Ung thư dạ dày giai đoạn đầu: Triệu chứng và hướng điều trị
Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ người mắc bệnh và khả năng di căn sang các bộ phận khác tương đối cao. Vậy ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày có các triệu chứng và cách điều trị như thế nào?
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Theo một ước tính của Viện Ung thư quốc gia (NCI) thì trong năm 2017 có khoảng 28.000 bệnh nhân mới bị ung thư dạ dày và chiếm 1.7% tổng số ca bị ung thư ở Mỹ. Bất cứ ai cũng có thể trở thành bệnh nhân ung thư dạ dày, nhưng thực tế đã cho thấy nam giới trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn các đối tượng khác.
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu có gì khác so với các giai đoạn sau?
Thông thường thì ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh chỉ dừng lại ở mức thi thoảng với tính chất mơ hồ. Chính vì vậy mà bất cứ ai trong chúng ta cũng phải phân biệt được những giai đoạn phát triển của ung thư dạ dày để có thể phân biệt được chúng với nhau. Bệnh sẽ được chia thành 4 giai đoạn: 0-I-II-III-IV, trong đó giai đoạn 0 và I còn được gọi với cái tên thông dụng là giai đoạn đầu.
- Giai đoạn 0: Ở giai đoạn hình thành này, bệnh còn có tên là ung thư biểu mô, chỉ những khối u còn nhỏ và nằm trên niêm mạc dạ dày. Các dấu hiệu lúc này khá giống với bệnh viêm loét dạ dày.
- Giai đoạn I: Bắt đầu có sự phát triển về kích thước của khối u đồng thời xâm lấn sâu vào lớp cơ và niêm mạc dưới của dạ dày. Các tế bào ung thư bắt đầu lây lan đến hạch bạch huyết, dẫn đến các triệu chứng rõ ràng hơn.
- Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, có 3 trường hợp có thể xảy ra: khối u ít xâm lấn tới niêm mạc dưới dạ dày nhưng lại tấn công nhiều tới hạch bạch huyết; khối u xâm lấn sâu xuống niêm mạc, ít xuất hiện ở hạch bạch huyết; niêm mạc dạ dày bị khối u xâm lấn đáng kể nhưng chưa lan đến hạch bạch huyết. Người bệnh bắt đầu có thể tự nhận biết ung thư dạ dày một cách dễ dàng ở giai đoạn II.
- Giai đoạn III: Số lượng bạch huyết đã bị các khối u xâm lấn nhiều và có sự di căn đến một số cơ quan khác như gan, đại tràng, lá lách…Triệu chứng ở giai đoạn này khá tương đồng với giai đoạn cuối.
- Giai đoạn IV: Khi ung thư dạ dày đã đến giai đoạn cuối này, các tế bào ung thư có thể đã di căn đến gan, tụy, bạch huyết, xương, não…Những triệu chứng của bệnh trở nên hết sức rõ ràng và khả năng hồi phục rất thấp.
Nhận biết các triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu, giai đoạn mà các phương pháp điều trị có thể đạt được kết quả tốt nhất, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khá giống với bệnh viêm loét dạ dày, cụ thể như sau:
Những biểu hiện đầu tiên của các bất thường vẫn là cơn đau. Theo đó, người bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu sẽ có thể cảm nhận được các cơn đau xuất hiện theo từng đợt, dần dần trở nên thường xuyên hơn, mức độ đau cũng tăng lên. Và nếu như viêm loét dạ dày khiến bạn bị đau quặn từng cơn ở trước hoặc sau bữa ăn, thì ung thư dạ dày sẽ có những cơn đau khó đoán hơn rất nhiều, chúng không theo bất cứ quy luật nào cả.
– Ợ nóng, ợ chua
Đây là một trong những biểu hiện dễ bị bỏ qua nhất của ung thư dạ dày, bởi vì bất cứ vấn đề nhỏ nào trong dạ dày cũng sẽ mang đến cho chúng ta những cái ợ nóng hoặc ợ chua. Tuy nhiên, căn bệnh này sẽ khiến cho bạn thường xuyên cảm thấy đầy hơi, chướng bụng đi kèm với những đợt ợ nóng rất nhiều lần trong ngày. Mỗi lần ợ nóng hay ợ chua còn có thể kèm theo mùi hôi.
– Buồn nôn và nôn ra máu
Người bị ung thư dạ dày (giai đoạn đầu) sẽ hiếm khi nôn ra máu, nhưng buồn nôn thì rất thường xuyên. Có thể bạn sẽ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm, nhưng nếu chất nôn có lẫn máu tươi thì đừng nên xem thường.
– Chất lượng phân thấp, phân có màu đen
Cũng giống như việc nôn ra máu, tình trạng phân chuyển sang màu đen thẫm cũng chính là một biểu hiện dễ nhầm lẫn với chứng xuất huyết dạ dày. Để có thể chắc chắn rằng mình có bị ung thư dạ dày hay không, thì triệu chứng này vẫn chưa đủ để khẳng định.
– Chán ăn, sụt cân
Nếu đi kèm với các triệu chứng ở trên là cảm giác biếng ăn, sụt cân thì có nguy cơ bạn đã bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Sự hình thành các khối u có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động tiêu hóa và hấp thụ của cơ thể chúng ta, vì vậy mà người bị bệnh sẽ có những biểu hiện như sụt cân một cách nhanh chóng. Khối u càng lớn, cảm giác chán ăn của bệnh nhân sẽ càng thường xuyên xảy ra hơn.
Bên cạnh các triệu chứng thường gặp trên, ung thư dạ dày giai đoạn đầu cũng sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau khi ấn vào vùng thượng vị, khi sờ vào thấy bụng cứng và có khối u (trường hợp khối u lớn), viêm tắc tĩnh mạch, da nổi đốm đen, viêm da v.v…
Hướng điều trị bệnh ung thư dạ dày
Trước khi tìm hiểu về hướng điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu, bạn cần biết các bác sĩ đã dùng những kỹ thuật nào để có thể chẩn đoán được một người có bị ung thư dạ dày hay là không.
1. Chẩn đoán
Để tìm hiểu xem bạn có phải là một bệnh nhân dạ dày hay không, các bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc khám sức khỏe, bao gồm tiền sử bệnh của bạn cũng như các nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thư dạ dày. Tiếp theo đó là một số các xét nghiệm cần thiết như sau:
- Xét nghiệm máu
- Nội soi đại tràng
- Chụp CT có sử dụng chất lỏng GI
- Sinh thiết
Ngay sau khi xác định bạn bị ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ tư vấn cũng như giải thích về hướng điều trị cho bạn, nhằm loại bỏ tâm lí lo sợ ở bệnh nhân.
2. Điều trị
Y học hiện đại đã mang đến niềm hy vọng cho các bệnh nhân ung thư, và bạn có thể an tâm vì nếu được sớm phát hiện ở giai đoạn đầu thì khả năng hồi phục là rất khả quan.
Có nhiều phương pháp có thể được áp dụng để điều trị ung thư, riêng đối với giai đoạn đầu thì bệnh nhân thường sẽ điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ dùng các kỹ thuật chuyên khoa để loại bỏ khối u cũng như phần dạ dày đã bị xâm lấn. Trong trường hợp sự xâm lấn đã lan tới các hạch bạch huyết thì bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ loại bỏ nó ra khỏi cơ thể người bệnh.
Bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu cũng có thể được hóa trị liệu hoặc xạ trị (phá hủy các tế bào ung thư với chùm năng lượng mạnh) để ngăn sự xâm lấn. Phương pháp này thường được sử dụng trước khi phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ kích cỡ của khối u. Trong nhiều trường hợp, tế bào ung thư bị phá hủy hoàn toàn sau xạ trị, không cần phẫu thuật.
Đối với các giai đoạn sau, sự điều trị sẽ gặp khó khăn hơn và trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
3. Ngăn ngừa tái phát
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu có thể được điều trị hoàn toàn nếu gặp các điều kiện thuận lợi. Song song với đó, bệnh nhân cần biết về những biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Điều trị viêm loét dạ dày: Ngay khi dạ dày xuất hiện những vết viêm loét đầu tiên, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân và nhờ đến sự điều trị của bác sĩ. Viêm loét dạ dày nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ bị ung thư dạ dày rất cao.
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống khoa học, tốt cho dạ dày không chỉ giúp cho cơ thể nhanh chóng hồi phục sau thời gian bị bệnh mà còn ngăn ngừa ung thư dạ dày tái phát. Hãy bổ sung thêm chất xơ hòa tan, Vitamin và tránh ăn các thức ăn có vị mặn, thực phẩm chế biến sẵn.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì, cân nặng lên xuống đột ngột là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, trong đó có ung thư.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ khiến cho phổi của bạn bị viêm mà còn là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày.
- Thận trọng khi dùng thuốc giảm đau: Nếu phải sử dụng các thuốc giảm đau, mà đặc biệt là Aspirin trong thời gian dài, bạn hãy nhờ bác sĩ hướng dẫn cho cách giảm tác hại của thuốc này đối với dạ dày của mình.
Người bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu có khả năng hồi phục khá cao, nếu như được điều trị sớm. Nếu phát hiện ra bản thân hoặc những người xung quanh có các triệu chứng của bệnh, bạn cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo Thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên về điều trị chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!