Men Gan Cao Là Gì? Có Nguy Hiểm? Cách Khắc Phục

Men gan được xác định là chất xúc tác sinh học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất của cơ thể. Men gan cao là triệu chứng rõ ràng nhất cho thấy chức năng gan suy giảm, tế bào gan bị tổn thương. Ngoài ra tình trạng này cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cụ thể như bệnh viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính trong giai đoạn đang hoạt động, tắc đường mật, xơ gan, ung thư gan…

Thế nào là men gan?

Men gan là các enzyme xúc tác sinh học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các phản ứng sinh hóa tại gan, giúp cơ quan này dễ dàng hoạt động hơn trong quá trình chuyển hóa các chất của cơ thể.

Tìm hiểu men gan cao là gì? Có nguy hiểm không?
Tìm hiểu men gan cao là gì? Có nguy hiểm không? Cách khắc phục và biện pháp phòng ngừa

Có 4 loại men gan, bao gồm:

  • Aspartate transaminase (SGOT hoặc AST): 20 – 40 UI/L. Aspartate transaminase là men gan trong tế bào gan. Ngoài ra loại men gan này còn xuất hiện ở mô tim, thận và cơ. Gan bị tổn thương có thể khiến nồng độ AST tăng.
  • Alanine transaminase (SGPT hoặc ALT): 20 – 40 UI/L. Alanine transaminase được xác định là men ở gan. Loại men gan này xuất hiện trong bào tương. Nồng độ ALT tăng cho thấy những tổn thương đang xuất hiện ở gan.
  • Gamma-glutamyl transferase (GGT): 20 – 40 UI/L. Gamma-glutamyl transferase xuất hiện trong tế bào thành ống mật. Nồng độ GGT tăng chứng minh bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh đường mật và bệnh viêm gan mãn tính.
  • Phosphatase kiềm (ALP): 30 – 110 UI/L. ALP được tìm thấy ở xoang mạch gan và các vi-ti mật quản trong đơn vị cấu trúc cơ bản gan. Nồng độ ALP thường tăng cao khi người bệnh mắc các bệnh lý về xương hoặc bị tắc nghẽn đường mật.

Thông thường khi những tế bào gan dần chết đi do sự tác động của quá trình lão hóa, tại gan sẽ phóng thích một lượng men gan vào máu với nồng độ dưới 35 UI/L.

Do sự tác động của một hoặc nhiều nguyên nhân nào đó, các tế bào gan bị phá hủy nhiều hơn và nhanh chóng hơn. Điều này khiến nồng độ men gan trong máu tăng cao.

Men gan cao là gì?

Men gan cao thể hiện cho tình trạng các tế bào gan tổn thương và đang bị phá hủy bởi sự tác động của một hoặc nhiều tác nhân nào đó. Chỉ số men gan càng tăng cao, mức độ tổn thương và tổng số tế bào gan bị phá hủy càng nặng nề.

Tình trạng này thường phát sinh ở những bệnh nhân bị viêm gan hoặc gan bị tổn thương và gặp vấn đề do sử dụng một số loại thuốc làm tăng men gan, những người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

Dựa vào chỉ số men gan, men gan cao được đánh giá và phân thành 3 mức độ. Gồm:

  • Mức độ nhẹ: So với mức bình thường, chỉ số men gan tăng cao từ 1 đến 2 lần.
  • Mức độ trung bình: So với mức bình thường, chỉ số men gan tăng cao từ 2 đến 5 lần.
  • Mức độ  nặng: So với mức bình thường, chỉ số men gan tăng cao trên 5 lần.
Men gan cao thể hiện cho tình trạng các tế bào gan tổn thương và đang bị phá hủy
Men gan cao thể hiện cho tình trạng các tế bào gan tổn thương và đang bị phá hủy bởi sự tác động của một hoặc nhiều nguyên nhân

Tham khảo thêm: 7+ cách giảm men gan tự nhiên, hiệu quả tại nhà

Nguyên nhân nào dẫn đến men gan cao?

Nhiều nguyên nhân có khả năng tác động và khiến men gan cao. Bao gồm:

1. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng mỡ tích tụ một cách bất thường ở gan đối với những người không uống hoặc ít uống rượu. Bệnh lý này được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất khiến tế bào gan bị tổn thương và làm tăng các chỉ số men gan.

Phần lớn trường hợp chủ quan cho rằng gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên nếu chậm trễ trong quá trình kiểm soát bệnh lý trong giai đoạn phát triển, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như bệnh xơ gan và ung thư gan.

2. Viêm gan tự miễn

Chỉ số men gan có thể tăng cao khi bệnh nhân mắc chứng viêm gan tự miễn. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể gặp vấn đề, phát sinh nhiều nhầm lẫn và tấn công các tế bào gan khỏe mạnh.

Hiện tại nguyên nhân chính khiến hệ miễn dịch nhầm lẫn làm phát sinh bệnh viêm gan tự miễn vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường sống.

Khi bị viêm gan tự miễn, bệnh nhân có thể mắc chứng biếng ăn, mệt mỏi, đau cơ, khó chịu ở bụng và phù nề.

3. Viêm gan siêu vi

Có 5 loại virus làm phát sinh bệnh viêm gan siêu vi. Bao gồm: Viêm gan A (Hepatitis A virus – HAV), viêm gan B (Hepatitis B virus – HBV), viêm gan C (Hepatitis C virus – HCV), viêm gan D (Hepatitis D virus – HDV), viêm gan E (Hepatitis E virus – HEV). Theo nghiên cứu, chỉ số men gan tăng cao khi các bệnh viêm gan siêu vi xuất hiện

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các virus sẽ nhanh chóng bám vào gan và hủy hoại các tế bào ở cơ quan này. Trong đó Hepatitis B virus và Hepatitis C virus có khả năng làm phát sinh bệnh viêm gan ở hai thể. Bao gồm thể cấp tính và thể mạn tính.

Khi viêm gan siêu vi chuyển sang thể mạn tính, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan siêu vi
Viêm gan siêu vi là nguyên nhân phổ biến làm tăng men gan

4. Lạm dụng thuốc điều trị

Hầu hết các loại thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng lao… đều được chuyển hóa thông qua gan. Việc lạm dụng thuốc điều trị, dùng thuốc dài ngày có thể tăng áp lực và khiến tế bào gan bị tổn thương. Đồng thời làm tăng men gan và tăng nguy cơ ngộ độc gan.

Ngoài ra theo kết quả nghiên cứu, việc lạm dụng thực phẩm chức năng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan và men gan cao.

5. Có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh

Việc sử dụng những loại thực phẩm, thức uống không đảm bảo vệ sinh, chứa chất bảo quản, mốc… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm gan hình thành và phát triển. Đồng thời làm tăng men gan và phát sinh bệnh ung thư gan ở trường hợp nặng.

Nguyên nhân là do những loại thực phẩm, thức uống không đảm bảo vệ sinh, chứa chất bảo quản, mốc… đều chứa một lượng aflatoxin nhất định và các độc tố. Những chất này có khả năng gia tăng áp lực, làm tổn thương tế bào gan và khiến chức năng gan suy giảm.

Ngoài ra việc thường xuyên sử dụng thực phẩm nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, thức ăn mặn, đồ ăn nhiều đường, thực phẩm chứa cồn, thức ăn nhanh… cũng làm tăng áp lực lên gan và khiến chức năng gan bị suy giảm.

6. Bệnh về đường mật

Một số bệnh lý về đường mật như sỏi đường mật, viêm đường mật, giun chui ống mật, khối u đường mật, nhiễm trùng đường mật… thường liên quan đến các tế bào và chức năng của gan. Nguyên nhân là do dịch mật bị tắc nghẽn, đường dẫn mật bị phù nề sẽ tác động và làm tăng áp lực lên gan. Từ đó khiến chỉ số men gan tăng cao.

7. Lạm dụng rượu bia

Chỉ số men gan tăng cao có thể do người bệnh tiêu thụ quá nhiều rượu bia. Nguyên nhân là do việc lạm dụng rượu bia sẽ khiến gan hoạt động mạnh và liên tục để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Từ đó làm gia tăng áp lực lên gan, khiến chức năng gan suy yếu, các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng.

Ngoài tăng men gan và viêm gan, việc uống nhiều rượu bia còn khiến tim mạch, dạ dày, thần kinh và nhiều cơ quan khác bị ảnh hưởng.

Chỉ số men gan tăng cao có thể do người bệnh tiêu thụ quá nhiều rượu bia
Chỉ số men gan tăng cao có thể do người bệnh có thói quen tiêu thụ quá nhiều rượu bia

Tham khảo thêm: Chế độ ăn cho người men gan cao – Nên ăn, kiêng gì?

8. Các bệnh lý không liên quan đến gan

Men gan không chỉ được hình thành ở gan. Chính vì thế một số bệnh lý xảy ra ở các cơ quan khác cũng có khả năng tác động và phát sinh chứng men gan cao. Cụ thể bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa sắt, bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh lý cơ tim…).

Dấu hiệu nhận biết men gan cao

Những dấu hiệu kèm theo tình trạng men gan cao thường không rõ ràng. Tuy nhiên các triệu chứng sẽ xuất hiện thường xuyên và rõ nét hơn khi tình trạng này chuyển biến theo chiều hướng xấu, tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng.

Một số dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Triệu chứng toàn thân: Sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn ói, đau bụng
  • Đau hạ sườn bên phải (đau gan): Tại vùng bụng hạ sườn bên phải sẽ phát sinh cảm giác khó chịu kèm theo cơn đau nhức âm ỉ khi men gan tăng cao.
  • Nổi mẩn ngứa: Tế bào gan bị tổn thương, chức năng gan bị suy giảm khiến lượng độc tố không được đào thải hết tích tụ ở gan, trong cơ thể và trên da dẫn đến da nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy.
  • Nước tiểu sẫm màu, phân có màu nhạt: Nước tiểu sẫm màu, phân có màu nhạt là triệu chứng điển hình của những vấn đề, bệnh lý về gan. Ngoài ra triệu chứng này cũng xảy ra phổ biến ở những bệnh nhân có men gan cao do tắc mật. Hiện tượng tắc mật khiến cho quá trình đi vào đường tiêu hóa của bilirubin bị cản trở và được thải qua đường nước tiểu. Điều này làm phát sinh triệu chứng nước tiểu sẫm màu, phân có màu nhạt.
  • Vàng da: Vàng da được xác định là triệu chứng đặc trưng nhất ở những người mắc bệnh men gan cao. Tuy nhiên triệu chứng này thường không phát sinh ở giai đoạn đầu. Khi người bệnh nhân ra da có sự thay đổi về màu sắc, da chuyển sang màu vàng thì tình trạng tăng men gan của bạn đang ở mức báo động.

Các triệu chứng có thể phát sinh nhưng không rõ nét nếu tăng men gan ít. Do đó bạn cần đến cơ sở y tế, tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện tăng men gan.

Da nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy
Da nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy là triệu chứng thường gặp giúp nhận biết men gan cao

Men gan cao có nguy hiểm không?

Trong trường hợp không tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời, bệnh men gan cao có thể chuyển sang giai đoạn nặng và để lại nhiều rủi ro, hậu quả nghiêm trọng. Bao gồm:

  • Giảm tuổi thọ: Tuổi thọ của bệnh nhân sẽ giảm đáng kể khi men gan tăng cao và kéo dài. Đối với AST, chỉ số men gan tăng gấp đôi sẽ khiến nguy cơ tử vong của bệnh nhân tăng lên 30%. Trong trường hợp chỉ số AST tăng hơn gấp đôi, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong lên đến 78%. Đối với ALT, chỉ số men gan tăng gấp đôi sẽ khiến nguy cơ tử vong của bệnh nhân tăng lên 21%. Đối với trường hợp chỉ số ALT tăng hơn gấp đôi thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong lên đến 59%.
  • Biến chứng xơ gan, ung thư gan: Men gan cao, xảy ra kéo dài và không được kiểm soát sẽ tăng cao nguy cơ phát sinh biến chứng xơ gan, ung thư gan. Đối với những trường hợp tăng men gan do nhiễm độc, việc không sớm điều trị sẽ dẫn đến hôn mê gan, suy gan cấp và tử vong.
  • Bệnh lý nguy hiểm: Tình trạng men gan cao là triệu chứng cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị y tế ngay lập tức. Cụ thể như viêm túi mật, viêm thận mãn, nhồi máu cơ tim, viêm cơ, động kinh, viêm gan, ung thư gan, suy thận cấp…

Phương pháp điều trị men gan cao

Việc chẩn đoán và áp dụng các phương điều trị men gan cao cần dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cơ chế của bệnh, mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân khiến men gan tăng cao. Điều này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa đề ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.

  • Men gan cao do viêm gan virus: Trong trường hợp nguyên nhân làm tăng men gan là các bệnh viêm gan do virus, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân điều trị bằng các thuốc kháng virus, thuốc bảo vệ men gan và hạ men gan.
  • Men gan cao do uống nhiều rượu bia: Đối với những trường hợp mắc chứng tăng men gan do uống nhiều rượu bia, bệnh nhân cần loại bỏ thói quen sử dụng các chất có cồn, rượu bia và không hút thuốc lá. Ở trường hợp năng bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc hạ men gan.
Thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus, thuốc hạ men gan được dùng trong trường hợp nguyên nhân làm tăng men gan là các bệnh viêm gan do virus

Tham khảo thêm: 25 thực phẩm tốt cho gan – Thanh lọc cơ thể cần thiết

Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bị men gan cao

Ngoài việc sử dụng thuốc và loại bỏ nguyên nhân bệnh lý, bệnh nhân bị tăng men gan cũng cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống hợp lý. Đồng thời có chế độ sinh hoạt phù hợp, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao thể trạng.

1. Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống hợp lý

  • Uống nhiều nước: Tương tự như một số bệnh lý, vấn đề khác xảy ra ở gan như nóng gan, viêm gan, xơ gan… những người có men gan cao nên uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Điều này không chỉ làm mát gan mà còn giúp giảm áp lực lên cơ quan này. Đồng thời đảm bảo hoạt động chuyển hóa các chất và đào thải độc tố của gan diễn ra suôn sẻ hơn. Ngoài nước lọc, người bệnh nên tăng cường bổ sung nước ép các loại rau xanh, củ và trái cây.
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C: Việc tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong quá trình điều trị men gan cao sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện sức đề kháng, hệ miễn dịch, ổn định chỉ số men gan. Ngoài ra việc dung nạp thực phẩm giàu vitamin C còn có tác dụng đảm bảo các hoạt động diễn ra ở gan và thúc đẩy quá trình phục hồi tế bào gan. Một số thực phẩm giàu vitamin C gồm cam, dâu tây, việt quất, kiwi, vải, đu đủ, ổi, ớt chuông, súp lơ xanh…
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi: Rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ. Đây đều là những chất có tác dụng bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương và giảm lượng mỡ tích trữ trong gan. Từ đó làm giảm chỉ số men gan và nâng cao sức khỏe. Các loại rau xanh tốt cho gan gồm súp lơ xanh, bắp cải, rau bina…
  • Thực phẩm giàu đạm: Việc bổ sung một lượng vừa đủ chất đạm từ những thực phẩm lành mạnh như thịt nạc trắng, chuối, súp lơ xanh, sữa tươi, sữa chua, phô mai, khoai lang, các loại đậu, hại… sẽ làm tăng chức đào thải độc tố và trao đổi chất của gan. Đồng thời giảm áp lực lên gan và cải thiện các tổn thương.
  • Không sử dụng thực phẩm gây hại cho gan: Một số loại thực phẩm khiến gan suy yếu, làm nặng hơn tình trạng tăng men gan gồm thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, thức ăn cay nóng, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, món ăn nhiều muối, đồ ăn ngọt, nhiều đường, thức ăn nhiều gia vị…
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, sức đề kháng, hệ miễn dịch và ổn định chỉ số men gan

2. Áp dụng chế độ sinh hoạt phù hợp

  • Thường xuyên luyện tập thể dục và tăng cường vận động: Người bệnh nên chơi thể thao, đi bộ, bơi lội, chạy bộ hoặc tham gia vào các bộ môn thể thao khác từ 15 – 45 phút/ngày để cải thiện chức năng và ổn định chỉ số men gan.
  • Duy trì cân nặng phù hợp: Để hỗ trợ quá trình điều trị men gan cao, người bệnh nên duy trì cân nặng phù hợp, áp dụng các biện pháp giảm cân khi cần thiết. Các chuyên gia khuyên rằng những người bị tăng men gan nên giữ chỉ khối cơ thể (BMI) ở mức từ 18,5 đến 23. Điều này sẽ giúp cơ thể luôn được tối ưu hóa trong khi gan và nhiều cơ quan khác đang hoạt động.
  • Không hút thuốc lá, ngừng uống rượu bia: Rượu bia và thuốc là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chức năng gan, khiến các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng. Từ đó làm tăng nhanh chỉ số men gan. Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng tăng men gan, cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia.
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: Nếu mắc các bệnh lý về gan kèm theo tình trạng men gan cao, người bệnh cần dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya: Để cải thiện chức năng gan, giúp các tế bào đang bị tổn thương mau chóng lành, người bệnh cần ngủ đủ 7 – 8 giờ đồng hồ và không nên thức quá 23 giờ.
  • Không làm việc quá sức, tránh gây căng thẳng: Người bị men gan nên dành thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh để công việc gây căng thẳng, tạo áp lực. Ngồi thiền, yoga, sinh hoạt với người thân, gia đình là một trong những cách kiểm soát căng thẳng hiệu quả.

Tham khảo thêm: Những thực phẩm tốt và cực xấu đối với sức khỏe của gan

Biện pháp phòng ngừa men gan cao

Để phòng ngừa men gan cao, bạn có thể tham khảo và áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:

  • Tránh làm việc căng thẳng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
  • Ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Uống nhiều nước. Mỗi ngày nên uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước.
  • Kiêng uống rượu bia, không hút thuốc lào, thuốc lá hoặc dùng chất kích thích.
  • Tăng cường bổ sung những loại thực phẩm có khả năng bảo vệ chức năng gan và kiểm soát men gan như thực phẩm giàu vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, chất chống oxy hóa…
  • Uống nhiều nước ép trái cây, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc, sữa để bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Những người nhiễm virus gây viêm gan, mắc các bệnh lý về gan nên đến bệnh viện, tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Ngủ sớm, ngủ đủ giấc
Ngủ sớm và ngủ đủ giấc là biện pháp phòng ngừa men gan cao hiệu quả

Men gan cao có thể là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý, vấn đề nghiêm trọng xảy ra tại gan. Ở giai đoạn đầu, khi men gan tăng ít, các dấu hiệu nhận biết tăng men gan thường không rõ ràng. Để dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán bệnh lý, người bệnh cần đến cơ sở y tế và thực hiện xét nghiệm men gan. Sau đó áp dụng phác đồ điều trị chuẩn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh bệnh phát triển và gây nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Chích Ngừa Viêm Gan B Trễ Có Sao Không? Điều Cần Biết

Chích ngừa viêm gan B trễ có sao không đang là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ được xem là một trong...

Bệnh gan lây qua đường nào? Cách phòng ngừa?

Viêm gan siêu vi hoặc một số loại bệnh gan khác do virus gây ra có thể khiến tế bào...

Chích Ngừa Viêm Gan B Đầy Đủ Rồi Có Bị Lây Không?

Chích ngừa viêm gan B đầy đủ rồi có bị lây không? là vấn đề thắc mắc chung của nhiều...

Chích Ngừa Viêm Gan B Cho Người Lớn Và Thông Tin Cần Biết

Chích ngừa viêm gan B cho người lớn cần phải tiến hành xét nghiệm máu để xác định trong máu...

Gan nằm ở đâu? Vai trò, chức năng của gan

Gan là cơ quan nội tạng quan trọng và lớn nhất của cơ thể, chiếm khoảng 5% trọng lượng cơ...

Chỉ số ALT là gì? Khi nào bình thường – đáng lo?

ALT (alanine aminotransferase) là chỉ số men gan giúp xác định tình trạng tổn thương tế bào gan. Tùy thuộc...