Đặt thuốc vào hậu môn cho trẻ đúng cách
Thuốc đặt hậu môn thường được sử dụng khi trẻ không thể uống thuốc hoặc nôn sau khi uống. Tuy nhiên, cần dùng đúng cách để thuốc phát huy tác dụng tối đa. Dưới đây là những lưu ý về việc đặt thuốc vào hậu môn cho trẻ đúng cách phụ huynh có thể tham khảo.
Thuốc đặt hậu môn là gì?
Thuốc đặt hậu môn (trực tràng) được bào chế hình viên đạn hoặc hình thủy lôi nhằm đặt vào hậu môn của người bệnh. Loại thuốc này thường dùng cho trẻ em bị hôn mê, không chịu uống hoặc nôn ra sau khi uống. Ngoài ra, thuốc còn được dùng cho người cao tuổi trong các trường hợp đặc biệt.
Hệ thống tĩnh mạch ở trực tràng rất dày và có lưu lượng máu tuần hoàn lớn, do đó hàm lượng thuốc được hấp thu khá tốt. Hơn nữa, thuốc đặt trực tràng đi thẳng vào tuần hoàn chung, không chuyển hóa qua gan nên hạn chế được những rủi ro và tác dụng phụ ở dạng thuốc uống.
Thuốc đặt hậu môn phổ biến nhất thường là những loại có chứa hoạt chất paracetamol (acetaminophen). Có tác dụng chủ yếu là giảm đau và hạ sốt. Một số loại thuốc khác còn có tác dụng điều trị hen suyễn, viêm nhiễm hậu môn, điều trị táo bón,…
Nhìn chung, thuốc đặt hậu môn khá an toàn. Phụ huynh có thể cân nhắc về việc sử dụng dạng thuốc này cho trẻ.
Đặt thuốc vào hậu môn cho trẻ đúng cách
Để thuốc phát huy tác dụng tốt, phụ huynh nên tìm hiểu về cách đặt thuốc vào hậu môn cho trẻ đúng cách. Dùng sai cách không chỉ ảnh hưởng đến tác dụng điều trị mà có thể khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy ở hậu môn.
- Bước 1: Để thuốc trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 15 – 20 phút để tránh tình trạng thuốc tan chảy khi tiếp xúc. Bạn cũng có thể để ở ngăn đông để rút ngắn thời gian.
- Bước 2: Lau sạch vùng hậu môn của trẻ, sau đó bạn nên rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với thuốc.
- Bước 3: Đặt trẻ nằm nghiêng, co đầu gối vào bụng
- Bước 4: Tháo bỏ bao thuốc và lấy tay giữ mông. Sau đó đưa thuốc nhẹ nhàng vào hậu môn trẻ (nên chú ý đưa đầu nhọn của thuốc vào trước).
- Bước 5: Đẩy thuốc vào sâu 1 cm (khoảng cách này đảm bảo thuốc được hấp thu tốt và không bị đẩy ra ngoài khi trẻ cử động)
- Bước 6: Dùng tay giữ hai mông khép lại trong vài phút để thuốc không rơi ra ngoài trong khoảng 3 phút. Dặn dò trẻ nằm yên khoảng 5 – 10 phút để đảm bảo thuốc thẩm thấu hoàn toàn.
Bạn nên dùng thuốc đúng liều lượng và tần suất thích hợp với trẻ. Khi dùng thuốc đặt, bạn không nên dùng thêm loại thuốc khác để tránh tình trạng quá liều. Trong trường hợp có yêu cầu từ bác sĩ, bạn có thể sử dụng kết hợp để hỗ trợ quá trình điều trị.
Thuốc đặt hậu môn có tác dụng tương đương thuốc uống, tuy nhiên hiệu quả của thuốc sẽ chậm hơn. Do đó, bạn không nên dùng hai liều thuốc quá gần nhau. Thuốc có thể gây ngứa, rát, đỏ tại vùng hậu môn của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu đi ngoài khi dùng thuốc, bạn nên ngưng dùng thuốc và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Không dùng thuốc đặt hậu môn trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị tiêu chảy
- Viêm nhiễm vùng hậu môn
- Chảy máu hậu môn
- Trẻ bị táo bón
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ. Trong trường hợp bệnh của trẻ trở nặng, tốt nhất hãy đưa trẻ đi khám và điều trị theo phác đồ chuyên biệt từ chuyên gia để có hiệu quả tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm: 12+ thuốc trị bệnh trĩ tốt nhất hiện nay và lưu ý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!