Viêm gan B có lây không? Làm sao phòng ngừa?
Cũng như một số bệnh viêm gan khác, viêm gan B là một căn bệnh lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua đường máu, đường tình dục không an toàn và từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hay sinh nở. Nắm rõ các con đường lây lan của bệnh viêm gan B sẽ giúp người bệnh phòng tránh lây nhiễm cho các đối tượng khác. Vậy người khỏe mạnh cần làm gì để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B. Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh lý về gan điển hình. Những tổn thương ở tế bào gan do một loại virus siêu vi mang tên Hepatitis B xâm nhập vào cơ thể, theo máu đến tế bào gan. Ở những thời gian đầu mắc bệnh, người bệnh không thể nhận biết bản thân nhiễm phải loại virus này cho đến khi tiến hành xét nghiệm kiểm tra sức khỏe gan. Những triệu chứng xuất hiện có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh tình khác.
Bệnh có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% trường hợp mắc phải, số còn lại sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan mãn tính. Khi bệnh tình kéo dài hơn 6 tháng, được coi là giai đoạn mãn tính, lúc này khả năng cao sẽ kéo theo một số hệ lụy nghiêm trọng như suy gan, sẹo gan (xơ gan), nguy hiểm hơn là ung thư gan.
Các chuyên gia cho biết, viêm gan B là một trong những loại viêm gan nguy hiểm nhất bởi căn bệnh này có cấu trúc nhân ADN và có sức đề kháng cao nên rất dễ xảy ra hiện tượng đột biến. Vì thế, nếu căn bệnh này không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh có thể đối diện với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Bác sĩ giải đáp: Đi Xét Nghiệm Viêm Gan B Có Cần Nhịn Ăn Không?
Viêm gan B có lây không? Lây qua những con đường nào?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm và rất dễ lây lan từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh khi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Một số tài liệu mới đây cho biết, khả năng lây nhiễm của bệnh viêm gan B cao hơn HIV đến 100 lần. Chính vì điều này đã khiến không ít người phải lo sợ.
Như vừa được nhắc đến, căn bệnh viêm gan B do loại virus Hepatitis B (giới y học viết tắt là HBV) xâm nhập vào cơ thể theo đường máu. Khi đó, cơ thể người nhiễm bệnh có thể xảy ra 2 trường hợp:
- Trường hợp đầu tiên: Virus Hepatitis B không hoạt động. Lúc này, độ lây nhiễm là rất thấp, có thể người bị lây nhiễm sẽ không mang bệnh viêm gan B;
- Trường hợp còn lại: Virus Hepatitis B hoạt động và tấn công mạnh mẽ vào tế bào gan gây nên những tổn thương.
Một số tài liệu khác còn cho biết, virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất là 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, virus vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường máu nếu không được vắc xin bảo vệ. Hơn nữa, thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày nhưng cũng có trường hợp lên tới 180 ngày. Virus có thể được phát hiện trong khoảng 30 – 60 ngày sau khi nhiễm bệnh, lúc này, chúng đã tồn tại trong máu và tấn công gan, sinh ra bệnh viêm gan B.
Căn bệnh này có thể lây truyền theo 3 con đường chính là đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và sinh nở. Do lượng virus siêu vi trong máu khá cao nên đường máu là con đường lây lan chiếm tỷ lệ cao nhất. Các phương thức truyền dẫn virus Hepatitis B cụ thể:
Viêm gan B lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus HBV
Các trường hợp bị lây nhiễm virus viêm gan B qua đường máu đều có thể rơi vào các trường hợp như: truyền máu, nhận máu, huyết tương, mô hay nội tạng, phẫu thuật, tiêm chích ma túy,… Bởi ở máu, lượng virus HBV tập trung khá cao. Ngoài ra, việc sử dụng chung kim tiêm hay các dụng cụ y tế không được xử lý vô khuẩn cũng có khả năng bị nhiễm virus Hepatitis B.
Mặt khác, bạn cũng có thể bị nhiễm virus viêm gan B nếu sử dụng chung một số vật dụng cá nhân với các đối tượng mắc bệnh, nhất là các đồ dùng dễ làm trầy xước và chảy máu như: kềm cắt móng tay, dụng cụ cạo gió, cây cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ lấy ráy tai,… Việc xăm hình, phun xăm, bấm lỗ tai hay châm cứu tại một số cơ sở mà vật dụng không được xử lý vô trùng cũng có khả năng bị nhiễm virus HBV.
Viêm gan B lây qua đường tình dục
Bên cạnh máu, dịch âm đạo của nữ giới hay tinh dịch của nam giới cũng chính là nơi “cư ngụ” của rất nhiều virus HBV. Do đó, người khỏe mạnh cũng có khả năng mắc bệnh nếu quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh viêm gan B. Không những vậy, bạn cũng có thể đứng trước nguy cơ mắc phải một số bệnh truyền nhiễm khác như: bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà,…
Phương thức lây truyền này thường xảy khi quan hệ với bạn đời, một ít máu mang virus theo chất dịch âm đạo hay tinh dịch xâm nhập vào những vết xước ở niệu đạo trong quá trình giao hợp. Dù máu chỉ mang một lượng ít nhưng đủ để tấn công và xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng.
Viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ bị mắc bệnh viêm gan B có nguy cơ lây truyền virus Hepatitis B sang thai nhi lên tới 90% trong quá trình mang thai nếu không có những biện pháp bảo vệ điều trị đúng cách. Tương ứng với mỗi giai đoạn mang thai thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con cụ thể như sau:
- 3 tháng đầu thai kỳ: Tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%;
- 3 tháng giữa thai kỳ: Nếu người mẹ bị bệnh ở thời gian này thì tỷ lệ lây nhiễm cho con là 10%;
- 3 tháng cuối thai kỳ: Khả năng lây nhiễm sang thai nhi ngày càng cao khi người mẹ sắp đến thời kỳ sinh nở. Ở giai đoạn này, tỷ lệ lây nhiễm lên đến 60 – 70%.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm virus viêm gan B ngay trong phòng sinh nếu người mẹ mắc phải căn bệnh này. Trường hợp này chiếm tỷ trọng cũng khá cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều người lầm tưởng việc người mẹ mắc bệnh viêm gan B có khả năng lây nhiễm cho con trẻ thông qua việc cho bú. Theo nhận định của các chuyên gia thì trường hợp này khó có thể xảy ra nhưng ở thiểu số cũng có khả năng lây nhiễm. Bởi vì, khi đầu vú của người mẹ bị trầy xước và chảy máu, việc con trẻ tiếp xúc với máu lúc bú cũng có nguy cơ nhiễm virus. Do đó, mặc dù bệnh viêm gan B không lây qua tuyến sữa những các chuyên gia khuyến cáo các bà mẹ mắc bệnh nên vắt sữa ra bình và cho con bú để tránh trường hợp đầu vú bị trầy xước.
Những đối tượng có thể bị lây nhiễm virus Hepatitis B
Dựa vào những con đường lây lan của bệnh viêm gan B có thể đưa ra một số có thể bị lây nhiễm virus Hepatitis B là:
- Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B nhưng không sử dụng một số trang bị y tế hoặc vô tình chạm phải máu hoặc đầu kim tiêm của bệnh nhân;
- Những người có công việc tiếp xúc nhiều với máu của bệnh nhân;
- Người sử dụng chung với một số đồ dùng cá nhân dễ làm chảy máu với bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B;
- Người nhận máu hay nhận mô, nội tạng từ bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B;
- Người đi xăm tại các cơ sở mà vật dụng không được vô trùng;
- Nam giới quan hệ đồng tính hoặc quan hệ khác giới mắc bệnh viêm gan B không sử dụng bao cao su;
- Đối tượng mắc bệnh gan mãn tính;
- Những người đi du lịch đến một số nước hay khu vực có tỷ lệ nhiễm HBV cao;
- Trẻ sơ sinh có người mẹ mắc bệnh viêm gan B trong quá trình thai kỳ;
- Bất kỳ đối tượng chưa được tiêm phòng vắc xin viêm gan B.
Một số câu hỏi liên quan đến con đường lây bệnh viêm gan B
Ngoài vấn đề các con đường lây lan của bệnh viêm gan B còn rất nhiều thắc mắc khác liên quan đến bệnh viêm gan B. Dưới đây là một số câu hỏi có liên quan sẽ được đội ngũ chuyên gia giải đáp:
– Viêm gan B không có khả năng lây qua những con đường nào?
Mặc dù bệnh viêm gan B là căn bệnh lây nhiễm khi tiếp xúc với máu của người mắc bệnh nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng để truyền nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Vì thế, bạn không nên có những thái độ thái quá và xa lánh các đối tượng mang bệnh. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm sinh lý, thậm chí có thể khiến bệnh tình trở nặng hơn.
Một số trường hợp không lây nhiễm viêm gan B như:
- Ho, hắt hơi;
- Ôm, bắt tay;
- Bị côn trùng đốt;
- Tắm chung hồ bơi công cộng hay ao hồ;
- Dùng chung phòng tắm, phòng vệ sinh, phòng ngủ,…;
- Dùng chung một số vật dụng nhà bếp, chén, dĩa, đũa, ly uống nước,…
– Viêm gan B có lây qua đường nước bọt?
Trong nước bọt của người mắc bệnh có tồn tại lượng virus siêu vi B nhưng chỉ ở một lượng rất nhỏ. Do đó, khả năng lây truyền bệnh qua người khác là rất thấp.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt, khả năng lây bệnh viêm gan B qua tuyến nước bọt cũng có khả năng xảy ra. Nếu người bệnh đang gặp phải vấn đề về răng miệng như: chảy máu chân răng, nhiệt miệng gây chảy máu,… thì một lượng máu nhỏ có thể hòa lẫn vào trong nước bọt mà khi đó máu thì đang tồn tại virus viêm gan B. Do đó, khi hôn hay sử dụng chung muỗng đũa để gắp thức ăn có thể bị lây nhiễm.
– Viêm gan B có lây qua đường hô hấp?
Như vừa mới đề cập, virus viêm gan B không lây qua việc tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm, ho, hắt hơi. Trong trường hợp hôn, nếu hôn khẽ lên má thì khả năng lây nhiễm hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, nếu hôn môi mà cả hai bị trầy xước ở môi hay mắc các bệnh về răng miệng gây chảy máu thì có thể bị lây nhiễm. Tương tự như trường hợp lây nhiễm khi ăn chung đũa, muỗng, sử dụng chung ly,… nhưng rất hiếm khi gặp phải.
– Vợ bị viêm gan B có lây nhiễm cho chồng không?
Bạn có thể bị nhiễm virus viêm gan B nếu máu, tinh dịch hay các chất dịch cơ thể khác bị nhiễm virus và tiếp xúc với cơ thể khi bạn chưa được tiêm ngừa vắc xin.
Trong trường hợp chưa chích ngừa vắc xin viêm gan B, nếu người vợ mắc bệnh viêm gan B thì virus siêu vi sẽ có rất nhiều trong dịch tiết âm đạo. Người chồng có khả năng bị lây nhiễm nếu dương vật bị trầy xước. Khi đó, virus viêm gan có trong dịch tiết âm đạo sẽ vào trong máu của chồng qua vị trí trầy xước. Nếu không có sự trầy xước thì không có hiện tượng lây lan xảy ra. Điều này tương tự với trường hợp người chồng bị viêm gan B.
Một lưu ý khác, phụ nữ vào tuổi mãn kinh, âm đạo hay bị khô nên dễ bị trầy xước khi quan hệ với chồng nên nguy cơ lây nhiễm virus từ chồng mắc bệnh viêm gan B cao hơn người bình thường.
– Tiêm phòng viêm gan B rồi có bị lây nhiễm không?
Qua một số tài liệu nghiên cứu cho biết, vắc xin phòng viêm gan B sẽ giúp tạo ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus Hepatitis B nếu có. Nếu đã tiêm vắc xin, bạn có thể phòng bệnh trong khoảng 10 – 20 năm, tuy nhiên, thời gian này có thể bị giảm do lượng kháng thể sẽ giảm dần theo độ tuổi.
Các đối tượng chưa mắc bệnh nhưng đã tiêm vắc xin phòng viêm gan B sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc phòng bệnh nhưng không thể đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%. Theo thống kê mới nhất, vẫn có khoảng 2,5 – 5% đối tượng sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B vẫn có khả năng mắc bệnh. Trong đó, những nguyên nhân thường gặp khiến cho vắc xin không đạt hiệu quả như: tiêm thiếu mũi, tiêm không đúng lịch hẹn tiêm chủng, không tiêm mũi bổ sung theo khuyến cáo của bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B hiệu quả nhất được các chuyên gia khuyến khích mọi đối tượng thực hiện theo, nhất là trẻ em sau sinh trong vòng 24 giờ và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo lịch tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, các đối tượng chưa có miễn dịch với virus viêm gan B cũng cần nên thăm khám sức khỏe tổng quát và tiêm ngừa.
Ngoài việc tiêm vắc xin để phòng bệnh viêm gan B, bạn cũng cần ghi nhớ đến một số vấn đề sau để phòng lây nhiễm virus siêu vi:
- Người mẹ bị viêm gan B thì trẻ sơ sinh nên tiêm huyết thanh đặc hiệu chống lại sự xâm nhập của virus Hepatitis B ngay trong phòng sinh để tránh nhiễm bệnh;
- Tránh tiếp xúc với máu hay các dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B;
- Không dùng chung kim tiêm với người mắc bệnh viêm gan B hay các dụng cụ y tế chưa được xử lý vô khuẩn;
- Đối với các đối tượng bị nhiễm virus siêu vi B mãn tính nhưng chưa có chỉ định điều trị cần theo dõi sức khỏe định kỳ 3 – 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế chuyên xét nghiệm và siêu âm gan;
- Người mẹ có dự định mang thai nhưng có tiền sử mắc bệnh viêm gan B hay chưa từng mắc bệnh nên kiểm tra sức khỏe tổng quát để tránh lây nhiễm cho con trẻ;
- Trước khi kết hôn cần đi xét nghiệm chẩn đoán bệnh nếu vợ hoặc chồng bị nhiễm virus viêm gan B hoặc trường hợp cả hai chưa có miễn dịch cần tiêm phòng để tránh tình trạng lây nhiễm;
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân dễ trầy xước và làm chảy máu với người mắc bệnh viêm gan B như: bàn chải đánh răng, dao lam, cây cạo râu, kềm cắt móng, đồ lấy ráy tai,…;
- Băng lại vết thương hở và sử dụng thuốc để khử trùng để làm sạch vết thương. Tuyệt đối không để người khác chạm vào vết thương hay máu trừ khi họ mang găng tay y tế;
- Không thực hiện xăm hình hay phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo an toàn về độ vệ sinh của vật dụng hay các trang thiết bị;
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và bổ sung cho cơ thể những thực phẩm chất khoáng, vitamin. Tránh ăn nhiều chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hợp;
- Hạn chế việc uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn khác hay hút thuốc lá. Nếu bị lạm dụng, không chỉ có chức năng gan bị ảnh hưởng mà sức khỏe cũng bị giảm sút không kém;
- Kiểm soát sự căng thẳng, mệt mỏi bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, đi ngủ khoa học và chăm luyện tập thể dục thể thao;
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, tránh tình trạng tăng cân đột ngột.
Trên đây là những thông tin về con đường lây lan của bệnh viêm gan B và một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe và phòng chống lây lan. Nếu nghi ngờ bản thân bị lây nhiễm virus viêm gan B, bạn cần nhanh chóng tìm đến một số cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
- Các Thuốc Điều Trị Viêm Gan B Mới Và Hiệu Quả Nhất
- Viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì giúp phục hồi?
Những thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!