Bệnh Viêm Ống Thận Cấp

Viêm ống thận cấp là một trong những bệnh lý hàng đầu gây ra suy thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác về thận. Hầu hết bệnh nhân mắc căn bệnh này đều có tiên lượng khá xấu, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đầy đủ có hiệu quả. 

Viêm ống thận cấp được biết đến là bệnh lý gây ra suy thận cấp

Tổng quan

Viêm ống thận cấp (Acute interstitial nephritis - AIN) còn được gọi là bệnh ống kẽ thận cấp (acute interstitial nephritis) hoặc hoại tử ống thận cấp (acute tubular necrosis). Các chuyên gia cho biết, tổn thương đặc trưng nhất của viêm ống thận cấp là tình trạng hoại tử các liên bào ống thận.

Bệnh lý này chiếm tỷ lệ khoảng 10 - 15% trong tổng số các bệnh nhân suy thận cấp. Căn bệnh này được cảnh báo nguy hiểm vì có nguy cơ cao gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách.

Phân loại

Bệnh viêm ống thận cấp chỉ khởi phát 1 dạng duy nhất nhưng được phân chia làm 2 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn cấp: Các triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, ồ ạt và có mức độ nghiêm trọng như sốc, xuất huyết;
  • Giai đoạn chậm: Thường xảy ra trong trường hợp kháng sinh độc với thận, các triệu chứng khởi phát chậm, từ từ và kéo dài trong thời gian dài;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo cấu trúc giải phẫu, ống thận nằm tiếp nối với cầu thận, có nhiệm vụ tái hấp thu và bài tiết các hoạt chất có khả năng chuyển hóa dịch lọc cầu thành nước tiểu. Ống thận được cấu tạo từ 4 bộ phận chính gồm ống lượn gần, ống lượn xa, quai Henle và ống góp. Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra tại những vị trí này.

Viêm ống thận cấp thường khởi phát do nguyên nhân thiếu máu, dị ứng hoặc ngộ độc

Đợt bùng phát viêm ống thận cấp có liên quan đến 3 nhóm nguyên nhân chính sau:

  • Thiếu máu: Bất kỳ lý do gì khiến quá trình tưới máu đến thận giảm sút và kéo dài dẫn đến thận thiếu máu đều có nguy cơ cao gây ra các tổn thương dạng ống thận bị hoại tử. Có thể đến một số yếu tố nguy cơ liên quan đến thiếu máu thận như:
    • Sốc nhiễm khuẩn;
    • Nhiễm độc hóa chất;
    • Sau phẫu thuật;
    • Sảy thai hoặc nạo phá thai;
    • Bỏng gây sốc giảm thể tích;
    • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid, thuốc kiểm soát huyết áp...;
  • Ngộ độc: Khác với các tổn thương gây thiếu máu dẫn đến hoại tử các tế bào ống thận, ngộ độc có thể tác động trực tiếp đến cơ chế hoạt động của các mạch máu, khiến chúng bị hoại tử nặng, khởi phát viêm ống thận cấp. Hoặc một số trường hợp cũng có cơ chế tương tự đó là tổn thương gây thiếu máu thận. Có nhiều tác nhân gây bệnh dạng nguyên nhân này như:
    • Ngộ độc thực phẩm do các vi sinh vật ký sinh trong mật cá trắm, cá chép, cá mè, cá cóc...;
    • Ngộ độc thuốc kháng sinh, phổ biến nhất là thuốc kháng sinh, thuốc nhóm neomycin, aminosides, nhóm độc nhất là cefaloridine, các loại ít độc hơn như kanamycine, streptomycine, gentamycine...;
    • Ngộ độc hóa chất như cồn methylic, cloruacarbon (CCI4), các sản phẩm chứa hoạt chất i ốt cản quang (thường dùng trong tiêm tĩnh mạch);
    • Tiếp xúc với các kim loại nặng;
  • Dị ứng: Nhóm nguyên nhân dị ứng gây viêm ống thận cấp (NIA immuuo allergique) thường ít gặp hơn so với các nhóm trên. Trường hợp phổ biến nhất trong viêm ống thận cấp dạng dị ứng là do tác dụng phụ khi dùng các loại thuốc như:
    • Thuốc lợi tiểu;
    • Penicilline;
    • Methicilline;
    • Cimetidine;
    • Thuốc kháng viêm không steroid;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân mắc hội chứng viêm ống thận cấp thường có các biểu hiện của hội chứng suy thận cấp hoặc có kèm theo các triệu chứng của bệnh viêm gan cấp với những trường hợp bệnh do ngộ độc. Do đó, các triệu chứng bệnh sẽ được biểu hiện khác nhau tùy theo nguyên nhân và từng giai đoạn bệnh.

Các triệu chứng viêm ống thận cấp thường biểu hiện khác nhau do nguyên nhân và từng nguyên nhân gây bệnh

  • Thiểu niệu, vô niệu: Thường được phát hiện trong vòng 24 - 72 giờ mắc bệnh, có thể được phát hiện qua các biến chứng nặng như rối loạn chất điện giải, biến chứng ứ dịch ngoại bào gây tăng huyết áp, phù phổi hoặc các bệnh cảnh trong hội chứng tăng ure máu...
  • Các triệu chứng kèm theo:
    • Phù ngoại biên;
    • Tăng cân;
    • Khó thở khi thực hiện các hoạt động gắng sức;
    • Nổi các nốt phát ban do xuất huyết dưới da;
    • Rối loạn tiêu hóa;

Nếu không phát hiện các triệu chứng thiểu niệu, vô niệu, sau một thời gian tiến triển bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiểu nhiều, thường là vào tuần thứ 3 kể từ thời điểm phát hiện tình trạng vô niệu hoặc có thể sớm hơn. Bệnh nhân có thể nhìn thấy lượng nước tiểu ngày càng tăng lên. Đi kèm theo đó là phải tiến hành bù dịch và các chất điện giải kịp thời, một số trường hợp có thể được chỉ định lọc máu (nếu cần thiết).

Chẩn đoán 

Chẩn đoán đánh giá sơ bộ về tình trạng bệnh nhân đang mắc phải chủ yếu thông qua các thăm khám và xử lý triệu chứng trong đợt bùng phát cấp. Sau đó, kết hợp khai thác các thông tin về triệu chứng, biểu hiện trước đó, thời gian xảy ra, khám lâm sàng, tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt...

Xét nghiệm máu đánh giá chỉ số ure và creatinin là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán viêm ống thận cấp

Tuy nhiên, chỉ với những thông tin này vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận chính xác về bệnh. Để chẩn đoán xác định, cần kết hợp với xét nghiệm máu thường áp dụng trong chẩn đoán suy thận cấp, gồm các tiêu chí sau:

  • Tăng chỉ số ure và creatinin máu;
  • Rối loạn toan kiềm với hiện tượng nhiễm toan;
  • Rối loạn cân bằng chất điện giải, thường gặp nhất là hạ natri máu, tăng kali máu, tăng phosphat máu...;

Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây suy thận cấp như sỏi tắc niệu quản, viêm cầu thận cấp.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm ống thận cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận với tiến triển bệnh qua từng giai đoạn triệu chứng như trên. Không những vậy, trong quá trình này nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Bệnh nhân viêm ống thận cấp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây phù phổi cấp, phù não co giật, trụy tim và tử vong

  • Phù não gây co giật, phù phổi cấp, trụy tim mạch... gây tử vong;
  • Trường hợp tổn thương ở ống thận khác nhau ở từng đoạn có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo từng vị trí hoại tử. Chẳng hạn như:
    • Trường hợp nhẹ có thể gây giãn/ dẹt các liên bào ống thận, thường xảy ra ở các ống lượn xa;
    • Trường hợp vừa do hoại tử các liên bào ống thận khiến các tế bào ống thận bị thoái hóa nhân và mất dần đi các chất nguyên sinh;
    • Trường hợp nghiêm trọng hoại tử nặng có thể làm đứt từng đoạn ống thận;

Điều trị

Nguyên tắc điều trị viêm ống thận cấp là xử lý nguyên nhân, cải thiện triệu chứng và điều trị/ dự phòng biến chứng tùy vào từng giai đoạn cụ thể.

Điều trị giai đoạn sớm

Đây là giai đoạn tác nhân gây bệnh tấn công ồ ạt đến thận. Nếu bệnh được phát hiện trong giai đoạn này sẽ được chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị sau:

Truyền máu và dịch để bù lượng thiếu hụt kết hợp làm giảm huyết áp trong giai đoạn sớm của bệnh

  • Xử lý nguyên nhân, loại bỏ độc tố, chất dị ứng gây ngộ độc;
  • Truyền máu và dịch để bù lại lượng thiếu hụt gây viêm ống thận cấp, kiểm soát chỉ số huyết áp bằng:
    • Dung dịch muối đẳng trương hoặc dung dịch keo (plasma, albumin);
    • Truyền thuốc Dopamin có tác dụng trên mạch máu với liều 3g/kg/phút nhằm thúc đẩy dòng máu đến thận;

Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu 

Hiện tượng thiểu niệu, vô niệu rất dễ gây rối loạn cân bằng các chất điện giải. Do đó, mục đích chính trong giai đoạn này đó là kiểm soát ổn định cân bằng nội môi và không để kali, ure máu tăng... Quá trình này được thực hiện bằng các cách sau:

Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu có thể lọc máu bằng cách chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân màng bụng

  • Bù nước: Để giữ cho lượng nước trong cơ thể ở mức cân bằng cần đảm bảo lượng nước vào ít hơn lượng nước ra. Ở bệnh nhân viêm ống thận cấp nên duy trì lượng nước nạp vào cơ thể kể cả đường uống lẫn ăn chỉ nên trung bình khoảng 500ml. Hoặc nếu có kèm theo mất nước muối phải kết hợp bù dịch với lượng phù hợp;
  • Xử lý toan máu, mất điện giải:
    • Giảm lượng kali máu bằng cách hạn chế nạp vào cơ thể các loại thực phẩm giàu kali quá mức hoặc thuốc dịch truyền có chứa kali;
    • Áp dụng phác đồ kháng sinh nhằm loại bỏ ổ nhiễm khuẩn, ngăn chặn tiến triển hoại tử;
    • Dùng thuốc lợi tiểu nhằm tăng đào thải kali qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, cách này chỉ được thực hiện khi kết quả chẩn đoán không có dấu hiệu tắc nghẽn sau thận. Liều dùng khuyến cáo như sau:
      • Liều khởi đầu: Lasix 20mg x 4 ống, dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch. Có thể tăng liều lên khoảng 200 - 500mg/24 giờ;
      • Liều rất cao: Furosemide 1000mg/24 giờ bằng đường truyền chậm qua kỹ thuật bơm tiêm điện. Trường hợp không thể dùng Furosemide có thể thay thế bằng acide etacrynic hoặc bumetamide;
    • Kết hợp truyền natricarbonat 1.4% hoặc 4.2% khi bệnh nhân đã có lại một lượng nước tiểu nhất định khoảng 300 - 500ml. Liều dùng khuyến cáo là Natricarbonat 8.4% thông qua tiêm tĩnh mạch để hạn chế thấp nhất lượng nước vào cơ thể. Biện pháp này nhằm kiểm soát tình trạng toan máu, ngăn chặn tiến triển bệnh do kali di chuyển từ nội bào ra ngoại bào.
    • Một số kỹ thuật y tế khác được chỉ định trong điều trị giai đoạn thiểu niệu, vô niệu:
      • Tiêm canxi tĩnh mạch chậm trong trường hợp bệnh nhan có biểu hiện tăng kali máu nặng. Được thực hiện đồng thời khi đang cấp cứu do phát sinh biến chứng tim mạch;
      • Truyền glucose ưu trương kèm theo insulin nhằm đẩy kali vào trong khu vực nội bào;
      •  Dùng thuốc Resin trao đổi ion như Kayexalat hoặc Resonium liều 30g/24 giờ nhằm tăng cường thải kali qua phân;
      • Trường hợp chỉ số kali máu ≥ 6.5mmol/l phải can thiệp chỉ định lọc máu ngoài thận để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm;
  • Điều trị các dạng rối loạn điện giải khác:
    • Bù natri và canxi máu;
    • Điều chỉnh chế độ ăn uống đủ calo, giảm đạm (khoảng 35 kcal/kg/24 giờ);
    • Kiểm soát chỉ số ure máu bằng thuốc tăng đồng hóa protide như Testosteron 25mg/ngày hoặc Durabolin 25mg/ngày, kết hợp thêm 1 viên ketosteril liều 600mg/5kg can nặng/ngày;
    • Loại bỏ ổ nhiễm khuẩn;
    • Lọc máu sớm bằng phương pháp thẩm phân màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo nếu kết quả chẩn đoán sau:
      • Chỉ số kali máu  ≥ 6,5 mmol/;
      • Creatinin máu > 600mmol/l;
      • Chỉ số ure máu > 35mmol/l;
      • Có dấu hiệu toan máu;

Giai đoạn tiểu nhiều 

Tiến triển bệnh đến giai đoạn tiểu nhiều tuy lượng nước tiểu đã quay về nhưng chức năng thận vẫn chưa thật sự hồi phục. Kết quả xét nghiệm vẫn có chỉ số ure máu, creatinin máu tăng cao như giai đoạn thiểu niệu, vô niệu. Ngoài ra, vì tiểu nhiều quá mức nên rất dễ gây mất chất điện giải.

Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, giảm thực phẩm giàu protide để điều trị viêm ống thận cấp giai đoạn tiểu nhiều

Do đó, giai đoạn này cần tập trung điều trị dự phòng rối loạn điện giải, mất nước bằng các cách sau:

  • Hạn chế dung nạp các loại thực phẩm chứa nhiều protide và chỉ dùng khi chỉ số ure máu đã ở ngưỡng ổn định;
  • Truyền tĩnh mạch dung dịch hoặc dạng uống để bù lượng nước, chất điện giải mất đi. Liều lượng tùy theo lượng nước tiểu thải ra ngoài;
  • Kết hợp theo dõi chức năng thận để đánh giá bệnh tốt nhất;

Giai đoạn hồi phục

Bệnh nhân viêm ống thận cấp thường phải điều trị nội trú tại bệnh viện trong khoảng 4 tuần và chỉ được xuất hiện sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng thận đã phục hồi tốt. Đồng thời, phải tái khám định kỳ theo lịch để theo dõi quá trình hồi phục cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Phòng ngừa

Dựa vào những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm ống thận cấp vừa nêu trên, mỗi người trong chúng ta đều có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Xây dựng lối sống khoa học và thường xuyên thăm khám, nâng cao kiến thức về các tổn thương, bệnh lý về thận để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm ống thận cấp

  • Không được tùy tiện sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ để tránh gây tác dụng phụ ngộ độc khởi phát viêm ống thận cấp.
  • Theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng sau khi dùng thuốc theo chỉ định để kịp thời xử lý các bất thường, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng dị ứng gây ra viêm ống thận cấp.
  • Có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, tốt cho thận, tránh thực phẩm tươi sống được cảnh báo có nguy cơ ngộ độc cao.
  • Sinh hoạt theo thời gian biểu khoa học, đúng giờ giấc, không làm việc quá sức, nghỉ ngơi nhiều hơn, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và rèn luyện duy trì chức năng thận khỏe mạnh.
  • Tránh stress, căng thẳng quá mức để giảm nguy cơ làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm ống thận cấp.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, tầm soát các bệnh lý về thận, nhất là những người đã từng có tiền sử mắc bệnh trước đó.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi đột nhiên bị giảm lượng nước tiểu có phải là dấu hiệu của bệnh thận không?

2. Tại sao tôi bị viêm ống thận cấp?

3. Bệnh viêm ống thận cấp có nguy hiểm không?

4. Tiên lượng mức độ viêm ống thận cấp của tôi có nặng không? Tôi có chết không?

5. Tôi cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm ống thận cấp?

6. Phác đồ điều trị viêm ống thận cấp tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Tôi cần điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào trong quá trình điều trị viêm ống thận cấp?

8. Bệnh viêm ống thận cấp có thuốc đặc trị không?

9. Điều trị viêm ống thận cấp nội trú hay ngoại trú?

10. Chi phí điều trị viêm ống thận cấp có đắt không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Viêm ống thận cấp đe dọa tính mạng nếu người bệnh chủ quan, lơ là không điều trị. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo khi phát hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến thận nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán, tư vấn biện pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng. Đồng thời, tự nâng cao ý thức và nắm vững kiến thức cơ bản trong chăm sóc sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh.