Bệnh U Xơ Tử Cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Nhất là với những chị em đang trong độ tuổi sinh sản và mãn kinh. Đây không phải ung thư, không đe dọa đến tính mạng nhưng các triệu chứng chảy máu, mất máu kéo dài gây thiếu máu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, khả năng mang thai. 

Tổng quan

U xơ tử cung (Uterine Fibroids) là khối u không phải ung thư, chúng phát triển lành tính ở bên trong và xung quanh tử cung như cổ tử cung, ống dẫn trứng hoặc các mô gần tử cung. Đa số các khối u xơ đều phát triển từ các mô cơ của tử cung. Chúng phát triển với đa dạng kích thước từ nhỏ đến lớn, số lượng u xơ có thể nhiều hoặc ít.

U xơ tử cung là khối u lành tính phát triển bất thường của các mô trong tử cung

Trong quá trình phát bệnh, đa số đều không có triệu chứng cụ thể trong giai đoạn đầu. Chỉ khi khối u phát triển lớn, chèn ép đến các mô cơ xung quanh gây chảy máu hoặc đau bụng mới được phát hiện.

Hầu hết các trường hợp phụ nữ phát triển u xơ tử cung thường không cần điều trị chuyên do chúng khá lành tính, không gây hại. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng có biến chứng như thiếu máu nặng nên áp dụng các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp để kiểm soát kip thời.

U xơ tử cung xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ, nhất là nhóm đối tượng đang trong độ tuổi sinh sản từ 30 tuổi trở lên. Hoặc phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, ước tính cứ khoảng 10 phụ nữ thì có đến 8 người phát triển u xơ tử cung sau độ tuổi 50. Trong hầu hết các trường hợp, khối u được phát hiện một cách tình cờ khi thăm khám phụ khoa định kỳ.

Phân loại

Khối u xơ tử cung thường phát triển khác nhau về hình dạng, kích thước, vị trí và số lượng. Đây cũng chính là những yếu tố giúp bác sĩ dễ dàng phân chia u xơ tử cung thành các loại khác nhau, phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị.

U xơ tử cung được phân chia làm nhiều loại khác nhau tùy theo vị trí hình thành và phát triển khối u

Theo các tài liệu y tế, u xơ tử cung được chia làm 4 loại chính gồm:

  • U xơ tử cung: Là những khối u xơ phát triển bên trong thành tử cung, sự hình thành của chúng gây tác động chủ yếu đến cấu trúc, chức năng và kích thước của tử cung, khiến tử cung to ra một cách bất thường.
  • U xơ dưới thanh mạc: Là những khối u xơ phát triển bên ngoài tử cung (thanh mạc) và tạo áp lực lên các cơ quan xung quanh. Hoặc trong một số trường hợp, khối u xơ quá lớn có thể khiến cho một bên tử cung to ra bất thường.
  • U xơ dưới niêm mạc: Khi khối u xơ phát triển trong khoang tử cung hoặc nội mạc tử cung, chúng được gọi là u xơ dưới niêm mạc. Trường hợp này khá hiếm, ít khi xảy ra nhưng lại rất nguy hiểm, có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu nặng, dẫn đến thiếu máu trầm trọng và nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
  • U xơ có cuống: Đây là một dạng u xơ khá phổ biến, bản chất nó là u xơ dưới thanh mạc nhưng phát triển kèm theo một lớp nền mỏng có tác dụng nâng đỡ khối u, có thể bám dính vào bên trong hoặc bên ngoài tử cung.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Mặc dù chỉ là khối u xơ lành tính, không có khả năng phát triển thành ung thư. Nhưng cho đến nay, nguyên nhân chính xác cho sự hình thành, tăng trưởng và phát triển của u xơ tử cung vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, bác sĩ trong ngành đã liệt kê một số nguyên nhân có liên quan mật thiết đến u xơ tử cung. Bao gồm:

Rối loạn hormone nội tiết estrogen và progesteron là tác nhân chính dẫn đến u xơ tử cung

  • Rối loạn hormone nội tiết: 2 loại hormone estrogen và progesterone có nhiệm vụ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của chúng vô tình kích thích sự phát triển của các khối u xơ tử cung. Cơ chế chính là do thành tử cung phát triển dày lên quá mức trong quá trình rụng trứng.
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai thường có nồng độ 2 hormone nội tiết cao bất thường. Điều này chính là yếu tố quan trọng dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các khối u xơ tử cung.
  • Yếu tố di truyền: Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự phát triển của u xơ tử cung có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Trong những gia đình có bà, mẹ, dì, chị gái có người bị u xơ tử cung, những người có mối quan hệ liên quan sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tương tự.
  • Ảnh hưởng của ECM: ECM là một chất nền ngoại bào có khả năng làm cho các tế bào dính lại với nhau. Nếu vì một lý do nào đó khiến ECM tăng cao bất thường, có thể kéo theo sự phát triển của u xơ tử cung.
  • Nguyên nhân khác: Một số yếu tố tăng trưởng giống insulin và các hoạt động duy trì mô khác cũng có thể kích thích sự phát triển của các khối u xơ tử cung.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân gây u xơ tử cung được đề cập ở trên, còn một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý này. Bao gồm:

  • Tuổi tác: Những người phụ nữ trên 30 tuổi thường phát triển bất thường về nồng độ hormone nội tiết. Điều này làm tăng nguy cơ cao phát triển u xơ tử cung.
  • Sử dụng thuốc tránh thai: Bản chất của thuốc tránh thai là ức chế quá trình rụng trứng của buồng trứng, dưới sự chỉ huy của 2 hormone nội tiết là estrogen và progesteron. Những người lạm dụng thuốc tránh thai quá mức sẽ có nguy cơ cao phát triển u xơ tử cung.
  • Nghiện rượu: Rượu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Đặc biệt việc tiêu thụ rượu số lượng lớn trong thời gian dài ở chị em phụ nữ có thể gây rối loạn nồng độ hormone, dẫn đến sự hình thành của các loại u xơ tử cung bất thường.
  • Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống kém khoa học, thường xuyên tiêu thụ số lượng lớn thịt đỏ hoặc sữa khiến chỉ số BMI tăng vượt mức cho phép. Chỉ số khối cơ thể càng cao càng dễ gây ra u xơ tử cung.
  • Chủng tộc: Theo một thống kê, những người phụ nữ thuộc chủng tộc người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc u xơ tử cung cao hơn phụ nữ ở những quốc gia khác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bản chất cấu tạo của khối u xơ tử cung là sự kết hợp của các tế bào cơ trơn và nhiều mô khác trong cơ thể. Đây chính là lý do vì sao hầu hết các khối u xơ sau khi được hình thành đều là những khối tròn bám vào tử cung. Sự phát triển của chúng ở tử cung có thể gây ra hoặc không gây ra bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào. Đa phần phụ nữ có u xơ tử cung thường không nhận biết được sớm.

Khối u xơ tử cung gây chảy máu kinh nhiều bất thường, đau bụng dưới, đau vùng chậu, táo bón...

Nhưng nếu chú ý kỹ hơn hoặc khi khối u xơ đã hình thành và phát triển lâu, chị em có thể nhận biết được một số dấu hiệu đầu tiên như sau:

  • Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ hành kinh tạm gián đoạn hoặc chảy máu nhiều hơn vào giai đoạn giữa/ trong chu kỳ, xuất hiện cả cục máu đông;
  • Đau bụng kinh dữ dội;
  • Đau nhức vùng chậu và vùng lưng dưới;
  • Các vấn đề ở hệ tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy;
  • Tiểu tiện khó khăn, tiểu nhiều, tiểu rắt, rát buốt, đau đớn;
  • Dịch âm đạo tiết nhiều bất thường;
  • Gặp khó khăn trong việc quan hệ tình dục, do đau đớn quá mức;

Chẩn đoán

Những triệu chứng này có thể xuất hiện thoáng qua, biến mất khi nồng độ hormone nội tiết đã ổn định. Tuy nhiên, sự tồn tại của khối u vẫn còn và thường chỉ được phát hiện khi vô tình thăm khám phụ khoa định kỳ.

Riêng với những trường hợp triệu chứng xuất hiện bất thường và kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe, hãy nhanh chóng thăm khám phụ khoa để được kiểm tra và xác định nguyên nhân có liên quan đến u xơ tử cung hay không.

Chẩn đoán u xơ tử cung thường được thực hiện thông qua khám vùng chậu kết hợp các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm, MRI hoặc nội soi tử cung

Để chẩn đoán chính xác các thông tin liên quan đến u xơ tử cung như kích thước, số lượng, vị trí, mức độ nghiêm trọng cũng như cách chữa trị. Bệnh nhân cần phải thực hiện các phương pháp sau đây:

  • Khám sức khỏe: Ở bước này, bệnh nhân cần mô tả một cách chi tiết về cảm giác khó chịu, đau bụng, chảy máu... cho bác sĩ biết. Điều này sẽ giúp bác sĩ khoanh vùng bệnh lý, sau đó tiến hành khám vùng chậu để tìm ra bất thường. Đồng thời, một số câu hỏi về tình trạng hôn nhân, sinh đẻ, tiền sử bệnh... cũng được đặt ra nhằm khai thác thêm các thông tin liên quan đến bệnh.
  • Siêu âm: Đây là xét nghiệm không xâm lấn sử dụng nguồn sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh tử cung. Dựa vào nó bác sĩ sẽ quan sát và phát hiện sự tồn tại của các khối u xơ tử cung (nếu có). Siêu âm được thực hiện qua 2 hình thức là siêu âm ngả bụng và siêu âm ngả âm đạo (siêu âm đầu dò).
  • Chụp CT hoặc MRI: Trường hợp kết quả siêu âm không rõ ràng, có thể chụp CT hoặc MRI để quan sát chi tiết hình ảnh bên trong tử cung. Trong đó, MRI thường được sử dụng phổ biến hơn, nhất là với những chị em có tử cung lớn hoặc bước vào độ tuổi mãn kinh. Thiết bị này cho phép kiểm tra tử cung rất chi tiết nhờ sóng siêu âm kết hợp nam châm.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác: Chụp X quang hoặc chụp cắt lớp điện toán cũng có thể được chỉ định áp dụng nhằm quan sát chi tiết hình ảnh tử cung từ nhiều góc độ khác nhau.
  • Kỹ thuật Hysterosonography hoặc Hysteroscopy: Là phương pháp sử dụng nước muối hoặc thuốc nhuộm đưa vào trong tử cung, giúp dễ dàng quan sát tử cung, ống dẫn trứng, phát hiện u xơ tử cung chính xác hơn.
  • Nội soi: Đây là xét nghiệm xâm lấn tối thiểu nhưng rất an toàn về mặt y tế. Được thực hiện bằng cách tạo một vết rạch nhỏ, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi thông qua ổ bụng, tiếp cận đến cổ tử cung để quan sát cấu trúc bên trong, dễ dàng phát hiện tổn thương, các khối u xơ (nếu có).

Biến chứng và tiên lượng

U xơ tử cung là một dạng khối u lành tính, không phải ung thư và không quá nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, những triệu chứng do khối u gây ra lại ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như gây ra nhiều biến chứng khó lường.

Trong đó, có thể kể đến là sự gián đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu nhiều và liên tục. Hậu quả gây mất máu, thiếu máu nhiều, chị em mệt mỏi, xanh xao ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Nhiều chị em cũng băn khoăn về việc u xơ tử cung có gây ảnh hưởng đến sức khỏe tử cung và khả năng sinh sản hay không. Theo giải đáp của các chuyên gia, u xơ tử cung hiếm khi gây ra các biến chứng thai sản, chẳng hạn như sảy thai, sinh non, nhau bong non hoặc vô sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp chị em phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc mang thai, do tử cung phát triển bất thường. Có thể thăm khám bác sĩ để theo dõi và hỗ trợ tối đa trong việc mang thai.

Đa số chị em mắc u xơ tử cung thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe và có thể chữa khỏi hẳn khi phát hiện sớm

Phần lớn các trường hợp phát triển u xơ tử cung thường không gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp cụ thể có yếu tố đột biến, từ khối u xơ lành tính trong tử cung, chúng có thể bị ung thư hóa bất thường. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất ít, < 1/1000 phụ nữ bị u xơ tử cung phát triển u xơ ung thư lelomyosarcoma.

Tiên lượng u xơ tử cung thường tốt ở những chị em bị rối loạn nội tiết. Lúc này khối u xơ có thể tự co lại hoặc biến mất khi nồng độ hormone đi vào ổn định. Đa số trường hợp như vậy thường không cần can thiệp điều trị, có thể tự thuyên giảm, nhất là ở giai đoạn sau mãn kinh. Tuy nhiên, trong trường hợp tử cung bị tổn thương mức độ trung bình hoặc nặng, gây các biến chứng khó lường, tốt nhất nên điều trị y tế kịp thời để khắc phục.

Điều trị

Những trường hợp khối u xơ được phát hiện vô tình, không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, việc điều trị có thể không cần thiết. Chỉ cần theo dõi sát sao, tái khám định kỳ để đánh giá tiến triển của khối u. Chỉ khi khối u xơ trở nên bất thường, chèn ép và gây tổn thương đến các mô cơ xung quanh, gây mất máu bác sĩ mới chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị y tế phù hợp.

Một số phương pháp điều trị u xơ tử cung phổ biến hiện nay gồm:

Điều trị bằng thuốc tân dược

Đối với u xơ tử cung, việc sử dụng thuốc thường không thể loại bỏ tận gốc khối u. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng cũng như hỗ trợ thu nhỏ khối u trước khi loại bỏ chúng bằng các thủ thuật ngoại khoa.

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm hỗ trợ kiểm soát triệu chứng do u xơ tử cung gây ra

Các loại thuốc điển hình được bác sĩ kê toa như:

  • Thuốc không kê đơn (OCT): Các loại thuốc không kê đơn đem lại hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng đau bụng, đau lưng dưới, đau vùng chậu do u xơ tử cung gây ra. Điển hình là ibuprofen, aspirin, naproxen...
  • Thuốc nội tiết: Cụ thể là thuốc tránh thai, có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh nồng độ nội tiết tố trong cơ thể, ức chế sự phát triển thêm của khối u xo tử cung.
  • Thuốc sắt: Bổ sung sắt là điều cần thiết khi máu chảy quá nhiều trong tử cung, giúp ngăn ngừa thiếu máu.
  • Thuốc chủ vận hormone giải phóng GnRH: Loại thuốc này giải phóng gonadotropin, một hoạt chất có tác dụng thu nhỏ khối u xơ hiệu quả. Thường được chỉ định dùng trước khi loại bỏ chúng bằng phương pháp phẫu thuật.

Chị em cần hết sức lưu ý về việc sử dụng thuốc điều trị u xơ tử cung. Vì không có thuốc đặc trị, nên những loại thuốc này chủ yếu là thuốc hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Do đó, cần tuân thủ các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc ngoài hoặc tăng giảm liều bất thường để tránh gây ra các tác dụng phụ tiêu cực cho sức khỏe.

Can thiệp phẫu thuật (nếu cần thiết)

Nếu điều trị nội khoa không có kết quả, các triệu chứng vẫn tiếp tục phát triển do khối u xơ tử cung ngày càng lớn, bắt buộc phải phẫu thuật loại bỏ chúng sớm.

Phẫu thuật cắt bỏ được chỉ định thực hiện khi bệnh nhân u xơ tử cung bị mất nhiều máu và ảnh hưởng khả năng sinh sản

Khi có chỉ định phẫu thuật, tùy vào vị trí, số lượng và kích thước khối u, cùng với thể trạng sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện phương pháp phẫu thuật phù hợp. Có thể kể đến một số phương pháp sau:

  • Liệu pháp thuyên tắc: Sử dụng ống thông đưa vào bên trong tử cung và tiếp cận gần khối u xơ. Cơ chế của nó là giảm lưu lượng máu đến khối u, khi mất đi nguồn dưỡng chất cần thiết, khối u xơ sẽ dần thu nhỏ hoặc tự tiêu biến.
  • Thủ thuật cắt bỏ bằng tần số vô tuyến: Đây là kỹ thuật ngoại khoa hiện đại, mức độ an toàn cao, đem lại hiệu quả tốt trong việc điều trị u xơ tử cung và kiểm soát các triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, chi phí khá đắt nên không phải ai cũng có thể áp dụng được.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Có rất nhiều kỹ thuật giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u xơ tử cung. Tuy nhiên, vì tử cung là bộ phận khá nhạy cảm, nên luôn phải ưu tiên những phương pháp cắt bỏ có tính an toàn cao, không gây ra bất kỳ tổn thương nào. Trong đó, mổ nội soi là kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Một vết rạch nhỏ được tạo ra trên bụng để đưa thiết bị nội soi vào tiếp cận tử cung. Hình ảnh hiển thị bên ngoài cho phép bác sĩ thấy rõ và tiến hành cắt bỏ.

Kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà

Cũng như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào khác, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực để đạt hiệu quả cao, giảm nguy cơ biến chứng và thúc đẩy tăng tốc độ phục hồi sức khỏe.

  • Chườm ấm lên vết mổ giúp giảm sưng viêm, đau nhức;
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, tránh khuân vác vật nặng;
  • Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc làm loãng máu;
  • Đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất, sử dụng thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, hạn chế thức ăn dầu mỡ, chế biến sẵn...;

Phòng ngừa

Không có nghiên cứu khoa học nào về việc ngăn chặn u xơ tử cung hình thành và phát triển. Cách hiệu quả duy nhất đó là thông qua các biện pháp tư vấn và làm xét nghiệm y tế liên quan đến phụ khoa định kỳ. Nhưng không phải chị em nào cũng có thói quen này nên tỷ lệ phát triển u xơ tử cung vẫn ở mức cao.

Chị em nên kiểm soát cân nặng phù hợp để giảm thiểu nguy cơ phát triển u xơ tử cung

Ngoài ra, để góp phần làm giảm nguy cơ phát triển u xơ tử cung, chị em có thể áp dụng các biện pháp đơn giản sau đây:

  • Đảm bảo chỉ số BMI của cơ thể ở mức ổn định, duy trì cân nặng phù hợp. Vì tăng cân quá mức tạo điều kiện cho các tế bào mỡ kích thích sự rối loạn estrogen và phát triển u xơ tử cung.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống đủ chất, sử dụng thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe để giảm nguy cơ phát triển u xơ tử cung.
  • Kiểm soát chỉ số đường huyết và huyết áp, thông qua việc tập thể dục điều độ, vừa sức, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều muối, đường và tái khám định kỳ.
  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 - 12 tháng/ lần hoặc 3 - 6 tháng/ lần nếu có tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh. Điều này giúp phát hiện sớm các bất thường, chị em sẽ dễ dàng chủ động trong việc điều trị và kiểm soát bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi hay bị đau bụng dưới, đau vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi, táo bón...?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị u xơ tử cung?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để xác nhận chẩn đoán u xơ tử cung?

4. Bệnh u xơ tử cung có phải ung thư không? Có gây nguy hiểm đến tính mạng không?

5. Nếu không điều trị u xơ tử cung có thể gây ra những biến chứng gì?

6. Những phương pháp điều trị u xơ tử cung hiệu quả dành cho tôi?

7. Tình trạng u xơ tử cung của tôi có cần phẫu thuật không?

8. Lợi ích và rủi ro khi thực hiện phẫu thuật u xơ tử cung?

9. Điều trị u xơ tử cung mất bao lâu thì khỏi? Chi phí bao nhiêu?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa u xơ tử cung tái phát sau điều trị?

U xơ tử cung gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của chị em phụ nữ, thậm chí một vài trường hợp còn gây biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị tích cực từ sớm đem lại kết quả khả quan trong việc ổn định sức khỏe và giảm thiểu các biến chứng khó lường về sức khỏe phụ khoa, khả năng sinh sản. Do đó, khuyến nghị chị em phụ nữ nên thăm khám ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường.