Bệnh gan lây qua đường nào? Cách phòng ngừa?

Viêm gan siêu vi hoặc một số loại bệnh gan khác do virus gây ra có thể khiến tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng, làm suy giảm chức năng gan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hơn thế, các loại virus gây bệnh có thể di chuyển từ cơ thể người bệnh sang cơ thể người khỏe mạnh thông qua một số con đường nhất định. Do đó việc quan tâm đến vấn đề “Bệnh gan lây qua đường nào? Cách phòng ngừa?” là điều cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm và những rủi ro không mong muốn.

Bệnh gan lây qua đường nào?

Bệnh gan lây qua đường nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nguyên nhân gây bệnh, loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

Bệnh gan lây qua đường nào? Cách phòng ngừa?
Tìm hiểu bệnh gan lây qua đường nào? Cách phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả

1. Con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan A

Bệnh viêm gan A xảy ra do sự xâm nhập của Hepatitis A Virus – HAV vào cơ thể và tế bào gan. Đường tiêu hóa, từ nguồn nước nhiễm bẩn và nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nhiễm Hepatitis A Virus là con đường lây nhiễm chính của bệnh.

Vật dụng, nước uống, thức ăn hoặc tay người tiếp xúc với Hepatitis A Virus sẽ trở thành nguồn lây nhiễm viêm gan A và virus gây bệnh. Ngoài ra loại virus này có thể tồn tại trên những vật dụng sinh hoạt cá nhân, vật dụng gia đình, trong bể bơi, nguồn nước, trong môi trường đất…

Ở người bị viêm gan A, Hepatitis A Virus được tìm thấy trong nước tiểu, nước bọt nhưng phân thải là nguồn chứa nhiều virus nhất. Virus gây viêm gan A sẽ theo các loại thức uống, thức ăn bị nhiễm xâm nhập vào cơ thể, làm tổn thương tế bào gan, ảnh hưởng đến các hoạt động của gan và khiến cơ quan này bị viêm.

Việc nhiễm bệnh viêm gan A do tiếp xúc với thực phẩm bẩn có thể diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào. Bao gồm: Trồng, thu hoạch, xử lý, chế biến, sau khi nấu (chưa nấu chín kỹ hoặc thực phẩm đông lạnh). Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở những quốc gia có thói quen vệ sinh cá nhân kém hoặc điều kiện vệ sinh kém.

Ngoài ra thói quen ăn những loại thực phẩm tái cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan A. Hepatitis A Virus cũng có khả năng lây truyền qua đường máu. Tuy nhiên trường hợp lây truyền virus theo phương thức này rất hiếm gặp.

Virus gây viêm gan A sẽ theo các loại thức uống, thức ăn bị nhiễm xâm nhập vào cơ thể
Virus gây viêm gan A sẽ theo các loại thức uống, thức ăn bị nhiễm xâm nhập vào cơ thể, làm tổn thương tế bào gan khiến các hoạt động suy giảm

Tham khảo thêm: Tỷ Lệ Viêm Gan B Ở Việt Nam Hiện Nay – Đáng Báo Động

2. Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?

Hepatitis B Virus – HBV là nguyên nhân khiến bệnh viêm gan B xuất hiện và nhanh chóng tiến triển theo chiều hướng xấu. Loại virus này có thể sinh sống và hoạt động bên ngoài cơ thể ít nhất trong 1 tuần. Trong thời gian hoạt động, Hepatitis B Virus vẫn có khả năng tác động và gây nhiễm trùng nếu có điều kiện xâm nhập vào cơ thể của những chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Thời gian ủ bệnh trung bình của Hepatitis B Virus là 75 ngày. Tuy nhiên thời gian ủ bệnh của loại virus này có thể thay đổi, dao động từ 30 đến 180 ngày. Trong vòng 30 đến 60 ngày kể từ khi nhiễm bệnh là thời gian virus có thể được phát hiện. Lúc này virus có thể tồn tại và nhanh chóng phát triển thành viêm gan B.

Hepatitis B Virus rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm của loại virus này cao hơn virus HIV 100 lần. Những con đường lây nhiễm của virus gây viêm gan B gồm:

  • Lây truyền từ mẹ sang con

Bệnh viêm gan siêu vi B có khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con. Đa số trường hợp xảy ra trong những tháng đầu sau sinh hoặc trong thời kỳ chu sinh, không có khả năng lây nhiễm qua nhau thai. Lây nhiễm từ mẹ sang con là cách thức lây nhiễm Hepatitis B Virus quan trọng và phổ biến nhất.

Thông thường mức độ lây nhiễm viêm gan phụ thuộc vào tình trạng HBeAg của thai phụ trong ba tháng cuối thai kỳ và nồng độ Hepatitis B Virus (HBV DNA). Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy HBeAg (+) và nồng độ virus HBV cao thì nguy cơ lây truyền virus gây viêm gan B cho con càng cao.

Cụ thể nếu mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với HBeAg, trẻ sơ sinh sau khi sinh ra không được áp dụng các phương pháp điều trị dự phòng miễn dịch thì sẽ có 95% nguy cơ bị nhiễm bệnh. Nếu mẹ có kết quả xét nghiệm âm tính với HBeAg, trẻ sơ sinh sau khi sinh ra có 32% nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Trong trường hợp nồng độ HBV DNA trong cơ thể của người mẹ thấp hơn 10 5copies/ml, tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B cho con tăng lên từ 0% và đạt mức 50% khi nồng độ HBV DNA trong cơ thể của người mẹ từ 10 9- 10 10copies/ml.

Trong sữa mẹ nồng độ Hepatitis B Virus rất thấp. Vì thế, nếu có lây truyền trong thời gian bú sữa mẹ là do trẻ nhỏ bú và cắn vào đầu vú của mẹ dẫn đến trầy xước.

  • Lây truyền qua đường máu

Theo kết quả nghiên cứu, nồng độ Hepatitis B Virus trong máu rất cao. Chính vì thế nếu niêm mạc hoặc da bị trầy xước, sau đó tiếp xúc gần với lượng máu tiết ra từ người bị nhiễm bệnh thì khả năng nhiễm virus viêm gan B sẽ rất cao.

Ngoài ra Hepatitis B Virus cũng được tìm thấy trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo, nước bọt, sữa, phân, nước tiểu, mồ hôi, dịch mật… Tuy nhiên nồng độ HBV trong những dịch này rất thấp. Do đó khi niêm mạc hoặc da bị tổn thương mà tiếp xúc trực tiếp với các dịch chứa virus thì tình trạng lây nhiễm HBV vẫn xảy ra.

Hepatitis B Virus - HBV lây truyền qua đường máu
Hepatitis B Virus lây truyền qua đường máu do nồng độ HBV trong máu rất cao
  • Lây truyền qua đường tình dục

Việc tham gia vào các hoạt động tình dục nhưng không áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn. Cụ thể không sử dụng bao cao su, dùng chung dụng cụ tình dục nhưng không vệ sinh sạch sẽ với bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B.

Do Hepatitis B Virus xuất hiện trong dịch tiết của bệnh nhân bị viêm gan nên người tiếp xúc với dịch này cũng có khả năng cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Virus xâm nhập và tiến triển trong thân thể của người tiếp xúc với dịch tiết thông qua những vết xước nhỏ. Sau đó di chuyển vào máu, cuối cùng gây ra tình trạng nhiễm virus HBV.

Đặc biệt khả năng lây truyền Hepatitis B Virus qua đường tình dục sẽ xảy ra phổ biến hơn ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới với những người có nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâm nhưng không được tiêm chủng.

  • Tái sử dụng ống tiêm và kim tiêm

Hepatitis B Virus có thể lây truyền từ người sang người thông qua việc dùng lại ống tiêm và kim tiêm giữa những người bị nghiện, tiêm chích ma túy hoặc trong môi trường điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe.

  • Nhiễm máu nhiễm bệnh

Trong quá trình phẫu thuật, điều trị y tế và nha khoa, virus gây bệnh viêm gan B có thể lây truyền từ người bệnh sang người bình thường. Ngoài ra Hepatitis B Virus cũng có khả năng lây lan thông qua việc dùng chung dao cạo râu hoặc những đồ vật tương tự có dính máu nhiễm bệnh.

Tham khảo thêm: Tiêm Phòng Viêm Gan B Có Tác Dụng Bao Lâu Hay Suốt Đời?

3. Bệnh viêm gan C lây qua đường nào?

Viêm gan C là bệnh viêm gan siêu vi xảy ra do sự xâm nhập của Hepatitis C Virus – HCV. Đây là một loại virus mạch đơn. Thông qua đường máu, loại virus này có khả năng xâm nhập thẳng vào cơ thể rồi tấn công gan. Sự sinh sôi, nảy nở của virus viêm gan C khiến cho gan sưng phồng, làm tổn thương tế bào gan và dần giết chết chúng, cuối cùng hủy hoại gan.

Vì thế nếu không được điều trị, bệnh viêm gan C sẽ tiến triển và gây biến chứng xơ gan. Trong trường hợp không chữa trị hoặc chữa không đúng cách, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị xơ gan, ung thư gan.

Bệnh viêm gan C lây từ người sang người theo 3 con đường. Bao gồm: Mẹ truyền virus sang trẻ qua nhau thai khi sinh, đường tình dục và đường máu. Trong đó, khả năng Hepatitis C Virus lây lan theo đường máu chiếm tỷ lệ cao nhất.

  • Lây truyền qua đường máu

Hepatitis C Virus rất dễ lây lan qua đường truyền máu. Người nhận những chế phẩm từ máu hoặc nhận máu của người bị viêm gan C đều có nguy cơ cao bị nhiễm virus.

Cụ thể dùng chung những vật dụng cá nhân có thể dính máu do gây trầy xước như kềm cắt móng tay, dao cạo râu, cây lấy ráy tai, bàn chải đánh răng, dụng cụ cạo gió, cây gãi lưng, lược chải đầu… hoặc sử dụng lại kim tiêm đã dùng cho người bị nhiễm virus viêm gan C.

Ngoài ra virus gây viêm gan C cũng có thể lây truyền thông qua quá trình xăm hình, châm cứu, bấm lỗ tai mà những vật dụng hành nghề được sử dụng chưa được xử lý vô trùng. Việc sử dụng chung trang thiết bị chăm sóc y tế bị nhiễm Hepatitis C Virus chưa được xử lý vô khuẩn, chạy thận dài ngày cũng có thể khiến bạn bị lây nhiễm.

  • Lây truyền qua đường tình dục

Nếu quan hệ tình dục không an toàn, không dùng các biện pháp bảo vệ với người đã bị viêm gan C, người khỏe mạnh có thể nhanh chóng bị nhiễm Hepatitis C Virus. Trong trường hợp tinh dịch của nam giới bị viêm gan C có chứa máu, bạn tình của họ sẽ nhanh chóng bị lây nhiễm Hepatitis C Virus thông qua các vết xước ở niệu đạo, xảy ra trong thời gian tham gia vào các hoạt động tình dục.

Ngoài ra việc thực hiện bất kỳ hành vi tình dục nào gây trầy xước, tổn thương đều có nguy cơ lây nhiễm Hepatitis C Virus. Chính vì thế, để phòng ngừa lây nhiễm virus HCV qua đường tình dục, cả hai cần có ý thức sinh hoạt tình dục an toàn, tránh thực hiện các hành vi tình dục có khả năng gây trầy xước, chảy máu, một vợ một chồng, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh giao hợp khi đang hành kinh nhằm đảm bảo sự an toàn cho bản thân và bạn tình.

Lây truyền qua đường tình dục
Quan hệ tình dục không an toàn khiến Hepatitis C Virus (HCV) nhanh chóng lây lan từ người bệnh sang người lành
  • Lây truyền từ mẹ sang con

Tương tự như viêm gan B, bệnh viêm gan C cũng có khả năng lây truyền virus từ mẹ sang con. Tuy nhiên tỷ lệ lây truyền ở trường hợp này rất thấp, dao động trong khoảng trên dưới 5%. Nếu mẹ đã mắc bệnh khi mang thai, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh do bị lây nhiễm virus viêm gan C.

Đối với đường lây truyền từ mẹ sang con, Hepatitis C Virus lây qua nhau thai ngay tại thời điểm sinh. Trong thời gian chuyển dạ và sinh nở, nhau thai bong tróc. Khi đó Hepatitis C Virus sẽ theo máu và truyền từ mẹ sang con. Do đó, dùng sinh mổ hay sinh thường thì virus viêm gan C vẫn có khả năng truyền từ người mẹ sang con.

Theo các nghiên cứu, virus viêm gan C không lây qua sữa mẹ. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, người mẹ bị viêm gan siêu vi C không nên cho con bú trực tiếp. Thay vào đó bạn nên vắt sữa, đựng trong bình va cho con bú. Tránh trường hợp trẻ bú cắn vào đầu vú khiến vú bị trầy xước. Bởi điều này có thể lây truyền virus viêm gan qua cho con.

Ở một số trường hợp, bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan C nhưng không rõ con đường lây nhiễm virus cho họ là gì. Trường hợp này xảy ra có thể là do người bệnh đã vô tình bị Hepatitis C Virus xâm nhập trong lúc đứt tay, té ngã, đứt chân, trầy xước nhưng không hề hay biết.

Viêm gan C được xác định là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Bởi bệnh lý này có xu hướng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, gồm suy gan, ung thư gan, xơ gan… Quan trọng hơn, ở thời điểm hiện tại, bệnh viêm gan C vẫn chưa có vắc xin chủng ngừa. Do đó, nếu muốn phòng ngừa lây nhiễm viêm gan C, bạn chỉ có thể loại bỏ các con đường lây nhiễm.

Tham khảo thêm: Cách Xem Kết Quả Xét Nghiệm Viêm Gan B (Đọc Chỉ Số)

4. Con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan D

Tương tự như viêm gan B và C, viêm gan D cũng là một  bệnh gan phát triển theo hai dạng gồm cấp tính và mạn tính. Bệnh phát sinh do sự xâm nhập vào cơ thể của Hepatitis D Virus – HDV. Hepatitis D Virus thường xuất hiện theo kiểu đồng nhiễm. Điều này có nghĩa, bệnh nhân thường bị nhiễm viêm gan siêu vi D trong cùng một khoảng thời gian với viêm gan siêu vi B.

Hepatitis D Virus thường lây truyền từ mẹ sang con trong thời gian sinh nở, lây qua đường máu và thông qua những chất dịch cơ thể khác. Trong đó trường hợp truyền dọc từ mẹ sang con hiếm khi xảy ra.

Không giống như các dạng viêm gan siêu vi khác, Hepatitis D Virus chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh viêm gan D ở những bệnh nhân đã bị nhiễm viêm gan B. Vì thế, những con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan siêu vi D giống với viêm gan siêu vi B. Điều này có nghĩa bệnh lây truyền thông qua đường tình dục, qua đường da và thông qua tiếp xúc với máu nhiễm virus hoặc một số sản phẩm máu bị nhiễm bệnh.

Việc truyền dọc Hepatitis D Virus có thể xảy ra nhưng tương đối hiếm gặp. Tiêm vắc xin chống lại Hepatitis B Virus sẽ ngăn ngừa được tình trạng nhiễm trùng virus gây bệnh viêm gan D.

Bệnh viêm gan siêu vi D chủ yếu lây truyền thông qua những hoạt động, hành vi có liên quan đến qua da và thông qua tiếp xúc với niêm mạc với dịch cơ thể (nước bọt và tinh dịch) hoặc với máu (ở mức độ thấp hơn). Cụ thể:

  • Tiếp xúc với máu từ các vết trầy xước, đứt tay, chân cũng như một số vết thương mở khác của bệnh nhân bị nhiễm Hepatitis D Virus.
  • Quan hệ tình dục với người bị viêm gan D
  • Sử dụng chung dụng cụ pha chế thuốc, ống tiêm, kim tiêm với người bị bệnh.
  • Dùng bàn chải đánh răng, dao cạo râu với người nhiễm Hepatitis D Virus.
Bệnh viêm gan D lây truyền thông qua tiếp xúc với máu nhiễm virus
Bệnh viêm gan D lây truyền thông qua tiếp xúc với máu nhiễm virus hoặc một số sản phẩm máu bị nhiễm bệnh

Bệnh viêm gan D không lây qua việc sử dụng chung dụng cụ ăn uống, không lây quan thực phẩm, ôm, hôn, cho con bú, ho, cầm tay hoặc hắt hơi. Những trường hợp được liệt kê dưới đây sẽ có nguy cơ  mắc bệnh viêm gan siêu vi D cao hơn bình thường, bao gồm:

  • Quan hệ đồng giới
  • Bạn tình nhiễm Hepatitis D Virus
  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virus viêm gan D
  • Những người bị viêm gan D thể mạn tính
  • Người nghiện ngập, tiêm chích ma túy
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
  • Nhân viên y tế, bác sĩ có nguy cơ bị phơi nhiễm do trong quá trình chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Hepatitis D Virus có tiếp xúc với chất dịch cơ thể hoặc máu
  • Tiếp xúc trong gia đình của bệnh nhân bị viêm gan D.

5. Con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan E

Bệnh viêm gan E do Hepatitis E Virus – HEV gây ra. Loại virus này có cấu tạo là một chuỗi đơn ARN, dương, có sức chịu đựng kém do không có vỏ bọc. Sau khi phơi nhiễm với Hepatitis E Virus, bệnh nhân sẽ có thời kỳ ủ bệnh dao động trong khoảng từ 3 đến 8 tuần, thời gian ủ bệnh trung bình là 40 ngày. Hiện tại vẫn chưa xác định được những giai đoạn của thời gian lây nhiễm.

Biểu hiện, triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi E thường rõ nét hơn khi bệnh xảy ra ở những người trẻ tuổi, có độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi. Đối với trẻ em, các triệu chứng của bệnh không xảy ra hoặc chỉ rất nhẹ, không phát sinh triệu chứng vàng da.

Bệnh viêm gan siêu vi E lây truyền qua đường tiêu hóa. Hepatitis E Virus sống trong nước thải bẩn, rác, trong phân thông qua thức ăn (thực phẩm tái, chưa nấu chín kỹ, rau củ quả, trái cây không đảm bảo vệ sinh) nhanh chóng vào trong cơ thể người.

Trong những trường hợp hiếm gặp, Hepatitis E Virus có thể lây từ mẹ sang con, lây qua máu. Viêm gan siêu vi E có thể dẫn đến viêm gan tối cấp khiến bệnh nhân tử vong. Trường hợp này thường xảy ra ở phụ nữ đang mang thai.

Bệnh viêm gan siêu vi E lây truyền qua đường tiêu hóa
Bệnh viêm gan siêu vi E chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa, từ những thức ăn không đảm bảo vệ sinh

Tham khảo thêm: Kiểm tra chức năng gan – Xét nghiệm cần làm & chi phí

Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus gây bệnh gan

Đối với Hepatitis A Virus (viêm gan A), Hepatitis B Virus (viêm gan B), Hepatitis D Virus (viêm gan D) và Hepatitis E Virus (viêm gan E) biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin chống virus càng sớm càng tốt. Virus HDV có thể được phòng ngừa thông qua vắc xin phòng viêm gan B. Nguyên nhân là do viêm gan D là bệnh lây truyền theo phương thức đồng nhiễm, bệnh chỉ xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm viêm gan B.

Mặc dù viêm gan C là bệnh nguy hiểm, có khả năng phát triển và gây tử vong cao nhưng hiện tại vẫn chưa có vắc xin chủng ngừa. Vì thế, nếu muốn phòng ngừa nhiễm Hepatitis C Virus, bạn chỉ có thể phòng tránh và loại bỏ các con đường lây nhiễm.

Ngoài biện pháp tiêm vắc xin chống virus, mỗi loại viêm gan siêu vi sẽ có cách loại bỏ con đường lây nhiễm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus gây viêm gan được liệt kê dưới đây:

  • Xử lý tốt chất thải cũng như phân của người bị nhiễm bệnh.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh tốt môi trường sống và nơi làm việc, phải đảm bảo nguồn nước đang dùng là nguồn nước sạch.
  • Dùng xà phòng diệt khuẩn vệ sinh tay ít nhất 20 giây sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn hoặc thức uống, trước và sau khi ăn.
  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân, vật dụng có khả năng gây trầy xước hoặc dính máu của người bị nhiễm bệnh (dao cạo râu, kềm cắt móng tay, ráy tai, bàn chải đánh răng…), không ăn chung thức ăn với người bị viêm gan siêu vi.
  • Thức ăn cần được đảm bảo vệ sinh, được nấu chín kỹ. Không ăn thịt, cá chưa được nấu chín hoặc thịt tái.
  • Tăng cường bổ sung vào thực đơn ăn uống các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng kết hợp với thói quen vận động, luyện tập thể thao để nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa lây nhiễm bệnh.
  • Sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục (dùng bao cao su), không thực hiện các hành vi tình dục gây trầy xước, rỉ máu, không quan hệ tình dục trong những ngày hành kinh, không tiếp xúc với gái mại dâm, nên chung thủy với một bạn tình.
  • Không tiếp xúc với máu, dịch tiết âm đạo, tinh dịch, nước bọt, nước tiểu, phân và một số dịch cơ thể của người bị nhiễm virus gây viêm gan.
  • Không dùng chung vật dụng y tế, bơm tiêm, kim tiêm với bệnh nhân bị viêm gan.
  • Không bấm lỗ tai, xăm hình ở những địa chỉ không uy tín, sử dụng dụng cụ chưa được vệ sinh vô khuẩn.
  • Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện lây nhiễm viêm gan siêu vi. Từ đó áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu, giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
Tiêm vắc xin chủng ngừa
Tiêm vắc xin chống virus là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh gan hữu hiệu nhất

Bài viết đã tổng hợp thông tin xoay quanh vấn đề “Bệnh gan lây qua đường nào? Cách phòng ngừa?”.  Từ bài biết, hy vọng người bệnh có thể hiểu hơn về các con đường lây nhiễm viêm gan siêu vi, sớm tiến hành tiêm vắc xin chủng ngừa và áp dụng các biện pháp loại trừ nguyên nhân gây lây nhiễm hiệu quả. Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh nhiễm virus và giảm nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Virus viêm gan C lây nhiễm qua đường nào?

Nhiễm virus viêm gan C bao lâu có triệu chứng?

Nhiễm virus viêm gan C bao lâu có triệu chứng? Đây là thắc mắc của nhiều người. Loại virus này có thể tồn tại trong cơ thể con người từ...

Các phương pháp xét nghiệm viêm gan C chính xác và lưu ý cần biết

Tương tự như bệnh viêm gan B, bệnh viêm gan C cũng là một trong những bệnh lý về gan...

Chế độ ăn cho người men gan cao – Nên ăn, kiêng gì?

Chế độ ăn cho người men gan cao nên chứa các loại thực phẩm giàu chất xơ, giàu chống chống...

Phác Đồ Điều Trị Viêm Gan B Mới Nhất (Tham Khảo Bộ Y Tế)

Lựa chọn được phác đồ điều trị viêm gan B phù hợp là yếu tố quan trọng quyết định đến...

Chữa viêm gan B bằng cây chó đẻ có hiệu quả không?

Bài thuốc chữa viêm gan B bằng cây chó đẻ đang được nhiều người áp dụng. Trên thực tế, dùng...

Men Gan Cao Là Gì? Có Nguy Hiểm? Cách Khắc Phục

Men gan được xác định là chất xúc tác sinh học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *