Bệnh Viêm Gan B

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm gan B xảy ra khi tế bào gan bị viêm, hoại tử do nhiễm Hepatitis B Virus (HBV). Virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con và lây qua đường tình dục. Diễn tiến bệnh âm thầm nhưng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư nếu không được điều trị.

Tổng quan

Bệnh viêm gan B (Hepatitis B) hay còn được gọi là viêm gan do virus HBV. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng tổn thương, hoại tử gan do nhiễm virus HBV. Sau khi lây nhiễm, virus sẽ tấn công vào, gây viêm các tế bào và làm suy giảm chức năng của gan.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2017, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở nước ta chiếm 8.1% - một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thế giới.

bệnh viêm gan b là gì
Viêm gan B là dạng viêm gan do virus phổ biến nhất với tỷ lệ mắc bệnh chiếm hơn 8%

Viêm gan B thường được đề cập đồng thời với HIV, viêm gan A và C. Tuy nhiên, đây là những vấn đề sức khỏe hoàn toàn riêng biệt. Điểm chung của viêm gan B và HIV là đường lây truyền (lây qua đường máu, lây từ mẹ sang con và qua quan hệ tình dục).

Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan nguyên phát và xơ gan. Dù chưa có thuốc đặc hiệu nhưng đã có vaccine phòng ngừa bệnh lý này. Hiện nay, vaccine được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm virus HBV.

Phân loại bệnh

Viêm gan B được chia thành 2 loại là viêm gan B cấp và viêm gan B mạn. Bệnh được phân loại dựa vào thời gian tiến triển.

Viêm gan B cấp:

Viêm gan B cấp là tình trạng nhiễm virus HBV xảy ra dưới 6 tháng. Ở người trưởng thành có hệ miễn dịch khỏe mạnh, virus HBV sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể sau khoảng vài tháng mà không để lại bất cứ biến chứng nào. Tuy nhiên, những đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ sơ sinh, người nhiễm HIV chỉ có khoảng 5 - 10% khả năng đào thải sạch virus ra ngoài cơ thể.

Viêm gan B cấp gần như không phải điều trị. Nếu phát hiện sớm, có thể hỗ trợ hệ miễn dịch bằng các biện pháp nâng đỡ thể trạng. Sau 6 tháng, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại.

Viêm gan B mạn:

Có khoảng 90% trẻ sơ sinh và 5 - 10% người trưởng thành bị viêm gan B mạn tính. Dạng mạn tính được xác định khi bệnh kéo dài hơn 6 tháng.

Viêm gan B mạn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, người nhiễm HIV, người bị tiểu đường hoặc có các vấn đề sức khỏe khiến cho hệ miễn dịch suy giảm. Đây cũng là lý do đa số người trưởng thành bị viêm gan B đều có liên quan đến HIV.

Viêm gan B mạn có thể không gây ra triệu chứng, nhưng virus HBV vẫn hiện diện bên trong tế bào gan gây hư hại và tổn thương cơ quan này. Vì diễn biến âm thầm nên phần lớn trường hợp mắc bệnh đều không được phát hiện sớm cho đến khi xuất hiện biến chứng xơ gan.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm gan B xảy ra do nhiễm HBV (Hepatitis B Virus) - đây là loại virus thuộc họ Hepadnaviridae có thể gây bệnh ở người và khỉ đột đen. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ bám vào màng tế bào gan, sau đó đi vào tế bào gan gây hoại tử.

bệnh viêm gan b là gì
Nhiễm Hepatitis B Virus là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm gan B

HBV có đường lây tương tự như HIV. Virus có thể lây qua những đường sau đây:

  • Lây nhiễm từ mẹ sang con: Trẻ sơ sinh có thể nhiễm HBV do mẹ bị viêm gan B. Hepatitis B Virus không lây nhiễm qua nhau thai mà lây trong quá trình sinh nở, khi thai nhi tiếp xúc với máu của mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhiễm virus do tiếp xúc với các vết thương hở trên cơ thể mẹ.
  • Lây qua đường tình dục: Nồng độ Hepatitis B Virus trong dịch âm đạo và tinh dịch thấp hơn rất nhiều so với trong huyết tương. Tuy nhiên, quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp bảo vệ (bao cao su) có thể tăng nguy cơ lây nhiễm virus gây viêm gan B.
  • Tiếp xúc với máu của người bệnh: Hepatitis B Virus có đường lây tương tự như virus HIV. Trong đó, đường lây có nguy cơ cao nhất là do tiếp xúc với máu và vết thương hở của người mắc bệnh. Ngoài ra, vô tình chạm vào vết máu của người bệnh trên các vật dụng cũng có thể gây lây nhiễm Hepatitis B Virus.
  • Dùng chung kim tiêm: Kim tiêm thường có dính máu và chứa virus Hepatitis B Virus. Vì vậy, nếu sử dụng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh, khả năng mắc bệnh viêm gan B là rất cao.
  • Không đảm bảo vô trùng trong các thủ thuật y tế: Một số người có thể bị nhiễm viêm gan B do nhận máu có chứa Hepatitis B Virus. Ngoài ra, thực hiện các thủ thuật y tế như cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa, trồng răng… không đảm bảo yếu tố vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
  • Các đường lây truyền khác: Hepatitis B Virus cũng có thể lây truyền qua một số vật dụng có chứa máu như kềm cắt móng tay, móng chân, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ xỏ khuyên, xăm hình,...

Nhìn chung, Hepatitis B Virus chủ yếu lây qua đường máu. Virus gần như không có trong nước bọt, dịch tiết hô hấp nên không lây qua đường ăn uống, ôm hôn, hắt hơi…

Khả năng lây nhiễm của Hepatitis B Virus cao gấp 100 lần so với virus HIV. Đặc biệt những đối tượng sau sẽ có nguy cơ bị viêm gan B cao hơn so với bình thường:

  • Người bị nhiễm HIV/ AIDS
  • Nghiện ma túy
  • Đời sống tình dục phức tạp, quan hệ không an toàn
  • Chất lượng cuộc sống kém, sinh sống trong môi trường thiếu vệ sinh
  • Làm các công việc phải thường xuyên tiếp xúc với máu

Triệu chứng và chẩn đoán

Hepatitis B Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ có thời gian ủ bệnh là 30 - 180 ngày. Trong giai đoạn ủ bệnh, virus nhân đôi trong cơ thể nhưng gần như chưa có biểu hiện lâm sàng. Dù vậy, sau khi virus nhiễm trong khoảng 30 - 60 ngày, có thể phát biết thông qua xét nghiệm HBsAg.

Triệu chứng của bệnh viêm gan B rất mờ nhạt, dù ở trong giai đoạn cấp tính hay mãn tính. Đây cũng là lý do bệnh ít khi được phát hiện sớm.

bệnh viêm gan b nguyên nhân
Viêm gan B có các triệu chứng mờ nhạt như chán ăn, mệt mỏi, đau khớp, chướng bụng, đầy hơi, đau hạ sườn phải...

Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan B cấp:

  • 70% trường hợp bị viêm gan B cấp hoàn toàn không có triệu chứng.
  • Một số ít trường hợp có biểu hiện vàng da, trường hợp nặng có thể gây suy gan cấp.
  • Các triệu chứng trong giai đoạn này vô cùng mờ nhạt, không đặc hiệu.
  • Giai đoạn tiền vàng da sẽ gây ra các triệu chứng như đau hạ sườn do gan sưng viêm, gia tăng kích thước. Thay đổi vị giác, chán ăn, buồn nôn, các triệu chứng giống như cảm cúm, nổi mề đay và đau khớp.
  • Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn vàng da (3 - 7 ngày) với các triệu chứng như vàng da rõ rệt, phân bạc màu, nước tiểu có màu đậm, cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
  • Với những người có hệ miễn dịch tốt, triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 4 - 8 tuần. Tình trạng vàng da giảm, lấy lại vị giác, ăn uống ngon miệng hơn.
  • 0.1 - 0.5% trường hợp viêm gan cấp chuyển biến thành suy gan cấp. Biểu hiện cảnh báo là rối loạn đông máu, thay đổi tri giác, trạng thái tâm thần, hạ huyết áp, xuất huyết tiêu hóa, phù toàn thân và nghiêm trọng hơn là tử vong.

Các triệu chứng của viêm gan B mạn:

  • Thường không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện những triệu chứng mờ nhạt như đau khớp, mệt mỏi.
  • Viêm gan B mạn tiến triển lâu ngày có thể gây xơ gan, ung thư gan với những biểu hiện như bầm máu ngoài da, da vàng,...
  • Hepatitis B Virus sẽ gây hoại tử gan dẫn đến tình trạng xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, có một số trường hợp viêm gan B mạn có thể gây ung thư mà không qua giai đoạn xơ gan. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp viêm gan B mạn không hoạt động - tức là có nhiễm Hepatitis B Virus kéo dài nhưng virus không phát triển mạnh và không gây hoại tử gan hoặc rất ít.

Các triệu chứng của bệnh viêm gan B vô cùng mờ nhạt, không đặc hiệu. Vì vậy, nếu nhận thấy cơ thể mệt mỏi, vàng da, chán ăn hoặc có tiền sử tiếp xúc với máu, quan hệ với người nhiễm bệnh, nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm HBsAg.

Xét nghiệm này giúp xác định có nhiễm Hepatitis B Virus hay không. Trường hợp dương tính sẽ cần siêu âm, X-Quang, đo chức năng gan để đánh giá mức độ hoại tử gan.

Kết quả từ các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ xác định viêm gan B và giai đoạn bệnh. Vì triệu chứng của bệnh không điển hình nên cần phải chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh lý khác như viêm gan A, C, viêm gan do rượu, xơ gan, hội chứng Wilson…

Biến chứng và tiên lượng

Tiên lượng của bệnh viêm gan B ở giai đoạn cấp khá tốt. Phần lớn các trường hợp nhiễm Hepatitis B Virus đều có thể tự đào thải virus trong vòng 3 - 6 tháng. Chỉ có 5 - 10% trường hợp chuyển sang giai đoạn mạn tính, trong đó chủ yếu là có liên quan đến nhiễm HIV và giảm sức đề kháng do các bệnh nội khoa.

nguyên nhân mắc bệnh viêm gan b
Viêm gan B mãn tính đã được xác định là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát

Nhiễm Hepatitis B Virus lâu ngày sẽ gây hoại tử tế bào, gan suy giảm chức năng thanh lọc, đào thải độc tố, dự trữ vitamin, khoáng chất, chuyển hóa năng lượng… Viêm gan B mạn đã được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan.

Ngoài ra, nhiễm Hepatitis B Virus còn kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác như gan nhiễm mỡ, suy gan, cao huyết áp, tiểu đường… Sức khỏe của bệnh nhân suy giảm dẫn đến giảm hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống.

Điều trị

Hiện tại, chưa có loại thuốc đặc hiệu đối với Hepatitis B Virus. Do đó, điều trị chủ yếu là nâng đỡ, hỗ trợ thể trạng. Tùy theo giai đoạn bệnh và tình trạng cụ thể của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:

Điều trị viêm gan B cấp

Như đã đề cập, Hepatitis B Virus sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể sau khoảng 3 - 6 tháng một cách tự nhiên. Vì vậy, giai đoạn viêm gan B cấp gần như không phải điều trị. Để hỗ trợ sức đề kháng, có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ sau:

điều trị bệnh viêm gan b
Trong giai đoạn cấp tính, viêm gan B không cần điều trị mà chủ yếu nâng đỡ thể trạng qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt

  • Nghỉ ngơi trong giai đoạn cấp tính, nhất là khi có triệu chứng lâm sàng.
  • Không nên lao động nặng, tránh thức khuya và căng thẳng.
  • Bổ sung nhiều nước, rau xanh, trái cây để giảm áp lực lên gan. Đồng thời nên hạn chế chất béo, muối, đường và tuyệt đối không uống rượu bia.
  • Lên kế hoạch cai thuốc lá (nếu có).
  • Không tự ý dùng thuốc uống, đặc biệt là các loại thuốc chuyển hóa qua gan.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng để hỗ trợ sức đề kháng.

Trường hợp có biểu hiện nặng cần được điều trị nội trú. Điều trị chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ như đặt máy thở, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, tiêm vitamin K1 để tránh xuất huyết…

Rất ít trường hợp viêm gan B cấp phải điều trị bằng thuốc. Thuốc sẽ được chỉ định ở những trường hợp mắc thể tối cấp (nhu mô gan hoại tử nhanh chóng). Loại thuốc được chỉ định là các loại thuốc kháng virus:

  • Entecavir
  • Tenofovir

Điều trị viêm gan B mạn tính

Điều trị viêm gan B mạn tính được thực hiện với mục tiêu ức chế sự sao chép của HBV, ngăn ngừa biến chứng xơ gan và ung thư. Vì Hepatitis B Virus có khả năng lây nhiễm nên trong giai đoạn mãn, cần kết hợp điều trị và dự phòng lây truyền virus cho cộng đồng.

Bệnh viêm gan B mạn tính có thể ổn định ở dạng không hoạt động nếu được điều trị tốt. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau:

điều trị bệnh viêm gan b
Trường hợp bị viêm gan B mạn cần dùng thuốc lâu dài, đặc biệt là khi đã xuất hiện biến chứng xơ gan

  • Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus được sử dụng trong trường hợp virus hoạt động mạnh hoặc đã xuất hiện biến chứng như xơ gan, suy gan. Loại thuốc được sử dụng thường là Tenofovir, Entecavir, Tenofovir,.. Trường hợp xơ gan thường sẽ phải dùng thuốc suốt đời.
  • Điều chỉnh lối sống: Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống để hỗ trợ quá trình điều trị. Nên tránh các yếu tố, thói quen làm tổn thương gan như hút thuốc lá, uống rượu bia, thức khuya, chế độ ăn nhiều chất béo, đường và muối.

Điều trị viêm gan B mạn sẽ mất nhiều thời gian, có thể là suốt đời. Do đó, bệnh nhân cần phải tái khám thường xuyên để được đánh giá chức năng gan. Trường hợp bệnh ổn định, virus không hoạt động quá mạnh sẽ không cần dùng thuốc mà chủ yếu kiểm soát bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt.

Điều trị viêm B sau khi phơi nhiễm

Ngay sau khi phát hiện tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh, cần đến ngay bệnh viện để được điều trị dự phòng. Nếu đã tiêm ngừa vaccine viêm gan B đủ 3 mũi, vaccine có thể bảo vệ cơ thể khỏi virus. Tuy nhiên trường hợp chưa tiêm hoặc không chắc chắn đã tiêm hay chưa sẽ được tiêm HBIG - globulin miễn dịch kháng viêm gan B.

HBIG sẽ cung cấp kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của virus, từ đó có thể phòng ngừa viêm gan B hiệu quả. Hiện nay, HBIG được tiêm cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm viêm gan B và người vừa tiếp xúc với máu, bệnh phẩm của người bệnh.

Phòng ngừa

Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hiện tại đã có vaccine phòng viêm gan B. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng và rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguyên do (thường là do vô tình tiếp xúc với máu của người khác).

điều trị bệnh viêm gan b
Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B hiệu quả nhất

Vì vậy, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan B càng sớm càng tốt:

  • Tiêm ngừa viêm gan B là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vaccine sẽ được tiêm cho trẻ sơ sinh và cần xét nghiệm lại sau 5 - 10 năm. Trường hợp không có đủ miễn dịch cần tiêm nhắc lại 1 mũi hoặc tiêm đầy đủ 3 mũi để bảo vệ cơ thể khỏi virus.
  • Không dùng chung kim tiêm và các đồ dùng có thể dính máu với người khác.
  • Truyền máu ở các cơ sở uy tín, tránh lây nhiễm viêm gan B, HIV và một số bệnh lý khác.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Nâng cao sức đề kháng bằng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ.
  • Phụ nữ có ý định mang thai nên xét nghiệm viêm gan B để xác định có nhiễm bệnh hay không. Trường hợp chưa nhiễm nên tiêm ngừa đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Viêm gan B có nghiêm trọng không?

2. Điều trị viêm gan B mất bao lâu?

3. Chi phí điều trị viêm gan B có cao không?

4. Có cần tái khám khi bị viêm gan B không? Khi nào cần thiết?

5. Viêm gan B có lây không? Làm sao để tránh lây nhiễm cho người khác?

6. Bị viêm gan B có nên sinh con?

7. Nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện bệnh?

8. Bị viêm gan B có cần điều trị nội trú không?

Viêm gan B là bệnh viêm gan do virus phổ biến nhất hiện nay. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan nên cần được điều trị, chăm sóc tích cực. Trường hợp chưa nhiễm bệnh nên chủ động tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.