Giãn phế quản là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Giãn phế quản là một bệnh lý của đường hô hấp, xảy ra khi các ống phế quản trong phổi bị giãn ra và không thể phục hồi. Nếu tiến triển trong thời gian dài, bệnh có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cũng theo đó mà tăng lên. Tìm hiểu rõ các thông tin về căn bệnh này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị và phòng bệnh cho cơ thể.
I/ Thông tin về bệnh giãn phế quản
Các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về bệnh giãn phế quản, từ đó xác định được hướng điều trị phù hợp.
Bệnh giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là một thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng giãn nở vĩnh viễn của các ống phế quản trong phổi. Các đường dẫn khí (ống phế quản) bị tổn thương cho phép vi khuẩn và chất nhầy tích tụ lại bên trong phổi. Điều này khiến phổi bị nhiễm trùng làm tắc nghẹt đường thở, gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản. Những yếu tố gây bệnh có thể là do di truyền hoặc không do di truyền. Cụ thể như sau:
♦ Do di truyền:
Giãn phế quản do di truyền thường là hệ quả của bệnh xơ nang (CF). Căn bệnh này làm cho các dịch nhầy tăng lên một cách bất thường trong phổi, tuyến tụy và các cơ quan khác trong cơ thể. Khi xảy ra ở trong phổi, chúng sẽ làm tắc nghẽn đường thở và gây bệnh giãn phế quản.
♦ Các nguyên nhân không do di truyền:
Bên cạnh bệnh xơ nang, có nhiều yếu tố khác có thể gây nên bệnh giãn phế quản. Bao gồm:
- Rối loạn hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch: Những người mắc các bệnh HIV/ AIDS, tiểu đường… thường có nguy cơ cao mắc bệnh giãn phế quản.
- Mắc các bệnh tự miễn: Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Bệnh thường xảy ra ở khớp hoặc da.
- Bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Trong tất cả các bệnh lý của nhóm bệnh này, 2 dạng phổ biến nhất chính là khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.
- Nhiễm trùng phổi: Bị ho gà, mắc bệnh lao phổi cũng có thể khiến bạn bị giãn phế quản.
- Thiếu hụt alpha 1-antitrypsin: Đây là một trong các yếu tố có thể gây nên các bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Dị ứng với nấm aspergillosis: Thông thường, có rất ít người mắc phải tình trạng này. Chủ yếu là xảy ra những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc mắc bệnh phổi. Đây là một căn bệnh nhiễm trùng, xuất hiện khi cơ thể phản ứng quá mức với nấm aspergillosis.
- Bị viêm ruột: Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc của đường ruột bị viêm trong thời gian dài. Viêm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường ruột như thực quản, ruột non, ruột già, dạ dày… Tùy vào từng vị trí mắc bệnh khác nhau mà nó cũng sẽ được gọi với các tên gọi khác nhau như viêm đại tràng, viêm dạ dày.
Khi bị bất cứ vấn đề nào về đường thở và phổi, nó cũng có thể gây ra bệnh giãn phế quản. Do đó, hiểu rõ các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp xác định đúng hướng các phương pháp điều trị.
Triệu chứng bệnh giãn phế quản
Các triệu chứng của bệnh giãn phế quản có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc diễn tiến trong nhiều năm. Thông thường, những người bị giãn phế quản sẽ thường có các biểu hiện như sau:
- Thường xuyên ho, có thể là ho ra chất nhầy có lẫn máu.
- Khó thở, thở khò khè.
- Đau tức vùng ngực.
- Đờm tích tụ nhiều ở trong cổ. Khi khạc nhổ sẽ thấy chúng có màu vàng hoặc màu xanh lá cây.
- Sốt, kèm theo đó là cảm giác ớn lạnh.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Giảm cân bất thường.
Biến chứng bệnh giãn phế quản
Nếu để bệnh diễn tiến trong thời gian dài, giãn phế quản có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng khác cho sức khỏe như:
- Bị suy hô hấp: Đây là tình trạng lượng oxy cung cấp từ phổi vào máu không đủ. Tình trạng này sẽ gây khó thở, thở nhanh. Nếu bệnh nghiêm trọng, da sẽ trở nên xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, mất ý thức và có thể bị ngất xỉu.
- Xẹp phổi: Là hiện tượng thùy phổi hoặc phổi bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn do các túi khí nhỏ ở trong phổi bị xẹp. Khi mắc bệnh, bạn sẽ cảm thấy khó thở, thở gấp và nhịp tim cũng đập mạnh hơn.
- Suy tim: Trong trường hợp giãn phế quản tác động đến toàn bộ đường thở, bệnh có thể gây suy tim. Đây là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để nuôi đáp ứng các nhu cầu cần thiết của cơ thể. Nếu rơi vào trường hợp này, các triệu chứng có thể gặp là khó thở, cơ thể mệt mỏi và sưng phù mắt cá chân, bụng, tĩnh mạch cổ.
II/ Chẩn đoán và điều trị bệnh giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản thường sẽ được chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp như sau:
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng bạn đang mắc phải mà bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán ban đầu. Tiếp theo, bạn sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời xác định được mức độ trầm trọng của bệnh. Những phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng bao gồm:
- Xét nghiệm đờm: Dựa vào những kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ tìm ra các vi sinh vật gây hại như virus, vi khuẩn, nấm…
- Chụp X – quang hoặc chụp CT vùng ngực: Thông qua các hình ảnh thu được mà các bác sĩ sẽ được các kết luận chẩn đoán bệnh chính xác.
- Kiểm tra mồ hôi: Một thử nghiệm nhằm kiểm tra mồ hôi của cơ thể để xác định bạn có phải bị bệnh do xơ nang hay không.
- Xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu: Những phương pháp này thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lao.
- Nội soi phế quản: Phương pháp này cho phép các bác sĩ quan sát được một cách trực tiếp đường thở. Từ đó xác định được những bất thường và mức độ bệnh lý mà bạn đang mắc phải.
Điều trị
Thật không may là cho đến nay vẫn không có cách nào để chữa trị dứt điểm bệnh giãn phế quản. Các phương pháp chữa trị được sử dụng thường chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh, kiểm soát nhiễm trùng và ngăn chặn tình trạng tiết dịch trong phế quản. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng các biện pháp như sau:
♦ Sử dụng thuốc:
Các loại thuốc được dùng để điều trị giãn phế quản bao gồm:
- Kháng sinh: Đây là nhóm thuốc điều trị chính cho hầu hết các chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu bị nhiễm trùng nặng, những loại thuốc dạng tiêm tĩnh mạch (IV) sẽ được áp dụng. Vì chúng có thể gây ra nhiều tác dụng, do đó hãy trao đổi với các bác sĩ về những rủi ro mà bạn có thể gặp phải trước khi điều trị.
- Thuốc làm long đờm: Những loại thuốc này sẽ làm giảm bớt sự tắc nghẽn dịch nhầy trong phổi và đường hô hấp, giúp khai thông đường thở. Để mang lại hiệu quả tốt, nó thường được dùng kết hợp với thuốc thông mũi.
- Các loại thuốc làm giãn phế quản: Albuterol, tiotropium cũng sẽ được dùng để làm giãn các phế quản, làm giảm bớt các triệu chứng bệnh.
- Corticosteroid dạng hít: Bạn cũng có thể được kê các toa thuốc Corticosteroid dạng hít để làm giảm viêm trong đường thở.
Vì những loại thuốc này đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ cho người sử dụng. Chính vì vậy, chỉ được dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời phải uống thuốc theo đúng liều lượng và thời gian được quy định, không được tự ý tăng hoặc giảm liều.
♦ Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể:
Để cải thiện các triệu chứng bệnh, bạn cần phải cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Chúng sẽ giúp các chất nhầy tích tụ loãng ra, từ đó có thể dễ dàng tống khứ chúng ra ngoài. Bên cạnh sử dụng nước lọc, nên uống thêm các loại nước và sinh tố trái cây. Vì nó sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể của bạn.
♦ Áp dụng ác bài tập vật lý trị liệu vùng ngực:
Những bài tập này có thể được thực hiện bởi một chuyên gia hô hấp hoặc có thể nhờ các thành viên trong gia đình giúp đỡ. Các bài vật lý trị liệu thông thường được áp dụng bằng tay. Nếu như nó quá khó để thực hiện, bạn có thể dùng đến các thiết bị hỗ trợ như máy massage ngực bằng điện… Chúng sẽ giúp cho các chất nhầy ở trong phổi được tống ra ngoài một cách dễ dàng hơn.
♦ Thở bằng máy oxy:
Phương pháp này có tác dụng làm tăng mức oxy trong máu nếu nó bị giảm đi một cách đột ngột. Các thiết bị được dùng có thể là một mặt nạ oxy hoặc là bạn sẽ được truyền oxy thông qua mũi bằng một thiết bị chuyên dụng. Đặc điểm của phương pháp này là tiện lợi và dễ làm. Do đó, bạn có thể tự thực hiện được bất cứ đâu, dù là ở nhà, bệnh viện hoặc một cơ sở y tế khác.
Tuy nhiên, cần phải có sự hướng dẫn của các bác sĩ để bảo đảm dùng đúng cách và hiệu quả.
♦ Phẫu thuật:
Khi áp dụng các phương pháp điều trị trên không mang lại kết quả, bạn sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật. Trong một số trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, chỉ định phẫu thuật ghép phổi sẽ được đưa ra để khắc phục những triệu chứng bệnh mà bạn đang mắc phải.
III/ Các biện pháp ngăn ngừa bệnh giãn phế quản
Nếu do di truyền, sẽ không có cách nào để phòng ngừa tình trạng này. Tuy nhiên với các nguyên nhân thông thường, bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho bản thân bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Các biện pháp bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Nên tiêm phòng vắc – xin phòng cúm, bệnh sởi, ho gà hàng năm cho đối tượng là trẻ nhỏ.
- Không nên hút thuốc, sử dụng các chất kích thích khác như rượu, bia.
- Tránh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, các chất độc hại trong thời gian dài.
- Phải điều trị sớm và tận gốc các căn bệnh của đường hô hấp hoặc đường ruột như viêm ruột, viêm phế quản, hen suyễn…
- Xây dựng một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt, sữa không béo hoặc ít béo. Ngoài ra, hãy tránh xa các loại ngũ cốc đã qua tinh chế, thức ăn chứa nhiều muối và đường, đồ ăn được chế biến sẵn, cay nóng…
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Tạo một không gian sống thoải mái, vui vẻ. Tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để nắm rõ tình trạng sức khỏe của chính mình.
- Vận động cơ thể thường xuyên bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng, bơi lội, chạy bộ cũng là những việc bạn nên làm. Chúng sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn chặn được nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh cho bản thân.
Nếu không được chữa trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Thậm chí nó còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, hãy tham khảo các thông tin trên đây để hiểu rõ căn bệnh. Đồng thời, đề ra được các biện pháp phòng ngừa bệnh cho chính bản thân mình.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!