Mụn nước ở bàn chân: Những điều bạn nên biết để điều trị đúng
Nổi mụn nước ở bàn chân gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Tình trạng này có thể do da bị kích ứng bởi một yếu tố nào đó hoặc là biểu hiện cảnh báo một số căn bệnh ngoài da. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ những căn bệnh có nguy cơ mắc phải và cách điều trị hiệu quả bằng thảo dược tự nhiên.
Mụn nước ở bàn chân và nguyên nhân hình thành
Mụn nước có thể xuất hiện như một phản ứng của hệ miễn dịch đối với các chấn thương hoặc nhiễm trùng. Bất cứ tổn thương nào ở mô hoặc mạch máu ở lớp thượng bì đều sẽ gây phồng rộp, chứa nước nhưng nếu sau khi chấn thương và nhiễm trùng mà vùng da đó bị ma sát thì nguy cơ bị mụn nước được tăng lên đáng kể.
Bàn chân là vị trí tập hợp nhiều dây thần kinh, mạch máu cũng như chịu lực từ các bộ phận khác trên cơ thể, chính vì vậy mà rất dễ hình thành những mụn có chứa nước. Mụn nước ở bàn chân đặc biệt gây cảm giác đau đớn hơn và khó điều trị hơn khi nó mọc ở những vị trí khác.
Nguyên nhân bàn chân bị nổi mụn nước có thể được kể đến như sau:
1. Ma sát và áp lực
Tổ hợp ma sát và áp lực không chỉ gây ra mụn nước ở bàn chân mà còn là nguyên nhân của nhiều mụn nước trên cơ thể. Lý giải cho việc này là do da bàn chân phải liên tục cọ xát vào giày, tất hoặc các bề mặt gồ ghề khác, gây nên kích ứng và viêm sưng thường xuyên.
Từ những sưng đau hay bị bỏ qua như vậy, gặp điều kiện thuận lợi sẽ khiến da bị phồng rộp lên. Và nếu vị trí bị tổn thương tiếp tục bị kích thích hoặc chịu áp lực thì sẽ xuất hiện tình trạng nứt da. Ngay sau khi da bị hở, các tế bào bạch cầu sẽ nhanh chóng tập hợp để lấp đầy và thực hiện nhiệm vụ kháng khuẩn, bảo vệ các mô bên dưới. Đây cũng chính là cơ chế hình thành mụn nước.
2. Viêm da tiếp xúc
Tỷ lệ người bị viêm da tiếp xúc chưa hề có dấu hiệu giảm đi sau mỗi năm, bởi chỉ cần bề mặt da có sự tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng thì các vấn đề sẽ ngay lập tức xảy ra.
Cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ tự hình thành những dị ứng với các chất khác nhau, mức độ khi bị viêm da cũng không giống nhau. Khi viêm da tiếp xúc diễn ra, trên da sẽ bắt đầu ngứa ngáy, sưng đỏ và xuất hiện những vết phồng rộp. Theo đó, mụn nước sẽ xuất hiện ngay sau khi da tiếp xúc với các chất dị ứng, hoặc phơi nhiễm dần theo thời gian.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số thứ dễ gây ra viêm da tiếp xúc như: nọc của côn trùng, hóa chất (có trong chất tẩy rửa, sữa tắm, dung môi hóa học), Sunfat, Coban, Niken, phấn hoa v.v…
3. Da bị bỏng (phỏng)
Khi da chúng ta phải tiếp xúc với chất lỏng/rắn/khí ở nhiệt độ trên cao thì sẽ xuất hiện tình trạng bỏng da. Không những mang đến cảm giác đau rát, đỏ da thì bỏng còn khiến cho da bị nổi các mảng mụn nước.
Cụ thể, khi da bị bỏng cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tự tạo ra một lớp da phồng lên để bảo vệ các lớp mô bên dưới khỏi sự hư hại từ nhiệt độ cao. Thời gian để mụn nước phát triển sau khi bị bỏng (thường là do nhiệt hoặc do cháy nắng) là từ 1-2 ngày, đối với các dạng bỏng nặng hơn thì mụn nước có thể xuất hiện ngay lập tức.
Vết bỏng tuy lại cảm giác đau đớn nhưng sẽ lành lại sau một thời gian ngắn, chính vì vậy mà nhiều người hay bỏ qua sự xuất hiện của các mụn nước. Mụn nước do bỏng có thể tồn tại ngay cả khi vùng da bỏng đã hồi phục.
Bên cạnh bỏng ở nhiệt độ cao thì bỏng lạnh cũng sẽ mang đến những tác hại không thể xem thường, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Nhiệt độ quá lạnh sẽ có thể gây tê cứng, đóng băng và sau đó là giết chết các tế bào trong da. Bỏng lạnh có xu hướng xuất hiện ngay lập tức sau khi da tiếp xúc với nhiệt độ cực thấp, sinh ra các mụn nước có kích thước nhỏ.
4. Một số bệnh lý về da
Bạn nên biết rằng bất cứ vấn đề nào gây tổn thương đến làn da cũng đều có thể khiến da trở nên phồng rộp. Không chỉ riêng bàn chân, mụn nước còn là triệu chứng của một số bệnh lý về da như: thủy đậu, chàm, tổ đỉa…
Bên cạnh đó, sự suy yếu hệ miễn dịch ở da, bệnh tiểu đường, những tổn thương ở hệ thần kinh cũng có khả năng gây mất cảm giác ở bàn chân và sinh ra những mụn nước li ti. Người bị thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ bị mụn nước ở bàn chân cao hơn những người khác do bàn chân phải chịu áp lực lớn lâu ngày.
5. Vỡ mạch máu
Tuy không phổ biến như những nguyên nhân khác nhưng sự vỡ mạch máu có mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều. Cụ thể, khi những mạch máu rất nhỏ ở lớp biểu bì của chúng ta bị vỡ ra thì sẽ xuất hiện tình trạng rò rỉ máu vào các lớp mô. Sau khi tế bào da bị chèn ép bởi máu, tế bào bạch cầu sẽ xuất hiện ngay lập tức để bảo vệ da, chính vì thế mà hình thành nên những mụn nước trên da.
Điều trị và ngăn ngừa mụn nước ở bàn chân hiệu quả
Mụn nước được biểu hiện bởi những phần da trồi lên hẳn so với bề mặt da, bên trong có chứa đầy dịch lỏng và có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị nếu các mụn nước có đặc điểm như sau:
- Có biểu hiện của sự nhiễm trùng, các mụn nước chứa đầy mủ màu vàng (không phải màu trắng sữa như thông thường), màu xanh.
- Chạm vào mụn nước cảm thấy rất đau và nóng rát.
- Chúng xuất hiện ở những nơi nhạy cảm như trên mí mắt, gần miệng, vùng kín v.v…
- Mụn nước có sự lan rộng và tái đi tái lại.
Với những trường hợp nổi mụn nước ở bàn chân do các bệnh viêm da gây nên, người bệnh cần được điều trị sớm và kịp thời. Tránh để bệnh phát triển nặng, gây nhiễm trùng, lở loét hoặc trở thành mãn tính.
Để điều trị tình trạng mụn nước do các bệnh viêm da như chàm, tổ đỉa, viêm da cơ địa… gây nên có nhiều phương pháp. Trong đó, Đông y là giải pháp được nhiều người bệnh ưu tiên lựa chọn bởi những ưu điểm vượt trội như: điều trị từ gốc, hiệu quả lâu dài, an toàn cho sức khỏe và giúp phòng ngừa tái phát.
Chăm sóc vùng da bị mụn nước ở bàn chân tại nhà
Trong phần lớn trường hợp, mụn nước khá lành tính vì thế có thể biến mất sau vài ngày (với điều kiện da được chăm sóc tốt). Tuy nhiên, để tránh việc bị sẹo thâm và nguy cơ nhiễm trùng do mụn nước, người bệnh có thể tham khảo các phương pháp chăm sóc da sau đây:
- Sử dụng băng gạc để che vùng da đang bị tổn thương, có mụn nước lại. Hành động này vừa nhằm mục đích ngăn bụi, vừa có thể giảm tối đa các tổn thương phát sinh do cọ xát. Lưu ý phải để băng gạc che đậy vừa đủ trên da, không bít kín sẽ khiến tình trạng mụn nước tồi tệ hơn.
- Luôn giữ mụn nước ở tình trạng sạch sẽ, không bị bám bụi và tuyệt đối không dùng tay cậy lớp vỏ ra. Nếu vô tình làm chúng bị vỡ thì bạn cần rửa bằng xà phòng dịu nhẹ và lau sạch bằng băng gạc.
- Dùng 1 chiếc túi đá, bọc trong 1 chiếc khăn dày và chạm thật nhẹ lên khu vực đang bị phồng rộp sẽ giúp bạn giảm đi cảm giác ngứa ngáy khó chịu và giảm sưng trên da. Đồng thời nâng bàn chân lên cao bằng ghế, cách này sẽ khiến lượng máu dồn xuống chân chậm hơn và từ đó hạn chế sưng viêm.
- Rửa mụn nước bằng muối i-ốt và thoa thuốc mỡ, thuốc kháng sinh hoặc kem kháng khuẩn nhẹ nhàng lên vùng da đang cần điều trị (có thể thoa lan ra các vùng da xung quanh). Biện pháp sử dụng thuốc bôi tại chỗ này tốt nhất nên có sự tư vấn của bác sĩ.
- Có thể sử dụng giấm táo hoặc Hydro peroxide nhằm mục đích làm sạch khu vực bị mụn nước, giảm viêm và giảm đau. Sau khi thực hiện biện pháp này vài ngày, da sẽ có tình trạng khô bề mặt và bong tróc lớp da chết, lúc này bạn hãy dùng kéo y tế để nhẹ nhàng cắt bỏ chúng đi.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ trước khi bạn quyết định thực hiện bất cứ biện pháp nào.
Ngăn ngừa mụn nước ở bàn chân tái phát
Tuy mụn nước hầu hết phát sinh là do chức năng tự bảo vệ của cơ thể, nhưng chúng lại gây cảm giác đau rát, mất thẩm mỹ và có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng nếu không được chăm sóc kỹ. Mặt khác, mụn nước có đặc điểm dễ tái phát nên chúng ta cần trang bị cho mình những biện pháp ngăn ngừa tái phát như sau:
- Đối với mụn nước hóa học hoặc mụn nước do dị ứng, cần ngừng tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng ngay và hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc với chúng 1 lần nữa.
- Chân ướt, giày dép sũng nước là một nguyên nhân chính khiến mụn nước trở nên trầm trọng hơn. Hãy giữ cho khu vực bị mụn nước càng khô càng tốt, sự ẩm ướt không chỉ gây ra mùi hôi chân mà còn thấm vào da, làm vỡ các mụn nước và gây nhiễm trùng.
- Hạn chế sự ma sát ở bàn chân, cho dù điều này gặp khá nhiều khó khăn. Bạn có thể chủ động lựa chọn các loại giày dép chất liệu mềm, có lỗ thông khí (đối với giày bít mũi) và chọn các loại vớ (tất) được làm từ chất liệu tổng hợp như polyester, nylon.
- Hạn chế ra mồ hôi chân bằng cách sử dụng các miếng lót có khả năng tự làm khô chân, đồng thời bạn cũng không nên tham gia các cuộc thi chạy đường dài vì có thể gia tăng ma sát ở bàn chân.
- Thường xuyên làm sạch chân, quan sát kỹ da bàn chân để sớm phát hiện những thương tổn đồng thời bôi kem dưỡng da chân hàng ngày để da luôn được khỏe mạnh.
Mụn nước ở bàn chân là một tình trạng xảy ra khá phổ biến, tuy nhiên mức độ nguy hiểm của nó cũng không phải là thấp. Do vậy, bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Da liễu để nhận được sự điều trị tối ưu khi mắc phải.
Có thể bạn quan tâm:
- Mụn nước ở môi coi chừng dấu hiệu của bệnh nguy hiểm
- Chứng nổi mụn nước ở trẻ: Dấu hiệu và cách trị phụ huynh nên biết
Những thông tin mà thuocdantoc.vn vừa cung cấp không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!