Bệnh Ho

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Ho không phải là bệnh lý mà chỉ là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ dị vật, chất kích thích bên trong đường hô hấp. Vì là tình trạng phổ biến nên ho thường bị xem nhẹ. Tâm lý chủ quan là lý do khiến ho trở nên dai dẳng, dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sức khỏe.

Tổng quan

Bệnh ho (Cough) là cách gọi theo thói quen nhưng trên thực tế, ho là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe. Ho được định nghĩa là hành động thở mạnh, đột ngột nhằm tống dị vật bên trong đường hô hấp ra ngoài. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cơ quan hô hấp bị viêm nhiễm, kích ứng, dị ứng.

bệnh ho
Ho không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng, cách gọi bệnh thực chất xuất phát từ thói quen

Dưới tác động của cơn ho, phổi sẽ đẩy không khí ra ngoài với tốc độ và áp lực cao. Ho có thể bùng phát từng cơn hoặc ho thành từng tiếng, dai dẳng. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ho, trong đó phần lớn là do viêm đường hô hấp trên.

Ngoài ra, ho cũng có thể là phản ứng sinh lý khi tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa hoặc khi ăn phải thức ăn cay, nhiều gia vị. Vì thế, không phải trường hợp nào có biểu hiện ho cũng cần điều trị. Ho có nhiều loại, thời gian tiến triển đa dạng tùy theo nguyên nhân và cơ địa của từng người.

Phân loại

Ho là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Dựa vào thời gian tiến triển, bệnh ho được chia thành 3 loại:

Ho cấp tính:

Ho cấp tính là tình trạng ho xảy ra đột ngột do các bệnh viêm đường hô hấp cấp hoặc do dị ứng, kích ứng với các chất kích thích từ môi trường. Đa phần trường hợp ho cấp đều có tính chất dữ dội, đột ngột nhưng thuyên giảm nhanh khi được điều trị. Ho cấp tính thường kéo dài trong khoảng 2 - 3 tuần.

Ho bán cấp:

Ho bán cấp là tình trạng ho kéo dài từ 3 - 8 tuần. Đây là giai đoạn chuyển giao giữa ho cấp tính và ho mãn tính. Nếu không điều trị đúng cách, triệu chứng ho sẽ trở nên dai dẳng, tái phát thường xuyên.

Ho mãn tính:

Trường hợp triệu chứng kéo dài trên 8 tuần sẽ được xác định là ho mãn tính. Ho mãn tính thường không đột ngột như cấp tính, ho húng hắng, đôi khi ho thành từng cơn khi có yếu tố kích thích. Cơn ho thường bùng phát khi trời lạnh, uống nước đá, hút thuốc lá, dùng bia rượu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng ho. Ho là phản ứng tự nhiên để tống dị vật, dịch tiết ở đường hô hấp trên. Vì vậy, phần lớn nguyên nhân gây ho là do các bệnh liên quan đến tai mũi họng.

nguyên nhân gây ho
Phần lớn các trường hợp bị ho là do viêm nhiễm đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,...

Bệnh ho có thể xảy ra do những nguyên nhân sau đây:

  • Do các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm VA, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,...
  • Dị ứng thời tiết
  • Các các vấn đề ở đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm khí quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phù phổi, hen phế quản, lao phổi,...
  • Ho gà
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Ung thư phế quản

Tất cả các vấn đề liên quan đến cơ quan hô hấp đều có thể gây ho. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ dễ gặp hơn ở những đối tượng sau:

  • Trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém
  • Người có thói quen hút thuốc lá
  • Thể địa dị ứng
  • Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy gan, suy thận,...
  • Lạm dụng rượu bia, thói quen ăn mặn, cay, nhiều gia vị,...
  • Công việc phải nói nhiều, nói liên tục hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn, bụi vải,...
  • Sống trong khu vực ô nhiễm, đời sống thấp,...
  • Vệ sinh răng miệng kém, ít có thói quen rửa mũi

Triệu chứng và chẩn đoán

Ho là triệu chứng dễ nhận biết. Tuy nhiên, triệu chứng ho khá đa dạng và thông qua biểu hiện có thể xác định phần nào nguyên nhân.

nguyên nhân gây ho
Ho có biểu hiện đa dạng, có thể ho khan, ho ra máu, ho có đờm, ho nhẹ vài tiếng hoặc ho dữ dội từng cơn

Dấu hiệu nhận biết bệnh ho:

  • Ho khan: Ho khan là tình trạng ho không kèm đờm, có thể ho nhiều nhưng đôi khi ho húng hắng vài tiếng. Vì không kèm đờm nên ho khan thường gây đau rát họng, cổ họng khô, khó chịu.
  • Ho có đờm: Ho có đờm là tình trạng ho kèm theo dịch tiết hô hấp. Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm họng, viêm mũi, viêm xoang và viêm phế quản mãn tính. Trường hợp ho có đờm dễ bị bội nhiễm do đờm nhiều tạo điều khiện để vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
  • Ho ra máu: Ho ra máu là tình trạng nên chú ý. Khi ho, các tia máu có thể bắn ra do áp lực mạnh, có thể kèm theo đờm hoặc không. Khoảng 90% trường hợp ho ra máu là do lao phổi nên cần phải lưu ý thăm khám sớm.

Ho là cơ chế tự bảo vệ của cơ quan hô hấp. Nhờ có phản xạ ho, dịch tiết hô hấp và các chất dị ứng, kích ứng sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, ho nhiều, ho dai dẳng, ho thành từng cơn không kiểm soát,... gây ra không ít phiền toái.

Ho là triệu chứng thường gặp nên đôi khi bị bỏ qua. Nhiều người không chú ý đến những biểu hiện khác thường, chủ quan dùng thuốc không kê toa làm triệu chứng trở nên mờ nhạt khiến bệnh tiến triển nặng.

nguyên nhân gây ho
Nguyên nhân gây ho đa dạng nên cần thăm khám để được xác định chính xác

Nếu nhận thấy ho dai dẳng, kéo dài hơn 8 tuần hoặc ho nặng, ho ra máu, sốt cao, sút cân đột ngột,... nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. Chẩn đoán nguyên nhân gây ho sẽ bao gồm nhiều kỹ thuật như khám cổ họng, xét nghiệm công thức máu, soi cấy bệnh phẩm, nội soi mũi họng, thanh quản, thực quản, X-quang phổi,...

Biến chứng và tiên lượng

Ho không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe. Vì vậy, tiên lượng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Đa phần triệu chứng ho đều do các vấn đề hô hấp thường gặp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,... nên không đáng lo ngại.

Ho là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ quan hô hấp. Tuy nhiên nếu không kiểm soát sớm, ho dai dẳng có thể gây mất ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng tập trung. Những người làm công việc phải giao tiếp nhiều sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

ho có nguy hiểm không
Ho dai dẳng, kéo dài ảnh hưởng đến giấc ngủ và gia tăng nguy cơ suy nhược cơ thể, giảm khả năng tập trung,...

Trong một số ít trường hợp, ho đôi khi là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe đáng chú ý như ung thư phổi, lao phổi, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính,... Các vấn đề liên quan đến phổi có triệu chứng không quá điển hình. Nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng gây suy hô hấp cấp và tử vong.

Ho dù không phải tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn cần lưu ý. Trường hợp ho dai dẳng không dứt hoặc nhận thấy ho ra máu kèm theo các triệu chứng toàn thân như sụt cân, xanh xao, mệt mỏi, khó ngủ, tinh thần bứt rứt,... nên chủ động thăm khám để phát hiện sớm những vấn đề bất thường.

Điều trị

Điều trị ho phụ thuộc vào nguyên nhân. Một số trường hợp có thể thuyên giảm khi vấn đề sức khỏe được kiểm soát và cải thiện. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân, mức độ ho để lên phác đồ điều trị phù hợp.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị bệnh ho:

Sử dụng thuốc

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ quan hô hấp nhằm tống đờm, dị vật ở bên trong ra ngoài. Nếu ho nhẹ, tốt nhất không nên dùng thuốc, tránh để đờm ứ đọng gia tăng nguy cơ bội nhiễm. Trường hợp ho nhiều, ho dai dẳng có thể dùng một số loại thuốc sau để cải thiện:

ho có nguy hiểm không
Có thể cải thiện triệu chứng ho bằng cách dùng thuốc ức chế ho, thuốc long đờm, thuốc kháng histamin...

  • Thuốc làm tăng dịch tiết: Nhóm thuốc này được sử dụng trong trường hợp ho có đờm với tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch hô hấp và làm tan các chất kích thích. Cơ chế này của thuốc sẽ giúp bảo vệ niêm mạc, đồng thời hỗ trợ loại bỏ đờm dễ dàng thông qua phản xạ ho và khạc nhổ. Các loại thuốc làm tăng dịch tiết thông dụng bao gồm Kali iodid, Natri iodid, Terpin, Eucallyptol,...
  • Thuốc làm tiêu chất nhầy: Nhóm thuốc này cũng được sử dụng phổ biến để điều trị ho. Thuốc có tác dụng giảm độ nhớt, đặc của đờm để dịch tiết hô hấp có thể được loại bỏ thông qua phản xạ khạc đờm và ho. Hai loại thuốc được sử dụng phổ biến là Bromhexin và Acetylcystein.
  • Thuốc ức chế ho: Thuốc ức chế ho thường chỉ được dùng trong trường hợp ho khan, ít dùng cho ho có đờm vì có thể gây ứ đọng đờm, tăng nguy cơ bội nhiễm. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến thường là Codein, Pholcodin, Dextromethorphan.
  • Thuốc kháng histamin: Ngoài hiệu quả chống dị ứng và chống say tàu xe, thuốc kháng histamin còn có hiệu quả giảm ho. Thuốc thường được dùng trong trường ho khan do kích ứng và dị ứng. Thường dùng nhất là Alimemazin và Diphehydramin.

Ho thường đi kèm với nhiều triệu chứng khác, nếu cần có thể dùng thêm thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc chống viêm, các loại thuốc xịt, khí dung,... Trường hợp có bội nhiễm hoặc do nhiễm khuẩn sẽ phải dùng kháng sinh.

Điều trị nguyên nhân

Điều trị nguyên nhân là yếu tố tiên quyết có thể kiểm soát triệu chứng ho dứt điểm hay không. Như đã đề cập, ho là triệu chứng, không phải là bệnh. Chỉ khi nguyên nhân được khắc phục, ho mới thuyên giảm hoàn toàn.

Đa phần trường hợp bị ho đều do viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang cấp. Nếu do virus gây ra, các bệnh lý này có thể tự thuyên giảm sau 5 - 7 ngày khiến cho nhiều người nhầm tưởng, dùng thuốc có thể trị ho dứt điểm.

Tuy nhiên, trường hợp do nhiễm khuẩn hoặc do các bệnh mãn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,... ho sẽ kéo dài dai dẳng nếu không có phương pháp chữa trị phù hợp.

Các vấn đề hô hấp có triệu chứng khá giống nhau. Nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng sẽ khó có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Vì vậy, bắt buộc phải tìm gặp bác sĩ để thực hiện một số kỹ thuật chuyên sâu nhằm xác định nguyên nhân và can thiệp phương pháp điều trị phù hợp.

Chế độ chăm sóc

Đa phần các trường hợp bị ho đều có liên quan đến các bệnh lý hô hấp. Do đó, nên kết hợp với chế độ chăm sóc nhằm đẩy lùi triệu chứng nhanh, hạn chế phải dùng thuốc dài hạn.

điều trị ho
Nên nghỉ ngơi và giữ ấm cơ thể để đẩy lùi ho cùng với các triệu chứng đi kèm

Chế độ chăm sóc giúp cải thiện triệu chứng ho sẽ bao gồm các biện pháp sau:

  • Ho nhiều gây đau rát họng nên cần uống nước ấm, hạn chế thức ăn lạnh và các món ăn có nhiều gia vị.
  • Hạn chế nói nhiều, nói quá lớn, la hét trong thời gian bị ho.
  • Cai thuốc lá, tránh hít khói thuốc thụ động, đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc với mạt bụi, bào tử nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa và các chất dị ứng, kích ứng khác có trong không khí.
  • Kiêng rượu bia, cà phê.
  • Có thể dùng trà gừng, mật ong, bạc hà,... để giảm ho, long đờm.
  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian bị ho, không nên thức khuya và gắng sức.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu vitamin C, kẽm, tăng cường thực phẩm có đặc tính kháng sinh tự nhiên như hành tây, tỏi, hẹ, diếp cá,... để nâng cao sức đề kháng và đẩy lùi triệu chứng ho nhanh chóng.
  • Tình trạng ho có thể nghiêm trọng hơn khi nhiễm lạnh. Vậy nên cần giữ ấm cổ họng, mặc áo dài tay khi ra ngoài. Tránh tắm quá khuya và nên tắm bằng nước ấm.

Chế độ chăm sóc góp phần cải thiện và đẩy lùi ho khan, ho có đờm nhanh chóng. Ngoài ra, các biện pháp nói trên còn giúp giảm các triệu chứng đi kèm như đau rát họng, ngứa họng, nghẹt mũi,...

Phòng ngừa

Ho sẽ được phòng ngừa nếu ngăn chặn tốt các bệnh viêm đường hô hấp, hạn chế dị ứng, kích ứng và trào ngược. Hiện nay, môi trường sống ô nhiễm, khói bụi,... khiến cho tỷ lệ mắc các vấn đề hô hấp ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng ngừa ho và các triệu chứng đi kèm bằng những biện pháp sau:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, tập thói quen rửa mũi và súc họng hằng ngày để phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Lên kế hoạch cai thuốc lá, hạn chế đồ uống chứa cồn.
  • Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với những người có biểu hiện ho, đau họng, sốt, hắt hơi,...
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi sử dụng các vật dụng công cộng.
  • Điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sinh hoạt để kiểm soát chứng trào ngược.
  • Tăng cường sức đề kháng để tránh ho tái phát. Hệ miễn dịch sẽ được cải thiện đáng kể thông qua lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, thư giãn.
  • Khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần/ năm là điều nên làm giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
  • Tiêm ngừa các bệnh hô hấp thường gặp như viêm phổi do phế cầu, ho gà, bạch hầu, cúm A, Covid,...

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Ho có lây không? Mẹ ho có lây sang con?

2. Ho có chữa dứt điểm được không?

3. Bị ho tái đi tái lại nhiều lần phải làm sao?

4. Bị ho có cần phải uống kháng sinh không?

5. Bà bầu bị ho phải điều trị như thế nào cho an toàn?

6. Nên kiêng gì, ăn gì để cải thiện tình trạng ho hiệu quả?

7. Ho dữ dội về đêm phải làm sao để kiểm soát?

8. Ho hậu Covid cần lưu ý gì?

Ho dù không là bệnh nhưng vẫn cần được chú ý. Bởi triệu chứng này có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Khi bị ho dai dẳng, ho dữ dội kèm theo các triệu chứng bất thường, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Chủ quan với các biểu hiện của cơ thể sẽ khiến bệnh tiến triển nặng, khó điều trị do can thiệp chậm.