Bệnh Đau Dây Thần Kinh Sinh Ba
Bệnh đau dây thần kinh sinh ba đặc trưng bởi cơn đau đột ngột, dữ dội xuất hiện ở vùng mặt. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng đa phần đều là vô căn. Về cơ bản, bệnh lý này không nguy hiểm nhưng vẫn cần điều trị để tránh suy nhược cơ thể, lo âu, căng thẳng do cảm giác đau dai dẳng gây ra.
Tổng quan
Bệnh đau dây thần kinh sinh ba (Trigeminal Neuralgia) còn được gọi là đau dây thần kinh số 5 hoặc đau dây thần kinh tam thoa. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng đau đột ngột, dữ dội, đau nhói như điện giật, khu trú ở vùng mặt do dây thần kinh sinh ba bị chèn ép hoặc kích thích.
Dây thần kinh sinh ba bắt đầu từ sọ não, sau đó đi ra khỏi hộp sọ ở phía trước tai. Đây là dây thần kinh chi phối cảm giác ở vùng mặt với 3 nhánh chính là V1, V2, V3. Trong đó, V1 là dây thần kinh chi phối cảm giác ở vùng mắt, trán và vùng da đầu phía trước. Nhánh V2 chịu trách nhiệm chi phối cảm giác ở hàm trên, mi dưới, má và môi. Nhánh cuối cùng là V3 chi phối cảm giác ở hàm dưới, môi.
Mỗi bên mặt đều có dây thần kinh sinh ba để chi phối cảm giác, đồng thời đảm bảo sự vận động nhịp nhàng của cơ nhai, cơ chân bướm trong và cơ thái dương hàm. Đây là dây thần kinh lớn nhất ở vùng mặt và giữ rất nhiều chức năng quan trọng.
Bệnh đau dây thần kinh chẩm khá phổ biến và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, đau thần kinh có tính chất dữ dội, đau nhói như điện giật, dao đâm. Cơn đau dai dẳng, mãn tính có thể khiến bệnh nhân suy nhược, mệt mỏi, gặp cản trở trong quá trình sinh hoạt, học tập và làm việc.
Thông thường, đau dây thần kinh sinh ba chỉ ảnh hưởng một bên mặt, hiếm khi xuất hiện ở cả hai bên. Có nhiều trường hợp đau ở bên trái trước, sau đó chuyển sang đau bên phải.
Đau dây thần kinh sinh ba là bệnh lý khá phổ biến, gặp chủ yếu ở nữ giới trên 50 tuổi và nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo độ tuổi. Thống kê cho thấy vào năm 2004 cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh chiếm 4 - 5 ca/ 100.000 dân và tăng lên đến 25.6 ca/ 100.000 dân ở đối tượng trên 70 tuổi.
Phân loại bệnh
Bệnh đau dây thần kinh sinh ba được chia thành 2 loại là rối loạn điển hình và rối loạn không điển hình:
- Rối loạn điển hình: Loại điển hình có triệu chứng đặc trưng là cơn đau ngắn, đột ngột như dao đâm hoặc điện giật. Mỗi cơn chỉ kéo dài khoảng vài giây cho đến vài phút. Tuy nhiên, cơn đau thường xuất hiện liên tục, nối tiếp nhau, kéo dài trong khoảng vài giờ.
- Rối loạn không điển hình: Triệu chứng mờ nhạt, cường độ thấp hơn so với loại điển hình. Vùng mặt đau nhức, bỏng rát, đau dai dẳng, liên tục. Rối loạn không điển hình sẽ khó chẩn đoán hơn so với rối loạn điển hình.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tương tự như các dạng đau thần kinh khác, đau dây thần kinh sinh ba thường do chèn ép rễ dây thần kinh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do chấn thương, nhiễm trùng, ảnh hưởng của bệnh tiểu đường và một số trường hợp không thể xác định nguyên nhân (đau dây thần kinh sinh ba vô căn).
Các nguyên nhân, yếu tố gây ra bệnh đau dây thần kinh sinh ba bao gồm:
Mạch máu chèn ép:
Ở đoạn đi ra khỏi hộp sọ, rễ dây thần kinh số 5 có thể bị mạch máu chèn ép. Áp lực tăng lên là nguyên nhân gây ra tình trạng đau dữ dội, dai dẳng.
Do tổn thương vỏ bảo vệ dây thần kinh:
Tất cả các dây thần kinh đều sẽ được bao bọc bên ngoài bởi vỏ bảo vệ và bao myelin. Khi lớp vỏ này bị tổn thương, dây thần kinh dễ bị kích thích và phát sinh cơn đau. Tổn thương vỏ bảo vệ dây thần kinh số 5 có thể do chấn thương, biến chứng sau phẫu thuật, ảnh hưởng của các bệnh hệ thống như xơ hóa hệ thống, lupus ban đỏ…
Nhiễm trùng:
Đau dây thần kinh sinh ba có thể xảy ra do nhiễm virus - thường là Varicella zoster virus (bệnh zona). Loại virus này tấn công vào dây thần kinh nên có thể di chuyển đến dây thần kinh số 5 gây viêm và sưng đau. Ngoài virus gây bệnh zona, giang mai cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau dây thần kinh.
Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường:
Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh nội tiết thường gặp ở người trung niên. Biến chứng phổ biến nhất của bệnh lý này làm tổn thương dây thần kinh, vì vậy người bị tiểu đường sẽ có nguy cơ cao bị đau dây thần kinh số 5.
Các nguyên nhân khác:
Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh đau dây thần kinh sinh ba còn do một số vấn đề sau đây:
- Vô căn (không tìm thấy nguyên nhân)
- Bất thường ở mạch máu
- Khối u đè lên dây thần kinh (u góc cầu tiểu não, u dây thần kinh số 8)
- Tăng sản của nền sọ gây chèn ép dây thần kinh số 5
- Ảnh hưởng của bệnh viêm xoang, viêm mống mắt, sâu răng, áp xe răng, bệnh rỗng hành não
- Các rối loạn chuyển hóa như gout
- Các yếu tố kích hoạt cơn đau khởi phát thường là lo lắng quá mức, nhiễm lạnh…
Độ tuổi càng cao thì nguy cơ bị đau dây thần kinh sinh ba càng lớn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thoái hóa là yếu tố có tham gia vào cơ chế bệnh sinh, góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Dây thần kinh sinh ba là dây thần kinh hỗn hợp vừa có chức năng vận động vừa chi phối cảm giác ở vùng mặt. Vì vậy, cơn đau do bệnh lý này sẽ ảnh hưởng nhiều cảm giác, vận động của các cơ quan ở vùng mặt.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đau dây thần kinh sinh ba bao gồm:
- Đau nhói, đau kiểu rát bỏng như điện giật hoặc dao đâm, xuất hiện đột ngột và kịch phát. Cơn đau thường chỉ xảy ra ở một bên mặt, vào thời điểm khác có thể gây đau ở bên còn lại.
- Cơn đau ngắn, kéo dài khoảng vài giây đến vài phút, mức độ đau rất dữ dội nên đôi khi người bệnh không thể tiếp tục hoạt động. Theo thời gian, cường độ đau tăng lên và khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng được rút ngắn.
- Thời điểm khởi phát cơn đau khá đa dạng, có thể xuất hiện đột ngột hoặc khởi phát khi đang nhai, nói, cạo râu.
- Điểm đặc biệt của đau dây thần kinh sinh ba là thường đau vào ban ngày.
- Ở giai đoạn đầu, cơn đau thường xuất hiện ở nhánh V2, V3 (vùng giữa mặt và cằm). Rất ít trường hợp đau ở nhánh V1.
- Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, cơn đau có thể lan ra cả 3 nhánh.
- Bệnh đau dây thần kinh sinh ba không gây ra cảm giác tê bì, kiến bò như các dạng đau thần kinh khác. Bệnh nhân chỉ có duy nhất cảm giác đau. Đặc điểm của cơn đau do bệnh lý này là bùng phát - kết thúc vô cùng đột ngột, tái phát không theo quy luật. Có thể đau hằng ngày nhưng cũng có khi tái phát sau một thời gian dài.
- Cơn đau dữ dội như xé da khiến một số bệnh nhân vã mồ hôi, co giật cơ mắt, chảy nước mũi và tăng tiết nước bọt.
- Nếu không được điều trị, đau dây thần kinh sinh ba có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Mức độ và thời gian đau ngày càng gia tăng khiến bệnh nhân suy nhược, chất lượng cuộc sống giảm thấp.
Cơn đau do bệnh lý này gây ra vô cùng rõ rệt. Vì vậy, nên tiến hành thăm khám sớm để xác định bệnh lý và phương án điều trị cụ thể. Các bước chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh sinh ba:
- Hỏi bệnh, khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về đặc điểm cơn đau, thời gian khởi phát, tiến triển… Sau đó khám dây thần kinh số 5, đánh giá phản xạ giác mạc và sức cơ nhai.
- Điều trị bằng Carbamazepine: Điều trị bằng Carbamazepine được chỉ định để phân biệt đau dây thần kinh sinh ba với các nguyên nhân khác. Nếu do bệnh lý này, cơn đau thường có đáp ứng tốt với thuốc.
- Chẩn đoán hình ảnh: CT, MRI sọ não sẽ được thực hiện để loại trừ một số khả năng khác có thể xảy ra. Ngoài ra, hình ảnh từ các phương pháp này cũng giúp xác định nguyên nhân gây bệnh (mạch máu hoặc u chèn ép).
Bệnh đau dây thần kinh sinh ba dễ bị nhầm lẫn với bệnh đau nửa đầu Migraine và một số nguyên nhân khác. Do đó, trong thực tế, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm nhiều kỹ thuật khác (xét nghiệm máu, đo nhãn áp…) để hỗ trợ cho việc chẩn đoán.
Biến chứng và tiên lượng
Tương tự như đau dây thần kinh chẩm, bệnh đau dây thần kinh sinh ba không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, cơn đau dữ dội, đau như xé da, điện giật khiến bệnh nhân dễ bị suy nhược, lo lắng quá mức. Cơn đau thường bùng phát vào ban ngày, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày và làm giảm hiệu suất lao động.
Nếu được điều trị sớm và đúng cách, hầu hết các trường hợp đều có đáp ứng tốt. Cơn đau giảm, chất lượng cuộc sống được phục hồi. Ngược lại, những trường hợp chủ quan không điều trị sẽ khiến cho cơn đau gia tăng cường độ, xuất hiện với tần suất dày đặc và thời gian dài hơn.
Điều trị
Điều trị bệnh đau dây thần kinh số 5 bao gồm sử dụng thuốc và điều trị ngoại khoa. Ưu tiên số 1 là các phương pháp bảo tồn, không xâm lấn. Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi điều trị ban đầu không mang lại hiệu quả, bệnh nhân đau nhiều, sức khỏe suy kiệt.
Điều trị bằng thuốc
Bệnh đau dây thần kinh sinh ba có đáp ứng tốt với Carbamazepine. Đa phần đều giảm đau rõ rệt khi sử dụng thuốc. Những trường hợp chống chỉ định hoặc đáp ứng kém sẽ được thay thế bằng loại thuốc khác.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh sinh ba:
- Carbamazepine: Carbamazepine là thuốc chống co giật được sử dụng phổ biến trong điều trị đau dây thần kinh sinh ba, bệnh động kinh… Thuốc được dùng với liều 200mg, sau đó tăng dần cho đến khi đạt hiệu quả (tối đa 1400mg/ ngày). Khi cơn đau ngưng hẳn và không tái phát, có thể ngưng dùng thuốc
- Phenytoin: Phenytoin có tác dụng tương tự Carbamazepin, được chỉ định khi điều trị ban đầu không có hiệu quả. Thuốc có tác dụng giảm đau, ngăn cơn đau dây thần kinh số 5 tái phát. Khi sử dụng Phenytoin, cần chú ý các tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm gan, mụn mủ ngoài da.
- Clonazepam: Clonazepam được cân nhắc khi Carbamazepin không có đáp ứng. Đáp ứng với thuốc khá tốt nhưng ít khi được dùng do gây giảm trí nhớ và ngủ gà ở người cao tuổi.
- Gabapentin: Gabapentin có hiệu quả như các loại thuốc chống co giật trên. Thuốc có tác dụng giảm đau rõ rệt và phạm vi chỉ định rộng. Tác dụng phụ thường gặp cũng không quá nghiêm trọng như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu…
- Amitriptyline: Amitriptyline là thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… Loại thuốc này cũng có hiệu quả đối với bệnh đau dây thần kinh sinh ba.
- Baclofen: Baclofen thường được dùng kết hợp với Carbamazepin để giảm đau dựa vào cơ chế giãn cơ, chống co thắt. Kết hợp với Baclofen sẽ giúp giảm liều Carbamazepin, qua đó hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể gặp phải.
Châm cứu
Châm cứu cũng có hiệu quả đối với đau dây thần kinh số V. Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể đến bệnh viện y học cổ truyền để thực hiện phương pháp này. Châm cứu giúp giảm đáng kể cơn đau, hạn chế tần suất cơn đau bùng phát.
Liệu pháp xâm lấn tối thiểu
Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, những liệu pháp ít xâm lấn sau sẽ được cân nhắc thực hiện:
- Phong bế dây thần kinh sinh ba: Sử dụng dung dịch chứa corticoid và thuốc tê tiêm vào dây thần kinh với mục đích kháng viêm, ức chế dẫn truyền thần kinh. Kỹ thuật này có hiệu quả cao trong việc giảm đau, đặc biệt có thể kiểm soát cơn đau đột ngột như điện giật.
- Tiêm glycerol rễ sau hạch Gasser: Kỹ thuật này sử dụng dung dịch glycerol vào rễ thần kinh ở phía sau hạch Gasser. Với tác dụng tăng tính thẩm thấu của huyết tương, áp lực từ mạch máu lên dây thần kinh sẽ giảm đi đáng kể. Bằng cách này, cơn đau do dây thần kinh số 5 sẽ thuyên giảm rõ rệt. Glycerol cũng giúp chữa lành lớp vỏ bọc bên ngoài của dây thần kinh và ngăn chặn quá trình truyền tín hiệu.
- Điều trị bằng tần số vô tuyến: Phương pháp này sử dụng tần số vô tuyến để phá hủy một phần của dây thần kinh sinh ba. Mục tiêu là giảm đau và hạn chế tái phát các cơn đau đột ngột, kịch phát.
- Tiêm botox: Tiêm botox cũng được xem xét cho bệnh đau dây thần kinh số V. Botox có tác dụng làm tê liệt hoạt động của dây thần kinh tạm thời, qua đó có thể kiểm soát cơn đau trong khoảng vài tháng.
Điều trị ngoại khoa
Khi điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, phẫu thuật sẽ được xem xét thực hiện. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp sau:
- Phá hủy hạch Gasser bằng phóng xạ: Đau dây thần kinh sinh ba có thể do hạch Gasser chèn ép làm mất myelin ở rễ thần kinh. Phương pháp này được thực hiện nhằm giải phóng chèn ép của hạch Gasser lên dây thần kinh số 5, qua đó giảm cơn đau đáng kể.
- Cắt chọn lọc sợi thần kinh sau hạch Gasser: Trước khi đến hạch Gasser, dây thần kinh sinh ba nằm ở nhân nhai của cầu não và trung não. Vì vậy, có thể cắt bỏ các sợi thần kinh không cần thiết mà vẫn đảm bảo chức năng vận động, cảm giác. Việc cắt bỏ chọn lọc các sợi thần kinh trước hạch Gasser sẽ giúp giảm áp lực nhằm mục đích giải phóng chèn ép và giảm đau.
- Phẫu thuật giải ép vi mạch: Trường hợp nhận thấy dấu hiệu chèn ép dây thần kinh ba trên CT và MRI sọ não sẽ được phẫu thuật giải ép vi mạch. Bác sĩ sẽ tách mạch máu ra khỏi dây thần kinh để làm giảm áp lực, từ đó giảm đau hiệu quả.
- Kích thích não sâu: Phẫu thuật kích thích não sâu cũng được cân nhắc cho bệnh nhân đau dây thần kinh sinh ba. Phương pháp này được thực hiện bằng cách cấy điện cực vào não để chặn dẫn truyền thần kinh. Bằng cách ngăn chặn tín hiệu ở não bộ, cơn đau do dây thần kinh số V sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Các phương pháp khác
Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp được chỉ định cho bệnh đau dây thần kinh sinh ba. Ngoài những phương pháp được đề cập, bệnh nhân còn có thêm một số lựa chọn như:
- Liệu pháp vitamin: Vitamin D, B12 thường được chỉ định cho người bị đau dây thần kinh số V. Các loại vitamin này sẽ giúp tái tạo, phục hồi bao myelin, qua đó hỗ trợ làm giảm cơn đau và chống thoái hóa thần kinh. Tuy nhiên, liệu pháp vitamin chỉ có tác dụng hỗ trợ và phải có chỉ định của bác sĩ để tránh phản ứng không mong muốn.
- Liệu pháp dinh dưỡng: Để hỗ trợ quá trình điều trị, bệnh nhân cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cố gắng ăn uống điều độ, đủ chất để tránh suy nhược. Chỉ khi thể trạng khỏe mạnh, ngưỡng chịu đau của cơ thể mới được nâng cao. Từ đó làm giảm phần nào cơn đau dữ dội do bệnh lý này gây ra.
- Các biện pháp thư giãn: Lo lắng, căng thẳng là yếu tố kích thích cơn đau bùng phát. Do đó, bệnh nhân thường được khuyến khích thực hiện thêm các biện pháp thư giãn như thiền định, tập yoga, liệu pháp mùi hương…
Phòng ngừa
Đau dây thần kinh sinh ba đôi khi xảy ra vô căn (không có nguyên nhân cụ thể). Vì vậy, gần như không có biện pháp phòng ngừa bệnh lý này hoàn toàn. Tuy nhiên một số biện pháp sau có thể hạn chế nguy cơ phát triển bệnh:
- Thận trọng khi sinh hoạt, làm việc để tránh chấn thương vùng mặt.
- Dùng thức ăn mềm, nhai đều hai bên, hạn chế gia tăng áp lực lên khớp thái dương hàm và dây thần kinh số V.
- Quản lý, điều trị tích cực các bệnh lý như áp xe răng, viêm xoang, gout, tiểu đường…
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 lần/ năm để phát hiện sớm khối u hoặc các vấn đề bất thường ở não bộ.
- Xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ ăn cân bằng, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và duy trì tinh thần thoải mái, thư giãn.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đau vùng mặt dữ dội, đau như điện giật là do đâu?
2 .Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh?
3. Đau dây thần kinh sinh ba có nguy hiểm không? Tình trạng bệnh lý của tôi có nghiêm trọng?
4. Phương pháp điều trị nào tốt nhất đối với tình trạng hiện tại của tôi?
5. Khi dùng thuốc, tôi có thể gặp phải tác dụng phụ nào?
6. Nếu cơn đau không giảm khi dùng thuốc, tôi có nhất thiết phải phẫu thuật?
7. Phẫu thuật đau dây thần kinh số V rủi ro có cao không? Cần ở lại bệnh viện trong bao lâu?
8. Tôi có thể cải thiện cơn đau bằng lối sống hay các biện pháp tại nhà hay không?
Bệnh đau dây thần kinh sinh ba thường gặp ở nữ giới từ 50 tuổi trở lên. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng cơn đau dữ dội, dai dẳng do bệnh lý này gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và khiến cơ thể suy nhược, lo âu, căng thẳng. Hơn nữa, triệu chứng của bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian, vì vậy cần điều trị sớm để đạt kết quả tốt nhất.