Ung Thư Vú Dạng Viêm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Nhài – Khoa Phụ sảnBác sĩ – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Ung thư vú dạng viêm là một loại ung vú ác tính, có khả năng phát triển nhanh. Căn bệnh này tuy hiếm gặp nhưng lại đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Các tổn thương ung thư vú dạng viêm gây ra thường không đặc hiệu, gây sưng đỏ vú. Khuyến cáo bệnh nhân cần tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế kịp thời để bảo toàn tính mạng. 

Tổng quan

Ung thư vú dạng viêm (Inflammatory Breast Cancer - IBC) khác với các dạng ung thư phổ biến khác. Nó không hình thành khối u ở mô vú, thay vào đó là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tại các mạch hạch bạch huyết ở vùng da vú. Đặc trưng bởi các dấu hiệu sưng viêm, đỏ tấy, phát ban gần giống như bị côn trùng cắn. Vùng da quanh vú có thể bị rỗ hoặc xẹp, lõm xuống.

Ung thư vú dạng viêm là dạng ung thư vú ác tính hiếm gặp rất nguy hiểm

Dạng ung thư vú này khá hiếm gặp, tỷ lệ mắc chỉ ở khoảng từ 1 - 5% trong tổng số các trường hợp mắc ung thư vú nói chung. Tại Hoa Kỳ, dạng ung thư này ảnh hưởng đến khoảng 1/100 người mắc ung thư vú. Bệnh này ảnh hưởng đến cả nam và nữ, nhưng phụ nữ béo phì, chủng tộc da đen thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

Thể ung thư vú dạng viêm có tiến triển rất nhanh chóng. Đa số trường hợp chỉ mất khoảng vài tuần hoặc vài tháng là bệnh đã có thể ở giai đoạn III hoặc IV. Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của các tế bào ung thư đã lan sang các mô hoặc các hạch bạch huyết xung quanh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư vú dạng viêm vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng các nhà khoa học cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến những thay đổi trong DNA của các tế bào vú. Những thay đổi bất thường này có khả năng kích hoạt sự phát triển và phân chia không kiểm soát của các tế bào và dẫn đến hình thành khối u.

Bản chất của ung thư vú dạng viêm là sự xâm lấn mạch máu nguyên phát. Một vài yếu tố được đánh giá có liên quan bao gồm thụ thể hormone, thay đổi di truyền hoặc bất thường về gen ức chế khối u.

Yếu tố nguy cơ

Sự hiện diện của khối u ác tính ngăn chặn sự hoạt động của các mạch hạch bạch huyết. Đây là những ống rỗng nằm trong hệ thống hạch bạch huyết, nhiệm vụ chính là dẫn lưu dịch bạch huyết chảy ra khỏi vú. Hậu quả gây ra sự tắc nghẽn, khởi phát triệu chứng và tiến triển nghiêm trọng, thậm chí di căn đến các cơ quan khác.

Phụ nữ thừa cân béo phì có tỷ lệ mắc ung thư vú dạng viêm cao hơn những người khác

Cụ thể một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự khởi phát của ung thư vú dạng viêm bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì: Những người có trọng lượng cơ thể quá mức, vượt khỏi phạm vi của chỉ số BMI có nguy cơ mắc ung thư vú dạng viêm cao hơn phụ nữ có cân nặng bình thường.
  • Giới tính: Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc ung thư vú dạng viêm. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ở phụ nữ.
  • Tuổi tác: Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú dạng viêm thường trẻ hơn so với các dạng ung thư vú khác. Bệnh thường được chẩn đoán ở nữ giới dưới 40 tuổi.
  • Chủng tộc: Phụ nữ Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc dạng ung thư này cao hơn so với phụ nữ da trắng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng ung thư vú dạng viêm có xu hướng tiến triển rất nhanh chóng, trong vòng 3 - 6 tuần hoặc hơn vài tháng. Điển hình bao gồm các triệu chứng đặc trưng sau:

  • Phát ban đỏ hoặc các vết bầm tím, lan rộng ở khoảng 1/3 da vú;
  • Tăng kích thước ngực bất thường, thay đổi hình dạng vú;
  • Đau nhức, sờ mềm khi chạm vào;
  • Núm vú có xu hướng bị thụt vào trong, xẹp xuống;
  • Da ngực bị rỗ, lõm và sần sùi;
  • Rỉ dịch từ núm vú;
  • Sưng hạch bạch huyết dưới cánh tay hoặc gân xương đòn;

Chẩn đoán

Các triệu chứng bất thường ở vú rất dễ nhận biết, tuy nhiên thường không đặc hiệu nên gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Điều này có thể gây chẩn đoán nhầm là các tình trạng lành tính hoặc nhiễm trùng thông thường khác. Điều này có thể gây trì hoãn việc điều trị và khiến tiên lượng xấu đi.

Chẩn đoán ung thư vú dạng viêm thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và kiểm tra hình ảnh kết hợp sinh thiết

Các biện pháp chẩn đoán bao gồm kiểm tra thể chất và xét nghiệm nhằm xác nhận chẩn đoán. Cụ thể như sau:

  • Kiểm tra thể chất: Việc chẩn đoán ban đầu thường tập trung vào việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng, đánh giá tình trạng sức khỏe và thu thập những thay đổi về hình dạng vú.
  • Kiểm tra hình ảnh: Nếu nghi ngờ có dấu hiệu ung thư, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu như:
    • Chụp quang tuyến vú: Kỹ thuật này sử dụng thiết bị chiếu tia X với nguồn năng lượng thấp nhằm quan sát hình ảnh chi tiết bên trong vú. Không chỉ tổn thương ung thư, mà các dấu hiệu khác như khối u, vôi hóa vú hoặc da dày lên bất thường cũng có thể được phát hiện.
    • Siêu âm vú: Sóng siêu âm là sóng âm thanh có khả năng tạo ra hình ảnh bên trong vú, các mô và các hạch bạch huyết. Hình ảnh siêu âm cho phép phát hiện các tổn thương bên trong, có phải ung thư hay không.
    • Quét xương: Phương pháp này kết hợp giữa tia X quang với một lượng nhỏ chất phóng xạ cho phép quan sát các tổn thương về xương. Cách này giúp phát hiện ung thư vú dạng viêm có di căn đến xương hay các mô mềm hay chưa.
    • Chụp CT scan hoặc MRI: Hình ảnh chi tiết về toàn bộ cơ thể, trong có có bầu ngực giúp phát hiện các dấu hiệu tổn thương ung thư.
  • Sinh thiết: Đây là kỹ thuật tiêu chuẩn đem lại giá trị cao để chẩn đoán ung thư vú dạng viêm. Quá trình sinh thiết được thực hiện bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm từ mô vú bất thường và kiểm tra dưới kính hiển vi. Dựa vào kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ biết được có phải ung thư hay và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Tương tự như nhiều dạng ung thư khác, ung thư vú dạng viêm là khả năng di căn tại chỗ và di căn xa. Một số dạng di căn thường gặp như:

  • Di căn vào xương: Đặc trưng với các dấu hiệu đau nhức dữ dội, cơn đau xuất phát từ xương và đau các dây thần kinh. Kèm theo tăng nồng độ canxi máu, tăng nguy cơ sỏi thận và hàng loạt các biến chứng thần kinh nghiêm trọng. Bao gồm các vấn đề về trí nhớ, lú lẫn, hôn mê, rối loạn nhịp tim...
  • Di căn gan: Ước tính có khoảng 50% bệnh nhân mắc ung thư vú dạng viêm di căn gan. Gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn ói và vàng da. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có dấu hiệu chán ăn và sụt cân nghiêm trọng.
  • Di căn não: Phát sinh các biến chứng khó lường như tổn thương thị giác, trí nhớ, rối loạn hành vi, điển hình gồm những cơn đau đầu dữ dội.

Biến chứng ung thư vú dạng viêm nguy hiểm nhất là di căn xa đến các cơ quan nội tạng ở xa đe dọa đến tính mạng

Ngoài biến chứng di căn, các biến chứng ung thư vú dạng viêm cũng có thể xuất phát từ tác dụng phụ của các biện pháp điều trị. Chẳng hạn như xạ trị gây buồn nôn, tiêu chảy, loét miệng, phẫu thuật tăng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, biến chứng gây mê, hình thành vết sẹo, bóc tách hạch nách gây phù bạch huyết...

Đa phần các trường hợp mắc ung thư vú dạng viêm đều có tiên lượng khá xấu và tỷ lệ tái phát sớm. Tuy nhiên, với sự phát triển của các biện pháp điều trị hiện đại, tỷ lệ sống sót sau 5 năm dao động từ khoảng 30 - 70%. Không chỉ sức khỏe và tính mạng, ung thư vú dạng viêm còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của bệnh nhân và gia đình.

Điều trị

Điều trị ung thư vú dạng cần được thực hiện càng sớm càng tốt, vì tiến triển bệnh rất nhanh, sẽ rất khó kiểm soát nếu không điều trị kịp thời. Phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhân nhằm kiểm soát tiến triển bệnh và tăng tỷ lệ sống sót, thông qua nhiều hình thức như điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.

Cụ thể từng phương pháp được thực hiện theo quy trình như sau:

Hóa trị toàn thân

Bước đầu tiên là hóa trị toàn thân nhằm thu nhỏ khối u, hỗ trợ việc phẫu thuật dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị được thực hiện bằng cách tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc dạng uống theo từng đợt, trung bình từ 4 - 6 tháng tùy vào tiến đổ phát triển của ung thư.

Hóa trị toàn thân được chỉ định thực hiện trước phẫu thuật nhằm cải thiện các triệu chứng ung thư

Phác đồ hóa trị liệu thường sử dụng 2 loại thuốc là anthracycline và taxane. Những trường hợp phát hiện ung thư vú dạng viêm nghiêm trọng hơn, có thể thay thế bằng trastuzumab hoặc pertuzumab.

Phẫu thuật

Đối với bệnh nhân ung thư vú dạng viêm, phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến là cắt bỏ vú và các hạch bạch huyết gần đó. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ vú đơn giản hoặc cắt triệt để.

Trong đó, những trường hợp tổn thương chưa nghiêm trọng có thể chỉ cần cắt bỏ mô vú tại chỗ. Còn phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để bao gồm việc cắt bỏ toàn bộ mô vú và một số hạch bạch huyết lân cận dưới cánh tay. Sau phẫu thuật loại bỏ, bác sĩ cũng sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình, nhằm phục hồi hình dạng của vú.

Xạ trị 

Sau phẫu thuật, liệu pháp xạ trị được chỉ định nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này sử dụng nguồn tia bức xạ năng lượng cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Số lần xạ trị được chỉ định phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Tuy đem lại hiệu quả cao, nhưng xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng da, mệt mỏi, sưng vú... Nhưng đa số chúng chỉ kéo dài tạm thời, có thể kiểm soát được bằng thuốc và điều chỉnh lối sống sinh hoạt. Đợi đến khi hoàn tất quá trình trị liệu, các triệu chứng này cũng sẽ tự biến mất.

Các liệu pháp hỗ trợ khác

Ngoài các biện pháp trên, để tăng hiệu quả điều trị ung thư vú dạng viêm, một số trường hợp có thể kết hợp áp dụng 2 phương pháp mới là liệu pháp hormone và liệu pháp nhắm mục tiêu. Mục đích của các phương pháp này nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa ung thư tái phát.

Hỗ trợ điều trị kiểm soát khối u bằng 2 liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp hormone

  • Liệu pháp hormone: Phương pháp này được chỉ định áp dụng cho những trường hợp trong cơ thể phụ nữ chứa các thụ thể hormone. Các loại thường dùng là tamoxifen, có tác dụng ức chế estrogen liên kết với các thụ thể của nó. Hoặc các chất ức chế aromatase (biệt dược Letrozole) giúp ngăn chặn khả năng cơ thể tạo ra estrogen trong cơ thể. Điều này giúp các tế bào ung thư phụ thuộc vào estrogen không còn khả năng phát triển và chết đi.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Bệnh nhân ung thư vú dạng viêm thường sản xuất số lượng lớn protein HER2 cao quá mức bình thường. Loại thuốc được sử dụng phổ biến là thuốc trastuzumab (Herceptin) có khả năng nhắm vào protein và tiêu diệt các tế bào ung thư. Áp dụng phương pháp này hỗ trợ tốt cho các liệu pháp tân bổ trợ và sau phẫu thuật.

Ngoài các biện pháp điều trị y tế, một số phương pháp tại nhà khác cũng được khuyến nghị thực hiện nhằm kiểm soát các triệu chứng ung thư vú dạng viêm. Chẳng hạn như:

  • Chườm lạnh giảm sưng viêm ở vú;
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen và ibuprofen nhằm giảm đau, khó chịu;
  • Xoa bóp nhẹ nhàng giúp giảm đau, thúc đẩy thư giãn và cải thiện tuần hoàn;
  • Chọn áo ngực mềm mại, vừa size, có khả năng nâng đỡ bầu ngực để giảm cảm giác đau nhức;
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để cải thiện sức khỏe tổng thể;
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và tập luyện thể dục thường xuyên nhằm giảm căng thẳng, tăng cường hệ thống miễn dịch, ổn định sức khỏe tổng thể;

Phòng ngừa

Không có biện pháp nào hiệu quả hoàn toàn để ngăn chặn ung thư vú dạng viêm. Nhưng lại có rất nhiều cách giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển IBC, chẳng hạn như:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung đa dạng thực phẩm lành mạnh;
  • Tập thể dục, rèn luyện thể chất hàng ngày;
  • Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác;
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát, kết hợp khám vú thường xuyên, chụp X quang tuyến vú phát hiện các dấu hiệu bất thường;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị đau nhức vú, sưng đỏ, nóng ấm và ngứa ngáy?

2. Những triệu chứng này là dấu hiệu của bệnh gì?

3. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán căn nguyên?

4. Nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh ung thư vú dạng viêm?

5. Ung thư vú dạng viêm có nguy hiểm không? Có dẫn đến tử vong không?

6. Tiên lượng sống sót sau 5 năm của tôi là bao nhiêu phần trăm?

7. Phác đồ điều trị ung thư vú dạng viêm bao gồm phương pháp nào hiệu quả?

8. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị này?

9. Thời gian điều trị ung thư vú dạng viêm mất bao lâu?

10. Ung thư vú dạng viêm có tái phát sau điều trị không?

Ung thư vú dạng viêm là dạng ung thư vú hiếm gặp và nguy hiểm. Bệnh tiến triển rất nhanh do các tế bào ác tính phát triển khó kiểm soát, có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm. Điều trị ung thư vú dạng viêm càng sớm càng tốt là việc làm cần thiết. Điều quan trọng là tuân thủ các phương pháp điều trị y tế, chăm sóc tích cực và thay đổi lối sống lành mạnh.