Viêm phế quản cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm phế quản cấp tính là tình trạng ống dẫn không khí từ khí quản vào phổi bị viêm và gây tích tụ nhầy. Bệnh thường xuất hiện không quá 10 ngày nhưng triệu chứng ho có thể tiếp tục trong vài ngày sau đó.
Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp là gì?
Viêm phế quản cấp tính có thể được gây ra bởi mầm bệnh truyền nhiễm, phổ biến nhất vẫn là vi rút. Một số loại vi rút điển hình gây bệnh như vi rút cúm, vi rút cảm lạnh thông thường, vi rút hợp bào hô hấp, vi rút mũi,… Và theo thống kê có đến 85 – 95% các trường hợp người lớn bị viêm phế quản cấp tính đều do vi rút gây ra.
Bên cạnh vi rút, vi khuẩn cũng là mầm bệnh gây viêm phế quản mặc dù không phổ biến. Một vài loại vi khuẩn gây nhiễm trùng dẫn đến viêm phế quản như Chlamydophila pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Streptococcus pneumoniae, Bordetella pertussis, Haemophilusenzae,…
Ngoài ra, viêm phế quản cấp tính do các yếu tố sau:
- Chất kích thích: Khói thuốc lá, khói bụi từ khí đốt, hóa chất có thể gây viêm ống phế quản và khí quản.
- Tổn thương đường thở dẫn đến viêm và là tác nhân khiến bạch cầu trung tính xâm nhập vào mô phổi gây viêm phế quản cấp.
- Đôi khi viêm phế quản mãn tính cũng là nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tái phát nhiều lần.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phế quản cấp tính bao gồm:
- Thường xuyên hít phải khói thuốc lá cho dù là trực tiếp hay gián tiếp.
- Hệ miễn dịch hay sức đề kháng bị suy yếu.
- Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Tiếp xúc thường xuyên với chất kích thích bao gồm cả khói bụi và hóa chất.
- Người cao tuổi.
- Không tiêm vắc xin ho gà, cúm, viêm phổi định kỳ hàng năm.
Triệu chứng viêm phế quản cấp tính
Giống như triệu chứng của bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh, viêm phế quản cấp tính cũng có những biểu hiện như:
- Chảy nước mũi.
- Viêm họng.
- Cơ thể mệt mỏi và dễ bị lạnh.
- Hắt xì.
- Sốt cao từ 37,7 đến 38 độ C.
- Đau cơ, đau lưng.
- Khó thở, thở khò khè.
Ngoài ra, một trong những biểu hiện nhận biết nổi bật của viêm phế quản là ho khan. Triệu chứng này xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng. Ban đầu, ho có thể sẽ không có đờm nhưng sau thời gian bệnh sẽ gây ho có kèm theo đờm. Và ho kéo dài từ 10 ngày đến 3 tuần.
Một triệu chứng viêm phế quản khác bạn có thể nhận thấy dễ dàng là sự thay đổi màu sắc trong chất nhầy. Khi bệnh mới khởi phát, dịch nhầy có thể từ màu trắng chuyển sang màu vàng hoặc màu xanh lá cây. Điều này không có nghĩa viêm phế quản xảy ra là do vi rút hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nó chỉ đơn giản là hệ thống miễn dịch đang hoạt động để chống lại tác nhân gây bệnh.
Khi nào bạn nên gọi ngay cho bác sĩ?
Người bị viêm phế quản cấp tính nên gọi ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các dấu hiệu này:
- Ho kéo dài hơn 10 ngày. Hoặc ho liên tục, cảm thấy đau tức ở ngực.
- Khó thở, thở không sâu, nhiều lúc ngưng thở.
- Giảm cân không biết lý do.
- Sốt trên 38 độ C.
Làm thế nào để chẩn đoán viêm phế quản cấp tính?
Trong nhiều trường hợp, viêm phế quản cấp tính sẽ tự biến mất mà không cần can thiệp bất kỳ phương pháp điều trị nào. Nhưng để đảm bảo triệu chứng bệnh được điều trị dứt điểm, người bệnh nên tiến hành thăm khám.
Bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng bệnh như thở khò khè bằng cách lắng nghe phổi thở. Bên cạnh đó, một vài câu hỏi sẽ được đặt ra để giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng bệnh. Chẳng hạn như, mức độ ho có thường xuyên và có kèm theo chất nhầy hay không. Hoặc thời gian vừa rồi có bị cảm cúm hoặc cảm lạnh không.
Nếu bác sĩ vẫn không chẩn đoán được bệnh, các xét nghiệm máu và sinh thiết, chụp x – quang sẽ được chỉ định thực hiện. Các thủ thuật này sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính là do nhiễm trùng hay viêm phổi.
Điều trị viêm phế quản cấp tính như thế nào?
Dựa theo thống kê, có hơn 90% trường hợp viêm phế quản là do vi rút gây ra. Do đó, người bệnh không cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Liệu pháp kháng sinh chỉ được dùng ở những đối tượng mắc bệnh nhiễm trùng vi khuẩn bao gồm các triệu chứng như sốt kéo dài, ho có đờm và đờm đã bắt đầu xuất hiện mủ hay có màu xanh, vàng.
Ngoài ra, thuốc còn được chỉ định điều trị viêm phế quản cấp tính ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bị thận, gan, phổi và tim. Với người trên 65 tuổi, bị đái tháo đường tuyp 1 hoặc 2, tiền sử bị suy tim xung huyết hoặc đang dùng corticoid đường uống, khi xuất hiện một hoặc nhiều hơn dấu hiệu viêm phế quản cấp tính cần nhập viện để điều trị.
Điều trị viêm phế quản cấp tính theo triệu chứng
1. Sốt
Nếu triệu chứng sốt ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hạ sốt bằng cách lau mát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, bệnh nhân nên sử dụng thuốc hạ sốt ibuprofen và paracetamol. Thuốc ibuprofen chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, trẻ em gặp phải các vấn đề về bệnh tim, phổi hay thần kinh,… cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc hạ sốt. Không dùng aspirin cho người bị viêm loét dạ dày, hen suyễn và trẻ em,… tránh trường hợp thuốc gây phản ứng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
2. Ho
Ho được xem là phản xạ có lợi của cơ thể giúp tống khứ vi khuẩn, đờm ra ngoài. Khi đó, các ống dẫn khí sẽ thông thoáng, tạo cảm giác dễ thở. Tuy nhiên, ho nhiều và kéo dài một thời gian có thể gây mất ngủ, nôn ói.
Để cải thiện triệu chứng ho, người bệnh nên uống nhiều nước. Bên cạnh đó, có thể dùng thêm thuốc long đờm nếu ho có kèm theo đờm. Tuyệt đối không nên dùng thuốc giảm ho, bởi thuốc có thể làm giảm việc bài tiết đờm dẫn đến tình trạng làm chậm sự hồi phục bệnh.
Sau quá trình điều trị, nếu ho vẫn tiếp tục xảy ra, lúc này bệnh nhân nên lưu ý ho có thể là do co thắt phế quản hoặc trào ngược dạ dày hay bệnh lý nào đó gây ra. Do đó, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để thăm khám.
3. Chảy nước mũi, nghẹt mũi
Người bệnh không nên dùng thuốc chống sung huyết hoặc thuốc kháng histamine để cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, vì thuốc có nguy cơ gây tác dụng phụ khá cao. Do đó, bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi để điều trị. Mặt khác, người bệnh có thể dùng máy tạo ẩm để giúp làm giảm không khí khô trong phòng, hạn chế kích ứng niêm mạc mũi.
Phòng bệnh viêm phế quản cấp tính sao cho hiệu quả?
Để phòng ngừa bệnh viêm phế quản chuyển nặng và tái phát, người bệnh nên tuân thủ theo những yêu cầu sau:
- Không tiếp xúc với người đang bị bệnh viêm phế quản.
- Thường xuyên vệ sinh nhà của sạch sẽ, đặc biệt là các bề mặt như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, quần áo,… Bởi đây đều là những vật dụng dễ bị nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi ho hoặc tiếp xúc với bất kỳ đồ đạc, dụng cụ nào.
- Giữ ấm vào mùa đông và uống thật nhiều nước.
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là các vi chất như kẽm, vitamin C,…
- Tiêm vắc xin cảm cúm, cảm lạnh định kỳ hàng năm.
Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, nếu có bất kỳ thắc mắc về bệnh, bạn hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn.
ThuocDanToc.VN không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị y khoa.
Tham khảo thêm: Bài thuốc chữa viêm phế quản bằng Đông y cổ truyền
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!