Bị đau đầu gối nhưng không sưng – Cảnh giác các bệnh này
Nhiều người bị đau đầu gối nhưng thường hay chủ quan khi không thấy có dấu hiệu sưng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý cơ xương khớp đáng quan ngại. Cần theo dõi và kịp thời thăm khám để can thiệp đúng cách, hạn chế ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp gối.
Đau đầu gối nhưng không sưng là dấu hiệu của bệnh gì?
Đầu gối bị đau nhưng không sưng có thể là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bao gồm di chứng khi bị chấn thương ở đầu gối, di chuyển quá nhiều, làm việc, mang vác nặng, thừa cân béo phì…
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình trạng này còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý cơ xương khớp cần sớm được quan tâm. Dưới đây là thông tin về các bệnh lý được cho là có liên quan đến sự phát sinh triệu chứng đau đầu gối nhưng không sưng:
1. Thoái hóa khớp gối
Khi bị đau khớp gối nhưng không kèm theo biểu hiện sưng tấy thì bạn nên nghĩ ngay đến bệnh thoái hóa khớp gối. Đây là bệnh cơ xương khớp phổ biến thường gặp ở những người lớn tuổi cùng với quá trình lão hóa chung của cơ thể.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà các triệu chứng sẽ có biểu hiện và mức độ khác nhau:
- Giai đoạn khởi phát: Tình trạng đau nhức xuất hiện mặt trước và mặt trong của khớp gối. Khi co gối hay di chuyển thường có tiếng chuyển động lạo xạo. Cơn đau thường chỉ thoáng qua và biểu hiện còn rất mơ hồ.
- Giai đoạn giữa: Cơn đau có thể nặng nề hơn khi vận động, đi lại nhiều… Nhưng khi nghỉ ngơi thường có dấu hiệu giảm bớt. Tình trạng co cứng đầu gối có thể phát sinh khoảng 30 phút đầu khi mới ngủ dậy.
- Giai đoạn tổn thương: Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi chuyển động khớp. Dịch khớp bị khô, đầu gối thường phát tiếng kêu khi đứng lên, ngồi xuống. Lúc này người bệnh có thể sẽ không lên xuống cầu thang được.
2. Viêm khớp dạng thấp
Đây là bệnh rối loạn tự miễn mãn tính có thể ảnh hưởng tới nhiều khớp khác nhau trong hệ thống xương khớp.. Bệnh thường khởi phát khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động, tấn công nhầm các mô trong cơ thể.
Bệnh thường khởi phát ở các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân nhưng trong nhiều trường hợp vẫn sẽ ảnh hưởng đến khớp gối. Viêm khớp dạng thấp thường khiến đầu gối bị đau nhưng đôi khi không đi kèm với tình trạng sưng tấy.
Sau đây là một số triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp:
- Viêm nhiễm tại chỗ hay vùng xung quanh vị trí khớp gối.
- Khi di chuyển đầu gối có thể bất ngờ phát ra tiếng động lạ.
- Khớp gối có thể bị nóng rát trước và sau khi cơn đau xuất hiện.
- Càng vận động nhiều, cơn đau sẽ càng bị kích hoạt dữ dội.
- Khớp gối khó vận động hay co gấp một cách linh hoạt.
3. Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Bao hoạt dịch khớp gối có chứa dịch nằm ở vị trí giữa xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Chúng có tác dụng làm giảm nhẹ ma sát cũng như những áp lực từ cơ thể đến khớp gối.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối chính là tình trạng bao hoạt dịch bị viêm, gây đau và khó khăn khi vận động. Triệu chứng đau nhức có thể kèm theo sưng nhưng trong nhiều trường hợp, đầu gối có thể không bị sưng hay có dấu hiệu bất thường nào.
Tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối không chỉ khiến đầu gối bị đau mà còn ảnh hưởng tới chức năng vận động của khớp nếu không sớm can thiệp. Nó có thể gây khô cứng hay dính khớp và phát sinh nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.
4. Viêm gân bánh chè
Tình trạng đau đầu gối nhưng không sưng cũng có thể là biểu hiện của viêm gân bánh chè. Viêm nhiễm thường kích hoạt khi đầu gối phải chịu đựng áp lực quá tải do vận động liên tục. Vấn đề này rất phổ biến ở những vận động viên thể thao hay những người phải di chuyển nhiều trong công việc.
Những cơn đau đầu gối do viêm gân bánh chè gây ra thường có tính chu kỳ. Từ đau ít đến đau nhiều, cơn đau từ âm ỉ cho đến dữ dội. Khi không can thiệp điều trị sớm thì các biến chứng nghiêm trọng hoàn toàn có thể phát sinh. Đứt gân chính là một biến chứng nặng nề của bệnh nhưng tương đối hiếm gặp.
Tham khảo thêm: Viêm gân bánh chè gây đau đầu gối phải làm thế nào?
5. Bệnh Gout
Thông thường, tình trạng đau nhức do bệnh Gout gây ra sẽ đi kèm với triệu chứng sưng tấy ở khớp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi nồng độ acid uric chỉ mới bắt đầu tăng lên, giai đoạn bệnh vừa mới hình thành thì đầu gối thường chưa bị sưng.
Bệnh Gout là một bệnh cơ xương khớp rất phổ biến hiện nay, khởi phát khi nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao. Lúc này, các tinh thể muối urat sẽ lắng đọng tại khớp và làm phát sinh triệu chứng.
Nguyên nhân chính gây bệnh là do cơ thể tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm chứa purin nhưng lại không thể đào thải ra ngoài. Chức năng thận suy yếu, dùng quá nhiều rượu bia được cho là những yếu tố có liên quan trực tiếp.
6. Bệnh lao khớp gối
Đây là bệnh lý đặc trưng bởi tổn thương lao khu trú kích hoạt ở khớp gối, nó là một dạng bệnh thứ phát sau lao sơ nhiễm. Triệu chứng ban đầu đặc trưng nhất của bệnh lao khớp gối là tình trạng đau nhức đầu gối.
Cảm giác đau thường sẽ tăng lên khi hoạt động và có xu hướng giảm mạnh khi được nghỉ ngơi. Chính vì thế mà người bệnh thường sẽ cảm thấy đau đầu gối nhiều hơn vào ban ngày. Tùy vào mức độ bệnh là nặng hay nhẹ mà triệu chứng sưng có thể kích hoạt hoặc không.
Cách xử lý khi bị đau đầu gối nhưng không sưng
Tình trạng đau đầu gối nhưng không bị sưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau kích hoạt. Tùy thuộc vào nguyên nhân cùng biểu hiện triệu chứng mà có cách can thiệp phù hợp.
Để khắc phục tạm thời triệu chứng, bạn có thể áp dụng mẹo tự nhiên kết hợp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu là dấu hiệu của bệnh lý thì cần thăm khám và điều trị y tế mới có thể khắc phục triệt để.
Sau đây là các giải pháp có thể đáp ứng với tình trạng đau khớp gối nhưng không sưng:
1. Sử dụng dược liệu tự nhiên
Một số loại thảo dược tự nhiên như ngải cứu hay lá lốt được sử dụng rất phổ biến trong khắc phục các tình trạng đau nhức xương khớp. Trường hợp bị đau đầu gối nhưng không sưng cũng có thể dùng chúng để hỗ trợ cải thiện.
Dùng ngải cứu chữa đau đầu gối không sưng:
Ngải cứu là dược liệu được dùng phổ biến trong Đông y với tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm và điều hòa khí huyết rất tốt. Dùng lá ngải cứu sao nóng đắp lên đầu gối sẽ hỗ trợ làm giãn cơ xương, cải thiện tuần hoàn máu và giúp khớp gối được thư giãn.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu tươi, cho vào ngâm rửa trong thau nước muối loãng.
- Giã cho hơi nát rồi cho lên chảo sao nóng với 1 ít muối hạt.
- Bọc trong miếng vải mỏng, để cho nguội bớt rồi dùng chườm lên đầu gối khoảng 20 phút.
- Mỗi ngày có thể thực hiện 2 lần vào mỗi buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Chữa đau đầu gối không sưng bằng lá lốt:
Cũng tương tự như ngải cứu, lá lốt là thảo dược tự nhiên chứa nhiều thành phần có được tính cao. Nhờ đó mà có thể hỗ trợ khắc phục tình trạng đau nhức đầu gối do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Sử dụng đúng cách còn hỗ trợ cải thiện các bệnh lý về cơ xương khớp.
Cách thực hiện:
- Cần chuẩn bị khoảng 200g lá lốt, ngâm rửa sạch sẽ với nước muối loãng.
- Vò sơ qua rồi cho vào ấm, thêm 1 lít nước sắc trên lửa nhỏ trong 30 phút.
- Lọc lấy nước, bỏ bã và chia đều làm 2 lần uống trong ngày.
Bỏ túi: 10 Mẹo dân gian chữa đau đầu gối tại nhà thật đơn giản
2. Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc áp dụng các mẹo tự nhiên thì người bệnh cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc tốt tại nhà. Điều này sẽ giúp khắc phục triệu chứng và hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị nếu nguyên nhân là do các bệnh lý cơ xương khớp.
Cần đặc biệt lưu ý đến một số biện pháp sau đây:
- Massage: Đây là biện pháp đơn giản có thể hỗ trợ khắc phục triệu chứng đau đầu gối nhưng không sưng rất tốt. Massage với lực phù hợp sẽ giúp đầu gối được thư giãn, thúc đẩy tích cực cho quá trình lưu thông máu đến nuôi dưỡng khớp đang bị tổn thương.
- Chườm nóng: Đối với tình trạng đau nhưng không sưng thì chườm nóng là cách rất phù hợp. Nhiệt độ cao thường có tác dụng kéo giãn mạch, cải thiện tuần hoàn máu, từ đó cải thiện cơn đau một cách hiệu quả.
- Nghỉ ngơi, thư giãn: Sẽ hỗ trợ cải thiện cơn đau, giảm áp lực và căng thẳng cho đầu gối. Nhất là trong trường hợp phải di chuyển hay vận động quá nhiều.
- Ngủ đủ giấc: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 90% năng lượng và tế bào trong cơ thể sẽ được hồi phục khi bạn ngủ. Ngủ đủ giấc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hàn gắn những tổn thương ở đầu gối.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Cần đảm bảo các thành phần dưỡng chất thiết yếu, không ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn. Đồng thời không uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích khác. Chính điều này sẽ giúp cho hệ thống xương khớp nói chung và khớp gối nói riêng luôn được khỏe mạnh.
- Tập luyện thể dục thể thao: Mỗi ngày nên dành ra khoảng 30 – 45 phút cho việc rèn luyện thân thể. Những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức sẽ hỗ trợ cải thiện chức năng vận động của khớp gối rất tốt.
3. Thăm khám và điều trị y tế
Với trường hợp tình trạng đau khớp gối nhưng không sưng là do các bệnh lý gây ra thì giải pháp tại nhà sẽ không thể giải quyết triệt để. Người bệnh cần chú ý thăm khám bác sĩ khi:
- Tình trạng đau khớp gối kích hoạt thường xuyên với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
- Triệu chứng không thuyên giảm sau 5 – 7 ngày điều trị tại nhà.
- Bạn bị cứng khớp gối, khó chuyển động khớp khi ngủ dậy.
- Đau đầu gối ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của khớp.
- Khớp gối bị đau kéo dài, từ không sưng sau đó phát sinh thêm tình trạng sưng viêm, nóng đỏ.
Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, chẩn đoán lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Có thể là chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI hay xét nghiệm máu để xác định bệnh lý liên quan.
Tùy thuộc vào từng bệnh lý mà sẽ có phác đồ điều trị riêng. Người bệnh cần nghiêm túc điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Chú ý tái khám đúng hẹn để kiểm soát tốt diễn tiến của bệnh và kịp thời điều chỉnh phác đồ khi không đáp ứng tốt.
Đau đầu gối nhưng không sưng là triệu chứng xương khớp thường gặp bạn cần chú ý theo dõi. Nếu các giải pháp tại nhà không thể đáp ứng hãy thăm khám bác sĩ ngay. Lúc này bạn có nguy cơ cao đang sống chung với các bệnh lý cơ xương khớp. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra, chẩn đoán bệnh và đưa ra phương án điều trị tương ứng.
Có thể bạn quan tâm
- 5 mẹo chữa đau khớp gối ở người già tại nhà đơn giản
- Đau mỏi khớp gối ở người trẻ tuổi nguyên nhân do đâu?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!