Bệnh Hồng ban nút

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hồng ban nút là tình trạng da liễu bất thường đặc trưng bởi sự phát triển của các nốt đỏ, sưng đau trên vùng da chân, đùi, mông... Tổn thương hồng ban nút có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến nhất là ở người trẻ tuổi. Các tổn thương có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn, tuy nhiên vẫn nên điều trị tích cực bằng thuốc và chăm sóc tích cực tại nhà. 

Tổng quan

Hồng ban nút (Erythema nodosum) là một dạng viêm da đặc trưng với sự xuất hiện của các đốm mụn đỏ, sưng, gây đau nhức, thường mọc trên chân, đùi, cánh tay hoặc nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Đây được xem là một quá trình phản ứng của cơ thể với các tác nhân dị ứng.

Hồng ban nút là tình trạng viêm da đặc trưng bởi các nốt sần màu đỏ, tím trên da gây sưng đau khó chịu

Tình trạng này thường liên quan đến các yếu tố như nhiễm trùng, bệnh viêm đường ruột hoặc tác dụng phụ của thuốc. Các tổn thương hồng ban nút gây sưng da, đau nhức, có cảm giác ấm nóng khi chạm vào và khiến bạn có cảm giác khó chịu.

Theo nhiều thống kê, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng ở độ tuổi nào. Nhưng đa số là ảnh hưởng đến phụ nữ, trong độ tuổi từ 20 - 30. Ước tính có khoảng 1 - 5/ 100.000 người mắc phải căn bệnh này.

Phân loại

Có rất nhiều dạng hồng ban nút khác nhau, được phân chia dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và mức độ tổn thương. Bao gồm:

  • Hồng ban nút vô căn: Đây là dạng hồng ban nút phổ biến nhất, tổn thương xảy ra nhưng không xác định được nguyên nhân. Dạng này thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ từ 20 - 30 tuổi, có mối liên hệ mật thiết với sự rối loạn nội tiết tố.
  • Hồng ban nút do nhiễm trùng: Xảy ra do nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao, viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm nấm... Chủ yếu xảy ra ở trẻ em, ngoài tổn thương hồng ban nút đặc trưng ngoài da, còn kèm theo một số triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt, ăn uống kém...
  • Hồng ban nút do thuốc: Dạng hồng ban nút này xảy ra do sử dụng quá mức các loại thuốc như kháng sinh, thuốc tránh thai... Tổn thương dạng này thương không nghiêm trọng, có thể tự biến mất sau khi ngưng dùng thuốc.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cơ chế khởi phát các tổn thương hồng ban nút được cho là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân gây nhiễm trùng hoặc các tác nhân khác. Chẳng hạn như:

Tổn thương hồng ban nút có thể được kích hoạt bởi nhiễm trùng, tổn thương hoặc tác dụng phụ của thuốc

Nguyên nhân nhiễm trùng

Tổn thương hồng ban nút có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nhiễm trùng sau:

  • Nhiễm trùng Streptococcus;
  • Viêm gan B;
  • Lao phổi;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus;
  • Viêm ruột, dạ dày do vi khuẩn;
  • Nhiễm trùng Coccidioidomycosis;

Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác

Một số trường hợp hồng ban nút cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng cơ bản sau:

  • Bệnh Crohn;
  • Bệnh viêm loét đại tràng;
  • Bệnh Sarcoidosis;
  • Bệnh sốt thấp khớp;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Bệnh Behcet;
  • Ung thư hạch;

Tác dụng phụ của thuốc

Hồng ban nút cũng có thể là kết quả của một số loại thuốc như:

  • Thuốc kháng sinh;
  • Thuốc tránh thai;
  • Penicillin;
  • Sulfonamid;

Ngoài các tác nhân trên, các nhà khoa học cho biết hầu hết bệnh nhân bị hồng ban nút đều có mang gen HLA B8 (80%) và khoảng 6% mắc bệnh do di truyền tính chất gia đình.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng đặc trưng của tình trạng hồng ban nút bao gồm:

Triệu chứng hồng ban nút đặc trưng bởi các nốt đỏ, sưng viêm và đau da khó chịu nằm ở cẳng chân, đùi, hông...

  • Nổi nốt sần trên da, màu đỏ, tím;
  • Vết sưng da như vết bầm tím, ấm nóng;
  • Đau nhức;
  • Khi vết sưng mờ dần tạo thành một mảng phẳng màu tím hoặc nâu và tồn tại trong vài tuần;
  • Các vị trí dễ khởi phát hồng ban nút là chân, mông, đùi, mắt cá chân...;

Ngoài ra, kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như:

  • Sốt;
  • Mệt mỏi, khó chịu;
  • Đau nhức khớp;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác tình trạng hồng ban nút, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm sau:

Chẩn đoán hồng ban nút thường dựa vào thăm khám sức khỏe và các xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng

  • Khám sức khỏe toàn diện;
  • Nuôi cấy vi khuẩn hoặc xét nghiệm máu (đo tốc độ lắng máu và mức độ tăng bạch cầu đa nhân trung tính) giúp xác nhận nhiễm trùng;
  • Xét nghiệm phân lập liên cầu khuẩn tan huyết beta bằng dịch hầu họng;
  • Chụp X quang ngực hoặc CT phổi tìm kiếm các tổn thương do nhiễm trùng;
  • Sinh thiết mẫu da bệnh, kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định chủng vi khuẩn hoặc bệnh lý gây bệnh;

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt hồng ban nút với các bệnh lý phát ban trên da khác như:

  • Viêm da cấp tính hoặc mạn tính;
  • Viêm tắc tĩnh mạch nông;
  • Nổi sẩn mề đay cấp tính;
  • Viêm quầng da;
  • Vết cắn của côn trùng;
  • Viêm mạch hoại tử;

Biến chứng và tiên lượng

Hồng ban nút là bệnh da liễu không quá phổ biến nên vẫn chưa có nhiều điều kiện nghiên cứu và xác định chính xác nguyên nhân. Bệnh được đánh giá không quá nguy hiểm, có xu hướng tự khỏi sau 3 - 6 tháng mà không để lại bất kỳ di chứng nào nếu được chăm sóc tích cực.

Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần dù đã điều trị khỏi ở lần phát bệnh trước đó. Trường hợp bệnh nhân chủ quan không thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sức khỏe, tổn thương da vĩnh viễn không phục hồi, gây ảnh hưởng thẩm mỹ, sự tự tin và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Điều trị

Mặc dù đa số các trường hợp bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình này bệnh nhân cũng cần thực hiện các biện pháp điều trị y tế nhằm kiểm soát triệu chứng, đẩy lùi căn nguyên và giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát trở lại.

Đối với các tổn thương hồng ban nút có thể áp dụng các biện pháp sau:

Điều trị tổn thương hồng ban nút chủ yếu bằng cách dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm

Điều trị bằng thuốc

Mục tiêu dùng thuốc nhằm kiểm soát các triệu chứng và xử lý nguyên nhân cơ bản gây ra tổn thương hồng ban nút. Một số loại thuốc thường dùng như:

  • Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng;
  • Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen;
  • Thuốc Corticosteroid giúp giảm sưng viêm;
  • Dung dịch giảm viêm kali iodua, liều dùng 300 - 500mg uống 3 lần/ ngày;

Chăm sóc tại nhà

Kết hợp chăm sóc sức khỏe tích cực và cải thiện triệu chứng để sớm khỏi bệnh:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi;
  • Chườm đá lạnh lên vùng da nổi hồng ban nút giúp cải thiện cảm giác đau;
  • Tắm nước ấm pha muối Epson giúp xoa dịu kích ứng, giảm sưng, đau;
  • Luôn nâng cao chân bị tổn thương để hỗ trợ giảm sưng, cải thiện triệu chứng;
  • Uống nhiều nước, tránh để cơ thể mất nước;
  • Có chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng;

Phòng ngừa

Để phòng ngừa hồng ban nút, bạn có thể thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây:

Giữ vệ sinh tốt giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ khởi phát tổn thương hồng ban nút

  • Tránh sử dụng các loại thuốc uống có khả năng khởi phát ban đỏ nốt. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc để trị bệnh, hãy thông báo cho bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc với liều dùng phù hợp.
  • Sớm phát hiện, chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe, bệnh lý tiềm ẩn.
  • Giữ gìn vệ sinh thân thể tốt, rửa tay thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng, giảm nguy cơ khởi phát hồng ban nút.
  • Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện tích cực, nghỉ ngơi và quản lý căng thẳng, giảm nguy cơ nhiễm trùng do virus, vi khuẩn.
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường để có hướng điều trị phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Các tổn thương hồng ban nút có nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh hồng ban nút?

3. Bệnh hồng ban nút được chẩn đoán như thế nào?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Có chữa khỏi được không?

5. Phương pháp điều trị hồng ban nút tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Bị hồng ban nút nên dùng loại thuốc nào tốt nhất?

7. Tôi phải dùng thuốc mất bao lâu mới khỏi bệnh?

8. Làm cách nào để ngăn chặn tình trạng hồng ban nút tái phát trở lại?

Hồng ban nút là những tổn thương ngoài da không quá nghiêm trọng, có thể tự biến mất mà không cần điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, trong trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Nếu được điều trị kịp thời, bạn sẽ sớm khỏi bệnh mà không để lại bất kỳ di chứng nào.