Bệnh sa tạng vùng chậu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh sa tạng vùng chậu là hiện tượng suy yếu cơ và dây chằng dẫn đến tình trạng trượt các cơ quan tại khu vực này. Bệnh nhân có khả năng đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và xử lý tình trạng trạng sa tạng chậu.

Tổng quan

Sa tạng vùng chậu tên tiếng Anh là Pelvic Organ Prolapse, một số tên gọi khác như sa cơ quan vùng chậu, bệnh sa sinh dục,... Đây là thuật ngữ chỉ các bệnh lý liên quan đến hiện tượng sa trượt các cơ quan ở khu vực sàn chậu như bàng quang, trực tràng, tử cung.

Sa tạng vùng chậu
Sa tạng vùng chậu xuất hiện khi cơ và dây chằng vùng chậu bị suy yếu

Cơ vùng chậu, dây chằng vùng chậu bị yếu đi khiến khả năng nâng đỡ các cơ quan cũng giảm dần. Sau một thời gian, các cơ quan này xảy ra tình trạng sa trượt khỏi vị trí ban đầu. Đặc biệt, do đảm nhận vai trò nâng đỡ bàng quan, tử cung, âm đạo, trực tràng, khi cơ sàn chậu suy yếu sẽ khiến các bộ phận này dễ bị tổn thương, trở nên lỏng lẽo dễ dịch chuyển.

Bệnh có thể xuất hiện với bất kỳ đối tượng nào, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất. Bởi, nữ giới thường phải trải qua giai đoạn sinh nở, dễ bị sa tạng chậu sau sinh. Mặc dù hầu hết các trường hợp bị sa tạng chậu không gặp nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống.

Phân loại

Sa tạng vùng chậu là tên gọi chung cho các trường hợp sa cơ quan vùng chậu, bao gồm tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng. Do đó, các chuyên gia sẽ phân bệnh lý này thành các dạng dựa vào loại cơ quan bị dịch chuyển khỏi vị trí trong vùng chậu. Chẳng hạn:

  • Sa bàng quang: Bàng quang bị trượt khỏi vị trí ban đầu, điều này khiến cho bụng của người bệnh có dấu hiệu phình to lạ thường. Chỗ phình được xác định nằm ở phía trước thành âm đạo.
  • Sa trực tràng: Đây cũng là trường hợp sa tạng vùng chậu thường gặp. Một phần ruột già có dấu hiệu phình ra, phần ruột này thậm chí có thể vượt qua khỏi thành sau của âm đạo. Trường hợp nặng tình trạng sa trực tràng có thể kéo theo sa niêm mạc hậu môn, đoạn ruột lòi ra khỏi hậu môn.
  • Sa ruột non: Đối với dạng sa tạng vùng chậu này, ruột non của bệnh nhân có hiện tượng tụt xuống từ vị trí đỉnh vòm âm đạo.
  • Sa niệu đạo: Niệu đạo khi đó sẽ bị tụt ra và trồi lên mặt trước của thành âm đạo nữ giới.
  • Sa tử cung: Đây là một trong những trường hợp sa tạng vùng chậu gặp phải ở phụ nữ sau sinh. Tùy mức độ sa trễ tử cung mà các biểu hiện sẽ nặng, nhẹ khác nhau. Phụ nữ cần được thăm khám và điều trị để tránh các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe sinh sản sau này.
  • Sa vòm âm đạo: Bên cạnh các dạng sa tạng chậu kể trên, bệnh nhân có thể bị sa vòm âm đạo. Âm đạo có dấu hiệu tự sa xuống dưới, đặc biệt xảy ra với những trường hợp đã trải qua phẫu thuật cắt tử cung. Người ta còn gọi tình trạng sa vòm âm đạo là sa mỏm cắt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng sa tạng chậu xuất hiện ở phụ nữ sau sinh, mang thai là chủ yếu. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ trải qua nhiều lần sinh nở, cơ và dây chằng chậu trở nên lỏng lẽo, yếu dần gây ra hiện tượng trượt cơ quan trong khu vực này.

Áp lực sàn chậu tăng lên theo kích cỡ phát triển của bào thai, đến khi chuyển dạ sinh con áp lực này càng lớn dần khiến các cơ nâng đỡ giãn ra hết cỡ. Chính vì điều này đã làm cho cơ nhanh yếu hơn, dễ bị tổn thương, một số trường hợp bị đứt rách trong quá trình sinh con khiến cơ sàn chậu không thể hồi phục và đảm bảo được chức năng.

Nguyên nhân gây sa tạng vùng chậu
Phụ nữ sau sinh, người bị dư cân béo phì có nguy cơ bị sa tạng vùng chậu cao

Ngoài liên quan đến quá trình mang thai và sinh con, tình trạng sa tạng chậu có thể xảy ra do ảnh hưởng của sự suy giảm hormone sinh dục nữ. Điều này thường xảy ra tại thời kỳ tiền mãn kinh và mãn tinh. Hormone Estrogen không được sản sinh nhiều kéo theo giảm collagen liên kết mô chậu.

Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự sa trượt cơ quan vùng chậu kể đến như:

  • Một số trường hợp mắc bệnh mãn tính, bệnh lý nặng cần người bệnh dùng nhiều sức lực khiến vùng chậu bị ảnh hưởng. Trong đó đặc biệt là bệnh liên quan đến đường ruột như táo bón, tiêu chảy,... đòi hỏi lực rặn mạnh gây ảnh hưởng đến cơ vùng chậu.
  • Sang chấn sản khoa cũng là nguyên nhân gây bệnh được xác định. Xảy ra ở phụ nữ chuyển dạ sinh nở, lúc này cổ tử cung chưa mở đủ kích thước cần thiết để tiến hành sinh con, tuy nhiên sản phụ đã dùng sức rặn quá mạnh. Sang chấn này không chỉ gây rách tần sinh môn mà còn khiến cơ vùng chậu suy yếu, tăng rủi ro sa tạng chậu.
  • Những đối tượng thừa cân, béo phì hoặc có u xơ ở vùng chậu có thể bị sa tạng chậu. Ngoài ra còn nhiều khả năng khác gây bệnh kể đến như tính chất công việc phải khiêng vác nặng, dùng sức quá nhiều, liên quan đến yếu tố yếu cơ, dây chằng bẩm sinh,...

Nhận định nguyên nhân liên quan gây sa tạng chậu hỗ trợ việc chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân. Để dự phòng những biến chứng không mong muốn, tốt hơn hết bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm ngay khi phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Giai đoạn đầu khi bệnh khởi phát bệnh nhân không nhận thấy biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên đến khi các cơ quan có sự dịch chuyển xa hơn, triệu chứng bắt đầu biểu thị rõ nét. Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp, bạn đọc thận trọng:

  • Xuất hiện cảm giác căng tức bất thường ở khu vực bụng dưới, vùng chậu.
  • Vùng âm đạo có biểu hiện bất thường, sờ thấy như có khối u lồi ra ngoài, âm đạo bị sưng.
  • Đau lưng khó chịu kèm theo tình trạng tiểu không kiểm soát, tiểu khó, đại tiện khó.
  • Khi ngồi có cảm giác khó chịu, dịch âm đạo bất thường, chảy máu không trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Quan hệ tình dục khó khăn, dương vật không thể xâm nhập vào âm đạo như bình thường.

Khi bạn nhận thấy cơ thể có những biểu hiện kể trên, đừng chần chừ bạn nên đến gặp bác sĩ để khám chữa sớm. Tránh trường hợp sa tạng chậu biến chứng, gây ra những ảnh hưởng đến đời sống thể chất lẫn tinh thần.

Chẩn đoán

Thông thường chị em phụ nữ phát hiện bệnh sa tạng chậu từ các xét nghiệm, chẩn đoán định kỳ. Một số trường hợp người bệnh chủ quan, đến khi các triệu chứng nặng nề mới đến gặp bác sĩ. Lúc này các cơ quan sàn chậu đã có dấu hiệu sa trễ nặng hơn.

Chẩn đoán sa tạng vùng chậu
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình hình sức khỏe khi phát hiện dấu hiệu bất thường

Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, kết hợp các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng như:

  • Sử dụng thiết bị siêu âm, thâm dò chức năng bàng quang của người bệnh, kiểm tra chức năng của cơ quan này còn được đảm bảo hay không, có sự dịch chuyển vị trí bàng quang không.
  • Thực hiện các bài tập cần thiết để bệnh nhân thể hiện sức mạnh cơ sàn chậu. Thông qua phương pháp này bác sĩ có thể đo lường mức độ suy yếu của các cơ, dây chàng sàn chậu.
  • Siêu âm để thu thập hình ảnh thận, bàng quan, các cơ quan trong vùng chậu, phát hiện có tình trạng sa tạng hay không.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ để thu thập hình ảnh chi tiết về cấu trúc sàn chậu, xác định vị trí cần tác động để điều trị hiện tượng sa tạng chậu.

Biến chứng và tiên lượng

Mặc dù không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên tình trạng sa tạng vùng chậu có thể gây ra nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người bệnh. Trong đó các trường hợp thường gặp như rối loạn chức năng sinh sản, phụ khoa, rối loạn đại tiểu tiện, ảnh hưởng đến trực tràng.

Trường hợp phụ nữ sau sinh bị sa tử cung có thể gây viêm loét. Nếu không phát hiện kịp thời, khi chuyển nặng phụ nữ phải chấp nhận việc cắt bỏ hoàn toàn tử cung để duy trì tính mạng và sức khỏe.

Chính vì các rủi ro kể trên, ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám. Thông qua các xét nghiệm sớm, xác định bệnh lý đang mắc phải và điều trị giúp bạn phòng tránh các biến chứng, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe.

Điều trị

Hiện nay có nhiều phương pháp được áp dụng để cải thiện tình trạng sa tạng vùng chậu cho người bệnh. Tuy nhiên do đa số các bệnh nhân đều chậm trễ trong việc thăm khám nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.

Chính vì thế, để tránh nguy cơ bệnh biến chứng, tốt hơn hết ngay khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm. Trường hợp sa tạng vùng chậu nhẹ, bằng các biện pháp nội khoa có thể cải thiện tình trạng mà chưa cần can thiệp chuyên sâu.

Các bài tập phục hồi cơ sàn chậu được hướng dẫn cho người bệnh bao gồm bài tập Kegel, Bridge, Split Tabletop. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần phải dùng thêm các dụng cụ hỗ trợ nhằm giúp tăng cường sức mạnh cho cơ vùng chậu, trả cơ quan bị sa trượt về vị trí ban đầu.

Điều trị sa tạng vùng chậu
Chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng đáp ứng điều trị nội khoa. Khi cần thiết, đặc biệt là trường hợp sa cơ quan vùng chậu nặng, người bệnh được chỉ định phẫu thuật can thiệp. Phương pháp phẫu thuật có tác dụng chỉnh sửa cơ quan dịch chuyển khỏi vị trí, nếu cần thiết chúng sẽ được cắt bỏ.

Phương pháp can thiệp nào cũng sẽ tiềm ẩn các rủi ro nhất định. Bệnh nhân nên đến bệnh viện uy tín, có bác sĩ giỏi để thăm khám. Tùy vào tình trạng bệnh lý, sức khỏe tổng thể của người bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn hướng khắc phục phù hợp.

Phòng ngừa

Sa tạng vùng chậu có nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào cơ quan bị dịch chuyển. Đây là bệnh lý không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.

Chủ động phòng bệnh cũng như ngăn chặn các nguy cơ gây hại sức khỏe thông qua một số lưu ý như sau:

  • Duy trì cân nặng cân đối, hạn chế tình trạng tăng cân, giảm cân một cách đột ngột.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm lành mạnh. Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, chất kích thích không tốt cho sức khỏe.
  • Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, không nên ăn uống quá đà, không sử dụng thuốc lá, cần loại bỏ các thói quen không lành mạnh.
  • Tập thể dục, vận động cơ thể giúp tăng cường chuyển hóa, cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
  • Sau sinh chị em phụ nữ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ đễ tập luyện các bài tập nhằm ngăn chặn nguy cơ bị sa tử cung, sa bàng quang,...
  • Hàng năm nên chủ động kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Trường hợp cơ thể có những biểu hiện bất thường nên chủ động thăm khám sớm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh sa tạng vùng chậu là gì?

2. Nguyên nhân vì sao tôi bị sa tạng vùng chậu?

3. Triệu chứng nhận biết sa tạng vùng chậu là gì?

4. Biến chứng sa tạng vùng chậu là gì?

5. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán sa tạng vùng chậu?

6. Không điều trị sa tạng vùng chậu có được không?

7. Bài tập nào giúp tôi cải thiện tình trạng sa tạng vùng chậu?

8. Khi nào tôi cần phẫu thuật điều trị sa tạng vùng chậu?

9. Sa tạng vùng chậu có tái phát không?

10. Tôi cần quay trở lại tái khám định kỳ bao lâu một lần?

Sa tạng vùng chậu xảy ra khi cơ và dây chằng vùng chậu suy yếu, không còn nâng đỡ tốt các cơ quan tại đây. Mặc dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nếu không điều trị tình trạng sa tạng vùng chậu. Do đó, nếu phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường, tốt nhất bạn đọc nên đến bệnh viện để khám và điều trị khi cần thiết.