Những bệnh da liễu thường gặp ở trẻ cha mẹ chớ nên xem thường
Các bệnh da liễu ở trẻ em thường dễ bùng phát vào một số thời điểm trong năm như mùa nóng hoặc mùa lạnh. Dưới đây là một số bệnh da liễu ở trẻ mà cha mẹ cần chú ý để bảo vệ sức khỏe cho bé.
6 bệnh da liễu thường gặp ở trẻ
Đặc điểm da của trẻ là dễ bị tổn thương do cấu trúc da chưa thật sự hoàn chỉnh, hàng rào bảo vệ da còn non nớt. Mặc dù da của trẻ vẫn có đủ các lớp biểu bì như người lớn tuy nhiên chúng chỉ mỏng bằng 1/5. Chính những yếu tố kể trên khiến trẻ dễ mắc các bệnh ngoài da, đặc biệt là vào những thời điểm có sự biến động của thời tiết. Vào những giai đoạn chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh và ngược lại, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý các bệnh ngoài da dưới đây.
1. Phát ban đỏ trên da
Các đốm phát ban đỏ có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ từ giai đoạn sơ sinh cho đến khi vài tuổi. Những trẻ bị phát ban đỏ trên da có thể có các đốt giống với đốt muỗi cắn. Trên các vết phát ban đỏ có thể kèm theo đầu mủ màu trắng vàng.
Khi bị nổi phát ban đỏ, thân mình thường có dấu hiệu phát ban đầu tiên. Tuy nhiên các vị trí như tay chân, đầu mặt cũng có thể xuất hiện các triệu chứng ban đỏ. Ban đỏ thường xuất hiện chủ yếu trong những thời điểm giao mùa.
Cách xử trí
Nếu trẻ không có các dấu hiệu bất thường đi kèm thì bố mẹ không cần phải can thiệp. Sau khoảng 7 – 10 ngày, các triệu chứng nổi ban đỏ có thể tự biến mất dần.
*Lưu ý: bố mẹ tuyệt đối không được nặn, cạy, không để bé gãi vào vết ban đỏ vì có thể dẫn đến nhiễm khuẩn ngoài da.
2. Hăm tã
Hăm tã cực kỳ phổ biến ở trẻ từ sơ sinh cho đến 3 tuổi, đặc biệt là trong mùa nóng. Tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ thường xảy ra khi nước tiểu đọng lại trong tã của trẻ, chưa được thay tã mới. Tình trạng này khiến cho các vi khuẩn phát triển trên nền vết bẩn ở tã, nhất là khi da tiếp xúc với chất bẩn quá lâu.
Những trường hợp trẻ bị hăm tả có thể có dấu hiệu tấy đỏ ở mức độ hẹp hoặc lan rộng tại vùng da quấn tã. Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng da căng bóng, da có dấu hiệu mụn mủ.
Cách xử trí
- Đối với những trường hợp da của bé bị hăm tã, bố mẹ cần chú ý giữ cho da của bé luôn khô ráo, thay tã thường xuyên và vệ sinh đúng cách ở vùng da quấn tã.
- Bố mẹ cũng cần lưu ý không quấn tã quá chặt, nên lựa chọn các loại tã có lỗ thoáng khí để hạn chế hăm tã, giúp không khí xung quanh vùng da quấn tã được lưu thông tốt hơn.
- Thỉnh thoảng, bố mẹ cũng nên tháo tã cho bé để vùng da quấn tã được thông thoáng, hạn chế nguy cơ hăm tã.
3. Rôm sảy ở trẻ
Rôm sảy là một trong những bệnh da liễu rất đặc trưng ở trẻ, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao. Đây là thời điểm các tuyến mồ hôi trên da của bé hoạt động nhiều để làm mát cơ thể, tuy nhiên sự hoạt động quá mức có thể khiến cho các tuyến mồ hôi chèn ép lẫn nhau, làm cho mồ hôi không thoát được ra ngoài da và gây nên tình trạng rôm sảy.
Những trường hợp rôm sảy ở trẻ thường có dấu hiệu nổi các hạt nhỏ hơi cứng, có dịch tiết bên trong, da ửng hồng. Trẻ sẽ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thường xuyên gãi, dẫn đến nguy cơ da bị xây xát, tổn thương, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cách xử trí
- Rôm sảy ở trẻ thường không nghiêm trọng, tuy nhiên bố mẹ nên vệ sinh da cho bé đúng cách để hạn chế viêm nhiễm trên da của trẻ.
- Nên lựa chọn các loại quần áo mỏng, nhẹ, có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt để giúp cho da của trẻ thoáng mát, hạn chế tình trạng rôm sảy trên da.
- Vệ sinh da cho trẻ với nước mát, thay quần áo thường xuyên khi trẻ ra mồ hôi, lau khô da cho trẻ khi đổ mồ hôi nhiều.
- Không để trẻ gãi lên vùng da bị rôm sảy để hạn chế nhiễm trùng da.
4. Nổi hạt kê
Da bị nổi hạt kê có thể để lại các hạt màu trắng đục nhô lên trên nền da. Trẻ nhỏ thường bị nổi hạt kê tại những vị trí có tuyến bã nhờn như vùng trán, hai bên cánh mũi, hai bên gò má, bắp tay. Nhìn chung, tình trạng nổi hạt kê không nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu do sự ứ đọng của các chất bã nhờn trên bề mặt da. Hiện tượng này thường gặp nhiều vào lúc giao mùa, khi tuyến bã nhờn tăng cường hoạt động.
Cách xử trí
- Bố mẹ có thể xử lý tình trạng nổi hạt kê bằng cách vệ sinh da sạch sẽ cho bé.
- Tại các vị trí nổi hạt kê cần chú ý vệ sinh nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh để tránh gây xây xát trên những vùng da bị nổi hạt kê.
5. Chàm sữa, lác sữa
Lác sữa, chàm sữa là một trong những bệnh ngoài da lành tính, không nguy hiểm, chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẫm mỹ. Trẻ từ 6 tháng tuổi có thể bị nổi các đốm chàm sữa, lác sữa ở những vị trí mặt, hai bên má, đôi khi có thể rải rác ở tứ chi, thân mình. Một số trẻ có thể nổi mẫn đỏ, xuất hiện các mụn nước li ti, nứt da, đỏ. Sau một thời gia các mụn nước này có thể rỉ dịch tiết, rịn nước, tróc vảy và đóng mày.
Cách xử trí
- Chàm sữa sau một thời gian có thể tự khỏi.
- Tuy nhiên nếu chàm sữa lan rộng, có kèm theo nhiễm khuẩn thì bố mẹ cần cho trẻ đi khám và điều trị.
6. Chốc lở
Khác với những bệnh ngoài da tương đối lành tính kể trên, bệnh chốc lở là một trong những bệnh ngoài da cần chú ý can thiệp, điều trị sớm. Đây là một trong những bệnh tương đối nguy hiểm do nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Trẻ mắc bệnh chốc lở sẽ xuất hiện các mụn nước trên nền da đỏ. Mụn nước này có thể vỡ ra và gây chảy dịch tiết, sau một thời gian sẽ bắt đầu đóng vảy lại.
Cách xử trí
- Trẻ mắc bệnh chốc lở cần được đến bệnh viện sớm để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
- Ngoài ra, bố mẹ cũng cần giữ cho da của bé sạch sẽ để tránh nhiễm trùng da. Nên vệ sinh da nhẹ nhàng cho trẻ bằng xà phòng và rửa lại bằng nước sạch.
- Không để cho bé gãi lên vùng da bị chốc lở.
- Chú ý cắt ngắn móng tay cho trẻ và hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho chẩn đoán, điều trị và toa thuốc của bác sĩ.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!