Bệnh Behcet

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh Behcet là mộ dạng rối loạn hiếm gặp gây viêm mạch máu ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bệnh gây ra hàng loạt các tổn thương viêm loét, tổn thương da, đau khớp, viêm mắt, viêm mạch máu... Các chẩn đoán chủ yếu dựa trên đánh giá triệu chứng và xét nghiệm y tế. Không có biện pháp chữa trị đặc hiệu đối với bệnh Behcet, chỉ có thể điều trị cải thiện triệu chứng bằng thuốc và điều chỉnh lối sống lành mạnh. 

Bệnh Behcet là một chứng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gây viêm mạch máu khắp cơ thể

Tổng quan

Bệnh Behcet (Behcet's Disease) là tình trạng viêm mạch máu toàn thân do rối loạn tự miễn. Bệnh gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như da, khớp, mắt, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục... Đặc trưng của bệnh là các tổn thương mạch máu, gây phát ban, lở loét từ nhẹ đến nặng.

Bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1937 bởi bác sĩ da liễu người Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Behcet. Căn bệnh này xảy ra phổ biến trên toàn thế giới, nhưng phổ biến nhất là ở Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải, châu Á. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh Behcet, nhưng chủ yếu trong độ tuổi từ 20 - 30, tỷ lệ mắc giữa nam và nữ là như nhau.

Phân loại

Bệnh Behcet được phân chia làm 3 loại chính dựa trên mức độ nghiêm trọng và vị trí của các triệu chứng. Bao gồm:'

Bệnh Behcet phổ biến nhất là các dạng tổn thương niêm mạc, mắt hoặc Behcet toàn thân

  • Bệnh Behcet ở niêm mạc: Dạng Behcet niêm mạc là dạng phổ biến nhất, gây ảnh hưởng đến miệng, da và cơ quan sinh dục. Đặc trưng với các triệu chứng như lở loét da miệng, vùng da sinh dục, nổi mụn trứng cá hoặc các tổn thương vảy nến.
  • Bệnh Behcet ở mắt: Dạng Behcet này chủ yếu ảnh hưởng đến mắt, gây sưng viêm, đau, đỏ rát, suy giảm thị lực... Dạng Behcet này khá phức tạp và cần được can thiệp điều trị và chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Bệnh Behcet toàn thân: Đây là dạng Behcet được đánh giá nghiêm trọng nhất, gây ảnh hưởng đến hàng loạt cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Chẳng hạn như mạch máu, khớp, não, đường tiêu hóa. Đặc trưng với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau khớp và hàng loạt các vấn đề về rối loạn đường tiêu hóa.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Behcet vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền và môi trường.  Cụ thể như sau:

Di truyền gen đột biến kết hợp với các tác nhân nhiễm trùng, chấn thương, căng thẳng... gây khởi phát bệnh Behcet

  • Yếu tố di truyền: Một loại gen có tên HLA-B51 được xác định có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Behcet.
  • Yếu tố môi trường: Chẳng hạn như căng thẳng, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, chấn thương hoặc tiếp xúc với các hóa chất lạ độc hại... Hậu quả kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công đến các mô của cơ thể, gây tổn thương và viêm nhiễm toàn thân.

Yếu tố nguy cơ 

Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây bệnh Behcet chẳng hạn như:

  • Tuổi tác: Tỷ lệ nam giới mắc bệnh Behcet cao hơn nữ giới, chủ yếu trong độ tuổi từ 20 - 30. Ngoài ra, trẻ em và người lớn tuổi cũng có thể mắc bệnh nhưng ít gặp hơn.
  • Gen: Những người mang một số gen bẩm sinh đột biến nhất định làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Behcet.
  • Quốc gia: Những người ở các quốc gia như Trung Đông, Đông Á như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản... có nguy cơ phát triển bệnh Behcet cao hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy vào dạng Behcet và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các triệu chứng bệnh được biểu hiện khác nhau. Cụ thể gồm:

Bệnh nhân Behcet thường gặp các triệu chứng điển hình như đau rát, lở loét miệng, cơ quan sinh dục, tổn thương da, sưng đau khớp...

Triệu chứng Behcet niêm mạc

  • Xuất hiện vết loét bên trong miệng (triệu chứng sớm nhất);'
  • Vết loét ở cơ quan sinh dục và nhiều nơi khác trong cơ thể như cổ, mặt...;

Triệu chứng Behcet ở mắt

  • Đỏ mắt;
  • Sưng đau ở một hoặc cả hai bên mắt;
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng và dễ bị kích ứng;
  • Suy giảm tầm nhìn, thị lực;

Triệu chứng Behcet khác

  • Sưng đau khớp;
  • Đau đầu do viêm não;
  • Mệt mỏi, sốt;
  • Mất phương hướng, mất thăng bằng hoặc đột quỵ;
  • Rối loạn tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy;
  • Nổi mụn trứng cá và nhiều tổn thương da khác;

Chẩn đoán

Không có xét nghiệm cụ thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh Behcet. Việc chẩn đoán chủ yếu thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng, mức độ nghiêm trọng của tổn thương và loại trừ các bệnh lý khác. Chẳng hạn như bệnh Crohn, bệnh lupus toàn thân hoặc các bệnh gây viêm mạch khác.

Chẩn đoán Behcet chủ yếu thông qua thăm khám sức khỏe toàn diện và thực hiện các xét nghiệm y tế

Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kết hợp với một số kỹ thuật chẩn đoán khác như:

  • Khám sức khỏe toàn diện;
  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Kiểm tra hình ảnh như chụp X quang, chụp CT scan hoặc MRI;
  • Sinh thiết mô da;

Qua nhiều nghiên cứu về bệnh, các chuyên gia khẳng định chẩn đoán bệnh Behcet chính xác nhất khi bệnh nhân có các yếu tố sau:

  • Bệnh nhân đã từng trải qua ít nhất 3 đợt viêm loét miệng chỉ trong vòng 1 năm;
  • Có ít nhất 2 trong số 4 triệu chứng sau: viêm mắt, loét sinh dục, tổn thương da và da nhạy cảm, dễ bị kích ứng;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng của bệnh Behcet phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Ngoài ra, nếu trong giai đoạn bùng phát bệnh nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như:

Tử vong là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh Behcet do đột quỵ, phình vỡ động mạch, thủng ruột...

  • Suy giảm thị lực, dẫn đến mù lòa;
  • Đột quỵ do tổn thương, viêm nhiễm trong não và hệ thần kinh;
  • Viêm động - tĩnh mạch có thể hình thành cục máu đông, gây sưng đau, nóng đỏ khớp cánh tay, chân. Hậu quả làm tăng nguy cơ phình động mạch và tắc nghẽn mạch máu;
  • Hạn chế khả năng vận động do triệu chứng sưng đau khớp gây ảnh hưởng đến khuỷa tay, cổ tay, mắt cá chân...;
  • Vết loét ở cơ quan sinh dục như bìu hoặc âm hộ gây đau rát khi quan hệ, để lại sẹo mất thẩm mỹ;
  • Trường hợp bệnh Behcet liên quan đến phổi gây ho, khó thở có thể gây suy yếu thành động mạch, dẫn đến phình vỡ động mạch phổi và gây xuất huyết;

Những biến chứng của bệnh Behcet rất đa dạng, xảy ra tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tiên lượng tử vong đối với bệnh Behcet ở khoảng 5% bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến tử vong có thể xuất phát từ đột quỵ, thủng ruột, phình động mạch, vỡ mạch máu...

Các chuyên gia đánh giá bệnh Behcet có tiên lượng tốt, dù không có cách điều trị đặc hiệu, nhưng việc điều trị tích cực có thể làm giảm nhanh các triệu chứng bằng cách dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.

Điều trị

Không có bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh Behcet. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể được can thiệp điều trị y tế nhằm cải thiện triệu chứng bằng các phương pháp hỗ trợ dưới đây:

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc được chứng minh đem lại những kết quả khả quan trong việc cải thiện mức độ bệnh Behcet. Có thể kể đến một số loại thuốc sau:

Điều trị bệnh Behcet bằng các loại thuốc như NSAID, Corticosteroid chống viêm hoặc thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp sinh học

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng để điều trị triệu chứng viêm và cảm giác đau nhức khớp khó chịu.
  • Thuốc Corticosteroid: Có tác dụng giảm viêm toàn thân hoặc điều trị tại chỗ (chủ yếu là các vết loét miệng). Loại điển hình là Prednisone. Tuy nhiên, cần chú ý tác dụng phụ của thuốc Corticosteroid gồm ợ nóng, tăng cân, cao huyết áp, loãng xương...
  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Trường hợp mắc bệnh Behcet gây sưng viêm, đau nhức nghiêm trọng có thể thay thế bằng nhóm thuốc ức chế miễn dịch. Với tác dụng làm giảm bớt tình trạng viêm, đồng thời ngăn không cho hệ thống miễn dịch tấn công đến các mô khỏe mạnh. Các loại điền hình như Cyclosporine (Neoral, Gengraf, Sandimmune), azathioprine (Imuran hoặc Azasan)... Cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc như làm tăng huyết áp, tổn thương gan, thận, lượng máu thấp.
  • Nhóm thuốc Interferon alfa-2b (Intron A): Loại thuốc này có khả năng làm thay đổi phản ứng của hệ thống miễn dịch của bạn với các loại thuốc khác nhằm cải thiện triệu chứng bệnh Behcet. Nhưng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như cúm, mệt mỏi, đau cơ...
  • Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF): Thuốc có tác dụng kiểm soát các triệu chứng và dấu hiệu Behcet. Đặc biệt phù hợp với những trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng hoặc kháng thuốc. Các loại thường dùng là adalimumab (Humira), etanercept (Enbrel), infliximab (Remicade) và Tocilizumab (Actemra). Trong quá trình sử dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ như phát ban da, đau đầu hoặc dễ phát sinh nhiễm trùng.
  • Một số liệu pháp tại chỗ khác: Nhóm thuốc này thường được chỉ định để điều trị tại chỗ, cải thiện triệu chứng tổn thương ngoài da, niêm mạc như kem bôi giảm đau tại chỗ, thuốc nhỏ mắt hoặc nước súc miệng chứa corticosteroid...

Điều chỉnh lối sống - sinh hoạt

Song song với biện pháp điều trị bằng thuốc, các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân cần kết hợp thực hiện một số điều chỉnh về lối sống, sinh hoạt nhằm cải thiện triệu chứng. Bao gồm:

Bệnh nhân Behcet cần điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học và lành mạnh nhằm hỗ trợ cải thiện các triệu chứng

  • Vận động tích cực: Theo Viện Quốc gia về Viêm khớp và bệnh Cơ xương - Da (NIAMS) cho biết, tập thể dục điều độ mỗi ngày có tác dụng giảm đau và cải thiện đáng kể các biến chứng về bệnh Behcet. Nguyên tắc tập luyện là tập vừa sức, nhẹ nhàng với các bộ môn như đi bộ, đạp xe, bơi lội...
  • Chế độ ăn uống: Không có chế độ ăn uống đặc biệt dành cho người mắc chứng Behcet, tuy nhiên bệnh nhân được khuyến nghị thực hiện thực đơn ăn uống khoa học. Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ quả, trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt... Đặc biệt, có thể sử dụng thêm một số nhóm thực phẩm khác như pho mát, dứa, chanh... được nghiên cứu giúp cải thiện triệu chứng đau loét miệng do Behcet.
  • Quản lý căng thẳng: Căng thẳng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khởi phát cơ chế rối loạn tự miễn trong cơ thể. Hậu quả làm tăng nặng các triệu chứng bệnh Behcet. Do đó, hãy kiểm soát căng thẳng, hướng đến những điều tích cực, thư giãn đầu óc để hỗ trợ cải thiện triệu chứng.
  • Các biện pháp khác:
    • Chườm đá lạnh giảm sưng viêm, đau nhức;
    • Thiền, yoga, giảm căng thẳng;
    • Trị liệu tâm lý (nếu cần thiết);

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ rủi ro mắc phải bệnh Behcet, mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân như nhiễm trùng, căng thẳng, tiếp xúc với hóa chất... để giảm nguy cơ phát triển bệnh Behcet.
  • Duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất, đầy đủ các chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc để tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
  • Trao đổi với bác sĩ và thăm khám thường xuyên để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, điều trị kịp thời khi cần thiết.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị lở miệng, loét bộ phận sinh dục, viêm mắt, giảm thị lực, đau da, đau khớp là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh?

3. Lý do tại sao tôi mắc bệnh Behcet?

4. Bệnh Behcet có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?

5. Mức độ bệnh Behcet của tôi có nghiêm trọng không?

6. Phương pháp điều trị bệnh Behcet tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Tôi nên dùng thuốc nào để điều trị bệnh Behcet?

8. Dùng thuốc lâu ngày có thể gây ra tác dụng phụ nào?

9. Tôi cần làm gì trong quá trình điều trị để hỗ trợ cải thiện triệu chứng Behcet?

10. Quá trình điều trị bệnh Behcet mất bao lâu? Chi phí điều trị bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?

Những người mắc bệnh Behcet phải đối mặt với những ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe, giảm sút chất lượng cuộc sống và thậm chí đe dọa tính mạng. Bệnh Behcet có thể kiểm soát tốt, ngăn chặn biến chứng nếu được phát hiện sớm và điều trị trị kịp thời. Đồng thời duy trì lối sống khoa học giúp ngăn chặn bệnh tái phát trở lại.