đêm

Chính vì các vấn đề kể trên, người bệnh được khuyến cáo nên đến bệnh viện kiểm tra, khai báo trung thực các biểu hiện bất thường của cơ thể để được hỗ trợ, khắc phục sớm. Điều trị tích cực, bổ sung dinh dưỡng tốt cho mắt, kết hợp bảo vệ mắt bằng các biện pháp phù hợp giúp giảm các rủi ro quáng gà và nhiều ảnh hưởng khác.

Điều trị

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh quáng gà, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách khắc phục tương ứng. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ mắt thăm khám, nhận sự tư vấn và hỗ trợ sớm để ngăn chặn các rủi ro do bệnh quáng gà gây ra. Theo đó, dưới đây là những phương án khắc phục phù hợp với từng nguyên nhân gây bệnh:

  • Trường hợp quáng gà do bệnh về mắt:

Đối với người bệnh quáng gà do cận thị sẽ được hướng dẫn cách đo và cắt mắt kính để phục vụ cho công việc, giảm thiểu các ảnh hưởng đến công việc và đời sống. Đeo kính đúng độ cận cải thiện tình trạng nhìn mờ vào ban đêm và ban ngày.

Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh quáng gà do ảnh hưởng các bệnh về mắt nặng nề hơn, trong đó kể đến như hiện tượng đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật ngoại khoa. Phương pháp có tác dụng giúp khắc phục tại chỗ vấn đề về mắt, bảo vệ mắt trước các tác nhân gây hại.

  • Trường hợp quáng gà do thiếu vitamin A:

Bệnh quáng gà khởi phát do bệnh nhân ăn uống không đủ dinh dưỡng, nhất là thiếu hụt vitamin A được hướng dẫn cách bổ sung dưỡng chất này. Theo đó, có rất nhiều thực phẩm chứa vitamin A, trong đó đặc biệt là các loại quả mọng, củ quả có màu đỏ như cà rốt, đu đủ, cà chua,...

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn thêm một số sản phẩm bổ sung cung cấp vitamin A trong trường hợp cơ thể không hấp thu đủ từ thức ăn. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ mắt. Dùng theo hướng dẫn, kiên trì để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Điều trị
Bổ sung dinh dưỡng nhất là thực phẩm chứa vitamin A giúp mắt sáng, cải thiện chứng quáng gà

  • Trường hợp quáng gà do di truyền:

Bệnh quáng gà xảy ra do di truyền cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhiều người gặp phải. Dựa trên mức độ bệnh, nguyên nhân chính dẫn đến quáng gà, bác sĩ sẽ hướng dẫn kiểm soát bằng biện pháp phù hợp.

Người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, đồng thời tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra chỉ số của mắt. Trường hợp bố hoặc mẹ mắc bệnh quáng gà nên khám sàng lọc trước mang thai, nhận tư vấn tiền hôn nhân để giảm rủi ro di truyền bệnh sang đời con.

Người bệnh quáng gà do di truyền cần chấp nhận việc bản thân phải mang theo bệnh lý này đến hết cuộc đời. Người bệnh nên chủ động ngừng lái xe vào ban đêm, khi thay đổi điều kiện ánh sáng nhằm tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Phòng ngừa

Bệnh quáng gà khiến người bệnh gặp khó khăn khi làm việc vào ban đêm, khó khăn khi tham gia giao thông,... Nếu tình trạng kéo dài không có biện pháp khắc phục sẽ gây ra nhiều rủi ro cho bệnh nhân từ sinh hoạt đời sống đến tâm lý. Chính vì thế, người bệnh nên sớm khám và kiểm soát bệnh quáng gà.

Ngoài ra, ở người khỏe mạnh cũng cần chủ động bảo vệ cơ thể, phòng ngừa bệnh lý về mắt với các lưu ý cơ bản như:

  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm tốt cho mắt. Chọn thực phẩm giàu vitamin A như trong trái cây, rau củ quả,...
  • Bảo vệ sức khỏe thị giác thông qua việc điều chỉnh thói quen ngồi học, làm việc, không áp sát mắt vào bài vở, màn hình máy tính, ti vi.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt đối với trường hợp mắt bị khô, người phải làm việc văn phòng, tiếp xúc với thiết bị điện tử, nơi nhiều khói bụi,...
  • Hạn chế nhìn thẳng vào mặt trời, bóng đèn để tránh ảnh hưởng đến thị giác.
  • Trường hợp người bệnh bị cận thị, thị lực kém nên chăm sóc sức khỏe, vệ sinh mắt, đeo kính cận thị.
  • Khi ra ngoài, bạn nên che chắn, sử dụng kính mát để giảm áp lực cho mắt, tránh bụi bẩn hoặc các vật trên đường lọt vào mắt.
  • Khám mắt định kỳ, nhất là khi bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt. Nếu khám phát hiện tật quáng gà bạn nên sắp xếp công việc, nhất là người hay lái xe nên hạn chế lái vào ban đêm.

Có thể bạn quan tâm: Các chất dinh dưỡng bạn nên bổ sung để cải thiện sức khỏe cho mắt

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tình trạng quáng gà của tôi có nguy hiểm không?

2. Những xét nghiệm tôi cần thực hiện là gì?

3. Chi phí xét nghiệm như thế nào?

4. Phương pháp điều trị bệnh quáng gà gồm những gì?

5. Có thuốc nào chữa khỏi bệnh quáng gà không?

6. Nếu không điều trị tôi sẽ gặp những rủi ro gì?

7. Tôi nên làm gì để bệnh quáng gà sớm cải thiện?

Bệnh quáng gà là bệnh lý về mắt gây ảnh hưởng đến đời sống, công việc của nhiều người. Bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại, tham gia giao thông về đêm, nơi thiếu ánh sáng. Mặc dù không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên người bệnh sẽ gặp nhiều trở ngại về mặt đời sống và tâm lý. Bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe thị lực, áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh càng sớm càng tốt.