Ho khan tức ngực là bị gì? Có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Ho khan tức ngực là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc các bệnh lý như viêm phổi, tràn dịch phổi, trào ngược dạ dày hay ung thư phổi. Đây đều là những bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện tượng ho khan tức ngực

Ho khan tức ngực chỉ tình trạng xuất hiện các cơn ho khan liên tục hoặc ngắt quãng nhưng không có tiết đờm trong cổ họng, kèm theo đó là cảm giác tức ngực khó chịu. Tình trạng tức ngực thường nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh ho.

Ho khan tức ngực là bị gì?
Ho khan tức ngực là biểu hiện của nhiều bệnh

Một số trường hợp thậm chí còn cảm thấy khó thở và gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu khác như:

  • Thở khò khè
  • Ngưng thở tạm thời trong lúc ngủ
  • Đau rát cổ họng
  • Khó nuốt, nuốt vướng
  • Buồn nôn
  • Nghẹt mũi hoặc sổ mũi
  • Sốt
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Giảm cân nhanh không rõ lý do

Hiện tượng ho khan tức ngực là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý. Nếu đang gặp phải triệu chứng này, bạn cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân để có hướng điều trị đúng đắn, kịp thời.

Ho khan tức ngực là bị gì?

Thông thường, khi hít phải bụi bẩn, khói thuốc lá hay các tác nhân kích thích khác, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng các cơn ho khan để đẩy dị vật ra khỏi đường thở. Hoạt động này diễn ra liên tục sẽ khiến bạn có cảm giác tức ngực. Tuy nhiên, nếu bị ho khan tức ngực kéo dài, hãy thận trọng với các bệnh lý sau:

1. Tràn dịch màng phổi

Khi lượng dịch tích tụ trong khoang màng phổi nhiều hơn bình thường, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tràn dịch màng phổi. Căn bệnh này xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý như viêm màng phổi, lao màng phổi, ung thư phổi, xơ gan cổ trướng, suy tim hay hội chứng thận hư…

Dấu hiệu nhận biết:

  • Ho khan
  • Đau tức ngực, đặc biệt là khi thay đổi tư thế. Cơn đau cũng tăng nặng hơn mỗi khi hít thở sâu.
  • Sốt
  • Khó thở

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý khá nguy hiểm, nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.Căn bệnh này có thể được phát hiện thông qua chụp X-quang hoặc chọc dò màng phổi.

2. Bệnh hen phế quản

Hen phế quản là một căn bệnh mãn tính ở đường hô hấp có điểm đặc trưng là tình trạng sưng viêm, phù nề ở niêm mạc đường thở. Những người mắc căn bệnh này thường khá nhạy cảm với các chất gây kích ứng như phấn hoa, khói bụi, mùi thuốc lá. Chất chất này khi được hít vào sẽ gây kích thích cơ trơn trong đường hô hấp co thắt mạnh. Điều này có thể gây thu hẹp đường dẫn khí, cản trở đường lưu thông không khí ra vào phổi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh hen phế quản:

  • Ho khan tức ngực
  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Hơi thở ngắn
  • Hụt hơi
  • Lồng ngực co thắt mạnh
  • Nặng ngực
  • Vã mồ hôi

Trường hợp cơn hen kéo dài, lượng oxy trong máu giảm khiến cho người bệnh bị thiếu máu não dẫn đến mất ý thức, ngất xỉu hoặc thậm chí là tử vong. Người bệnh thường phải mang theo bên mình chai thuốc xịt để sử dụng kịp thời mỗi khi lên cơn hen khó thở.

3. Viêm phổi do virus

Nhiễm trùng virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi. Nhiều loại virus khác nhau có thể gây nhiễm trùng phổi, chẳng hạn như virus cúm hay virus cảm lạnh. Chúng xâm nhập vào trong phổi và khiến cho các tổ chức ở cơ quan này bị viêm. Ở mức độ nặng, bệnh viêm phổi có thể đe dọa đến tính mạng.

Ho khan tức ngực
Bệnh viêm phổi do virus có thể gây ho khan tức ngực

Triệu chứng nhận biết viêm phổi do virus:

  • Sốt cao
  • Ớn lạnh trong người hoặc có cảm giác rét run
  • Ho khan. Trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn có thể xuất hiện cơn ho có đờm
  • Đau tức ngực
  • Chảy nhiều nước mũi
  • Nhức đầu
  • Đau cơ
  • Cơ thể mệt mỏi, yếu sức

4. Bệnh tràn khí màng phổi

Khi khoang phổi tích tụ quá nhiều khí sẽ khiến cho phổi bị xẹp xuống, hiện tượng này được gọi là tràn khí màng phổi. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một phần hay toàn bộ phổi.

Các triệu chứng bệnh tràn khí màng phổi thường xuất hiện một cách đột ngột với nguyên nhân không rõ ràng. Bệnh có thể xảy ra ở các đối tượng khỏe mạnh hoặc những người có tiền sử bị lao phổi, nhiễm trùng phổi, hen…

Dấu hiệu nhận biết:

  • Ho khan
  • Đau tức ngực dữ dội. Cơn đau tăng lên khi hít thở hoặc khi làm việc gắng sức
  • Khó thở. Mức độ tràn khí càng nghiêm trọng thì càng cảm thấy khó thở nhiều hơn
  • Thở nhanh hoặc thở nông
  • Vật vã
  • Tím tái
  • Tụt huyết áp
  • Mạch đập nhanh
  • Suy hô hấp
  • Chụp X-quang thấy xẹp phổi

5. U phổi lành tính

Khối u lành tính trong phổi được hình thành khi các mô tăng sinh quá nhanh. Khối u không có khả năng lây lan sang các khu vực khác như u ác tính và thường không gây ra nhiều triệu chứng rõ ràng khi kích thước còn nhỏ.

Dấu hiệu nhận biết u lành tính ở phổi:

  • Ho khan kéo dài hoặc ho ra máu
  • Tức ngực
  • Khó thở, thở khò khè
  • Có thể sốt hoặc không sốt
  • Khàn tiếng
  • Giảm cân
  • Mệt mỏi

6. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ho khan tức ngực thường gặp. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chủ yếu xảy ra ở các đối tượng có thói quen hút thuốc lá lâu năm hoặc hít phải các chất có hại trong thời gian dài.

Triệu chứng nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

  • Ho khan tức ngực ở giai đoạn khởi phát
  • Khi tiến triển nặng hơn có thể gây ho có đờm. Dịch đờm màu trắng, vàng xám hoặc xanh lá cây. Một số trường hợp bị ho có đờm kèm theo máu
  • Thở dốc, thở khò khè
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ
  • Ớn lạnh

7. Suy tim gây ho khan tức ngực

Tim có vai trò bơm máu cùng oxy đến phổi và cũng như toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể. Trường hợp bị suy tim, chất lỏng từ máu có thể tích lũy tại phổi làm giảm lưu lượng oxy trong phổi dẫn đến ho khan tức ngực. Cơn ho thường xảy ra vào ban đêm. Đôi khi bị ho có đờm lẫn máu.

Các triệu chứng nhận biết khác:

  • Khó thở
  • Thở hổn hển ngay cả khi làm việc nhẹ
  • Phù nề, nặng mí mắt khi ngủ dậy hoặc phù tay chân
  • Tăng huyết áp
  • Mệt mỏi…

Bệnh suy tim nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim sung huyết, tắc mạch máu, thậm chí là dẫn đến tử vong.

8. Bệnh ung thư phổi

Nếu bị ho khan tức ngực kéo dài, bạn cũng nên thận trọng với bệnh ung thư phổi. Căn bệnh này chỉ sự xuất hiện của một khối u ác tính trong phổi. Khối u có khả năng phát triển ngày càng to hơn và di căn sang các cơ quan khác.

Ho khan tức ngực do ung thư phổi
Bệnh ung thư phổi có thể gây ho khan tức ngực

Dấu hiệu nhận biết bệnh:

  • Ho khan
  • Đau tức ngực
  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Sút cân không rõ nguyên nhân
  • Ho ra máu
  • Khàn tiếng
  • Đau ở tay, vai hoặc các ngón tay, dị cảm da do khối u chèn ép vào mạng dây thần kinh cánh tay
  • Chán ăn, ăn uống không ngon miệng

9. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Cuối cùng, nhắc tới triệu chứng ho khan có đờm, bạn không nên bỏ qua bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân gây bệnh là do cơ tròn nối giữa dạ dày với thực quản khép mở không đúng cách. Điều này tạo điều kiện cho dịch tiêu hóa có trong dạ dày đi ngược lên trên thực quản.

Axit cùng các chất khác trong dạ dày có thể khiến niêm mạc thực quản và cổ họng bị kích ứng, bỏng rát. Hậu quả là người bệnh thường xuyên bị ho khan tức ngực.

Các dấu hiệu khác có thể xuất hiện kèm theo:

  • Ợ nóng
  • Ợ chua, có vị chua trong miệng
  • Đau thượng vị
  • Đầy bụng
  • Ăn lâu tiêu…

Ho khan tức ngực có nguy hiểm không?

Triệu chứng ho khan tức ngực không chỉ xảy ra khi có các yếu tố kích thích xâm nhập vào trong đường thở mà đây còn là một biểu hiện của bệnh lý. Một số bệnh gây ho khan tức ngực khá nguy hiểm, chẳng hạn như suy tim, viêm phổi, tràn dịch màng phổi hay ung thư phổi. Chúng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chính vì vậy, nếu bị ho khan tức ngực mà không rõ nguyên nhân, bạn nên nhanh chóng tìm tới các chuyên khoa Hô hấp khám để được chẩn đoán chính xác bệnh lý và được điều trị kịp thời. Tránh để kéo dài gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Cách trị ho khan tức ngực

Tùy theo nguyên nhân gây ho khan tức ngực và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà có các điều trị thích hợp. Các phương pháp sau đang được lựa chọn để khắc phục tình trạng này bao gồm:

1. Dùng thuốc trị ho khan tức ngực

Sử dụng thuốc tây trị ho khan tức ngực là phương pháp được áp dụng cho hầu hết các trường hợp. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân, triệu chứng và mức độ bệnh cụ thể để chỉ định thuốc cho từng cá nhân.

thuốc trị ho khan tức ngực
Một số loại thuốc tây được chỉ định để điều trị nguyên nhân và triệu chứng ho khan tức ngực
  • Thuốc kháng sinh: Loại thuốc này được chỉ định khi có nhiễm trùng, bội nhiễm trong đường hô hấp. Thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn nhưng không ức chế được virus.
  • Thuốc giảm ho: Các trường hợp bị ho khan nhiều dẫn đến đau họng, mệt mỏi sẽ được chỉ định thuốc giảm ho. Thuốc giúp ức chế co thắt cơ trơn, giảm nhanh cơn ho và giúp người bệnh dễ ngủ hơn.
  • Thuốc làm giãn động mạch, đánh tan huyết khối: Nhóm thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân bị ho khan tức ngực do thuyên tắc phổi. Thuốc hoạt động bằng cách hòa tan cục máu đông, đồng thời làm giãn nở mạch máu, tăng cường bơm máu và oxy vào trong phổi, qua đó cải thiện tình trạng ho khan tức ngực và các triệu chứng khó chịu khác.
  • Thuốc hóa chất: Một số bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi được tiêm hóa chất để điều trị. Thuốc được tiêm trực tiếp vào khu vực màng phổi để ngăn chặn không cho chất lỏng tích tụ. Các loại hóa chất thường được sử dụng bao gồm Bleomycin, Tetracycline…

2. Chữa ho khan tức ngực bằng mẹo dân gian

Một số bài thuốc dân gian cũng được nhiều bệnh nhân sử dụng để hỗ trợ điều trị ho khan tức ngực và các bệnh lý liên quan.

  • Dùng bột nghệ: Lấy 1/2 thìa bột nghệ pha chung với 1/4 thìa bột tiêu đen và 1 ly sữa ấm. Dùng thìa khuấy đều rồi uống hết trong 1 lần. Bài thuốc này có tác dụng giảm ho khan, xoa dịu cơn đau tức ngực, chống viêm, giảm đờm, làm nhanh lành tổn thương trong đường thở.
  • Xông tinh dầu bạch đàn: Lấy vài giọt tinh dầu bạch đàn nhỏ vào trong tô nước sôi. Sau đó trùm chăn kín đầu và hít hơi nước bốc lên để giảm nghẹt mũi, làm thông thoáng đường thở và bớt ho.
  • Bài thuốc từ hoa đu đủ đực: Dùng 20g hoa (dạng khô) đem hấp cách thủy chung với đường phèn. Chắt nước uống có tác dụng giảm ho tức ngực, hỗ trợ điều trị viêm phế quản, viêm phổi.

3. Điều trị ho khan tức ngực bằng phẫu thuật

Một số bệnh nhân bị ho khan tức ngực được chỉ định làm phẫu thuật, chẳng hạn như người bị u phổi lành tính, ung thư phổi hoặc tràn dịch màng phổi…Sau phẫu thuật, người bệnh cần có nhiều thời gian nghỉ ngơi để nhanh phục hồi sức khỏe.

phẫu thuật chữa ho khan tức ngực
Phẫu thuật được chỉ định cho một số bệnh nhân bị ho khan tức ngực

Chế độ ăn uống sinh hoạt khi bị ho khan tức ngực

Người bị ho khan tức ngực cần thay đổi lối sống để mau phục hồi sức khỏe. Trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý:

  • Tránh lao động nặng nhọc, vận động nhẹ nhàng
  • Tập thể dục mỗi ngày nhưng tránh lựa chọn các môn thể thao có cường độ mạnh
  • Giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh để thần kinh bị căng thẳng
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn hay hóa chất
  • Kiêng uống bia, rượu, cà phê
  • Sau khi ăn chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng hoặc đi nằm ngay gây trào ngược dạ dày thực quản
  • Uống nhiều nước. Bổ sung rau xanh và trái cây vào bữa ăn để cải thiện khả năng miễn dịch
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan để tình trạng ho khan tức ngực không còn tái phát trở lại.

Bạn nên tham khảo thêm

Tìm hiểu cách chữa ho do hen suyễn bằng cây ráy gai

Cách chữa ho do hen suyễn bằng cây ráy gai

Để làm giảm các cơn ho do hen suyễn, ngoài việc dùng thuốc tây, bệnh nhân cũng có thể áp...

Những loại cây trị ho hiệu quả – Dân Nam dùng thuốc nam

Tía tô, gừng, lá hẹ hay me đất,... là những loại cây trị ho dễ kiếm đang được nhiều người...

Tìm hiểu về bệnh ho do hút thuốc lá và cách điều trị

Ho do hút thuốc lá: Biện pháp khắc phục và mọi thứ bạn nên biết

Hút thuốc lá thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây nhiều vấn đề về sức khỏe, phổ biến...

Thuốc kháng sinh trị ho dùng khi nào? Điều cần biết

Khi bị ho, nhiều người lập tức đi thuốc kháng sinh về sử dụng mà không biết rằng không phải...

7+ loại kẹo ngậm trị ho tốt nhất hiện nay và lưu ý

Các loại kẹo ngậm trị ho thường được bào chế từ thảo dược tự nhiên nên khá an toàn cho...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.