Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP xảy ra ở thai phụ vô cùng nguy hiểm, nếu không phát hiện và kịp thời xử lý cả bà bầu và thai nhi đều gặp rủi ro. Đa số các trường hợp thai phụ bị HELLP ở giai đoạn cuối thai kỳ, một số ít xuất hiện sau khi sinh. Có thể nói đây là một trong các dạng biến thể tiền sản giật nguy hiểm, gây ra nhiều rủi ro cho cả mẹ và thai nhi.

Tổng quan

Hội chứng HELLP là tên gọi của một hiện tượng thiếu máu tan huyết, cộng với tăng men gan, giảm tiểu cầu xảy ra ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là xuất hiện phổ biến ở các tháng cuối thai kỳ. Một số trường hợp khác sau sinh phụ nữ gặp phải HELLP. Đây là một tên gọi khác của biến thể tiền sản giật, nhiều rủi ro đối với bà bầu và thai nhi.

Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP xảy ra ở bà bầu thường ở các tháng cuối thai kỳ gây ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé

Theo thống kê cho thấy nhiều trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng HELLP không kịp thời điều trị khiến bà bầu gặp nhiều vấn đề trong thai kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, thậm chí dẫn đến tử vong. HELLP được đề cập đến như một trạng thái nhiễm độc thai nghén, có khoảng 5-8% xuất hiện ở phụ nữ đang mang thai từ tuần 20 trở đi.

Hội chứng HELLP không có nhiều triệu chứng nhận biết như các bệnh lý khác. Chính vì thế việc chẩn đoán bệnh cũng không phải là việc dễ dàng. Người bệnh gần như không gặp phải hiện tượng tăng huyết áp, không tìm thấy protein trong nước tiểu. Một phần lớn bệnh nhân nhầm lẫn HELLP với các bệnh lý khác gây ra việc điều trị sai lầm, chậm trễ.

Bệnh có khả năng tiếp tục tái phát trong lần mang thai tiếp theo. Có đến 30% tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng HELLP không điều trị kịp thời tử vong. Chính vì thế bà bầu nên đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để nhận biết bất thường càng sớm càng tốt.

Phân loại

Hội chứng HELLP được phân thành các loại dựa trên mức độ ảnh hưởng của cơ thể, chẳng hạn:

  • Tình trạng HELLP xuất hiện 1 hoặc 2 triệu chứng bất thường.
  • Tình trạng HELLP hoàn toàn với nhiều biến chứng, có thể nói đây là tình trạng HELLP nặng, bệnh nhân phải đình chỉ thai kỳ để bảo đảm an toàn tính mạng.

Ngoài các phân loại kể trên, bác sĩ có thể phân loại HELLP theo các hàm lượng tiểu cầu trong máu. Chẳng hạn HELLP loại 1 với tiểu cầu dưới 50.000/mm3, loại 2 tiểu cầu từ 50.000/mm3 đến 100.000/mm3, và loại 3 với tiểu cầu từ 100.000/mm3 đến 150.000/mm3.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây hội chứng HELLP vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo đó, yếu tố nguy cơ cao được xác định có liên quan đến tình trạng đông máu, ngoài ra các chuyên gia còn cho biết HELLP cũng có thể là hệ quả của tai biến sản khoa khi huyết áp bà bầu tăng quá cao.

Có gần 20% trường hợp thai phụ bị tiền sản giật gặp phải hội chứng HELLP. Tuy không phải là bệnh lý phổ biến, thế nhưng HELLP lại khác nặng, có thể phát sinh nhiều biến chứng cho bà bầu và thai nhi. Những đối tượng bước qua tam cá nguyệt thứ 3 rất dễ gặp phải các bất thường trong cơ thể kéo theo hiện tượng tiền sản giật hay HELLP.

Nguyên nhân
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây HELLP

Theo đó, các chuyên gia đánh giá những thai phụ trên 35 tuổi, người có thân hình quá khổ, mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bị cao huyết áp khi mang thai, có tiền sử mắc tiền sản giật là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc HELLP cao.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Hội chứng HELLP có các triệu chứng mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đây là lý do vì sao nhiều người mắc HELLP biến chứng không kịp điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu, thai nhi. Do đó, nếu phát hiện cơ thể có biểu hiện lạ, bà bầu nên chủ động đến gặp bác sĩ kiểm tra sớm.

Những dấu hiệu có thể xuất hiện khi bà bầu mắc hội chứng HELLP kể đến như:

  • Cơ thể mệt mỏi, khó chịu, hiện tượng này diễn ra trong vài ngày.
  • Buồn nôn, nôn ói, đau nhức cơ thể, vùng thượng vị, đau vùng bụng bên phải bất thường.
  • Đau thượng vị, đau bụng 1/4 phía bên phải liên quan đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu.
  • Đau nhức đầu cộng với tình trạng rối loạn thị giác.
  • Tăng cân, protein niệu, sưng mặt, sưng tay bất thường.
  • Hít thở có cảm giác đau khó chịu.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng HELLP, đầu tiên bác sĩ cần thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý, thuốc người bệnh đang dùng,... Bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu nghi ngờ HELLP cho thai phụ, kiểm tra huyết áp và cần thực hiện thêm một vài phương pháp chẩn đoán khác như:

  • Xét nghiệm máu: Phân tích đánh giá số lượng tiểu cầu, hồng cầu trong cơ thể bệnh nhân.
  • Sinh hóa máu đánh giá: Thông qua phương pháp xét nghiệm này bác sĩ có thể xác định được men gan, các dấu hiệu bất thường tại thận,...
  • Phân tích nước tiểu: Phương pháp được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh, mục đích xác định protein niệu.
  • Các chẩn đoán hình ảnh: Người bệnh được siêu âm ổ bụng, chụp cộng hưởng từ để xác định có hiện tượng tụ máu ở gan, vỡ gan hay không.

Thông qua các kết quả xét nghiệm, đồng thời dựa vào các tiêu chẩn dưới đây để đánh giá bệnh nhân có mắc hội chứng HELLP hay không. Cụ thể:

  • Tan máu: Thông tin các chỉ số về haptoglobin, bilirubin, LDH tăng vọt. Nguyên nhân gây ra tình trạng tan máu liên quan đến quá trình vận chuyển hồng cầu bị sự cố, hồng cầu vỡ ra thành các mảnh, bên cạnh một số bị biến dạng. Tình trạng tan máu có thể quan sát thông qua tiêu bản máu được mang vào phòng thí nghiệm kiểm tra.
  • Tăng men gan: Tế bào gan bị tổn thương khiến cho người bệnh có biểu hiện đau vùng thương vị, đau bên sườn phải kèm biểu hiện vàng da, buồn nôn. Thông qua xét nghiệm men gan bác sĩ có những chẩn đoán về bệnh tình cho người bệnh.
  • Số lượng tiểu cầu giảm: Đây cũng là tiêu chuẩn đánh giá bệnh nhân có mắc hội chứng HELLP hay không. Tổn thương nội mạch, co thắt mạch khiến cho tiểu cầu suy giảm số lượng.

Ngoài các hương pháp chẩn đoán, tiêu chuẩn đánh giá kể trên, bác sĩ chẩn đoán phân biệt HELLP và các vấn đề có những điểm tương đồng về dấu hiệu nhận biết, tổn thương. Thông qua kết quả thăm khám cuối cùng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn điều trị với biện pháp phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.

Biến chứng và tiên lượng

HELLP là hội chứng có thể xuất hiện sau tiền sản giật gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe cho bà bầu và thai nhi. Những biến chứng nguy hiểm bà bầu có thể gặp phải kể đến như:

  • Rối loạn đông máu
  • Đông máu rải rác trong lòng mạch
  • Suy đa tạng
  • Tan máu
  • Xuất huyết
  • Phù phổi, phù não
  • Suy hô hấp, rau bong non
  • Tràn dịch đa màng
  • Chảy máu tụ dưới bao gan

Bà bầu và thai nhi có nguy cơ bị đe dọa tính mạng nếu HELLP không được phát hiện và điều trị. Đặc biệt là nguy cơ xuất huyết não, vỡ gan, rau bong non khiến thai nhi chết non, sinh sớm.

Điều trị

Dựa trên tình hình sức khỏe của bà bầu, bác sĩ chỉ định phương pháp kiểm soát HELLP, ngăn chặn biến chứng gây hại sức khỏe cho mẹ và bé. Dưới đây là các phương pháp được thực hiện:

Điều trị
Bác sĩ khám và chỉ định phương án điều trị bệnh phù hợp với tình hình sức khỏe, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân

Điều trị bảo tồn:

Áp dụng cho những đối tượng mang thai chưa quá 34 tuần tuổi, tình trạng bệnh nhân ổn định, không có bất kỳ dấu hiệu biến chứng nào. Mặc dù vậy giải pháp điều trị bảo tồn cho đến nay vẫn chưa được thống nhất thực hiện. Chỉ áp dụng bảo tồn cho những trường hợp đủ tiêu chuẩn, vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.

Đình chỉ thai nghén: 

  • Đối với trường hợp thai nhi còn non tháng, nhỏ hơn 26 tuần tuổi có thể phải trì hoãn để chờ đến khi thai phát triển thêm. Mặc dù vậy, phương án đợi chờ có thể sẽ tăng rủi ro cho cả mẹ và bé. Do đó, bác sĩ sẽ đưa ra các cân nhắc phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
  • Đối với những trường hợp thai nhi nhỏ hơn 24 tuần sẽ được chỉ định đình chỉ thai để bảo vệ an toàn cho người mẹ. Những trường hợp bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ khi thai nhi lớn hơn 34 tuần tuổi hoặc khi thai phụ và thai nhi có các rủi ro đe dọa sự an toàn tính mạng.

Hạ huyết áp:

Hội chứng HELLP khiến thai phụ thay đổi huyết áp thất thường, tăng huyết áp khi nhiễm độc thai nghén là hiện tượng nhiều phụ nữ đối mặt. Khi đó bệnh nhân cần được hạ áp ngay để tránh gây biến chứng nặng nề hơn.

Thuốc hạ áp được sử dụng theo đường tĩnh mạch mục đích kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân. Sau thời gian người bệnh sẽ thay thế bằng thuốc uống cho thuốc dạng tiêm. Tuy nhiên đối với trường hợp bảo lưu thai, thai nhi vẫn phát triển việc dùng thuốc sẽ cần cân nhắc để giảm thiểu tác dụng phụ lên thai.

Magne sulfat:

Sử dụng nhằm mục đích phòng co giật cho người bệnh, mặc dù vậy đối với trường hợp thai phụ bị HELLP cần thận trọng. Sử dụng với liều dùng, phương thức sao cho đảm bảo an toàn cho bà bầu và thai nhi. Trường hợp bị ngộ độc cần ngưng sử dụng, dùng thuốc đối kháng và đặt nội khí quản để duy trì hô hấp cho bệnh nhân.

Sử dụng chế phẩm máu: 

  • Truyền máu được chỉ định khi Hematocrit < 25%, nhất là đối tượng cần mổ để lấy thai khi mắc hội chứng HELLP.
  • Truyền tiểu cầu được sử dụng cho trường hợp dự phòng, để chỉ huy.

Các phương án khác: Ngoài các biện pháp can thiệp điều trị kể trên, bệnh nhân có thể được truyền dịch, sử dụng corticoid trong các trường hợp thật sự cần thiết, dùng huyết tương thay thế,...

Mỗi giải pháp điều trị HELLP đều có ưu và nhược điểm riêng. Bệnh nhân nên chủ động thăm khám, điều trị sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Đặc biệt là khi phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường bà bầu cần khám, kiểm tra sức khỏe thận trọng.

Phòng ngừa

Hội chứng HELLP hiện nay không có biện pháp phòng ngừa dứt điểm. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo cần duy trì lối sống lành mạnh, chủ động vận động giúp cơ thể trao đổi chất, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho thai kỳ khỏe mạnh, phòng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao.

Phòng ngừa
Chăm sóc cơ thể để có một thai kỳ khỏe mạnh, phòng hội chứng HELLP ảnh hưởng sức khỏe của hai mẹ con

Thăm khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện bất thường, khắc phục phòng tránh rủi ro tiền sản giật cũng như nhiều vấn đề khác. Đặc biệt là phòng tránh các biến chứng HELLP gây ra. Một số lưu ý khác bà bầu cần ghi nhớ kể đến như:

  • Trước khi mang thai chị em phụ nữ nên chủ động kiểm tra sức khỏe, dự phòng các rủi ro, dị tật thai nhi.
  • Chủ động đến gặp bác sĩ khám thai theo lịch hẹn.
  • Cung cấp tiền sử bệnh lý của bản thân, gia đình cho bác sĩ để bác sĩ nắm được các rủi ro nếu cơ. Nhất là trong gia đình có bà bầu bị tiền sản giật, HELLP, hoặc rối loạn huyết áp trước đó.
  • Chủ động đến bệnh viện khám và điều trị triệu chứng bất thường để phòng rủi ro bệnh biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Nguyên nhân gây hội chứng HELLP là gì?

2. Tôi có thể nhận biết hội chứng HELLP qua triệu chứng nào?

3. Nếu không điều trị HELLP nguy hiểm như thế nào?

4. Thai nhi gặp phải ảnh hưởng gì khi bà bầu mắc hội chứng HELLP?

5. Bà bầu có dùng thuốc chữa hội chứng HELLP được không?

6. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc thai phụ gặp phải là gì?

7. Khi nào bắt buộc phải đình chỉ thai kỳ khi mắc hội chứng HELLP?

8. Tôi cần quay lại tái khám khi nào?

Hội chứng HELLP có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được nhận biết, kiểm soát bằng biện pháp phù hợp. Bà bầu được khuyên nên khám thai định kỳ, chuẩn bị các kiến thức cơ bản trước khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, bà bầu nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám điều trị phù hợp, an toàn.