Bệnh polyp trực tràng
Polyp trực tràng gây ra một số triệu chứng điển hình như đi ngoài phân lẫn máu tươi, sa trực tràng, đau buốt hậu môn,... Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt là rủi ro u nhú tiến triển thành ung thư đe dọa sức khỏe người bệnh.
Tổng quan
Polyp trực tràng là hiện tượng bên trong trực tràng xuất hiện các u nhu bất thường. Người mắc bệnh có thể có một hoặc nhiều polyp cùng lúc, thường tập trung ở vị trí cuối ruột già. Hình dạng polyp như cây nấm, chúng có cuống bám vào trong niêm mạc trực tràng, không bị phân tống ra ngoài.
Do trực tràng có vai trò quan trọng trong việc đào thải chất thải cho cơ thể nên khi xuất hiện u nhú, chức năng trực tràng gặp phải các trở ngại nhất định. Người bệnh không phát hiện và điều trị, các khối u có thể ác tính dần, tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa an toàn sức khỏe của người bệnh.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc polyp trực tràng. Trong đó điển hình là những bệnh nhân trên 50 tuổi, người bị béo phì, đang mắc bệnh tiểu đường, dư cân, uống nhiều rượu bia, lười vận động,... Để ngăn chặn biến chứng, tốt hơn hết bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện lạ.
Phân loại
Các dạng polyp trực tràng thường gặp kể đến như:
- Dạng u tuyến ống: Chưa có sự biến đổi cấu trúc, tế bào vẫn giữ hình dạng bình thường với dạng ống. Đa số các trường hợp polyp đại tràng thuộc dạng u tuyến ống.
- Dạng tăng sản: Polyp tăng sản không thuộc dạng u tuyến. Kích thước khối u nhú nhỏ. So với các dạng polyp trực tràng khác, dạng tăng sản thường ít chuyển thành ung thư. Nếu gặp phải loại polyp này, người bệnh không cần quá lo lắng, tuy nhiên phải theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Dạng răng cưa: Kích thước khối u nhỏ hơn 5mm, polyp không có cuống, hình dạng tròn. Do kích thước nhỏ nên việc phát hiện khối u khó hơn những dạng polyp khác. Đây là một loại u tuyến có khả năng gây ra nhiều rủi ro cho bệnh nhân, nguy cơ gây ung thư cao.
- Dạng polyp viêm: Đối tượng mắc bệnh thường gặp là người đang bị viêm ruột. Các chuyên gia đánh giá dạng này không hẳn là polyp, chúng thực chất giống như một dạng phản ứng khi trực tràng bị viêm trong thời gian dài.
- Dạng u tuyến ống nhánh: Đây là dạng u hỗn hợp của các loại u nhú kể trên. Trong tổng số bệnh nhân mắc bệnh có số lượng ít bệnh nhân rơi vào trường hợp u tuyến ống nhánh. Kích thước khối polyp có thể thay đổi, chúng có cuống, đôi khi không cuống. Khả năng chuyển thành ung thư ở dạng u này thấp hơn những dạng u khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Polyp trực tràng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ các yếu tố kể đến như:
- Hiện tượng đột biến gen có liên quan đến tình trạng hình thành polyp trong cơ thể. Các chuyên gia chỉ ra nhiều trường hợp mắc bệnh thuộc nhóm nguyên nhân này. Các tế bào niêm mạc trực tràng diễn ra hiện tượng tăng sinh không kiểm soát, từ đó u nhú xuất hiện gây những triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này.
- Bệnh nhân mắc polyp trực tràng thường nằm ngoài độ tuổi 50. Lúc này cơ thể có những dấu hiệu lão hóa, chức năng các cơ quan cơ thể cũng suy yếu dần khiến khối u nhú bên trong trực tràng có điều kiện xuất hiện.
- Ngoài hai nguyên nhân kể trên, bệnh còn có khả năng xuất hiện do di truyền. Đây là lý do vì sao polyp trực tràng xảy ra trong gia đình, nguy cơ di truyền giữ bố mẹ và con cái cao.
Cảnh báo những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao bao gồm người có tiền sử mắc bệnh viêm loét đại - trực tràng, bênh nhân crohn, người bị béo phì, lười vận động, bệnh nhân hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười ăn rau củ quả,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Polyp trực tràng gây ra các triệu chứng bất thường khi đi đại tiện. Nhiều người nhầm lẫn bệnh với các vấn đề tiêu hóa, bệnh trĩ,... Do đó, cần thăm khám xác định bệnh lý để có biện pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân có polyp trực tràng:
- Đại tiện thấy bên ngoài phân có lớp máu tươi, chúng phủ bên ngoài, không trộn lẫn với phân. Có thể nói đây là dấu hiệu điển hình của người mắc polyp trực tràng. Tuy nhiên, nhiều khả năng máu tươi lẫn trong phân do liên quan đến một vài bệnh lý đường tiêu hóa khác. Bệnh nhân cần được kiểm tra, xét nghiệm xác định bệnh lý đang gặp phải.
- Tình trạng sa trực tràng xuất hiện, cuống polyp sa ra ngoài hậu môn trong trường hợp cuống quá dài. Bệnh nhân có dấu hiệu khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống.
- Không những đi ngoài phân có máu tươi, người mắc bệnh polyp trực tràng còn bị đau buốt hậu môn bất thường. Đây có thể là triệu chứng cảnh báo đã xảy ra viêm nhiễm bên trong đại - trực tràng. Người bệnh cần được nội soi để phát hiện vị trí tổn thương và điều trị.
Bề mặt trực tràng xuất hiện các khối u nhú nhỏ, đôi khi lớn. Một người có khả năng có một hay nhiều khối polyp trực tràng cùng lúc. Nhằm phòng ngừa rủi ro đe dọa an toàn sức khỏe, bệnh nhân cần được thăm khám sớm khi phát hiện các dấu hiệu bất thường kể trên.
Chẩn đoán
Bệnh nhân được thăm hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, cùng với các thông tin liên quan. Kết hợp thực hiện xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác bệnh lý người bệnh đang gặp phải. Các phương pháp kể đến như:
- Nội soi trực tràng: Bệnh nhân được nội soi trực tràng để xác định tình hình polyp, vị trí và kích thước khối u. Đây là biện pháp chẩn đoán được thực hiện phổ biến cho các bệnh lý đường tiêu hóa. Thông qua phương pháp này bác sĩ cũng có thể lấy mô bệnh phẩm của bệnh nhân để sinh thiết, xác định tính chất khối u.
- Xét nghiệm máu: Mẫu máu trong phân được mang đi xét nghiệm kèm theo xét nghiệm phân. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết khả năng bị polyp trực tràng và phân biệt bệnh với các dạng bệnh lý khác.
- Xét nghiệm hình ảnh: Ngoài các phương pháp kể trên, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện chụp CT, MRI. Xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện song song với nội soi để xác định chính xác mức độ ung thư.
Biến chứng và tiên lượng
Polyp trực tràng đa số các trường hợp phát hiện đều ở dạng lành tính, có thể điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp chủ quan không kiểm soát sớm, polyp phát triển kích thước lớn dần dẫn đến ung thư đại trực tràng.
Dựa vào các số liệu thống kê cho thấy, có đến hơn 90% trường hợp ghi nhận ung thư đều có liên quan đến polyp. Để bệnh tiến triển nặng sang ác tính là việc vô cùng nguy hiểm, bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng nếu không kịp thời điều trị.
Do đó, khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, tốt nhất bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ. Kiểm tra, xét nghiệm phát hiện polyp càng sớm càng có cơ hội chữa trị cao. Tránh trường hợp bệnh biến chứng, chuyển biến ác tính rất khó kiểm soát và điều trị dứt điểm.
Xem thêm: Cắt polyp trực tràng: Giải đáp những thắc mắc thường gặp
Điều trị
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị polyp trực tràng cho bệnh nhân. Thông thường phương pháp cắt bỏ polyp được thực hiện chủ yếu nhằm ngăn rủi ro khối u ác tính hóa. Những trường hợp nội soi phát hiện polyp có cuống, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ trong quá trình thực hiện.
Sử dụng dao cắt hoặc dao điện loại bỏ khối u nhú. Trường hợp nhận định không loại bỏ được khối u thông qua nội soi, hoặc khối u không có cuốn phải tiến hành mổ mở. Những đối tượng đã chuyển biến ung thư hóa dựa vào tình hình sức khỏe của người bệnh để điều trị bằng biện pháp hóa trị, xạ trị tiêu diệt tế bào ác tính.
Ngoài các biện pháp điều trị nội soi, phẫu thuật, trong trường hợp ung thư xâm lấn không phục hồi, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ ruột già, sau đó nối trực tràng vào ruột non. Phương pháp mở thông hồi tràng giúp tạo hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân đi vệ sinh.
Phân sẽ được vận chuyển đi qua lỗ mở ra ngoài đựng trong túi sử dụng 1 lần. Cho đến hiện nay, chưa có thuốc đặc trị chứng polyp trực tràng. Một số loại thuốc đang được nghiên cứu để đưa vào điều trị, tuy nhiên chỉ mang tính chất tạm thời, không hoàn toàn chữa trị dứt điểm chứng bệnh này.
Phòng ngừa
Polyp trực tràng có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Giai đoạn đầu bệnh không có nhiều triệu chứng rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, phát hiện chậm. Tình trạng polyp trực tràng ác tính hóa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Do đó, bạn nên chủ động phòng bệnh từ sớm, một số lưu ý:
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, không ăn những món quá cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức uống chứa cồn hoặc chất kích thích không có lợi cho sức khỏe.
- Tập thể dục, vận động giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, tăng cường trao đổi chất. Không nên nằm, ngồi một chỗ quá thường xuyên khiến cơ thể trì trệ, hệ tiêu hóa hoạt động kém ảnh hưởng đến đại trực tràng.
- Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, không nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng. Kiểm soát các thói quen sống để có sức khỏe tốt hơn.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, áp lực kéo dài.
- Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy cơ, điều trị sớm phòng tránh rủi ro.
Có thể bạn quan tâm: Polyp đại tràng sigma: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Polyp trực tràng là bệnh gì?
2. Triệu chứng polyp trực tràng là gì?
3. Nguyên nhân gây polyp trực tràng là gì?
4. Xét nghiệm chẩn đoán polyp trực tràng gồm những gì?
5. Không điều trị polyp trực tràng có được không?
6. Biến chứng polyp trực tràng là gì?
7. Polyp trực tràng có gây ưng thu không?
8. Khi nào cần cắt bỏ polyp trực tràng?
9. Tôi cần kiêng khem những gì trong thời gian điều trị polyp trực tràng?
10. Tôi có cần tái khám thường xuyên sau điều trị không?
Polyp trực tràng có thể gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt, trường hợp chuyển biến ác tính, bệnh nhân có khả năng gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị sớm bảo vệ sức khỏe.