Tổng hợp các loại thuốc giảm đau trong điều trị viêm khớp gối
Dùng thuốc là phương pháp bảo tồn trong điều trị viêm khớp gối. Mục đích của việc dùng thuốc là làm giảm cơn đau và các triệu chứng do bệnh lý này gây ra.
Các loại thuốc điều trị viêm khớp gối phổ biến
1. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là nhóm thuốc được chỉ định cho cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nhóm thuốc này chỉ tập trung vào tác dụng giảm đau, không có bất cứ tác dụng nào khác.
Thuốc giảm đau được dùng phổ biến nhất là acetaminophen (paracetamol). Tuy nhiên, nhóm thuốc này không thích hợp với những người suy thận nặng, bệnh gan hoặc người có tiền sử nghiện rượu. Trước khi sử dụng thuốc, bạn nên trình bày với bác sĩ tình trạng sức khỏe để hạn chế những rủi ro phát sinh khi điều trị.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid là nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất khi điều trị viêm khớp nói chung và viêm khớp gối nói riêng. NSAID vừa có tác dụng giảm đau vừa có tác dụng giảm sưng viêm nên phù hợp với bệnh nhân viêm khớp gối gặp phải các triệu chứng khác nhau.
Tuy nhiên, nhóm thuốc này dễ kích thích và làm tổn thương dạ dày. Những bệnh nhân gặp vấn đề về dạ dày nên cân nhắc trước khi sử dụng nhóm thuốc này trong quá trình điều trị. NSAID có nhiều dạng bào chế: thuốc viên, miếng dán, si-ro,… Thuốc viên là dạng bào chế được sử dụng phổ biến nhất, tuy nhiên thuốc viên lại gây ra nhiều tác dụng phụ hơn các dạng bào chế khác. Miếng dán được xem là dạng bào chế ít gây tác dụng phụ, tác dụng phụ thường gặp nhất là kích ứng tại vùng da tiếp xúc với miếng dán.
Một vài loại thuốc NSAID không cần kê toa, tuy nhiên chúng tôi khuyến khích bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Một số NSAID được dùng phổ biến như: ibuprofen, naproxen, aspirin,…
3. Diacerein
Thuốc Diacerein thuộc nhóm antraquinone, được dùng để điều trị các chứng bệnh xương khớp thường gặp. Thuốc có khả năng giảm đau và sưng do viêm khớp gây ra.
Diacerein làm chậm quá trình phá hủy sụn khớp, giúp người bệnh ngăn chặn bệnh chuyển biến theo chiều hướng nghiêm trọng. Vì thuốc có hoạt động chậm nên bạn phải sử dụng thuốc trong thời gian dài. Điều này làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, tác dụng phụ phổ biến nhất là bệnh tiêu chảy.
Hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá Diacerein an toàn hơn NSAID tuy nhiên giả thuyết này chưa được chứng minh. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
4. Opioid (thuốc giảm đau gây nghiện)
Hầu hết các loại thuốc Opioid đều được sản xuất từ thuốc phiện. Khi thuốc được hấp thu vào cơ thể, thuốc sẽ liên kết với các thụ thể opioid tập trung ở hệ thống thần kinh và đường tiêu hóa. Sau đó, thuốc làm giảm khả năng truyền tín hiệu đau từ khớp gối lên não, giúp bạn không cảm nhận được cơn đau nhức do viêm khớp gối gây ra.
Tuy nhiên, nhóm thuốc này có khả năng gây nghiện cao. Nếu bạn sử dụng đúng liều lượng và tần suất được chỉ định, bạn sẽ hạn chế được tình trạng này. Thuốc giảm đau gây nghiện có thể gây buồn ngủ, hưng phấn, chóng mặt,…. do đó bạn không nên lái xe, vận hành máy móc hay thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao trong thời gian dùng thuốc.
Ngày nay, opioid còn được sử dụng để gây mê và điều trị nghiện thuốc phiện. Các loại thuốc opioid phổ biến như:
- Ancaloit: là loại thuốc được chiết xuất từ cây thuốc phiện Papaver somniferum, trong đó có hai hoạt chất gây nghiện chính là morphin và codein. Cả hai đều có khả năng gây nghiện cao và phát sinh các triệu chứng nguy hiểm nếu lạm dụng quá mức. Loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, táo bón,…
- Opioid bán tổng hợp: là nhóm thuốc được tổng hợp bằng chiết xuất thuốc phiện và hoạt chất giảm đau hóa học. Opioid bán tổng hợp có tác dụng mạnh mẽ, giúp bạn giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó bạn cần sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chuyên viên y tế.
- Opioid tổng hợp hoàn toàn: thuốc được tổng hợp hoàn toàn trong phòng thí nghiệm nhưng vẫn đảm bảo chức năng liên kết các thụ thể tương tự chất gây nghiện tự nhiên. Nhóm thuốc này ít gây nghiện hơn các opioid khác.
5. Các chất ức chế COX – 2
Các chất ức chế COX – 2 là nhóm thuốc nhỏ thuộc thuốc chống viêm không steroid. Nhóm thuốc này vẫn giữ tác dụng giảm đau và chống sưng viêm tương tự NSAID, tuy nhiên các chất ức chế COX – 2 lại ít gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
Ngược lại, nhóm thuốc này lại tăng nguy cơ đau tim, vì thế bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng. Một số loại thuốc ức chế COX – 2 phổ biến: Celebrex, rofecoxib,…
6. Thuốc chống thấp khớp (DMARK)
DMARK điều trị các bệnh viêm khớp bằng cách làm chậm tiến triển của bệnh và giảm tổn thương khớp vĩnh viễn. DMARK có thể gây ngộ độc gan, do đó bạn nên kiểm tra máu định kỳ để theo dõi men gan trong thời gian điều trị bằng nhóm thuốc này.
DMARD được kê đơn phổ biến nhất là methotrexate. Thuốc đem lại tác dụng sau 3 – 6 tuần, tuy nhiên thuốc cần 12 tuần hoặc hơn để phát huy tác dụng tối đa. Methotrexate can thiệp vào một số enzyme đóng vai trò miễn dịch cho cơ thể. Sau đó, methotrexate ngăn chặn enzyme dihydrofolate reductase giúp làm giảm hiện tượng sưng viêm tại khớp.
Ngoài ra, DMARK còn bao gồm thuốc ức chế JAK – đây là một nhóm thuốc mới và được sử dụng khá phổ biến. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế con đường JAK bên trong tế bào, ngăn chặn phản ứng viêm của cơ thể.
7. Thuốc sinh học
Thuốc sinh học được bào chế bằng cách sử dụng gen của một sinh vật để kích thích phản ứng sản sinh. Nói cách khác, sinh vật này tập trung vào protein hoặc các tế bào trung gian gây ra phản ứng sưng viêm và quá trình tổn thương xương khớp. Các loại thuốc sinh học đều được bào chế ở dạng thuốc tiêm, hầu hết đều được tiêm ở tĩnh mạch.
Các loại thuốc sinh học được dùng phổ biến nhất trong quá trình điều trị loãng xương. Tuy nhiên, thuốc cũng được sử dụng để điều trị thoái hóa mô sụn.
8. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị các bệnh do rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định thuốc cho bệnh nhân viêm khớp gối. Thuốc hoạt động bằng cách khôi phục lại sự cân bằng của các chất tự nhiên (serotonin và norephinephrine) trong cơ thể.
Nhóm thuốc này thường gây ra các tác dụng phụ như phát ban da, khó thở, sưng môi, lưỡi, họng,… Nếu bạn từng có tiền sử dị ứng với thuốc chống trầm cảm, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
9. Capsaicin
Capsaicin là thuốc giảm đau có nguồn gốc từ ớt. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau nhưng ít gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Khi sử dụng bạn có thể gặp phải tác dụng phụ như kích ứng, nóng rát da.
10. Corticosteroid
Corticosteroid hay còn gọi là glucocorticoids. Thuốc hoạt động tương tự như cortisol được cơ thể tiết ra. Cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận, ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể, trong đó có chức năng miễn dịch. Cortisol có khả năng kiểm soát tình trạng viêm bằng cách giảm mật độ các thành phần trung gian gây viêm. Thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như thèm ăn, tăng cân, cao huyết cao,…
Thuốc được sử dụng ở đường uống và đường tiêm. Mặc dù đem lại hiệu quả điều trị cao nhưng loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng nguy hiểm nếu dùng quá liều, do đó bạn cần thận trọng khi sử dụng Corticosteroid để điều trị viêm khớp gối.
11. Axit hyaluronic
Axit hyaluronic là một chất lỏng trong suốt có kết cấu tương tự dịch nhầy trong ổ khớp. Với bệnh nhân xương khớp, dịch nhầy trong khớp thường rất thấp. Điều này khiến mô sụn dễ tổn thương do hai đầu xương ma sát mạnh khi vận động.
Tiêm axit hyaluronic làm giảm ma sát giữa hai khớp xương, giúp bạn giảm đau và ngăn chặn sự tiến triển của quá trình bào mòn mô sụn. Phương pháp này đem lại hiệu quả sau 8 tuần tiêm và hiệu quả có thể kéo dài khoảng 24 tuần.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình điều trị, bạn nên liên hệ với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm:
- Khớp gối bị viêm có chữa dứt điểm được không?
- 7 triệu chứng viêm khớp gối ai cũng phải biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!