Hội Chứng Hunter

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng Hunter là bệnh lý bẩm sinh do di truyền gen đột biến trên NST X từ bố mẹ sang con cái. Một đứa trẻ mắc hội chứng Hunter thường có các biểu hiện bất thường ở nhiều cơ quan như tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, họng miệng, cơ xương khớp... Đặc biệt, trẻ chậm phát triển, có tầm vóc thấp bé hơn những trẻ đồng trang lứa. 

Tổng quan

Hội chứng Hunter (Hunter Syndrome) trong thuật ngữ y học chuyên môn là bệnh Mucopolysaccharidosis type (MPS II). Hội chứng này được báo cáo lần đầu tiên bởi bác sĩ người Canada Charles Hunter vào năm 1917. Đây là bệnh di truyền gen lặn liên kết với NST X. Đây chính là lý do vì sao nam giới, người chỉ mang 1 NST có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này.

Đây là một dạng rối loạn gen lặn liên kết với nhiễm sắc thể X. Dạng đột biến này xảy ra khi cơ thể thiếu hụt một loại enzyme là iduronate 2-sulfatase (I2S), enzyme quan trọng để cơ thể tiêu hóa đường.

Hội chứng Hunter là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp được di truyền từ cha mẹ sang con cái

Sự tích tụ của nhóm đường phức tạp glycosaminoglycans (GAGs) trong cơ thể gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường. Đặc trưng nhất là các biểu hiện trẻ chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ kèm theo các vấn đề sức khỏe thể chất khác.

Hội chứng này khá hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1/100.000 - 170.000 trẻ sơ sinh. Đa số các trường hợp mắc phải đều là ở nam giới, rất hiến khi xuất hiện ở các bé gái. Hội chứng Hunter được xác định xảy ra do di truyền gen bệnh từ bố mẹ hoặc những người thân khác trong gia đình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng Hunter là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến khả năng phân hủy và tái tạo các loại phân tử đường trong cơ thể. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt enzyme iduronate 2-sulfatase (I2S). Đây là loại enzyme đảm nhiệm vai trò phá vỡ và phân hủy đường glycosaminoglycans (GAGs) trong cơ thể.

Khi không có đủ lượng enzyme này, các GAG tích tụ trong các mô tế bào và cơ quan của cơ thể. Đây chính là cơ chế của sự phát sinh hội chứng Hunter. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng theo nhiều tài liệu y học, đột biến gen có mối liên hệ mật thiết đối với sự khởi phát của hội chứng Hunter.

Thiếu hụt enzyme I2S gây ảnh hưởng đến quá trình phân hủy và tái hấp thu đường trong cơ thể gây ra các triệu chứng bất thường

Đột biến này nằm trên nhiễm sắc thể X có thể xảy ra tự phát một cách ngẫu nhiên hoặc di truyền từ bố mẹ mang gen mầm bệnh đột biến. Các đột biến chính bao gồm đột biến điểm, chèn, dịch chuyển khung, đột biến tại vị trí nối hoặc xóa hoàn toàn đoạn gen I2S. Đột biến I2S làm giảm quá trình tích tụ nội bào và ngoại bào trong nhiều cơ quan của cơ thể.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các chuyên gia đánh giá, hội chứng Hunter là một trong những hội chứng cực kỳ nghiêm trọng, đặc trưng bởi phổ lâm sàng rộng với sự tham gia của rất nhiều cơ quan khác nhau. Bao gồm:

  • Hệ thần kinh trung ương;
  • Hệ hô hấp;
  • Khoang miệng;
  • Hệ tim mạch;
  • Hệ tiêu hóa;
  • Hệ thống cơ xương khớp;

Hội chứng Hunter gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như chậm phát triển, suy giảm nhận thức, phì đại các cơ quan, cứng khớp...

Mỗi người sẽ có các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Cụ thể như sau:

Triệu chứng thần kinh

Biểu hiện lâm sàng là bệnh đầu to dưới dạng não úng thủy gây tăng đường kính hộp sọ. Gây ra các triệu chứng điển hình như:

  • Mất kiểm soát hành vi, hiếu động thái quá, khó tập trung;
  • Suy giảm nhận thức và suy giảm thính lực;
  • Chậm phát triển, giảm khả năng ngôn ngữ và học tập kém;
  • Co giật, động kinh;

Triệu chứng hô hấp

Sự lắng đọng quá mức của GAG trong đường hô hấp, lưỡi và các hạch bạch huyết gây ra các triệu chứng như:

  • Lưỡi phát triển to;
  • Phì đại amidan, sưng vòm họng;
  • Sưng dày dây thanh âm và co thắt khí quản;
  • Đường hô hấp bị thu hẹp gây khó thở, thở ồn, viêm xoang tái phát, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp,...;

Triệu chứng răng miệng

Bệnh nhân mắc hội chứng Hunter cũng xảy ra một số triệu chứng bất thường về khoang miệng như:

  • Bất thường số lượng răng và khiếm khuyết men răng (kể cả răng sữa và răng vĩnh viễn);
  • Khiếm khuyết khớp hàm, sai khớp cắn, sai hình thái hàm;
  • Tăng nguy cơ phát triển sâu răng, hình thành áp xe hoặc u nang;

Triệu chứng tim mạch

Thiếu hụt enzyme I2S dẫn đến sự tích tụ quá mức nội bào và ngoại bào của 2 hoạt chất là heparan sulfate (HS) và hermatan sulfate (DS), thành phần quan trọng của van tim. Hậu quả khiến van phát triển dày bất thường, tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe van tim như:

  • Tăng huyết áp;
  • Hở van hai lá;
  • Hở van động mạch chủ;
  • Phì đại thất trái;

Triệu chứng tiêu hóa

Khi các GAG tích tụ quá mức trong các cơ quan nội tạng bụng có thể khiến gan lách to bất thường và gây ra các triệu chứng lâm sàng như:

  • Bụng phình trướng, nhô ra bất thường;
  • Tăng nguy cơ phát triển thoát vị rốn và bẹn;
  • Kèm theo các triệu chứng thực thể như đau bụng, tiêu chảy mãn tính, phân nhầy, số lượng nhiều;

Triệu chứng về hệ thống cơ xương

Tổn thương hệ thống cơ xương khiến bệnh nhân mắc hội chứng Hunter có các triệu chứng bất thường về hình dạng bên ngoài như:

  • Mặt thô
  • Đầu to
  • Vóc dáng thấp còi
  • Kèm theo các triệu chứng của chứng loạn dưỡng xương;
  • Tăng nguy cơ phát triển chứng gù, vẹo cột sống, biến dạng cấu trúc lồng xương sườn;

Ngoài ra, một số triệu chứng liên quan khác như:

  • Yếu cơ, tê liệt chi, mất kiểm soát bàng quang... do biến dạng cấu trúc ở cột sống cũng có thể gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh;
  • Đau nhức, cứng khớp, co rút và giảm phạm vi chuyển động do tổn thương sụn khớp, sụn trong khớp;
  • Cứng và co rút khớp hông, đầu gối, mắt cá chân, cổ tay, vai do tích tụ GAG cơ gân;

Chẩn đoán

Không có biện pháp giúp chẩn đoán chính xác hội chứng Hunter. Chỉ sau bước đánh giá các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện từng biện pháp phù hợp.

Khám sức khỏe, tiền sử bệnh kết hợp xét nghiệm di truyền giúp chẩn đoán hội chứng Hunter

Một số xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán hội chứng Hunter bao gồm:

  • Xét nghiệm thường quy: Thường là xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu nhằm mục đích đo nồng độ GAG. Trong đó:
    • Xét nghiệm nước tiểu phát hiện nước tiểu kiểm tra lượng phân tử cao bất thường;
    • Xét nghiệm máu đo khá chính xác nồng độ hoạt động của enzyme, thường là thấp hoặc không có enzyme sulfatase cho thấy dấu hiệu bệnh;
  • Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm di truyền phân tử là tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng Hunter. Nhằm mục đích phát hiện gen đột biến I2S, kết hợp với những biểu hiện lâm sàng không điển hình để xác nhận chẩn đoán mắc hội chứng Hunter.
  • Kiểm tra hình ảnh: Trong một số trường hợp, thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang hoặc MRI cũng rất cần thiết nhằm phát hiện các tổn thương bất thường trên cơ thể, liên quan đến hội chứng Hunter. Chẳng hạn như:
    • Phát hiện bất thường về khớp xương, hộp sọ, xương trục, các chi (thường xảy ra do chứng loạn dưỡng đa xương);
    • Biến dạng xương, cong vẹo hoặc gù cột sống;
    • Giảm sản và dày xương cổ chân, xương cổ tay;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng của hội chứng Hunter xuất phát từ việc tích tụ quá mức nhóm đường GAG ở trong các mô và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bên cạnh những ảnh hưởng về suy giảm chất lượng cuộc sống, tình trạng này còn gây ra hàng loạt những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Chẳng hạn như:

  • Não úng thủy;
  • Tàn phế, bại liệt phải ngồi xe lăn do biến chứng co giật khớp háng nghiêm trọng;
  • Các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp như tắc nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp;
  • Các bệnh về cơ tim, hẹp/ hở van hai lá hoặc động mạch chủ tăng nguy cơ phát triển bệnh suy tim;
  • Gan to bất thường gây biến chứng rối loạn chức năng gan;

Trẻ mắc hội chứng Hunter vẫn có tỷ lệ sống cao nếu được điều trị y tế đúng phương pháp và chăm sóc tích cực

Hội chứng Hunter không có biện pháp chữa trị khỏi dứt điểm. Việc điều trị y tế tích cực chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, tiến triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiên lượng tuổi thọ của bệnh nhân mắc hội chứng Hunter phụ thuộc chủ yếu vào kiểu hình đặc trưng của bệnh. Những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong sớm. Nguyên nhân thường là do các bất thường về sự phát triển van tim, chức năng phổi hoặc kết hợp cả 2 yếu tố này. Tuổi thọ trung bình dao động từ khoảng 10 - 20 năm.

Điều trị

Mục tiêu điều trị hội chứng Hunter chủ yếu nhằm vào cải thiện các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh và phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng để xử lý hoặc phòng ngừa. Nguyên tắc điều trị chính được áp dụng phổ biến hiện nay là bổ sung lượng enzyme thiếu hụt trong cơ thể.

Hiện nay, y học hiện đại ghi nhận có 2 phương pháp chính được phê duyệt áp dụng để điều trị hội chứng Hunter, bao gồm liệu pháp thay thế và cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

Liệu pháp thay thế enzyme (ERT)

Phương pháp này được áp dụng phổ biến, giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng do hội chứng Hunter gây ra. Biện pháp được thực hiện bằng cách truyền enzyme vào trong cơ thể, bù đắp lượng thiếu hụt hỗ trợ tiêu hủy và hấp thu đường GAG. Từ đó, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng, nâng cao sức khỏe thể chất và giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng.

Liệu pháp thay thế enzyme giúp bù đắp lượng enzyme thiếu hụt để bình thường hóa mức enzyme I2S trong cơ thể

Loại enzyme thay thế được sử dụng phổ biến nhất là idursulfase (Elaprase). Thuốc được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch, liều cơ bản 1 lần/ tuần đã đủ để bình thường hóa mức enzyme I2S trong cơ thể. Các chuyên gia khuyến nghị, liệu pháp này nên được áp dụng sớm, bắt đầu trước 6 tuổi để đạt được những lợi ích tích cực.

Cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT)

So với liệu pháp enzyme thay thế, phương pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu được đánh giá vượt trội về cơ chế điều trị. Khi các tế bào gốc được thay mới, chúng sẽ tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng của não bộ, hệ thần kinh và các chức năng nội tạng khác.

Phương pháp này chỉ được thực hiện một lần duy nhất và được khuyến nghị thực hiện trước khi xuất hiện các triệu chứng về suy giảm chức năng thần kinh. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Hunter đều đáp ứng tốt, cho thấy sự cải thiện đáng kể về:

  • Làm chậm tiến triển thoái hóa thần kinh và cải thiện chức năng nhận thức của hệ thần kinh trung ương;
  • Cải thiện rõ rệt mức độ lách to, giảm độ dày của van hai lá và van động mạch chủ;
  • Các chức năng khác như ngôn ngữ, chức năng xương khớp, hô hấp, tiêu hóa... cũng được cải thiện đáng kể;

Bên cạnh 2 phương pháp điều trị chính trên, trong hầu hết các phác đồ điều trị hội chứng Hunter, bác sĩ thường chỉ định áp dụng thêm 1 hoặc 2 phương pháp nữa để đạt kết quả cao. Bao gồm:

Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Tình trạng viêm sụn khớp, gân khớp và chất nền ngoại bào có thể tiến triển nặng hơn theo thời gian. Tăng nguy cơ phát triển tình trạng loạn sản ăn mòn hoặc thay đổi cấu trúc thoái hóa sụn khớp. Hậu quả gây ra biến chứng nghiêm trọng về biến dạng cấu trúc và mất khả năng chuyển động khớp.

Phối hợp dùng thuốc chống viêm không steroid hỗ trợ chống viêm, ngăn ngừa các biến chứng liên quan

Do đó, ngay trong giai đoạn sớm chưa phát sinh viêm hoặc viêm mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) nhằm hỗ trợ kiểm soát tình trạng này. Đây là nhóm thuốc có tác dụng ức chế quá trình sản xuất các chất trung gian gây viêm. Đồng thời, phòng ngừa tối đa những biến chứng về thay đổi thoái hóa khớp liên quan đến hội chứng Hunter.

Liệu pháp gen

Đây là phương pháp mới được áp dụng điều trị hội chứng Hunter trong thời gian gần đây. So với 2 biện pháp chính là liệu pháp thay thế enzyme hoặc cấy ghép tế bào gốc, phương pháp này có sự vượt trội hơn hẳn về mặt hiệu quả và độ an toàn.

Vì bản chất của hội chứng Hunter là bệnh di truyền do đột biến gen lặn trên nhiễm sắc thể X. Nên liệu pháp gen được thực hiện nhằm chuyển các gen I2S bình thường vào cơ thể bệnh nhân thông qua nhiều phương pháp xâm lấn như tiêm tĩnh mạch, tiêm nội sọ hoặc nội tủy mạc.

Tuy nhiên, phương pháp này hiện nay vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Do vẫn còn hạn chế về trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm và chi phí cũng khá đắt đỏ.

Phẫu thuật

Không hiếm những trường hợp mắc hội chứng Hunter phải tiến hành phẫu thuật để xử lý và loại bỏ tổn thương, ngăn chặn biến chứng. Một trong những phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng như:

  • Phẫu thuật ghép tủy;
  • Phẫu thuật thoát vị rốn hoặc bẹn;
  • Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim;
  • Phẫu thuật hút bỏ chất dịch lỏng tích tụ quanh não;

Đối với mỗi trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp để đạt hiệu quả cao. Tuy là biện pháp hiệu quả, nhưng bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường, cần chú ý và thận trọng trước khi đưa ra quyết định thực hiện.

Các biện pháp khác hỗ trợ khác

Ngoài các biện pháp điều trị chính, bệnh nhân mắc hội chứng Hunter cũng có thể áp dụng thêm một số cách khắc phục tại nhà, hỗ trợ kiểm soát triệu chứng. Bao gồm:

Tạo điều kiện cho trẻ thực hiện vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ, nghề nghiệp để cải thiện chất lượng cuộc sống

  • Vật lý trị liệu cải thiện các triệu chứng tổn thương cơ xương khớp, tăng cường khả năng đi lại và phạm vi chuyển động;
  • Trị liệu nghề nghiệp và ngôn ngữ giúp trẻ học cách sử dụng ngôn ngữ cũng như độc lập trong sinh hoạt hàng ngày;
  • Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và tăng cường bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh;
  • Tham gia các buổi học về kiểm soát hơi thở, cải thiện chức năng phổi;
  • Tạo điều kiện cho trẻ tập luyện, vận động thể chất nhẹ nhàng, vừa sức để nâng cao sức khỏe thể chất;
  • Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi các triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết;

Phòng ngừa

Hội chứng Hunter là bệnh bẩm sinh do di truyền gen đột biến bất thường từ bố mẹ. Do đó, việc chủ động ngăn ngừa là không thể. Tuy nhiên, nếu biết trước bản thân có tiền sử mang gen mầm bệnh hoặc có nhận thức cao về các bệnh di truyền khi sinh con, các cặp đôi có thể thực hiện tư vấn di truyền sớm.

Việc này đem lại lợi ích rất lớn giúp gia đình hiểu rõ về nguy cơ sinh con mắc bệnh di truyền bẩm sinh không thể chữa khỏi. Từ đó, đưa ra quyết định sáng suốt về việc sinh con cũng như thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao con tôi có những biểu hiện chậm phát triển, thấp bé, nhiễm trùng tai thường xuyên, khó thở, bụng to...?

2. Những biểu hiện trên có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

3. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán căn nguyên?

4. Tại sao con tôi mắc phải hội chứng Hunter?

5. Hội chứng Hunter là gì? Có nguy hiểm không?

6. Hội chứng Hunter ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và tính mạng của con tôi?

7. Tiên lượng tuổi thọ của con tôi khi mắc hội chứng Hunter?

8. Con tôi nên điều trị hội chứng Hunter bằng phương pháp nào tốt nhất?

9. Tỷ lệ thành công khi điều trị là bao nhiêu phần trăm?

10. Cần làm gì để chăm sóc trẻ mắc hội chứng Hunter tại nhà?

11. Quá trình điều trị hội chứng Hunter kéo dài bao lâu?

12. Tôi cần làm gì để phòng ngừa sinh con mắc hội chứng Hunter trong lần sinh con tiếp theo?

Hội chứng Hunter phát triển theo một cơ chế di truyền riêng biệt và không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, các triệu chứng vẫn có thể được kiểm soát tốt nhằm duy trì chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Kết hợp thăm khám định kỳ trong thời gian dài, thậm chí suốt đời để theo dõi bệnh sát sao.

Tham khảo thêm: