Các biến chứng trào ngược dạ dày nguy hiểm khôn lường
Bệnh trào ngược dạ dày không chỉ đem đến các triệu chứng khó chịu mà còn gây ra nhiều tác hại nguy hiểm như viêm loét thực quản, viêm đường hô hấp hoặc thậm chí là ung thư thực quản. Dưới đây là một số biến chứng của trào ngược dạ dày bệnh nhân cần nắm rõ để có ý thức hơn trong việc dự phòng và điều trị bệnh.
Trào ngược dạ dày (GERD) là tình trạng axit và dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên trên thực quản. Nguyên nhân là do cơ thắt dưới của thực quản bị suy yếu và có khả năng co thắt kém. Điểm đặc trưng của bệnh là tình trạng ợ nóng, ợ chua, đau ngực, buồn nôn, khó thở…
Nghiêm trọng hơn, nếu không được kiểm soát tốt bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Các biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày
Các biến chứng đã được ghi nhận trên những bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày bao gồm:
1. Viêm loét thực quản
Đây là một trong những biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất nhiều bệnh nhân gặp phải. Khi niêm mạc thực quản thường xuyên phải tiếp xúc với axit dạ dày, nó có thể bị tổn thương, ăn mòn và tạo thành các vết loét.
Bệnh nhân nên thận trọng với biến chứng loét thực quản khi thấy các dấu hiệu như: Ợ nóng, đau ngực, khó nuốt, đau họng, buồn nôn, chán ăn hoặc nghiêm trọng hơn có thể nôn ra máu.
2. Viêm đường hô hấp, hen suyễn
Chứng trào ngược dạ dày có thể khiến axit và chất lỏng đi vào trong phổi. Điều này có thể dẫn đến nghẹt thở, ho hoặc thậm chí viêm phổi . Ở một số bệnh nhân, trào ngược có thể làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn hoặc khiến bệnh bùng phát trở lại.
GERD cũng có thể gây tổn thương thanh quản dẫn đến khản giọng mãn tính, viêm họng, ho kéo dài. Dây thanh bị tổn thương tái đi tái lại nhiều lần sẽ tạo sẹo và trở nên dày hơn khiến bệnh nhân cảm giác như thể có một khối u trong cổ họng.
3. Các vấn đề về răng miệng
Khi axit dạ dày trào ngược lên khoang miệng, nó có thể gây mòn men răng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển dẫn đến hôi miệng, sâu răng.
Bạn cần biết: Vì sao trào ngược dạ dày gây hôi miệng? Cách xử lý
4. Hẹp thực quản là biến chứng trào ngược dạ dày điển hình
Ở một số bệnh nhân, niêm mạc thực quản bị tổn thương hóa sẹo và xâm chiếm lòng thực quản khiến cho bộ phận này bị thu hẹp, tắc nghẽn. Điều này có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc nuốt thức ăn.
Các biểu hiện đặc trưng của hẹp thực quản là: Nuốt vướng, đau khi nuốt thức ăn, ho, khóc không ra tiếng, miệng tiết nhiều nước bọt. Bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ ngay khi gặp một trong các triệu chứng kể trên để có biện phát ngăn chặn biến chứng này từ sớm.
5. Barrett thực quản
Những người mắc bệnh trong nhiều năm có nguy cơ gặp biến chứng trào ngược dạ dày thực quản này. Barrett thực quản cũng được xem là một trong những tác hại nặng nề của bệnh.
Chứng Barrett thực quản xảy ra khi có sự thay đổi bất thường ở các tế bào niêm mạc thực quản do tình trạng trào ngược axit mang lại… Bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu như: Đau họng, khó nuốt, nghẹn, nôn mửa, thở hụt hơi, khò khè, viêm thanh quản.
6. Ung thư thực quản- biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày có thể dẫn đến bệnh Barrett thực quản, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở phần cuối của thực quản.
Bệnh ung thư thực quản thường khó phát hiện vì không có triệu chứng đặc hiệu. Sang đến giai đoạn tiến triển, khối u ác tính lớn dần gây hẹp thực quản và dẫn đến khó nuốt, nuốt vướng, ngay cả với những thức ăn lỏng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sụt cân nhanh, sạm da, ho kéo dài…
Tìm hiểu thêm: Mối liên hệ giữa ung thư thực quản và trào ngược dạ dày
Làm thế nào để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Để không gặp phải biến chứng của trào ngược dạ dày, bệnh nhân cần tích cực dùng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Việc thay đổi lối sống cũng góp phần cải thiện triệu chứng và giúp bệnh nhân có thể kiểm soát được bệnh.
Trong đời sống hàng ngày, bệnh nhân cần chú ý:
- Lựa chọn các thực phẩm có tính kiềm như bơ, chuối chín, ớt đà lạt, súp lơ xanh… nhằm trung hòa axit trong dạ dày. Trong khi đó, ăn các thực phẩm như bánh mì, các loại đậu, bột yến mạch lại có tác dụng thấm hút bớt lượng axit dư thừa trong dạ dày.
- Tránh uống rượu, hút thuốc lá và ăn nhiều đồ chua cay, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Ăn nhiều bữa trong ngày với lượng thức ăn ở mỗi bữa ít hơn. Tránh ăn khuya hoặc ăn quá no gần giờ đi ngủ. Sau khi ăn xong, bệnh nhân không nên nằm ngay bởi thức ăn chưa được tiêu hóa hết sẽ dễ xảy ra trào ngược.
- Có suy nghĩ lạc quan, tích cực, không để stress kéo dài vì tâm lý không tốt có thể khiến các triệu chứng trào ngược dạ dày thêm trầm trọng.
- Nằm kê gối cao trong lúc ngủ hoặc kê 2 chân giường phía trên đầu cao thêm khoảng 30cm. Khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái để giữ cho thực quản luôn cao hơn so với dạ dày.
Việc xây dựng một lối sống lành mạnh và chủ động trong việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng trào ngược dạ dày.
Thông tin ThuocDanToc.vn cung cấp chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế được cho lời khuyên của các nhà chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
- 8 cách chữa trào ngược dạ dày tại nhà đang được nhiều người áp dụng
- Trào ngược dạ dày gây khó thở nguy hiểm không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!