6 bệnh da liễu thường gặp và phương pháp điều trị phù hợp
Bệnh da liễu là tình trạng bề mặt da bị kích ứng hoặc viêm. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do tắc nghẽ lỗ nang lông, phản ứng dị ứng hoặc do vi khuẩn gây ra. Các bệnh da liễu thường không nguy hiểm nhưng chúng ảnh hưởng trực tiếp lên bề mặt da gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh cảm thấy tự ti trong giao tiếp.
Da chính là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể. Nhiệm vụ chính của da là giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Ngoài ra, da còn giúp cân bằng độ ẩm trên da, hạn chế sự mất nước và giúp sản sinh vitamin D khi phơi nắng. Tuy nhiên, khi chức năng của da bị tác động và trở nên suy yếu, da sẽ phản ứng lại và gây ra các bệnh da liễu.
Một số bệnh da liễu thường gặp do chức năng da suy giảm như:
1. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp ở nước có kiểu khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Đây là một bệnh dị ứng có tính chất miễn dịch thường gặp ở trẻ em và ít gặp ở người lớn. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do yếu tố di truyền hoặc do môi trường.
Một trong những triệu chứng nhận biết điển hình của viêm da cơ địa đó là khi quan sát người bệnh có thể thấy những đốm phát ban đỏ, hình tròn nổi trên da. Ngoài ra, da còn xuất hiện những đám mụn nước, vảy tiết. Những nốt mụn mủ này thường gây ngứa và đau rát, đặc biệt chúng trở nên dữ dội hơn khi về đêm. Nếu không được điều trị sớm bệnh có thể trở thành mạn tính gây khó khăn trong việc chữa trị. Khi đó, sắc tố sẽ bị thay đổi, da trở nên sần sùi, bong tróc hơn bình thường.
Điều trị viêm da cơ địa
Về bản chất, viêm da cơ địa là bệnh rất dễ tái phát, cần được điều trị lâu dài chứ không phải chữa trị ngày một ngày hai. Vì vậy, để kiểm soát và khắc phục triệu chứng, người bệnh cần dùng thuốc chống ngứa và chống dị ứng. Thông thường, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc corticoid để điều trị. Tuy nhiên, thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn, tránh lạm dụng làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thêm kem dưỡng ẩm để giữ nước, tránh tình trạng khô da. Ngoài ra, một số loại thuốc kháng histamin cũng hữu ích trong điều trị bệnh, giúp làm giảm ngứa. Tốt nhất, để cải thiện viêm da cơ địa, bạn nên thăm khám và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
2. Bệnh Eczema (chàm)
Eczema là tình trạng viêm da gây sẩn mụn nước do phản ứng của cơ thể với các tác nhân nội và ngoại sinh. Triệu chứng Eczema thường gặp là ngứa và nổi mụn nước trên bề mặt da. Những nốt mụn nước này thường không mọc riêng lẽ mà tập trung lại thành từng mảng mẩn đỏ và sưng tấy. Nếu bệnh nhân gãi ngứa chúng sẽ chảy nước và tạo thành những lớp vảy trên về mặt da. Khi đó, da sẽ bị rạn nứt, bong tróc và đổi màu.
Điều trị bệnh Eczema
Một trong những nguyên tắc điều trị đầu tiên là người bệnh cần phục hồi hàng rào da bị hư tổn. Bệnh nhân có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để làm mềm và giữ nước cho da. Trong trường hợp nặng, triệu chứng bệnh xuất hiện rầm rộ, bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng histamin để giảm ngứa hoặc thuốc corticoid để giảm viêm.
3. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm do tiếp xúc trực tiếp với chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Bệnh thường được chia thành hai loại chính là viêm da tiếp xúc kích ứng với viêm da tiếp xúc dị ứng. Theo các chuyên gia da liễu, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc, cụ thể như:
- Nguyên nhân xuất phát từ yếu tố nội sinh bên trong cơ thể: Cơ địa, sức đề kháng, yếu tố di truyền,…
- Nguyên nhân từ môi trường: Thời tiết, thuốc tây, mỹ phẩm, thực phẩm, ánh sáng, hóa chất, vi khuẩn,…
Người bệnh có thể nhận biết triệu chứng viêm da tiếp xúc thông qua các triệu chứng như da nổi ban đỏ. Ngoài ra, quan sát kỹ, bệnh nhân có thể thấy xuất hiện phát ban ở các khu vực như chân, tay, bụng, mặt, mí mắt, cổ và đầu, trán,… Trong trường hợp nhẹ, diện tích phát ban được giới hạn nhưng nếu bệnh chuyển nặng chúng sẽ lan rộng ra khắp cơ thể.
Điều trị viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại sẹo gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ ngoại hình. Vì vậy, khi thấy dấu hiệu bệnh, bạn nên tiến hành chữa trị càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất để khắc phục và kiểm soát triệu chứng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng và kích ứng. Ví dụ, người bệnh nên mang bao tay, quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất gây độc hại. Nên loại bỏ những bộ quần áo, chăn mền có chất liệu vải gây kích ứng da.
Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp điều trị khác như dùng thuốc kháng viêm dạng uống hoặc đắp. Bệnh nhân cũng có thể dùng một số loại thuốc kháng histamin để chống ngứa hoặc thử liệu pháp miễn dịch để giảm thiểu phản ứng. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ cách điều trị nào, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
4. Bệnh vảy nến
Vẩy nến là bệnh da mãn tính thường xuất hiện và tự hết sau đó. Là một căn bệnh lành tính tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh gây mất thẩm mỹ, tác động đến tâm lý người mắc phải. Vẩy nến thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới. Bệnh thường tái phát theo từng đợt và có thể thuyên giảm theo mùa.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến cho đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Ngoài ra, yếu tố tác động hình thành vảy nến có thể là thuốc, nhiễm khuẩn hoặc do tâm lý người bị stress, căng thẳng,…
Triệu chứng nhận biết vảy nến có thể bao gồm:
- Ngứa và đỏ ở da
- Da khô nứt, đôi khi chảy máu
- Sưng và cứng khớp
- Trên da xuất hiện những lớp vẩy màu trắng
Điều trị bệnh vảy nến
Không có biện pháp giúp điều trị dứt điểm vảy nến nhưng người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng bệnh bằng cách tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, các bác sĩ da liễu sẽ kê đơn thuốc chống viêm, thuốc chứa steroid để điều trị tại chỗ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số loại kem dưỡng ẩm giúp làm mềm, hạn chế khô da. Ngoài ra, họ có thể cho bạn áp dụng một vài biện pháp chữa trị khác như sử dụng liệu pháp ánh sáng, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống dị ứng để trị ngứa và thuốc kháng sinh để tránh nhiễm khuẩn.
5. Viêm da mủ
Viêm da mủ là tình trạng da bị viêm xuất hiện các vết lở loét. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ nhưng theo các nhà chuyên gia, bệnh xảy ra có thể là do vi khuẩn tụ cầu khuẩn. Viêm da mủ thường bắt đầu với vết nhỏ màu đỏ và sưng tấy. Nếu không chữa sớm, chỉ sau vài ngày các vết sưng này sẽ phát triển to hơn và gây lở loét.
Điều trị viêm da mủ
Để giảm viêm, kiểm soát triệu chứng ngứa và đau rát đồng thời lành vết thương, bác sĩ thường kê thuốc corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm đau cho bệnh nhân sử dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần có kế hoạch chăm sóc da, tránh lây nhiễm.
6. Dị ứng nổi mề đay, mẩn ngứa
Là phản ứng dị ứng của cơ thể gây phù tại chỗ ở ngoài da. Thông thường, những nốt phù này có kích thước và hình dạng không đồng đều. Mề đay thường xuất hiện từng cơn trong vài giờ và biến mất trong khoảng thời gian không giống nhau.
Triệu chứng nhận biết mề đay là ngứa ngáy và đau rát. Nếu người bệnh gãi có thể gây chảy máu, thậm chí là bội nhiễm. Nguyên nhân gây nổi mề đay, mẩn ngứa có thể là do thức ăn, dị ứng thuốc hoặc do thời tiết thay đổi.
Điều trị dị ứng nổi mề đay, mẩn ngứa
Để khắc phục triệu chứng bệnh, người bệnh cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ chúng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc chống viêm, giảm đau, chống dị ứng để giảm viêm và ngứa.
Các bệnh lý ngoài da thường khá phổ biến ở nước ta. Bệnh tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng thường khiến bạn cảm thấy khó chịu. Vì vậy, để kiểm soát và cải thiện triệu chứng, các bạn nên dùng thuốc đúng cách theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên xây dựng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai.
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!