Trời nóng bé bị nổi mẩn đỏ mẹ cần lưu ý những điều này
Trẻ bị nổi mẩn đỏ khi thời tiết nắng nóng là tình trạng phổ biến. Nổi mẩn đỏ thường không gây nguy hiểm nhưng nếu không chăm sóc đúng cách, da có thể bị tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ khi trời nóng?
Khác với người lớn, làn da của trẻ nhỏ thường mỏng và nhạy cảm. Bên cạnh đó, cấu trúc da của trẻ chưa được phát triển hoàn chỉnh trong những giai đoạn đầu đời. Những điều kiện này cộng với yếu tố môi trường chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề da liễu – trong đó có triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa ở lưng, bẹn…
Trẻ bị nổi mẩn đỏ trong thời tiết nắng nóng có thể do các nguyên nhân cụ thể sau:
1. Tuyến mồ hôi hoạt động quá mức
Vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao khiến thân nhiệt của trẻ tăng lên đáng kể. Để điều hòa và làm mát cơ thể, cấu trúc da có xu hướng tăng quá trình sản xuất mồ hôi.
Tuy nhiên lượng mồ hôi được sản sinh quá nhiều có thể ứ đọng trong lỗ chân lông và phát triển thành các mụn nước nhỏ.
2. Ảnh hưởng của tia UV
Ngoài ra trong thời gian này, ánh nắng mặt trời có chứa các tia UV hoạt động mạnh. Các tia cực tím sẽ tác động tiêu cực đến tế bào da khiến da có xu hướng tăng nhiệt độ.
Để tránh gây tổn thương tế bào và hạn chế bỏng, cơ thể sẽ tiết chất lỏng tại các vị trí này. Chất lỏng tích tụ và tạo thành các mẩn đỏ nhỏ trên da của trẻ.
3. Mặc quần áo, tã quá chật
Một số trẻ bị nổi mẩn đỏ do mặc quần áo và tã quá chật. Chất liệu từ quần áo và tã ma sát vào da và gây kích ứng tại các vị trí này.
Ngoài ra, việc mặc quần áo quá chật có thể ngăn cản quá trình thoát mồ hôi của cơ thể. Mồ hôi không được thoát ra có xu hướng bít lỗ chân lông và tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
4. Vệ sinh kém
Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên virus, vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây bệnh. Do đó nếu vệ sinh cho trẻ kém, vi khuẩn có thể tồn tại trên da và gây ra các triệu chứng trên cơ quan này.
Một số trẻ bị nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết hoặc do các bệnh lý về da (mề đay, viêm da dị ứng ở trẻ, nấm da,…). Với những nguyên nhân này, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Khắc phục tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ do trời nóng
Triệu chứng nổi mẩn đỏ khi trời nóng là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ và nhanh chóng biến mất nếu được chăm sóc đúng cách.
Bạn có thể làm giảm tổn thương trên da và cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ở trẻ với các biện pháp sau đây.
1. Giữ cơ thể trẻ thoáng mát
Việc đầu tiên bạn cần thực hiện là giữ cơ thể trẻ khô thoáng và mát mẻ. Nhiệt độ cao có thể kích thích tuyến mồ hôi hoạt động quá mức và khiến triệu chứng nổi mẩn đỏ trở nên trầm trọng hơn.
Để ngăn quá trình tỏa nhiệt và tăng tiết mồ hôi của cơ thể, bạn nên mặc quần áo rộng rãi và thoáng khí. Ưu tiên lựa chọn những chất liệu thấm hút mồ hôi như cotton, tơ tằm,…
Bên cạnh đó, bạn cần giảm nhiệt độ môi trường bằng cách sử dụng quạt hoặc máy lạnh. Nhiệt độ môi trường được điều chỉnh sẽ hạn chế tình trạng thân nhiệt tăng cao. Tuy nhiên bạn không nên đặt quạt gần trẻ hay để nhiệt độ máy lạnh quá thấp.
2. Hạn chế các hoạt động thể chất
Ngoài ra, bạn cần dặn dò trẻ không được hoạt động mạnh trong thời gian này. Hoạt động thể chất khiến cơ thể tỏa ra nhiều nhiệt. Để điều hòa cơ thể, tuyến mồ hôi buộc phải tăng hiệu suất hoạt động. Điều này sẽ khiến tổn thương trên da phát triển và lan rộng.
Bạn nên khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động vui chơi có mức độ vừa phải. Đồng thời dặn dò trẻ chơi trong nhà và không được hoạt động ở ngoài trời.
3. Vệ sinh cho trẻ đúng cách
Bạn nên vệ sinh cho trẻ thường xuyên để làm sạch mồ hôi và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, bạn chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh cho trẻ. Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể sử dụng sản phẩm làm sạch dịu nhẹ để tiêu diệt vi khuẩn và giảm triệu chứng nổi mẩn đỏ.
Tuy nhiên chỉ nên tắm cho trẻ 2 lần/ ngày. Tắm quá nhiều lần có thể khiến trẻ bị cảm lạnh, đồng thời làm mất màng bảo vệ tự nhiên trên da.
Nếu trẻ đổ quá nhiều mồ hôi, bạn có thể sử dụng khăn ẩm để làm sạch. Với những vùng da bị nổi mẩn, bạn chỉ nên thoa nhẹ để tránh gây rát và khó chịu. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng phấn rôm để hút ẩm và giữ da của trẻ khô thoáng.
4. Sử dụng thuốc bôi da
Nếu tình trạng trên da không thuyên giảm hoặc gây ngứa ngáy dữ dội cho trẻ, bạn có thể sử dụng thuốc bôi da để cải thiện.
Tuy nhiên trẻ nhỏ có làn da rất nhạy cảm và dễ tổn thương, do đó bạn không được tự ý sử dụng thuốc nếu chưa có yêu cầu từ bác sĩ. Tùy tiện dùng thuốc có thể khiến da trẻ bị kích ứng và tổn thương nặng nề. Nên chủ động trao đổi với dược sĩ về tình trạng và triệu chứng của trẻ để được chỉ định loại thuốc thích hợp.
Nổi mẩn đỏ trên da cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý mùa nóng như sốt phan ban, sốt siêu vi,… Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, co giật, mệt mỏi và chán ăn, bạn nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được khắc phục kịp thời.
Để hạn chế tác dụng phụ của các loại thuốc bôi, thuốc uống cho trẻ, đa số các bậc phụ huynh lựa chọn các bài thuốc có nguồn gốc thảo dược được nghiên cứu chuyên sâu, thử nghiệm bài bản về tính hiệu quả và an toàn.
Phòng tránh nổi mẩn đỏ ở trẻ khi trời nóng
Các bệnh lý ngoài da phát sinh trong thời điểm nắng nóng thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, các vấn đề này có thể khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy, quấy khóc và mệt mỏi. Vì vậy việc chủ động phòng ngừa các vấn đề da liễu trong thời gian nắng nóng là điều rất cần thiết.
Phòng tránh nổi mẩn đỏ ở trẻ khi trời nóng với những biện pháp sau:
- Sử dụng kem chống nắng cho trẻ khi phải di chuyển và hoạt động ngoài trời. Với những trẻ dưới 12 tháng tuổi, bạn có thể thay thế sản phẩm chống nắng bằng cách thực hiện các biện pháp che chắn (dù, nón, áo khoác,…).
- Hạn chế cho trẻ chơi đùa ở ngoài trời, đặc biệt là trong khung giờ 10:00 – 15:00. Đây là thời điểm tia UV hoạt động mạnh và có khả năng gây tổn thương da cao.
- Mặc quần áo cho trẻ rộng rãi, thoáng mát.
- Thay tã thường xuyên, đồng thời nên sử dụng phấn rôm để hạn chế mồ hôi.
- Cắt móng tay, móng chân để hạn chế tình trạng trẻ gãi, cào khiến da bị tổn thương và trầy xước.
- Vệ sinh cho trẻ đúng cách.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Trẻ bị nổi mẩn đỏ khắp người là bị gì? Cách điều trị
- Mông bé bị nổi mẩn đỏ ngứa: Nguyên nhân, cách xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!