Cắt amidan: Phương pháp, rủi ro trong và sau phẫu thuật
Cắt amidan là một trong những phẫu thuật phổ biến dùng để điều trị nhiễm trùng hoặc viêm amidan. Biện pháp này được chỉ định sử dụng khi chữa viêm amidan bằng thuốc không mang lại kết quả.
I. Cắt amidan là gì?
Phẫu thuật cắt amidan là một trong những phương pháp hữu hiệu được chỉ định, nhằm mục đích giúp loại bỏ các tổ chức amidan không còn vai trò miễn dịch và trở thành ổ viêm ra khỏi vùng hầu họng.
Các hạt amidan thường là hai tuyến nhỏ nằm phía sau cổ họng. Chúng chứa các tế bào bạch cầu để giúp chống nhiễm trùng. Nhưng đôi khi chính amidan lại bị nhiễm trùng dẫn đến viêm sưng và gây đau. Và triệu chứng amidan thường là khó nuốt, khó thở khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi.
→Xem thêm: Cắt amidan có hại gì không? Lợi ích và rủi ro cần biết
II. Khi nào cần tiến hành cắt amidan?
Viêm amidan là bệnh phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Nếu viêm amidan không biến chứng có thể thấy đây là một trong những tình trạng viêm có lợi cho cơ thể giúp hình thành miễn dịch cho cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Và chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên và gây biến chứng. Vì vậy, tùy trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Trường hợp viêm amidan cần tiến hành cắt bỏ để cải thiện bệnh bao gồm:
1/ Bệnh gây nhiễm trùng
Viêm amidan cấp tính tái phát 6 – 7 đợt trong năm và tái phát liên tiếp trong 2 năm hay nhiều năm liền.
Viêm amidan cấp tính tái phát kèm theo các triệu chứng như:
- Nhiễm khuẩn Streptococcus gây biến chứng viêm khớp.
- Bệnh van tim kèm theo bệnh viêm amidan tái phát do nhiễm liên cầu khuẩn.
- Sốt cao co giật.
Viêm amidan mãn tính kéo dài và thuốc không đáp ứng điều trị. Bên cạnh đó kèm thêm các triệu chứng như viêm họng cổ, đau họng dai dẳng và xuất hiện tình trạng hôi miệng.
Viêm amidan gây ra biến chứng như áp xe quanh amidan.
2/ Gây tắc nghẽn
Viêm amidan lâu ngày khiến hạt amidan bị sưng to gây tắc nghẽn đường thở. Từ đó dẫn đến tình trạng người bệnh thường xuyên thở bằng miệng hoặc ngủ ngáy gây ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, đối với trường hợp amidan phì đại gây mất cân đối (nghi ngờ u ác tính) cần được tiến hành cắt amidan.
III. Chuẩn bị những gì trước khi phẫu thuật cắt amidan?
Người bệnh cần ngừng sử dụng các loại thuốc chống viêm trước khi phẫu thuật amidan, tốt nhất nên ngưng trước hai tuần. Một số loại thuốc bệnh nhân nên ngưng dùng như naproxen, aspirin và ibuprofen,… bởi chúng làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau khi cắt amidan. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng bao gồm thuốc tây, thảo dược và thực phẩm chức năng.
Mặt khác, trước khi cắt amidan người bệnh cũng cần nhịn ăn. Ví dụ ca phẫu thuật tiến hành vào buổi sáng, bạn nên nhịn ăn sau nửa đêm. Điều này không có nghĩa là bệnh nhân không được uống. Mục đích của việc nhịn ăn là để dạ dày trống rỗng làm giảm nguy cơ buồn nôn do tác dụng phụ của thuốc gây mê gây ra.
IV. Quy trình cắt amidan được thực hiện như thế nào?
Thông thường, ca phẫu thuật cắt amidan thường mất khoảng 30 phút. Đầu tiên, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Tiếp đến, chuyên viên phẫu thuật sẽ thực hiện cắt amidan qua đường miệng. Cuối cùng, sử dụng biện pháp để cầm máu.
V. Các phương pháp cắt amidan
Amidan được phẫu thuật theo những phương pháp sau đây:
1/ Phương pháp bóc tách truyền thống
Là một trong những phương pháp phẫu thuật phổ biến trước đây. Tuy nhiên, đến nay phương pháp bóc tách phần lớn đã được thay thế bằng các biện pháp phẫu thuật ít xâm lấn.
Phẫu thuật amidan bằng phương pháp bóc tách truyền thống là cách loại bỏ amidan bằng sử dụng dao, kéo, kẹp. Ưu điểm của biện pháp này là amidan được loại bỏ hoàn toàn và lớp bề mặt amidan lành, đẹp. Nhược điểm là có thể gây chảy máu trong và sau phẫu thuật.
2/ Electrocautery
Là phương pháp sử dụng năng lượng điện để tách mô amidan. Electrocautery giúp làm giảm mất máu trong khi mổ, nhưng theo một số nghiên cứu chỉ ra đốt điện ở nhiệt độ cao có thể gây tổn thương đến các mô xung quanh. Điều này có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hơn sau khi phẫu thuật.
3/ Cắt amidan bằng sóng vô tuyến
Sử dụng sóng vô tuyến để cắt amidan với điều kiện người bệnh đã được gây tê cục bộ hoặc gây tê nhẹ. Cách cắt amidan này không để lại sẹo và kích thước amidan có thể giảm sau vài tuần trị liệu. Bên cạnh đó, ưu điểm nổi bật nhất là người bệnh có thể quay trở lại làm việc ngay sau đó.
Cắt amidan bằng sóng vô tuyến thường được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp amidan mở rộng, mãn tính và tái phát nhiều lần.
4/ Phẫu thuật cắt amidan bằng sóng radio cao tần (công nghệ Coblator)
Là phương pháp sử dụng sóng radio cao tần để thực hiện cắt amidan. Biện pháp này ít gây chảy máu, thời gian thực hiện nhanh và vết mổ mau chóng lành.
5/ Phương pháp áp lạnh
Biện pháp cắt amidan này thường ít được sử dụng. Bởi chúng tồn tại khá nhiều nhược điểm như để sót amidan hoặc gây tổn thương trên diện rộng, để lại sẹo sau khi phẫu thuật.
6/ Cắt amidan bằng Laser
Phẫu thuật cắt amidan bằng Laser hiện nay không còn phổ biến nhưng trước đây phương pháp này được rất nhiều cơ sở y tế áp dụng. Đối với biện pháp này, kỹ thuật viên phẫu thuật sẽ dùng tia Laser để đốt phần amidan bị viêm. Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ. Và trong quá trình thực hiện bệnh nhân vẫn nhận thức được nhưng không cảm thấy đau.
VI. Rủi ro trong và sau khi phẫu thuật amidan là gì?
Phẫu thuật amidan cũng giống như những loại phẫu thuật khác đều có những rủi ro nhất định. Cụ thể:
1/ Phản ứng với thuốc gây mê
Khi gây mê, người bệnh thường phải trải qua 4 – 5 mũi tiêm bao gồm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc mê. Và các loại thuốc này thường gây nên những ảnh hưởng nhất định lên bệnh nhân như đau đầu, nhức cơ bắp, buồn nôn. Mặc dù gây mê toàn thân không phải không có nguy cơ tử vong nhưng các vấn đề nghiêm trọng do thuốc gây ra thường rất hiếm.
2/ Chảy máu
Chảy máu là một trong những biến chứng thường gặp khi phẫu thuật cắt amidan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chảy máu nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách có thể gây tử vong.
Ngoài các biến chứng này, phẫu thuật amidan có thể gây sưng các mô mềm ở vòm họng dẫn đến tình trạng bệnh nhân khó thở. Bên cạnh đó, sau phẫu thuật nếu vết cắt không được xử lý tốt sẽ gây nhiễm trùng, nặng có thể đe dọa đến tính mạng.
VII. Biện pháp chăm sóc hậu phẫu thuật cắt amidan
Sau phẫu thuật cắt amidan bệnh nhân có thể về nhà ngay hôm sau. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức ở vết cắt hoặc đau ở phía sau họng, hàm, tai… vẫn xảy ra. Nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt là trong 2 đến 3 ngày đầu sau phẫu thuật có thể là giải pháp hữu ích giúp vết cắt lành nhanh.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh xa các hoạt động đòi hỏi sức lực cao như đạp xe, chạy bộ ít nhất hai tuần sau phẫu thuật. Nhâm nhi một ít nước đá vừa giúp bù nước sau phẫu thuật vừa giúp vết thương mau lành, ngăn ngừa chảy máu. Thức ăn mềm, dễ nuốt là một trong những lựa chọn lý tưởng để giúp quá trình hồi phục bệnh nhanh hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh xa các thức ăn cay nóng, cứng,… trong vài ngày kể từ khi phẫu thuật.
Thuốc giảm đau có thể làm giảm cảm giác khó chịu nhưng người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo toa thuốc bác sĩ kê. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện tình trạng chảy máu hoặc sốt sau khi phẫu thuật amidan. Ngoài ra, nên gọi cho nhân viên chăm sóc sức khỏe khi có dấu hiệu khó thở.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề cắt amidan, bạn nên liên hệ và nhận sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
ThuocDanToc.VN không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Cắt amidan xong mấy ngày thì nói được bình thường?
- Nên ăn gì và kiêng gì sau khi phẫu thuật cắt amidan?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!