Ối vỡ sớm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Ối vỡ sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé nếu không được xử lý kịp thời. Nguyên nhân gây vỡ ối sớm liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm viêm nhiễm, chế độ sinh hoạt không phù hợp,... Bà bầu cần thận trọng để bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh.

Tổng quan

Ối vỡ sớm (premature rupture of membranes) hay ối vỡ non là thuật ngữ chỉ hiện tượng rách màng ối khiến nước ối chảy ra ngoài trước giai đoạn chuyển dạ. Tình trạng này không quá phổ biến, đa số các trường hợp bà bầu đều chảy nước ối đúng thời điểm.

Nhiều trường hợp thai phụ bị vỡ ối sớm khi thai nhi còn non tháng

Như các bạn đã biết, bào thai phát triển bên trong tử cung của người phụ nữ, được bao bọc bởi nước ối. Lớp màng bao bọc nước ối khá mỏng, sẽ vỡ ra khi bà bầu bước vào giai đoạn chuyển dạ sinh con. Màng ối vỡ một cách tự nhiên hoặc được tác động bởi bác sĩ khi thai nhi đã phát triển ổn định đủ ngày tháng.

Đối với tình trạng ối vỡ sớm thường chịu ảnh hưởng bởi vấn đề ở người mẹ hoặc ngoại cảnh bên ngoài. Điều này nếu không kịp thời xử lý có thể gây nhiễm trùng ảnh hưởng sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Trường hợp nặng có thể phát sinh biến chứng nguy hiểm, nhất là khi tuổi thai còn non tháng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng ối vỡ sớm có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Tử cung chưa nở đủ để tiến hành sinh con tăng nguy cơ đau đớn và viêm nhiễm cho bà mẹ. Nguyên nhân gây vỡ ối non liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó một số trường hợp không nhận biết được nguyên nhân chính xác.

Các trường hợp khác bị vỡ ối non là do:

  • Sự bất thường ở ngôi thai: Em bé nằm ở vị trí bất thường, thay vì ở ngôi thai đầu, em bé lại nằm ở ngôi thai ngang, ngôi mông,... Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ ối, em bé sinh non chưa kịp xoay đầu về phía âm đạo người mẹ như các ca sinh thông thường.
  • Khung chậu hẹp: Đây cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ vỡ ối sớm ở thai phụ. Tình trạng hẹp khung xương chậu sẽ gây ra không ít khó khăn cho người mẹ trong quá trình chuyển dạ sinh con theo ngả âm đạo. Đa số các trường hợp vỡ ối sớm có khung chậu hẹp phải can thiệp phẫu thuật lấy thai nhằm đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
  • Đa ối khi mang thai: Lượng nước ối tích tụ dư thừa vượt mức cần thiết dẫn đến tình trạng căng tức mảng ối gây vỡ ối sớm. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân mang thai bị tiểu đường, mắc chứng loạn tăng trương lực cơ hoặc những bà mẹ mang đa thai,...
  • Hở eo tử cung: Một trong những vấn đề ở bà bầu dẫn đến rủi ro ối vỡ non trước giai đoạn chuyển dạ. Đây là tình trạng cổ tử cung mở trước khi mang thai hoặc trong thời gian mang thai. Khi áp lực buồng ối tăng giai đoạn thai phát triển kích thước lớn, chèn ép khiến cổ tử cung mở sớm. Màng ối vỡ gây ra hiện tượng sinh non hoặc thậm chí là sẩy thai.
  • Tử cung dị dạng: Ngoài các nguyên nhân kể trên, hiện tượng ối vỡ non có thể là do ảnh hưởng bởi tử cung người mẹ có cấu tạo bất thường. Đa số các trường hợp bị dị dạng tử cung không được phát hiện, khi mang thai sức ép của thai nhi làm tử cung co bóp bất thường. Chính điều này khiến túi ối dễ bị vỡ sớm khi thai còn non tháng.
  • Viêm màng ối: Đây cũng là nguyên nhân liên quan gây ra hiện tượng ối vỡ sớm. Viêm màng ối xảy ra do ảnh hưởng bởi bệnh phụ khoa không được điều trị đúng cách. Thai phụ gặp phải nhiều biến chứng nếu viêm nặng dần, trong một vài trường hợp khẩn cấp phải mổ lấy thai để tránh nguy hại cho thai nhi.
  • Các nguyên nhân khác: Còn rất nhiều nguyên nhân có liên quan đến tình trạng ối vỡ sớm. Chẳng hạn như hiện tượng sang chấn trong thời gian mang thai, bà bầu bị té ngã, thể trạng kém, bị nhau tiền đạo,... hoặc các ảnh hưởng từ thói quen sống, ăn uống.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Thai phụ bị ối vỡ sớm nhận thấy nước chảy ra từ ngã âm đạo hoặc âm đạo trở nên ẩm ướt bất thường. Nước khá loãng, màu trắng trong đôi khi có hơi đục. Khi có cơn co nước ra nhiều hơn, sau đó rỉ rả không ngừng. Nước ối thường không có mùi khai, mùi hôi và không có màu sắc bất thường.

Thai phụ nhận thấy nước chảy ở âm đạo ồ ạt đôi khi rỉ rã hoài không ngớt

Cần phân biệt tình trạng vỡ ối với các hiện tượng khác khi mang thai như ra khí hư, són tiểu hay tiết chất nhầy cổ tử cung. Cụ thể:

  • Trường hợp són tiểu sẽ không ra nhiều nước như vỡ ối, thai phụ không bị rỉ rã nước liên tục. Đồng thời són tiểu sẽ có một đặc trưng của nước tiểu thông thường là có mùi khai.
  • Đối với tình trạng ra nhiều khí hư trong thai kỳ rất dễ nhầm lẫn với hiện tượng vỡ ối. Tuy nhiên, khí hư khi mang thai có thể đặc hơn hoặc có các biểu hiện khác với nước ối. Bác sĩ cần phải khám lâm sàng cho thai phụ để đưa ra chẩn đoán chính xác.
  • Cổ tử cung thường co và mở hé ở giai đoạn cuối thai kỳ, đặc biệt là trước khi chuyển dạ. Điều này khiến cho các chất này chảy ra nhiều hơn. Chất dịch cổ tử cung thường dai, đôi khi lẫn màu hồng nhạt.

Thai phụ bị ối vỡ sớm cần được hỗ trợ y tế để phòng tránh nguy cơ viêm nhiễm, tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Nếu nhận thấy dịch tiết âm đạo bất thường, chảy rỉ rã không ngưng, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán

Tiến hành mở thành âm đạo của thai phụ bằng mỏ vịt đã được khử trùng tuyệt đối. Bác sĩ quan sát bên trong cổ tử cung để tìm hiểu nguyên nhân gây chảy dịch âm đạo, xác định có phải bị ối vỡ sớm hay do nguyên nhân nào khác gây ra.

Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành làm theo các xét nghiệm dịch âm đạo, siêu âm nước ối bên trong để kết luận chính xác tình trạng vỡ ối sớm. Thai phụ sẽ phải lưu lại bệnh viện để theo dõi thêm, tránh trình trạng nhiễm trùng trước sinh.

Các thông tin về chỉ số huyết áp, mạch, thân nhiệt, kết quả xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,... được thu thập bằng các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ theo dõi thai phụ thường xuyên, kịp thời phát hiện các bất thường ở thai nhi để xử lý sớm.

Có nhiều trường hợp vỡ ối nhẹ, nước ối rỉ ra ít sẽ khó xác định liệu đây có phải là ối vỡ sớm không. Bà bầu phải nằm lại viện hoặc theo dõi tại nhà tùy từng trường hợp. Nếu bà bầu thấy nước ối vẫn tiếp tục chảy ra hãy nhanh chóng nhập viện để được hỗ trợ.

Biến chứng và tiên lượng

Ối vỡ sớm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào thời gian phát hiện vỡ ối và cách xử lý của bà bầu. Nếu để tình trạng vỡ ối sớm kéo dài không can thiệp, nguy cơ viêm nhiễm rất cao, gây nhiễm trùng ối không có lợi cho thai nhi.

Vỡ ối sớm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe của bà mẹ và thai nhi

Vi khuẩn tấn công dẫn đến sảy thai, nhiễm trùng huyết, tăng nguy cơ viêm phúc mạc và nhiều biến chứng khác. Trong đó, nếu trường hợp thai có ngôi thai bất thường sẽ làm tăng khả năng bị sa dây rau hoặc sa chi, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của thai phụ.

Bà bầu vẫn có tiên lượng tốt nếu nước ối không bị nhiễm trùng. Mặc dù vậy, do màng ối vỡ sớm nên khả năng thai nhi non tháng cao, dễ bị nhiễm trùng sơ sinh và gặp các vấn đề về hô hấp. Chính vì thế, bà bầu khi bị ối vỡ sớm nên chủ động đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Điều trị

Dựa vào tuổi thai để đưa ra các chỉ định can thiệp khi sản phụ bị ối vỡ sớm. Cụ thể:

Trường hợp thai 22-31 tuần tuổi:

Thai nhi còn non tháng, do đó cần lưu thai càng lâu càng tốt giúp bé có điều kiện phát triển thể chất. Các phương pháp được chỉ định trong giai đoạn này:

  • Bà bầu được tiêm Betamethasone mỗi ngày 1 liều, mỗi liều 12mg hoặc sử dụng thuốc Dexamethasone mỗi ngày 2 liều, mỗi liều 6mg. Sử dụng không quá 2 ngày, trường hợp cần thiết phải tăng liều sẽ được cân nhắc kỹ. Việc sử dụng thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình hình thành phổi của thai nhi.
  • Song song với sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định các quy tắc nhằm phòng ngừa nhiễm khuẩn cho thai phụ. Đặc biệt không sử dụng tay để thăm khám phụ khoa, thời gian này bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ y tế chuyên dụng, được khử khuẩn tuyệt đối nếu cần kiểm tra âm đạo hoặc các vấn đề liên quan cho thai phụ. Bên cạnh đó, thai phụ phải sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng trong thời gian 1 tuần nhằm ngăn nhiễm trùng khi bị ối vỡ sớm.
  • Để tránh ảnh hưởng đến thai, thời gian này người mẹ cần được nghỉ ngơi và hạn chế vận động ít nhất có thể. Tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc theo dõi lượng nước ối hàng ngày, kiểm tra các dấu hiệu bao gồm mạch, huyết áp, thân nhiệt,... cho thai phụ mỗi ngày, cách 6 tiếng thực hiện một lần. Một số xét nghiệm cần thiết cũng được tiến hành trong giai đoạn này. Dịch âm đạo phải được cấy mỗi tuần để xác định có sự tồn tại của vi khuẩn hay không, nếu có phải tích cực điều trị bằng kháng sinh đồ.

Thai phụ cần được theo dõi sức khỏe trong giai đoạn này, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp phát hiện biểu hiện lạ cần nhanh chóng thông báo để được trợ giúp sớm.

Trường hợp thai 32-33 tuần tuổi:

Đối với những trường hợp vỡ ối sớm khi thai nhi đã được 32-33 tuần tuổi, bà bầu sẽ kiểm tra chỉ số sức khỏe thường xuyên, đồng thời cũng theo dõi các vấn đề của thai nhi. Chế phẩm Coritcoid cũng tiếp tục được tiêm nhằm giúp thai thành phổi sớm, giảm nguy cơ thai nhi bị viêm màng trong.

Tương tự như giai đoạn 22-31 tuần, bà bầu và thai nhi vẫn sẽ được theo dõi chặt chẽ các thông số về huyết áp, nhiệt độ, mạ

Theo dõi sát sao đối với trường hợp bà bầu mang thai tuần 31-33 có hiện tượng ối vỡ sớm

ch đập,... Đồng thời, thai phụ cũng cần sử dụng các thuốc hỗ trợ nhằm giúp tử cung không co bóp quá nhiều. Trường hợp bị suy thai, không thể tiếp tục giữ thai bác sĩ sẽ cân nhắc cho thai phụ chuyển dạ sinh con.

Trường hợp thai 34-36 tuần tuổi:

Thai nhi ở giai đoạn này đã phát triển hoàn thiện các cơ quan, đặc biệt là phổi. Chính vì thế, nếu ối vỡ sớm ở giai đoạn này thai phụ không cần sử dụng thuốc Corticoid để thành phổi. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng của mẹ và bé, nếu đáp ứng đủ điều kiện bà bầu sẽ được theo dõi chuyển dạ sinh.

Trường hợp 37 tuần trở lên:

Giai đoạn này thai nhi đã có thể chào đời như các em bé khác. Nếu xảy ra tình trạng ối vỡ sớm, bác sĩ sẽ tiến hành kết thúc thai kỳ để tránh gây ra các biến chứng không đáng có cho cả mẹ và bé. Trong khoảng 6-12 tiếng sau khi vỡ ối, bà bầu cần chuyển dạ sinh càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro viêm nhiễm cho mẹ, bác sĩ có thể dự phòng thuốc kháng sinh. Nếu thai nhi có phôi thai ngược, bà bầu hẹp cổ tử cung,... chỉ định mổ lấy thai. Sản phụ và em bé sẽ được theo dõi sau sinh để xử lý sớm nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng, suy hô hấp và các vấn đề khác.

Phòng ngừa

Ối vỡ sớm gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi, nhất là khi tuổi thai còn quá nhỏ. Do đó, trong giai đoạn mang thai, bà bầu cần tìm hiểu các kiến thức liên quan đến vấn đề này, chủ động dự phòng nguy cơ để bảo vệ cho sức khỏe mẹ và bé. Một số lưu ý:

  • Trường hợp mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, bà bầu cần thăm khám bác sĩ và điều trị sớm bằng các biện pháp an toàn. Nhất là tình trạng nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung,...
  • Để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, bà bầu nên xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn ngủ đủ, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế làm việc nặng, mang vác nặng, tốt nhất nên tránh xa khói thuốc lá.
  • Trước khi có ý định mang thai, phụ nữ nên tìm hiểu và xây dựng một kế hoạch mang thai khoa học, chăm sóc cơ thể trước khi mang thai. Đồng thời thăm khám, tầm soát các vấn đề có thể gây hại cho quá trình mang thai từ sớm.
  • Đặt lịch khám thai ở những địa chỉ y tế uy tín, bác sĩ chuyên môn giỏi. Tuân thủ theo lịch khám thai định kỳ, theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ giúp bà bầu phòng tránh được nguy cơ không mong muốn.
  • Đối với trường hợp bà bầu có khung chậu hẹp, mang từ 2 thai trở lên, có ngôi thai bất thường,... cần theo dõi đặc biệt để ngăn nguy cơ vỡ ối sớm.
  •  Tuyệt đối không sử dụng thuốc bừa bãi trong thời gian mang thai. Khi cần thiết chỉ sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Ối vỡ sớm là gì?

2. Làm thế nào để tôi nhận biết ối vỡ sớm hay các vấn đề phụ khoa khác?

3. Nguyên nhân vì sao tôi bị vỡ ối sớm?

4. Có thể lưu thai khi màng ối bị vỡ hoặc bị rỉ không?

5. Trong thời gian dưỡng thai tôi cần làm gì để tránh nhiễm trùng nước ối?

6. Thai nhi có phát triển bình thường nếu tôi bị vỡ ối sớm không?

7. Những rủi ro nào có thể xảy ra cho tôi và bé nếu nước ối bị nhiễm trùng?

8. Trường hợp nào không thể giữ thai?

9. Sau khi bị vỡ ối sớm và sinh con tôi có gặp phải vấn đề gì không?

10. Tôi cần khám thai theo dõi nước ối bao lâu một lần?

Ối vỡ sớm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho mẹ và bé. Trường hợp có viêm nhiễm nhưng không được điều trị khả năng cao phát sinh các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy dịch tiết âm đạo bất thường, bà bầu nên chủ động đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.