Ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ là bệnh gì? Cách trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Ngứa ngáy khắp người không nổi mẩn đỏ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, gãi liên tục dẫn đến da bị sần sùi và bong tróc. Điều này gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày cũng như tâm lý của bệnh nhân.

Tình trạng ngứa khắp người mà không nổi mẩn đỏ còn là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Đôi khi bạn chỉ đơn thuần cảm thấy ngứa, nhưng bên trong cơ thể lại có những biến động khôn lường.

Hiện tượng ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ

Ngứa khắp người nhưng không nổi mẩn đỏ là hiện tượng rất nhiều người gặp phải. Lúc này, da toàn thân đều có cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Một số trường hợp cơn ngứa chỉ râm ran và thi thoảng mới xuất hiện nhưng ngược lại có người bị ngứa ngoài da dữ dội, càng gãi càng ngứa. Cảm giác ngứa xuất hiện cả vào ban đêm dẫn đến khó ngủ, mất ngủ.

Ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ
Ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ là triệu chứng của nhiều bệnh

Hiện tượng ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ có thể xuất hiện đơn độc hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác như:

  • Khô da
  • Da bong tróc, sưng phù
  • Tê ngứa râm ran ở lòng bàn tay, bàn chân
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Bất thường khi đi tiểu, chẳng hạn như tiểu nhiều lần
  • Vàng da…

Ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ là bệnh gì?

Ngứa khắp người không phải là bệnh lý, nhưng lại là dấu hiệu của một số căn bệnh tiềm ẩn. Khi ngứa, bạn sẽ muốn gãi mạnh lên vùng da đó thật lâu để giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, bạn cần thăm khám để biết chính xác mình bị căn bệnh gì mà có hướng điều trị thích hợp:

1. Bệnh về thận

Thận là một cặp cơ quan nằm ở đáy lồng và đối xứng hai bên cột sống. Một cơ thể khỏe mạnh thì phải cần đến thận hoạt động tốt vì đây là cơ quan khá quan trọng.

Thận giúp lọc máu cũng như loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, cơ quan này còn giúp điều chỉnh nồng độ pH, kali và muối trong cơ thể.

Nếu thận gặp những biến chứng gây “trục trặc” hoặc suy giảm chức năng thì người bệnh dễ gặp các chứng tiểu đường, cao huyết áp và các bệnh mạn tính khác. Đặc biệt, do không có bộ máy lọc này thì chất độc không được đào thải, tích tụ trong cơ thể lâu ngày và bộc phát ra bên ngoài gây tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ.

Ngoài ra, người mắc các bệnh về thận còn gặp phải các triệu chứng khác như đi tiểu nhiều lần, hay mót tiểu, protein niệu, suy giảm sinh lý… tùy theo vấn đề đang gặp phải.

2. Bệnh tiểu đường gây ngứa khắp người mà không nổi mẩn

Tiểu đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa nội tiết khiến lượng đường trong máu cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các hormone insulin chuyển đường từ máu vào các tế bào có mật độ quá thấp, khiến hoạt động không hiệu quả nên gây bệnh. Bệnh tiểu đường làm cơ thể bạn không có khả năng tạo ra insulin hoặc sử dụng insulin để đào thải đường huyết.

Người bị bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường type 2 thường ngứa ngáy da dữ dội, gãi da chảy máu mà vết thương lâu lành, đi tiểu thường xuyên, giảm cân đột ngột, hay khát nước, thèm ăn…

3. Ngứa khắp người do mắc bệnh Celiac

Celiac là căn bệnh gây rối loạn hệ tiêu hóa do hệ miễn dịch có những phải ứng bất thường với gluten – một loại protein được tìm thấy nhiều ở lúa mì, lúa mạch, bột yến mạch và các loại ngũ cốc khác. Nếu cơ thể bạn quá nhạy cảm với gluten dễ gây những tổn thương nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa.

Theo Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận tại Hoa Kỳ cho biết, cứ 141 người thì sẽ có một người Mỹ bị chứng bệnh loét dạ dày do dị ứng gluten. Ngoài ra, căn bệnh Celiac còn khiến người bệnh rối loạn da, gây tê và ngứa râm ran ở bàn tay, bàn chân hoặc ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ, thường xuyên mệt mỏi, có hiện tượng co giật, dễ sảy thai hoặc vô sinh – hiếm muộn.

4. Bệnh viêm gan tự miễn (AIH)

Đây là căn bệnh khá nguy hiểm vì các tế bào gan của bạn bị chính hệ miễn dịch của cơ thể bạn tấn công. Bệnh này có tính chất mãn tính và thường di truyền từ người thân trong gia đình.

Chứng gan tự miễn gây ngứa khắp người mà không nổi mẩn đỏ
Chứng gan tự miễn gây ngứa ngáy khắp người vì không đào thải hết độc tố trong cơ thể

Viêm gan tự miễn thường gây nên những bất thường ở mạch máu trên da, gây vàng da và vàng mắt, ngứa ngáy toàn thân do chất độc tích tụ tại mật, thường xuyên mệt mỏi, ăn không ngon miệng, hay buồn nôn, nước tiểu sậm màu và có mùi hôi, phân nhạt màu…

Tìm hiểu thêm: Bệnh Viêm Gan Tự Miễn Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị

5. Bệnh viêm tuyến giáp gây ngứa khắp người mà không nổi mẩn

Tuyến giáp là cơ quan ở trước cổ có chức năng sản xuất các loại hormone. Những hormone này giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và chuyển hóa thức ăn hiệu quả. Ngoài ra, tuyến giáp còn đóng một vai trò khá quan trọng trong việc khống chế tình cảm của bạn như cảm xúc sợ hãi, phấn khích vui vẻ.

Việc tuyến giáp của bạn bị virus tấn công gây viêm nhiễm khiến bạn bị cường giáp hoặc suy giáp đều ảnh hưởng đến chức năng tạo hormone của cơ thể. Người bệnh thường xuyên lo âu, mệt mỏi, khàn tiếng, ngứa ngáy dữ dội bên ngoài da, khiến người bệnh thường xuyên cáu gắt, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

6. Nhiễm giun sán

Căn bệnh này thường gặp ở những người có thói quen ăn đồ sống, không sử dụng thuốc tẩy giun định kỳ. Chất thải của giun sán có thể đi vào máu và kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh gây ngứa khắp người.

Xem thêm: Nổi mề đay do giun sán ký sinh – Bệnh nguy hiểm khó chẩn đoán

Các nguyên nhân khác gây ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ

Đôi khi, hiện tượng ngứa khắp người không nổi mẩn có thể xuất phát từ những nguyên nhân thông thường không liên quan đến các vấn đề về y tế. Chẳng hạn như:

  • Cơ địa da khô
  • Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh hay độ ẩm không khí thấp
  • Sử dụng sữa tắm không phù hợp gây kích ứng da và dẫn đến ngứa ngáy toàn thân
  • Điều kiện vệ sinh kém. Không tắm rửa, thay quần áo thường xuyên. Tuy nhiên, một số trường hợp do tắm quá nhiều làm mất đi lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên trên bề mặt da và gây khô da, từ đó cũng gây cảm giác ngứa khắp người mà không nổi mẩn đỏ.
  • Các vấn đề về tâm lý: Căng thẳng, lo âu quá mức cũng có thể kích hoạt cơn ngứa bùng phát ngoài da toàn thân.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, da thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn
  • Thay đổi nội tiết ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai và mãn kinh gây khô da, ngứa ngáy khắp cơ thể.

Như vậy, tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ có nguyên nhân khá đa dạng. Nếu tự chẩn đoán tại nhà rất dễ mắc sai lầm và dẫn đến điều trị không đúng cách. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng chữa trị cho phù hợp.

Cách trị ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ sẽ được thực hiện sau khi có kết quả chẩn đoán bệnh. Bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… kết hợp khai thác tiền sử mắc bệnh và các triệu chứng liên quan để xác định nguyên nhân gây ngứa và mức độ nghiêm trọng của cơn ngứa.

Chứng ngứa da khắp người mà không nổi mẩn chủ yếu được điều trị bằng nội khoa với các loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc kháng histamin: Loại thuốc này có tác dụng chống lại dị ứng, giảm ngứa da nhanh chóng bằng cách ức chế hoạt động của histamin. Thuốc có thể gây buồn ngủ nên thường được chỉ định sử dụng vào buổi tối.
  • Thuốc corticosterod: Loại thuốc này thường được bác sĩ kê đơn cho các trường hợp bị ngứa toàn thân nặng kèm viêm da. Do có nhiều tác dụng phụ, loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ, bà bầu và phụ nữ đang cho con bú. Trường hợp sử dụng thuốc corticosterod chữa ngứa khắp người không nổi mẩn quá 7 ngày cần được sự cho phép của bác sĩ.
  • Thuốc gây tê: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm cảm giác ngứa da bằng cách gây tê nhẹ ở dây thần kinh, ngăn chặn quá trình truyền phát cảm giác ngứa về hệ thần kinh trung ương. Thường được sử dụng là thuốc Benzocain hay Pramoxine,…
Cách trị ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ bằng thuốc tây
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ giúp giảm nhanh cơn ngứa và khắc phục nguyên nhân gây bệnh

Bên cạnh các loại thuốc trên, bác sĩ có thể kê đơn kèm theo một số loại thuốc để điều trị các bệnh lý liên quan. Một khi nguyên nhân gây bệnh được giải quyết thì tình trạng ngứa khắp người nổi mẩn đỏ cũng chấm dứt.

Chăm sóc da đúng cách khi bị ngứa khắp người mà không nổi mẩn đỏ

Khi bị ngứa khắp người, bạn cần chú ý chăm sóc da đúng cách để tránh bị nhiễm trùng. Liên quan đến vấn đề này bạn cần lưu ý:

  • Giữ gìn vệ sinh da sạch sẽ. Thường xuyên tắm rửa với nước lạnh, nước ấm hoặc xà phòng dịu nhẹ. Tránh sử dụng sữa tắm có chất tẩy mạnh hoặc tắm với nước quá nóng gây khô và kích ứng da, làm cơn ngứa nghiêm trọng hơn.
  • Trường hợp da bị khô, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày 2 lần. Kết hợp uống nhiều nước để bổ sung chất lỏng và thanh lọc độc tố tích tụ dưới da.
  • Ngoài sữa dưỡng ẩm, kem thuốc hay các sản phẩm vệ sinh da do bác sĩ chỉ định, tránh thoa bất kỳ loại mỹ phẩm nào lên da, ít nhất là cho đến khi cơn ngứa chấm dứt hẳn. Loại bỏ các sản phẩm chăm sóc da nghi ngờ chứa chất gây kích ứng cho làn da của bạn.
  • Khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi nên nhanh chóng dùng khăn thấm khô và tắm rửa, thay đồ trong thời gian sớm nhất có thể.
  • Tránh sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
  • Không để da tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, hóa chất hay chất tẩy rửa
  • Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, có chất lượng mềm mại và khả năng thấm hút mồ hôi cao. Tránh mặc đồ bó sát khiến da bị cọ sát và bí bách mồ hôi, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm da, ngứa khắp người.
  • Không dùng tay hay các vật cứng chà sát hoặc cào gãi mạnh lên da khi bị ngứa. Hành động này sẽ khiến da bạn bị tổn thương, chảy máu, nhiễm trùng và để lại sẹo xấu.
  • Tránh để thần kinh bị căng thẳng quá mức. Hãy trò chuyện với các chuyên gia tâm lý nếu bạn có dấu hiệu bị trầm cảm, rối loạn thần kinh.
  • Kiêng ăn đồ nóng, các món ăn cay và những thực phẩm chứa nhiều histamin như hải sản, thịt đỏ. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều rau xanh, uống nước ép trái cây để bổ sung dưỡng chất làm tăng sức đề kháng cho da, giúp cơ thể có khả năng miễn dịch tốt hơn.
  • Tập thể dục mỗi ngày để tăng cường đào thải độc tố qua tuyến mồ hôi, đồng thời kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, tái tạo các tế bào da mới.
  • Ngủ đủ giấc. Duy trì một lối sống lành mạnh cũng là một cách đơn giản để bảo vệ làn da của bạn và giảm thiểu tối đa nguy cơ bị ngứa khắp người không nổi mẩn đỏ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về tình trạng ngứa khắp người nhưng không nổi mẩn đỏ dành cho người bệnh. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được một số ảnh hưởng đến làn da hay cuộc sống hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Da bị nứt nẻ ở tay chân do nguyên nhân nào? Xử lí ra sao?

Da bị nứt nẻ ở tay chân là tình trạng không hiếm gặp, thường xảy ra nhiều vào mùa đông...

7 Cách dùng nha đam trị rụng tóc hiệu quả, tóc mọc lại nhanh

Nha đam là một trong những nguyên liệu thiên nhiên được nhiều tín đồ làm đẹp lựa chọn để chăm...

Dị ứng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Dị ứng là một dạng rối loạn quá mẫn của hệ thống miễn dịch đối với các chất lạ vô...

Vẩy nến và béo phì: Tìm hiểu mối liên hệ giữa chúng

Bạn có biết rằng bệnh vẩy nến có liên quan chặt chẽ đến cân nặng của bạn. Theo thống kê...

Thuốc sinh học Secukinumab và thông tin cần biết

Thuốc sinh học Secukinumab và thông tin cần biết

Thuốc sinh học Secukinumab được sử dụng với dạng tiêm, điều trị tình trạng vảy nến thể trung bình hoặc...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *