Chứng Ngất Xỉu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Ngất xỉu là tình trạng mất ý thức tạm thời, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tình trạng này thường liên quan đến việc suy giảm huyết áp đột ngột, gây thiếu oxy lên não. Hầu hết các trường hợp ngất xỉu đều không quá nguy hiểm, không đe dọa đến tính mạng và tự khỏi. Việc sơ cứu và chăm sóc khi ngất xỉu là rất cần thiết để hạn chế các biến chứng, tổn thương xảy ra.

Tổng quan

Ngất xỉu (Fainting/ Syncope) hay té xỉu là những thuật ngữ chung dùng để chỉ tình trạng cơ thể mất ý thức đột ngột, bất tỉnh tạm thời và hồi phục lại nhanh chóng. Tình trạng này thường xảy ra do lượng máu lưu thông lên não giảm đột ngột.

Ngất xỉu là tình trạng mất ý thức đột ngột do thiếu máu lên não đột ngột

Hầu hết các trường hợp ngất xỉu đều không quá nghiêm trọng. Thường xuất phát từ các tác nhân như mất nước, chịu kích thích cảm xúc mạnh mẽ, ngồi dậy đứng lên đột ngột hoặc tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngất xỉu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng, điển hình như đột tử liên quan đến sức khỏe tim mạch.

Bất kỳ đối tượng nào, kể cả những người có điều kiện sức khỏe tốt cũng có thể bị ngất xỉu đột ngột. Nhưng trạng thái này phổ biến hơn ở những người có sức khỏe yếu kém, tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, suy nhược cơ thể kéo dài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cơ chế gây ngất xỉu là do tim không bơm đủ máu lên não, khiến các tế bào não không nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết. Hậu quả gây giảm huyết áp đột ngột và dẫn đến ngất. Bản chất của ngất xỉu là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn chứ không được xem là một căn bệnh.

Hầu hết các trường hợp ngất xỉu thường được kích hoạt bởi sự hoạt động bất thường của dây thần kinh phế vị

Có 3 nguyên nhân chính liên quan đến giảm huyết áp đột ngột và gây ngất xỉu tạm thời. Bao gồm:

  • Ngất xỉu do tim: Là những trường hợp ngất xỉu có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tim mạch. Có thể kể đến như:
    • Rối loạn nhịp tim;
    • Bệnh cơ tim phì đại;
    • Thiếu máu cục bộ cơ tim;
    • Hở van tim;
    • Bóc tách động mạch chủ;
    • Hẹp động mạch chủ;
    • Hình thành cục máu đông;
    • Suy tim;
  • Ngất xỉu do thần kinh: Hay còn gọi là dạng ngất xoang động mạch cảnh. Xảy ra khi có thứ gì đó gây chèn ép, làm tắc nghẽn động mạch cảnh ở cổ. Vì động mạch cảnh là động mạch quan trọng giúp cung cấp máu cho não bộ. Ngất xỉu sẽ xảy ra khi động mạch này bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề sức khỏe thần kinh như co giật, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Ngoài ra, một số trường hợp cũng liên quan đến chứng đau nửa đầu hoặc não úng thủy áp lực bình thường.
  • Ngất xỉu do phế vị: Đây là một dạng ngất xỉu rất phổ biến, xảy ra lượng máu lên não giảm đột ngột. Thường liên quan đến nhiều vấn đề như trải qua sự kiện căng thẳng về cảm xúc, thể chất hoặc tinh thần. Điều này kích thích phản ứng phế vị điển hình dẫn đến ngất xỉu.

Ngoài 3 nguyên nhân chính trên, chủ yếu là các bệnh lý, ngất xỉu cũng có thể được kích hoạt do các nguyên nhân khác gồm:

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Những người mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng thường dễ bị rối loạn nhịp tim, điển hình là tim đập nhanh, xảy ra khi bạn đứng dậy đột ngột khi đang nằm hoặc ngồi. Lúc này, mức độ nhịp tim của bạn có thể tăng lên khoảng 30 nhịp/ phút hoặc lớn hơn. Tình trạng này kéo dài khoảng 10 phút và có thể dẫn đến ngất xỉu.

Các nguyên nhân khác gây ngất xỉu

Còn rất nhiều tình huống hoặc yếu tố nguy cơ dẫn đến ngất xỉu, chẳng hạn như:

  • Ngất khi ho, cười, hắt hơi quá mức;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị huyết áp cao như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc chẹn kênh canxi, các thuốc trị bệnh tim, thuốc chống loạn thần, thuốc kháng histamine, thuốc opioid giảm đau...;
  • Tiền sử bị tiểu đường hoặc do tụt đường đột ngột;
  • Mất nước do thời tiết nắng nóng quá mức hoặc uống không đủ nước;
  • Mất nhiều máu do chấn thương;s
  • Những thói quen như bỏ bữa liên tục, vận động quá sức, nghiện chất kích thích như rượu, ma túy, cần sa...;
  • Ngất xỉu vô căn (ước tính khoảng 33% trường hợp bị ngất xỉu nhưng không rõ nguyên nhân);

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng ngất xỉu thường xuất hiện trước khoảng vài giây trước khi bệnh nhân rơi vào bất tỉnh. Đặc trưng gồm một số biểu hiện sau:

Ngất xỉu thường xảy ra kèm theo các triệu chứng như đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, lú lẫn...

  • Lú lẫn;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Tầm nhìn mờ;
  • Có cảm giác lâng lâng;
  • Khuôn mặt nhợt nhạt hoặc đỏ bừng;
  • Buồn nôn;
  • Đau đầu;
  • Đau bụng;
  • Vã mồ hôi;
  • Run rẩy;
  • Ù tai;

Sau khi cơn ngất xỉu qua đi, cũng là lúc máu bắt đầu lưu thông đầy đủ đến não, người ngất xỉu tỉnh lại, bắt đầu lấy lại ý thức. Lúc này, tim vẫn còn đập khá nhanh để chống lại sự suy giảm huyết áp đột ngột, ngừng vã mồ hôi, khuôn mặt tươi tỉnh hơn...

Chẩn đoán

Ngất xỉu không phải tự nhiên xảy ra, nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, việc chẩn đoán là rất cần thiết nhằm xác định tác nhân và cách điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe toàn diện của bệnh nhân, kết hợp xem xét các triệu chứng lâm sàng, bao gồm các dấu hiệu về thời điểm ngất xỉu, khi nào và ở đâu.

Chẩn đoán chuyên sâu nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra ngất xỉu

Sau bước này, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ngất xỉu. Mục tiêu nhằm đo lượng máu trong cơ thể, chức năng và hoạt động tim mạch... Bao gồm các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu;
  • Đo điện tâm đồ (ECG hoặc EKG);
  • Kiểm tra mức độ căng thẳng khi tập thể dục hoặc các hoạt động gắng sức khác;
  • Đặt máy theo dõi Holter lưu động để ghi lại thông tin về nhịp tim;
  • Siêu âm tim giúp đánh giá hình ảnh cấu trúc tim;
  • Kiểm tra bàn nghiêng giúp đánh giá mức độ thay đổi của huyết áp và nhịp tim;
  • Kiểm tra thần kinh thông qua các xét nghiệm phản xạ tự động, nhằm theo dõi huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu, nhiệt độ da...;
  • Các xét nghiệm hỗ trợ khác bao gồm đo điện sinh lý, đánh giá chức năng thần kinh tự trị, chụp cắt lớp vi tính (CT scan)... nhằm kiểm tra chức năng tiền đình;

Biến chứng và tiên lượng

Đa số các trường hợp ngất đều xuất phát theo các tình huống kích thích hoặc là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý về tim mạch, thần kinh... Những tình trạng có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó những bệnh nhân ngất thường xuyên do các bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong cao.

Tỷ lệ này dao động từ 18 - 33%. Nếu nguyên nhân không xuất phát từ các nguyên nhân tim mạch, tỷ lệ tử vong từ 0 - 12%. Mức tiên lượng phụ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân khác nhau, được bác sĩ thăm khám và đưa ra.

Ngoài ra, bệnh nhân bị ngất thường xuyên có thể dẫn đến té ngã. Trong đó, có các tình huống té ngã nguy hiểm trong lao động, làm việc hoặc khi tham gia giao thông... Do đó, khuyến cáo những người thường xuyên ngất xỉu cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ tích cực.

Điều trị

Mục tiêu điều trị ngất xỉu chủ yếu tập trung vào phục hồi sức khỏe sau ngất và kiểm soát nguyên nhân cơ bản gây ra.

Sơ cứu khi ngất xỉu

Khi có người ngất xỉu, hãy thực hiện các bước tích cực theo quy trình sơ cứu dưới đây:

  • Điều chỉnh tư thế nằm của bệnh nhân, tốt nhất nên ngồi hoặc nằm càng nhanh càng tốt, nâng cao chân;
  • Kiểm tra xem họ có còn thở hay không. Đồng thời, cố gắng đảm bảo đường thở của người đó luôn được thông thoáng.
  • Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu có điều kiện.
  • Tiến hành hô hấp nhân tạo để duy trì hơi thở nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở hoặc không tìm thấy mạch.

Chăm sóc hồi phục sức khỏe

Sau ngất, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và chăm sóc kỹ lưỡng để phục hồi sức khỏe. Lúc này, tùy theo nguyên nhân gây ra ngất mà bác sĩ sẽ hướng dẫn áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Bao gồm một số biện pháp sau:

Điều trị ngất xỉu tập trung vào kiểm soát các triệu chứng và phục hồi sức khỏe thể chất sau ngất

Ngất phế vị

  • Điều trị thông qua một số loại thuốc như thuốc chẹn betas, hydrofludrocortisone, SSRI, proamatine...;
  • Tránh thực hiện các tình huống kích thích gây ngất;
  • Tăng cường sử dụng muối, bổ sung nhiều nước;

Tụt huyết áp tư thế đứng

  • Thay đổi tư thế dần dần từ nằm sang nửa nằm nửa ngồi hoặc ngồi;
  • Tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có khả năng gây tụt huyết áp;
  • Đeo vớ nén ở chân nhằm cải thiện quá trình lưu thông máu ở tĩnh mạch;
  • Trường hợp bệnh nhân suy giảm thể tích nội mạch có thể tiến hành truyền dịch tĩnh mạch;
  • Trường hợp nặng có thể sử dụng proamatine để kiểm soát triệu chứng;

Can thiệp y tế chuyên sâu

Những trường hợp thường xuyên ngất xỉu do liên quan đến các bệnh lý tim mạch có thể can thiệp điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu. Chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ qua ống thông;
  • Sử dụng máy tạo nhịp tim;
  • Cấy ghép máy khử rung tim (ICD);

Phòng ngừa

Ngất xỉu là trạng thái sức khỏe xảy ra phổ biến do nhiều nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, bạn không thể làm gì để ngăn chặn cơn ngất xỉu ập tới, nhất là khi liên quan đến các bệnh lý sức khỏe tiềm ẩn như tim mạch.

Còn những trường hợp ngất xỉu thông thường, bạn nên chú ý thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt. Tránh thay đổi tư thế đột ngột, thực hiện việc đứng dậy và đi lại chậm rãi, kết hợp cử động linh hoạt trước khi đứng dậy để giúp kích thích máu huyết lưu thông. Ngoài ra, hạn chế những cảm xúc căng thẳng hoặc cú sốc tâm lý bất ngờ để giảm nguy cơ ngất xỉu.

Những người thường xuyên ngất xỉu và có tiền sử bệnh lý cần phải thăm khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý bất thường để xử lý kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị ngất xỉu?

2. Nguyên nhân bệnh lý tôi mắc phải gây ngất xỉu thường xuyên?

3. Tình trạng bệnh có nặng không? Có chữa khỏi được không?

4. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ngất xỉu?

5. Bị ngất xỉu thường xuyên gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của tôi?

6. Cách sơ cứu xử lý bệnh nhân ngất xỉu và điều trị nguyên nhân gây ra?

7. Cách chăm sóc phục hồi sức khỏe sau ngất xỉu?

8.  Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát ngất xỉu?

Ngất xỉu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mặc dù bản chất của ngất xỉu không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không thăm khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ngất xỉu, có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường. Bởi vậy, tuyệt đối không nên chủ quan trước những lần ngất xỉu bất thường, thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe.