Viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không, chữa được không?
Bệnh viêm amidan khi đã chuyển biến sang giai đoạn mãn tính thì sẽ rất khó điều trị, cùng với đó là tiềm ẩn nguy cơ phát sinh biến chứng. Viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không và có cách nào để điều trị triệt để? Vấn đề đang được nhiều người quan tâm sẽ được làm rõ với thông tin được đề cập trong bài viết bên dưới.
Thông tin tổng quan về bệnh viêm amidan mãn tính
Bệnh viêm amidan mãn tính đặc trưng bởi tình trạng amidan bị sưng viêm do nhiễm trùng kéo dài, thường trên 2 tuần. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại còn có thể khiến cho các nang trong amidan hình thành và chứa đầy vi khuẩn.
Bệnh có thể khởi phát ở bất cứ nhóm đối tượng nào, song thống kê ghi nhận rằng ở trẻ em vẫn là phổ biến hơn cả. Những người sinh sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên hít phải khói thuốc lá hay tiếp xúc với người bệnh nhiễm trùng hô hấp thì nguy cơ mắc bệnh viêm amidan mãn tính cũng sẽ cao hơn.
Cũng giống như ở giai đoạn cấp tính, viêm amidan mãn tính thường đi kèm với những triệu chứng như sau:
- Thường có cảm giác nuốt vướng ngay tại cổ họng
- Ho: Chủ yếu là ho khan theo từng cơn
- Rát họng, có sự thay đổi giọng nói
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu ngay cả khi vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Thể trạng gầy yếu, da xanh, hay sốt về chiều
- Sưng hạch bạch huyết
- Nếu ở trẻ em thì trẻ thường thở khò khè, ngủ ngáy to
So với giai đoạn cấp tính thì việc điều trị viêm amidan mã tính sẽ phức tạp hơn. Thêm vào đó bệnh còn dễ tái phát và tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng phát sinh nếu như không điều trị sớm và chăm sóc đúng cách.
Bạn nên biết: Viêm amidan gây đau tai và những điều cần lưu ý
Viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không?
Không riêng bệnh viêm amidan mà bất cứ bệnh lý nào khi đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì đều khó điều trị và trở nên nguy hiểm hơn. Bệnh viêm amidan khi đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì các triệu chứng thường kéo dài dai dẳng và rất khó khắc phục. Tình trạng nhiễm trùng lúc này đã diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng. Nhiễm trùng không chỉ khiến amidan bị tổn thương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đế các khu vực cận kề, nhất là vòm họng.
So với giai đoạn cấp tính thì bệnh viêm amidan mãn tính sẽ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Lúc này, người bệnh sẽ đứng trước nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh. Các biến chứng này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe mà trong nhiều trường hợp còn đe dọa cả tính mạng.
Cùng tìm hiểu những biến chứng của viêm amidan mãn tính để có thể hình dung rõ hơn bệnh có thật sự nguy hiểm hay không:
1. Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Trong tất cả các biến chứng mà bệnh viêm amidan mãn tính gây ra thì đây được nhận định là biến chứng thường gặp nhất. Tình trạng ngưng thở khi ngủ thường phát sinh khi nhiễm trùng phát triển mạnh khiến cho amidan sưng to. Lúc này, sự phình đại quá mức của amidan sẽ chèn ép, đồng thời gây tắc nghẽn đường thở.
Người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải hiện tượng khó thở, đôi khi còn thở dốc hay dùng sức lấy hơi để cố hít thở. Nhiều trường hợp còn bị nhưng thở tạm thời khi ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ rất dễ phát sinh thêm nhiều biến chứng. Không chỉ là giảm trí nhớ hay mất tập trung mà còn có thể là tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim.
2. Áp xe amidan
Biến chứng này thường phát sinh khi nhiễm trùng amidan xuất hiện dịch mủ. Sốt cao, đau họng dữ dội, môi khô, mệt mỏi, hơi thở hôi… là những triệu chứng có thể đi kèm.
Áp xe amidan nếu không được can thiệp sớm cũng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Phải kể đến như áp xe thành bên họng, phù nề thanh quản, viêm tắc xoang hang hay gây hạch góc hàm. Một số trường hợp còn làm tổn thương thành động mạch cảnh trong và gây nhiễm khuẩn huyết.
3. Viêm mô tế bào amidan
Biến chứng này đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng tấn công vào tận trong mô tế bào sâu nhất tại amidan. Các triệu chứng điển hình nhất của viêm mô tế bào amidan bao gồm cứng khít hàm, đau họng nặng, nuốt đau, khó cử động hàm.
Tình trạng nhiễm trùng có thể nhanh chóng lan rộng vào sâu bên trong thành họng. Người bệnh sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn, trong đó nguy hiểm nhất là ung thư vòm họng.
4. Viêm cầu thận
Một trong những nguyên nhân gây viêm cầu thận phổ biến là do tình trạng viêm amidan mãn tính kéo dài và thường xuyên tái phát. Biến chứng viêm cầu thận thường xuất hiện khi vi khuẩn Streptococcus nhóm A phát triển nhanh.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, biến chứng viêm cầu thận thường xuất hiện ở dạng cấp tính. Các triệu chứng thường gặp là sốt nhẹ, đau tức vùng thận, đau bụng, buồn nôn, đôi khi bị đau quặn thận, nước tiểu biến đổi…
Tình trạng viêm cầu thận cấp nếu không can thiệp kịp thời sẽ là nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác. Điển hình như suy thận cấp hoặc suy tim cùng nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe.
5. Sốt thấp khớp
Đây cũng là một trong những biến chứng rất dễ phát sinh khi bệnh viêm amidan mãn tính kéo dài mà không được kiểm soát. Sốt thấp khớp thường xảy ra khi hệ miễn dịch phát sinh phản ứng nhằm tấn công vi khuẩn Streptococcus nhóm A.
Khi biến chứng sốt thấp khớp phát sinh, người bệnh sẽ gặp phải nhiều triệu cứng kích hoạt đồng thời. Có thể là sưng đau, nóng đỏ các khớp, sốt cao, đau tức ngực, rối loạn cảm giác, người mệt mỏi, tim đập nhanh… Người bệnh đứng trước nguy cơ cao bị tổn thương van tim hay nghiêm trọng hơn là suy tim.
Bệnh viêm amidan mãn tính có chữa được không?
Bệnh viêm amidan mặc dù đã chuyển sang giai đoạn mãn tính nhưng hoàn toàn có thể khắc phục nếu như nghiêm túc điều trị. Dưới đây là một số phương pháp có thể đáp ứng với triệu chứng của bệnh viêm amidan mãn tính:
1. Sử dụng thuốc Tây
Sử dụng thuốc Tây được cho là phương pháp điều trị phổ biến nhất với bệnh viêm amidan mãn tính. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Tiếp đến là lên toa thuốc phù hợp với từng đối tượng người bệnh.
Các loại thuốc được chỉ định có thể là:
- Giảm đau hạ sốt
- Chống viêm không steroid
- Kháng sinh đường uống hay dạng tiêm
- Thuốc xịt tại chỗ
- Thuốc giảm ho, long đờm
Tất cả các loại thuốc Tây đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tác dụng ngoại ý. Cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ và kịp thời báo cáo khi gặp các vấn đề bất thường trong quá trình điều trị.
2. Điều trị bằng thuốc dân gian
Sử dụng các bài thuốc dân gian chữa viêm amidan mãn tính sẽ không giải quyết triệt để được bệnh nhưng lại có tác dụng tích cực với các triệu chứng. Có thể hỗ trợ quá trình điều trị bệnh diễn ra nhanh chóng hơn.
Có thể áp dụng một trong những cách sau đây:
- Sử dụng rau diếp cá: Chỉ cần chuẩn bị 1 nắm rau diếp cá tươi đem rửa sạch với nước muối loãng rồi ăn trực tiếp. Hoặc người bệnh cũng có thể ép rau diếp cá thành nước để uống.
- Dùng mật ong: Mỗi lần dùng khoảng 1 muỗng cà phê mật ong. Đem ngậm trong miệng rồi nuốt từ từ để mật ong có thể sát khuẩn và làm dịu hầu họng.
- Sử dụng tỏi: Chỉ cần dùng 2 – 3 tép tỏi tươi đem bóc sạch vỏ, giã nát rồi ngâm với 1 muỗng mật ong trong 2 tiếng. Từ từ uống hỗn hợp để giúp làm dịu cổ họng và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng lây lan.
Đối với các mẹo dân gian, người bệnh nên tìm hiểu kỹ càng, tốt nhất cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng. Thực hiện không đúng cách có thể khiến cho bệnh tình diễn tiến xấu đi, tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Xem thêm: 4 Cách chữa viêm amidan bằng rau diếp cá đơn giản, hiệu quả
3. Chăm sóc tại nhà
Để nhanh chóng điều trị triệt để bệnh viêm amidan mãn tính thì ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, bạn cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Hãy quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sau đây:
- Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, không nên nói quá nhiều hay quá lớn.
- Uống nhiều nước hơn để tránh bị khô và khó chịu cổ họng. Nên uống nước sôi ấm, ngoài ra có thể bổ sung thêm nước ép trái cây hay rau củ.
- Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để súc miệng và súc họng.
- Sử dụng máy tạo đổ ẩm không khí, nhất là trong những ngày thời tiết hanh khô.
- Tránh các tác nhân gây kích thích như thuốc lá hay những nơi có khói bụi nhiều.
Tham khảo: Các thực phẩm nên ăn khi bị viêm amidan và những loại cần tránh
4. Phẫu thuật
Trong nhiều trường hợp, bệnh viêm amidan cần can thiệp phẫu thuật kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm phát sinh. Phẫu thuật cắt amidan hiện đang rất phổ biến nhưng cần sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Việc cắt amidan trong việc điều trị viêm amidan mãn tính có thể được chỉ định khi:
- Tình trạng nhiễm trùng amidan tái diễn khoảng 5 – 6 lần mỗi năm.
- Có dấu hiệu viêm amidan quá phát khiến đường thở bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
- Bệnh diễn tiến nặng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng.
- Việc điều trị nội khoa không đáp ứng được diễn tiến của bệnh.
Tình trạng viêm amidan mãn tính không chỉ khó điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế mà người bệnh cần thường xuyên thăm khám để kiểm soát diễn tiến của bệnh. Đồng thời nghiêm túc trong điều trị cũng như chăm sóc tại nhà để nhanh chóng đẩy lùi bệnh, ngăn ngừa biến chứng phát sinh.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm Amidan Không Sốt Và Những Điều Bệnh Nhân Cần Biết
- 7 Cách Chữa Viêm Amidan Bằng Thảo Dược Tự Nhiên Hiệu Quả Cao
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!