Bệnh Lao da
Lao da là căn bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn lao gây ra và thường đến từ các cơ quan nội tạng. Căn bệnh này đặc trưng với các triệu chứng tổn thương trên da như phát ban, sưng loét nhiều bộ phận trên cơ thể. Bệnh chủ yếu phát triển ở những người có hệ miễn dịch kém. Phương pháp điều trị bệnh lao da hiệu quả nhất là áp dụng phác đồ kháng sinh.
Tổng quan
Lao da (Skin Tuberculosis) là kết quả của tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính do nhiễm trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Chủng khuẩn này xâm nhập vào cơ thể và gây lao da qua nhiều con đường như qua vết cắt, vết thương, kim đâm hoặc lây lan từ các ổ lao khác trong cơ thể (phổi, xương, thận, màng bụng...).
Bệnh lao da rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1 - 2% các ca nhiễm lao ngoài phổi. Đa số trường hợp phát triển lao da thường kèm theo các dạng lao khác như lao phổi, lao sinh dục, lao ruột... Bệnh xảy ra chủ yếu ở những người có hệ miễn dịch yếu kém, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, sống trong môi trường có điều kiện vệ sinh kém... Mức độ nhiễm trùng phụ thuộc vào độc lực và số lượng trực khuẩn lao.
Phân loại
Dựa vào các tác nhân gây bệnh, lao da được phân chia làm 3 loại chính gồm:
- Bệnh lao da do nhiễm trực khuẩn lao người (Human typus), chiếm 70 - 80%;
- Bệnh lao da do nhiễm trực khuẩn lao bò (Bovin typus), chiếm 20 - 25%;
- Bệnh lao da do nhiễm trực khuẩn lao từ chim (Gallinene typus);
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là tác nhân chính gây ra bệnh lao da. Một số trường hợp cũng có thể là do Mycobacterium ovirs hoặc trực khuẩn Calmette Guerin gây ra.
Trong đó, chủng M.Tuberculosis là một loại trực khuẩn thẳng, hình que hơi cong, không có vỏ, không di động và chiều dài từ 1 - 10μm, chiều rộng từ 0.2 - 0.6μm. Chúng là loại trực khuẩn kháng axit, với cấu trúc thành tế bào chứa hàm lượng lipid cao nhằm chống lại sự ảnh hưởng của các tác nhân hóa học.
Ngoài lao da, trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis cũng có khả năng gây bệnh ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể như phổi, cơ quan sinh dục, ruột, thận, xương, màng bụng, vú...
Đa số các trường hợp lao da xảy ra do trực khuẩn lao được đưa đến da từ các cơ quan nội tạng, thông qua tiếp xúc trực tiếp như để cho người mắc bệnh lao phổi xỏ khuyên tai, sử dụng kim tiêm dính nước bọt hoặc dịch tiết của người nhiễm lao, người giết mổ động vật thường xuyên tiếp xúc với các bệnh phẩm cũng có thể bị lây trực khuẩn lao trực tiếp.
Một người mắc bệnh lao da được xác định từ các cơ quan nội tạng đến da thông qua các con đường sau:
- Đường hạch bạch huyết lympho: Hay còn được gọi là lao ở hạch. Xảy ra khi trực khuẩn khuẩn lao di chuyển trong các mạch lympho và khe gian bào đến vùng da bị tổn thương. Chúng thường xuất hiện ở mặt vì trực khuẩn lao thường di chuyển từ hạch cổ và hạch dưới hàm để tấn công đến da thông qua đường lympho.
- Đường máu: Tình trạng tổn thương và bị phá hủy của các mạch máu do sự phát triển của các ổ lao ở phủ tạng tạo điều kiện cho vi khuẩn lao lây lan thẳng vào máu. Lúc này, chúng được đưa đi khắp cơ thể, tấn công đến da. Dạng lây lan này thường xuất hiện trong các thể lao như lao hạch, lupus lao, lao sẩn hoại tử...
- Thông qua tiếp cận: Sự lây lan của khuẩn lao tại ổ lao nội tạng di truyền dần sang các tổ chức lân cận và cuối cùng tấn công đến một vùng da nào đó. Hình thức lây truyền này xuất hiện chủ yếu trong thể lao xương và lao hạch lympho.
- Cơ chế tự lây truyền: Lao da có thể xảy ra do lao thận, kèm theo lao cơ quan sinh dục. Nguyên nhân là do sự phát triển của số lượng lớn trực khuẩn trong ổ lao phủ tạng nặng, gây lây nhiễm cho da và niêm mạc lân cận.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bản chất của lao da không phải những tổn thương ngoài da đơn thuần, mà nó là bệnh lý nhiễm trùng của toàn bộ cơ thể. Ở bệnh nhân được chẩn đoán lao da, có khoảng 3 - 40% trường hợp phát triển lao hạch và 25 - 30% kèm theo lao phổi, thậm chí có cả lao ruột, lao cơ quan sinh dục và buồng trứng.
Do đó, các triệu chứng của lao da rất đa dạng và thường bùng phát sau 2 - 4 tuần tính từ thời điểm phơi nhiễm với vi khuẩn thông qua vùng da bị tổn thương. Bao gồm các triệu chứng sau:
- Phát ban sẩn đỏ, nốt sần màu vàng, hơi sưng nổi trên da;
- Chúng có khả năng phát triển thành từng mảng da tổn thương lớn tối màu, loét da hoặc áp xe;
Ngoài ra, tùy theo từng thể bệnh mà triệu chứng cũng được biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như:
- Săng lao: Xảy ra khi người bệnh bị trực khuẩn lao tấn công đến da lần đầu tiên trong trạng thái chưa có đủ khả năng đáp ứng miễn dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ em, thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 15 - 20 ngày, đặc trưng với các triệu chứng sau:
- Hình thành các vết loét có kích thước khoảng 0.5cm khu trú tại nơi trực khuẩn lao xâm nhập;
- Không gây đau;
- Có xu hướng lan rộng, da ửng đỏ, chảy dịch mùi hôi và dần dần chuyển sang vết loét thâm nhiễm, cứng;
- Nhiễm khuẩn nặng có thể hình thành áp xe và các hạch chứa dịch nhiễm trùng;
- Sau thời gian tiến triển có thể thuyên giảm hoặc chuyển sang các dạng lao thông thường như lao kê, hồng ban nút, cốt tủy viêm hoặc viêm màng não;
- Lupus lao: Sự lây nhiễm nặng từ ổ vi khuẩn hoạt tính hay tiềm tàng trong các cơ quan nội tạng hoặc sự kích hoạt ổ vi khuẩn tiềm ẩn trong da là nguyên nhân dẫn đến lupus lao. Đây là thể lao da rất phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 50 - 70%, quá trình tiến triển dai dẳng và điều trị phức tạp, kéo dài. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao hơn người lớn. Đặc trưng với các dấu hiệu sau:
- Vị trí tổn thương thường gặp ở mặt, vùng da môi trên, mông, tứ chi, cơ quan sinh dục, hậu môn...;
- Tổn thương là các mảng da nhiễm lao màu vàng đỏ, có kích thước bằng hạt đậu, cấu trúc bên trong mềm, đặc;
- Chúng tập trung thành từng đám lớn, loét;
- Sau khi tổn thương lành sẽ để lại sẹo nhăn nhúm, co kéo trên cầu da và có thể hình thành các củ lao mới trên chính tổn thương sẹo đó;
- Lao cóc: Xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân truyền nhiễm vi khuẩn lao, chủ yếu ở người trưởng thành và là nam giới. Thể bệnh này đặc trưng với các triệu chứng sau:
- Xuất hiện các tổn thương sần sùi như da cóc, viền cứng, ấn không xẹp, đỏ và có mủ;
- Xung quanh tổn thương là mảng da màu đỏ, thâm nhiễm màu tím thẫm và có cả vảy da lẫn vảy tiết;
- Các vị trí dễ xuất hiện lao cóc nhất là ngón tay, ngón chân, mu bàn tay, mu bàn chân;
- Một số trường hợp có thể phát triển kèm theo lao ruột, lao phổi, lao xương...;
- Loét lao: Dạng lao da này xảy ra do lây nhiễm trực khuẩn lao từ chính các ổ lao nội tạng trong cơ thể như lao ruột, lao phổi hoặc lao đường tiết niệu. Các triệu chứng điển hình gồm:
- Hình thành các hốc, nốt sần xuất hiện thành từng cụm và tạo thành từng vết loét lớn ở miệng, cơ quan sinh dục, hậu môn...;
- Vết loét có bờ nham nhở, kích thước từ 1 - 2cm, không đều và gây đau, có xu hướng thâm nhiễm, loét đỏ và không thể tự lành;
- Lao tầng: Thể lao da này chủ yếu xuất hiện ở trẻ em và người lớn tuổi. Đặc trưng với các dấu hiệu sau:
- Tổn thương xuất hiện chủ yếu ở vùng trên xương đòn và vùng cổ dưới hàm;
- Ban đầu, tổn thương là các nốt sần cứng chắc ẩn dưới da, sau đó ngày càng tăng kích thước, mềm và có xu hướng hình thành áp xe lạnh;
- Sau khi áp xe vỡ ra sẽ chảy dịch, khô và để lại các vết loét rò;
- Nhiều lỗ rò nằm thông với nhau tạo thành một đường hầm thông dưới da;
- Các tổn thương này thường xuất hiện sau lao hạch, lao xương, lao mào tinh hoàn và lao khớp;
- Á lao sẩn hoại tử: Đây là thể lao mạn tính, chủ yếu xảy ra ở người trẻ và phát triển thành từng đợt. Các triệu chứng điển hình gồm:
- Thường xuất hiện ở những vị trí như mông, chi, da đầu, tai, mặt hoặc toàn thân;
- Tổn thương là các mảng da sần, xuất hiện ở trung bì, cứng, hoại tử ở giữa, hình thành sẹo sau khi lành;
- Các tổn thương thường tiến triển trong khoảng 2 - 3 tháng;
- Thể hồng ban rắn Bazin: Đặc trưng với các tổn thương sau:
- Vùng da cẳng chân là nơi dễ xuất hiện tổn thương nhất;
- Tổn thương ban đầu làs các cục nhỏ, nổi gồ lên trên da, màu tím đỏ và đau khi sờ nắn;
- Chúng có tiến triển chậm, phát triển trong vài tháng và hình thành sẹo khi lành;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác bệnh lao da, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập các triệu chứng lâm sàng kể trên, sau đó đánh giá và phân loại chúng dựa vào các tiêu chuẩn chung. Để phục vụ công tác chẩn đoán, một số biện pháp cận lâm sàng dưới đây thường được chỉ định áp dụng:
- Soi trực tiếp mẫu mô da tổn thương dưới kính hiển vi;
- Xét nghiệm mô bệnh học;
- Nuôi cấy vi khuẩn;
- Xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với vi khuẩn lao;
- Xét nghiệm phản ứng với tuberculin dương tính;
- Kết hợp chụp X quang nhằm phát hiện các tổn thương lao trong những tổ chức dưới da như khớp, xương...;
Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán phân biệt bệnh lao da với nhiều bệnh lý khác có triệu chứng tương tự, bao gồm:
- Nấm sâu;
- Bệnh do nhiễm trực khuẩn kháng cồn, kháng toan;
- Ung thư tế bào đáy;
- Bệnh Leishmania;
- Bệnh Sarcoid;
- Bệnh giang mai thể củ hoặc bệnh phong thể củ;
- Viêm mủ da hoại thư;
- Bệnh Lichen phẳng sùi;
- Bớt sùi;
- Bệnh hồng ban nút;
- Bệnh gôm giang mai;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh lao da chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu kém. Một khi đã nhiễm trực khuẩn lao, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, gây ra các tổn thương nghiêm trọng và phát sinh hàng loạt biến chứng khó lường như:
- Sẹo: Xuất hiện các vết sẹo vĩnh viễn trên da, khiến da nhăn, xấu, không có tính thẩm mỹ sau khi các tổn thương lao da đã thuyên giảm.
- Hoại tử da: Nhiễm trùng da nặng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến hoại tử. Tổn thương hoại tử là tình trạng phần mô da xung quanh tổn thương chết đi, hình thành các vết lõm vĩnh viễn trên da.
- Suy giảm thể trạng kéo dài: Bệnh nhân lao da phải đối mặt với các triệu chứng dai dẳng như sốt, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, đổ mồ hôi đêm... Đây là những dấu hiệu cho thấy trực khuẩn lao đã lan sang hệ thống hạch bạch huyết và các cơ quan quan trọng khác.
- Vô sinh: Tuy ít gặp biến chứng vô sinh, nhưng vẫn có một số trường hợp trực khuẩn lao tấn công đến cơ quan sinh dục và làm hỏng hệ thống sinh sản của cả nam lẫn nữ.
Bệnh lao nói chung và bệnh lao da nói riêng thường có tiên lượng tốt khi được điều trị tích cực, đúng cách và kịp thời. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần chủ động thăm khám sớm, chẩn đoán bệnh và được tư vấn những biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh lao da là sử dụng phác đồ thuốc kháng lao loại bỏ trực khuẩn lao, kết hợp chăm sóc tích cực, nâng cao thể trạng và ngăn ngừa biến chứng.
Phác đồ chống lao
Bệnh lao da thường phải sử dụng phác đồ kháng sinh chống lao toàn thân. Dưới đây là phác đồ được khuyến cáo do Hiệp hội chống lao và bệnh phổi quốc tế công bố. Công thức dùng thuốc trị lao da là 2S.HRZS/4HE, trong đó giai đoạn tấn công 2 tháng áp dụng công thức HRZS và giai đoạn duy trì 4 tháng dùng HE.
Cụ thể một số loại thuốc kháng lao thường dùng gồm:
- Rifampicin (R) 0.30 x 2 viên;
- Rimifon (H) 0.15 x 2 viên;
- Pyrazynamid (Z) 0.5 x 3 viên;
- Streptomycin (S) dạng tiêm bắp 1 lần/ ngày;
Trường hợp dị ứng với Streptomycin có thể thay thế bằng Etambutol (E) 0.40 x 2 viên/ngày.
Trường hợp bệnh nhân lớn tuổi (> 50 tuổi) có thể áp dụng liều như sau:
- Pyrazinamid 0.5 x 2 viên;
- Rimifon 0.10 x 3 viên;
- Rifamycin 0.30 x 1 viên;
- Streptomycin 1g x 1/2 lọ (dạng tiêm bắp);
Thời gian sử dụng phác đồ đa hóa trị liệu để điều trị bệnh lao da còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và mức độ suy giảm miễn dịch. Có người phải điều trị 6 tháng, 9 tháng hoặc lâu hơn.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị khác
Song song với sử dụng kháng sinh để điều trị lao da, bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ hướng dẫn áp dụng một số biện pháp khác để hỗ trợ cải thiện bệnh. Chẳng hạn như:
- Theo dõi sát sao tiến triển bệnh trong quá trình điều trị, đặc biệt đánh giá chức năng thận, gan, soi đáy mắt và làm xét nghiệm công thức máu thường xuyên;
- Trường hợp mắc thể lao da lupus hoặc sùi, có thể kết hợp các kỹ thuật y tế như đốt điện, áp lạnh bằng nitơ lỏng hoặc laser CO2 để loại bỏ tổn thương trên da;
- Làm sạch tổn thương trên da, loại bỏ các vết loét hoại tử và khử trùng, giữ cho vùng da này luôn được khô thoáng, phục hồi nhanh hơn;
- Tập trung nâng cao thể trạng bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, rèn luyện thể dục và nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái, tránh làm việc quá sức;
Phòng ngừa
Cũng như nhiều bệnh lao khác, bệnh lao da hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
- Tiêm phòng vắc xin ngừa lao BCG theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bất kỳ đối tượng nào cũng cần tiêm phòng loại vắc xin này, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hoặc người trưởng thành chưa từng tiêm ngừa loại vắc xin này trước đây.
- Cách ly bệnh nhân lao, những người khỏe mạnh cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân khi đang trong quá trình điều trị.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, tắm gội làm sạch thân thể, nhất là sau khi tiếp xúc với nhiều người.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất kết hợp tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng.
- Cai thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại mọi bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Làn da của tôi nổi lên các nốt sần, viêm loét, đau nhức và nhiều tổn thương khác là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh lao da?
3. Tôi mắc thể lao da nào? Có nghiêm trọng không?
4. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh lao da?
5. Bệnh lao da có nguy hiểm không? Có chữa khỏi dứt điểm được không?
6. Bệnh lao da ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của làn da?
7. Tôi nên điều trị bệnh lao da bằng phương pháp nào tốt nhất?
8. Thời gian dùng kháng sinh đồ mất bao lâu thì khỏi?
9. Dùng thuốc kháng sinh lâu ngày có gây ra tác dụng phụ gì không?
10. Tôi có cần tái khám định kỳ sau khi đã điều trị khỏi lao da hay không?
Lao da là căn bệnh nhiễm trùng khá nguy hiểm và cần được phát hiện sớm để điều trị tích cực, loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa biến chứng. Hiện nay, đa số các trường hợp mắc bệnh lao nói chung và lao da nói riêng đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh chỉ cần tuân thủ các chỉ định về dùng thuốc và chăm sóc nâng cao thể trạng tích cực sẽ sớm đẩy lùi bệnh hiệu quả.