Bệnh phù não

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh phù não có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn, khó chẩn đoán nên nhiều trường hợp khi phát hiện đã bước sang giai đoạn nặng. Chính vì thế các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động kiểm tra sớm để bảo vệ an toàn sức khỏe.

Tổng quan

Bệnh phù não hay tăng áp lực sọ là thuật ngữ chỉ hiện tượng tích tụ dịch bất thường quanh tổ chức não dẫn đến việc cản trở chức năng não bộ. Áp lực nội sọ ngày càng tăng cao, mất liên kết điều khiển chức năng não bộ khiến người bệnh đối diện với những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh phù não
Ảnh chụp mặt cắt não bộ của bệnh nhân bị phù não bất thường

Một phần não hay toàn bộ não bị phù dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Đây là một trong những chứng bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Lượng máu đổ về não bộ bị cản trở tại vị trí phù khiến não không được nuôi dưỡng, nguồn oxy thiếu hụt làm tế bào não kém hoạt động, gây tổn thương và chết dần.

Song song với việc áp lực sọ tăng lên khi bị phù não, người bệnh còn gặp phải hiện tượng tắc ống dẫn dịch tủy não khiến tình trạng phù nề ngày càng nghiêm trọng. Người mắc bệnh phù não có thể điều trị tuy nhiên không thể loại trừ các di chứng không thể phục hồi, trường hợp phù não nặng gây tử vong.

Không giống như các dạng phù nề trên các bộ phận khác, tình trạng phù não được đánh giá mức độ nguy hiểm cao. Mặc dù có nhiều trường hợp phù do chấn thương, té ngã với mức độ nhẹ có thể thuyên giảm sau khi chườm đá, nghỉ ngơi,... Tuy nhiên trường hợp phù nề do tắc nghẽn, do bệnh lý rất khó điều trị can thiệp.

Đây là một dạng cấp cứu cần tiến hành ngay, trường hợp chậm trễ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nặng nhất là khiến bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn. Bởi, hộp sọ cứng bảo vệ não bộ nhưng lại kém linh hoạt không thể giãn ra khi não bị phù nề. Sự chèn ép dữ dội diễn ra sẽ khiến cơ quan đầu não bị tổn thương một cách nghiêm trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh phù não. Chẳng hạn:

  • Chấn thương sọ não: Vùng đầu bị chấn thương là một trong những nguyên nhân gây phù não. Một số trường hợp các mảnh xương vụn trong hộp sọ vỡ ra sau chấn thương làm rách mạch máu não khiến hiện tượng phù nề càng trở nên nghiêm trọng. Nếu hiện tượng ngưng trệ diễn ra không được can thiệp bệnh nhân có thể tử vong nhanh.
  • Nhồi máu não: Xuất hiện cục máu đông làm tắc nghẽn lưu thông máu lên não. Tình trạng nhồi máu não là nguyên nhân có khả năng dẫn đến phù nề não cao, các tế bào não dần chết đi khi không được nuôi dưỡng và cung cấp oxy.
  • Xuất huyết não: Máu thoát ra khỏi lòng mạch dẫn đến tình trạng tăng áp lực nội sọ để phản ứng lại tình trạng này. Nguyên nhân gây xuất huyết não có thể liên quan đến chấn thương, tăng huyết áp, tác dụng phụ của thuốc,...
  • Tai biến mạch máu não: Tình trạng cục máu đông xuất hiện bên trong lòng mạch dẫn đến tắc nghẽn, thiếu hụt dinh dưỡng và oxy lên não dẫn đến tai biến mạch máu não. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến phù não mà người bệnh gặp phải.
  • Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng nhanh chóng, đi vào máu ảnh hưởng đến não bộ. Viêm nhiễm tại não là một trong những tình trạng viêm nguy hiểm có khả năng phát sinh các biến chứng khó lường. Trong đó có tình trạng phù não, áp lực nội sọ tăng cao. Các bệnh lý gây nhiễm trùng như viêm não, viêm màng não, áp xe não,...
  • Xuất hiện khối u não: Khối u xuất hiện trong não, sau một thời gian phát triển to dần nằm chèn ép lên các dây thần kinh, mạch máu nuôi não. Dần dần, não bộ bị tắc nghẽn dẫn đến hiện tượng phù nề.
  • Các yếu tố khác: Bên cạnh các yếu tố kể trên, tình trạng phù não xuất hiện có thể do ảnh hưởng bởi các yếu tố như thay đổi độ cao đột ngột, ngộ độc CO, bị rắn độc cắn, lạm dụng chất kích thích,...

Các biểu hiện bất thường xuất hiện khi bị phù não có nhiều điểm tương đồng với các vấn đề sức khỏe khác khiến bệnh nhân nhầm lẫn, chậm trễ trong việc khám và điều trị bệnh. Chính vì thế nếu cơ thể có dấu hiệu lạ, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, dựa vào nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều chỉnh, khắc phục tương ứng.

Nguyên nhân
Tình trạng phù não có thể xảy ra do chấn thương, tai nạn,...

Đối tượng có nguy cơ bị phù não kể đến như:

  • Người bị tai nạn, té ngã, chấn thương vùng đầu.
  • Người có tiền sử đột quỵ, chấn thương não bộ.
  • Người lạm dụng thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh phù não dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng thần kinh khác do chúng khá tương đồng. Điều này khiến việc chẩn đoán sớm gặp nhiều khó khăn. Bạn đọc nên thận trọng nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện kéo dài, lặp lại thường xuyên mà can thiệp bằng các biện pháp khác không thấy cải thiện.

Cụ thể:

  • Đau đầu, chóng mặt diễn ra thường xuyên.
  • Đau mỏi vùng cổ, vai, cứng cổ thường xuyên.
  • Chóng mặt kèm theo cơn buồn nôn và nôn ói dữ dội.
  • Người mệt mỏi, lờ đờ, thở không nổi.
  • Thị lực kém, một số trường hợp mất thị lực hoàn toàn.
  • Suy giảm trí nhớ, hay quên, đôi khi bị mất trí nhớ ngắn hạn.
  • Không đi lại được, nói chuyện kém linh hoạt, thậm chí không nói chuyện được.
  • Cơ thể co giật, mất tri giác.
  • Trạng thái thay đổi bất thường, tâm trạng bất ổn.
  • Không tự chủ tiểu tiện, cơ thể yếu.

Chẩn đoán

Nếu nhận thấy cơ thể có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ. Tại đây, bạn cần khai báo các triệu chứng đang găp phải một cách trung thực. Đồng thời đề cập đến cả tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, thuốc đang dùng hoặc những chấn thương, tai nạn đã gặp trước đó liên quan đến vùng đầu.

Sau khi kiểm tra các thông tin được bạn cung cấp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác vấn đề bạn đang gặp phải và đưa ra phương án can thiệp khắc phục. Chẳng hạn:

  • Xét nghiệm chọc dò tủy sống: Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp chọc do tủy sống thắt lưng để kiểm tra áp lực dịch não - tủy.
  • Chụp CT: Chẩn đoán hình ảnh vùng não, xác định vị trí bất thường.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Xác định những thay đổi trong nhu mô não, thể hiện chi tiết hơn phim chụp X quang thông thường.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, dựa trên tình trạng phù não của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương án can thiệp đảm bảo an toàn nhất cho bệnh nhân, kéo dài tiên lượng sống.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh phù não là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nhất là khi bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời. Những trường hợp biến chứng kể đến như:

Biến chứng
Người bệnh phải đối diện với các biến chứng khó lượng, đặc biệt là nguy cơ tử vong cao

  • Tăng áp lực nội sọ nghiêm trọng:

Hộp sọ rất cứng là nơi bao bọc và bảo vệ não bộ.Hộp sọ không có khả năng giãn nỡ khi phù não. Với không gian nhỏ hẹp, kích thước phù não ngày càng tăng gây áp lực nội sọ nâng cao đột biến. Đồng thời, sự gián đoạn lưu thông dịch não càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Một số trường hợp tắc đưỡng dẫn dịch não tủy khiến bệnh nhân suy giảm nhiều chức năng cơ thể. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người mất khả năng vận động, sinh hoạt, không còn khả năng làm việc khi gặp vấn đề về não bộ.

Dịch não tiết ra số lượng lớn ứ đọng lại không được dẫn truyền đến các cơ quan khác. Lâu dần có thể tiếp tục kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe mà người bệnh không lường trước được.

  • Chết não:

Tùy vào nguyên nhân gây phù não mà vị trí bất thường có thể ở vài điểm hoặc toàn bộ não bộ. Chất dịch sinh ra ứ đọng lại bên trong khiến áp lực nội sọ ngày càng nghiêm trong. Đây là nguyên nhân khiến các tế bào não dần chết đi khi không được bổ sung đủ lượng dinh dưỡng thiết yếu.

Não thiếu máu đồng nghĩa với việc không nhận đủ dinh dưỡng, khí oxy duy trì các hoạt động sống. Lâu dần não bộ kém hoạt động và chết đi hoàn toàn. Các tổn thương não bộ trường hợp nặng không thể khôi phục.

  • Tử vong:

Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất người bệnh phải đối diện. Não bộ chết đi không còn điều khiển các hoạt động sống của cơ thể. Khi đó cơ thể không còn nhận được lượng máu cần thiết, các hoạt động đình trệ cùng lúc dẫn đến biến chứng tử vong khi bị phù não.

Bên cạnh các vấn đề kể trên, ở bệnh nhân phù não còn gặp phải những biến chứng khác liên quan như teo gai thị, đau đầu, rối loạn ngôn ngữ, vận động,... Người bệnh nếu phát hiện cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị cần thiết cho bệnh nhân.

Điều trị

Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh phù não. Theo đó, các giải pháp can thiệp nhằm khắc phục triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh, cụ thể:

Điều trị
Phát hiện phù não càng sớm càng giúp người bệnh có nhiều cơ hội kéo dài tiên lượng sống

  • Sử dụng thuốc: Các nhóm thuốc cần thiết được chỉ định trong điều trị bệnh phù não. Người bệnh được khuyến khích nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc có tác dụng giảm phù não, ngăn ngừa nguy cơ tích tụ cục máu đông gây biến chứng.
  • Thuốc kéo dịch khỏi hộp sọ: Phương pháp được thực hiện nhằm giúp cải thiện lưu thông máu. Thường sử dụng Mannitol, đây là thuốc chống phù não được sử dụng phổ biến. Thuốc có tác dụng kéo nước từ gian bào đi vào lòng mạch rồi giảm độ nhớt của máu, kéo huyết áp cho bệnh nhân tránh trường hợp tụt huyết áp do tăng áp lực nội sọ.
  • Liệu pháp oxy: Cung cấp oxy kịp thời cho người bệnh. Sử dụng truyền oxy bằng máy thở hoặc các phương tiện khác giúp đưa oxy lên não bộ tiếp tục duy trì hoạt động sống.
  • Dẫn lưu khoang dưới nhện: Biện pháp này cũng được thực hiện nhằm giúp người bệnh kéo dài tiên lượng sống. Thủ thuật xâm lấn tối thiểu, tác động lên vùng cần dẫn lưu dịch thông qua vết rạch nhỏ tại hộp sọ. Dịch tủy ứ đọng được dẫn lưu ra ngoài, giảm tình trạng phù nề và phòng ngừa biến chứng tử vong.
  • Phẫu thuật: Trường hợp không tiếp cận vị trí phù nề thông qua biện pháp dẫn lưu thông thường, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ. Đây là ca phẫu thuật khó, có rủi ro cao. Mục đích mở hộp sọ nhằm giảm áp lực nội sọ, đồng thời điều chỉnh, sắp xếp lại các tổn thương, loại bỏ dịch ứ đọng giúp bệnh nhân kéo dài tiên lượng sống tốt nhất có thể.

Phòng ngừa

Phù não là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến biến chứng tử vong. Chính vì thế, bạn đọc nên chủ động đến gặp bác sĩ, tránh sự chủ quan dẫn đến các hệ lụy không mong muốn. Dưới đây là một vài lưu ý trong phòng tránh và bảo vệ sức khỏe cho bạn đọc:

  • Cung cấp cho cơ thể các thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho não bộ. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, bổ sung rau củ quả, trái cây tươi, thay vào đó cắt giảm bớt đường, đồ ăn cay nóng, dầu mỡ,....
  • Sinh hoạt theo chế độ lành mạnh, duy trì lối sống tích cực, tập thể dục, chơi thể thao nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Giữ tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng, áp lực, stress, lo âu quá mức. Nếu gặp vấn đề trong cuộc sống hãy tìm một người bạn đáng tin cậy để chia sẻ tìm hướng giải quyết các vấn đề.
  • Khi tham gia giao thông nên tuân thủ luật giao thông, đội mũ bảo hiểm, đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể trước những va chạm. Đặc biệt là vùng đầu, khu vực trung tâm cần được bảo vệ đúng cách.
  • Chạy xe đúng tốc độ, tránh chạy nhanh, vượt ẩu.
  • Khi đi xe ô tô nên cài dây an toàn, ngồi đúng cách.
  • Tránh sử dụng các đồ uống chứa cồn, hút thuốc lá, chất kích thích thường xuyên, đặc biệt là khi tham gia giao thông.
  • Bảo vệ cơ thể khi lao động trên vị trí phải trèo cao, nơi nguy hiểm.
  • Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường và kịp thời can thiệp khắc phục.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Người thân của tôi cần thực hiện các xét nghiệm gì?

2. Tình trạng phù não của người thân của tôi nguy hiểm không?

3. Tiên lượng sống tốt nhất của người thân bị phù não của tôi là bao lâu?

4. Điều trị phù não bằng phương pháp nào?

5. Tôi cần chuẩn bị bao nhiêu chi phí cho điều trị phù não?

6. Khi nào cần thực hiện phẫu thuật phù não? Có những rủi ro gì?

7. Sau phẫu thuật người bệnh có thể sống được bao lâu?

Bệnh phù não là một trong những vấn đề sức khỏe nguy hại, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, nhất là nguy cơ tử vong cao. Người bệnh cần chủ động đến bệnh viện kiểm tra, thăm khám ngay khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện nghi ngờ. Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm sớm kiểm soát bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe.