Bệnh Viêm Cầu Lồi Ngoài Xương Cánh Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Phạm Thị Minh Dương – Khoa Xương khớpPhó Giám đốc phụ trách chuyên môn – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là căn bệnh tổn thương cơ gân khuỷa tay, cánh tay khá lành tính. Bệnh khởi phát sưng viêm, đau nhức khó chịu làm hạn chế khả năng vận động và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh. Điều trị bệnh nhằm mục tiêu giảm đau, giảm viêm, phục hồi và bảo tồn khả năng vận động của các lồi cầu ngoài xương cánh tay. 

Tổng quan

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (lateral epicondylitis) là tình trạng viêm chỗ bám của các gân ở khuỷa tay, cơ gập cổ tay do tổn thương. Đây là dạng chấn thương phổ biến ở mọi đối tượng, còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như hội chứng tennis elbow hoặc khuỷa tay của người chơi tennis, chèo thuyền...

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là tình trạng các gân khuỷa tay bị tổn thương, sưng viêm và gây đau

Tổn thương viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường xuất phát từ những hoạt động quá mức, liên tục, có tính chất nhanh mạnh, lặp đi lặp lại và kéo dài thường xuyên. Những người từ 40 - 50 tuổi hoặc có tính chất nghề nghiệp liên quan đến vận động cánh tay thường có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.

Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều ở mức nhẹ, có thể tự khỏi sau khi người bệnh nghỉ ngơi và giảm vận động. Tuy nhiên, một khi đã có tổn thương viêm, chấn thương, tình trạng này sẽ rất dễ tái phát sau 6 tháng, kéo dài dai dẳng khoảng vài tuần, thậm chí vài năm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường xảy ra chủ yếu ở những người các môn thể thao phải dùng tay nhiều. Chẳng hạn như đánh golf, tennis, cầu lông, chèo thuyền... Hoặc một số công việc phải lặp đi lặp lại các cơ bắp cẳng tay như thợ mộc, họa sĩ, người làm nông, nhạc công đánh đàn, trống,.... cũng là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh.

Những người chơi tennis, đánh golf, chèo thuyền... dùng sức mạnh ở tay nhiều rất dễ bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Trong những trường hợp này, khuỷa tay, cánh tay, ngón tay bị căng cứng quá mức trong trạng thái thực hiện động tác đối kháng, bàn tay lật ngửa tạo ra tổn thương trực tiếp đến vùng này.

Một số trường hợp dù không dùng sức ở vùng cơ khuỷa tay quá nhiều, nhưng do thực hiện động tác đột ngột, quá ngưỡng chịu đựng của bản thân cũng có thể gây ra các tổn thương tại vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay như rách gân cơ duỗi và màng xương, khởi phát viêm và tăng phản ứng sinh mạch, gây phù nề tại chỗ và các cấu trúc tổ chức xung quanh.

Những người thường xuyên gõ máy tính hoặc dùng con chuột liên tục trong thời gian dài rất dễ gây đau nhức mỏi và tổn thương viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Ngoài ra, y học vẫn ghi nhận một số ít trường hợp bệnh nhân bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay nhưng không các yếu tố nguy cơ trên. Trường hợp này được phân vào nhóm vô căn và cần được nghiên cứu sâu hơn.

Yếu tố nguy cơ 

  • Người trưởng thành trong độ tuổi từ 30 - 55 có nguy cơ mắc bệnh cao;
  • Người thừa cân béo phì;
  • Người lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là một dạng tổn thương do chấn thương nên các triệu chứng bệnh thường biểu hiện rất rõ ràng ngay từ đầu. Đặc trưng với các dấu hiệu sau:

Bệnh nhân viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường bị đau nhức tại chỗ viêm và sau đó lan sang các vùng lân cận

  • Đau nhức khu trú tại vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay;
  • Cơn đau có thể lan rộng sang cẳng tay và cổ tay;
  • Giảm khả năng vận động, khó khăn trong việc thực hiện các động tác như ngửa, duỗi bàn tay hoặc cầm nắm đồ vật;
  • Kèm theo cảm giác nóng ran, tê ngứa khu lan rộng ở khuỷa tay, ngón tay hoặc toàn bộ cánh tay;

Các triệu chứng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có mức độ khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ và tiến triển của bệnh.

Chẩn đoán 

Tuy có biểu hiện rõ ràng, nhưng những triệu chứng lâm sàng của viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường không đặc hiệu nên rất khó để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh. Để chẩn đoán xác định bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, cần kết hợp thực hiện các biện pháp sau:

Hình ảnh X quang hoặc siêu âm cho phép quan sát và phát hiện các tổn thương của bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

  • Khám lâm sàng: Khai thác tiền sử bệnh cá nhân, chấn thương và thói quen sinh hoạt hàng ngày để đánh giá những yếu tố nguy cơ gây bệnh;
  • Chụp X quang: Hình ảnh X quang cho phép quan sát và đánh giá các tổn thương, mức độ viêm tại khớp khuỷa tay;
  • Siêu âm: Kỹ thuật siêu âm cơ bằng đầu dò giúp đánh giá mức độ tổn thương của gân cơ vùng khuỷa. Đối với bệnh nhân viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, hình ảnh siêu âm cho thấy kích thước khối gân cơ to hơn bình thường. Hoặc có dấu hiệu của biến chứng đứt một đoạn hoặc toàn bộ gân;
  • Siêu âm Doppler: Giúp quan sát chi tiết hơn và đánh giá tình trạng vôi hóa trong gân, hiện tượng tăng sinh mạch máu do viêm tại vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay;

Ngoài ra, để đưa ra kết luận về bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt giữa viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay với các bệnh lý dễ nhầm lẫn khác như:

  • Bệnh lý tổn thương rễ cột sống cổ C6 - C7;
  • Hội chứng thoái hóa khớp khuỷa;
  • Hội chứng ống cổ tay;
  • Chứng viêm túi thanh dịch khuỷa tay;

Biến chứng và tiên lượng

Thực chất bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay chính là những chấn thương nghiêm trọng dẫn đến viêm, căng cơ. Trong trường hợp nặng, tổn thương không được cải thiện kịp thời có thể gây thoái hóa và đứt gân cơ. Nếu không có hướng điều trị đúng, có thể gây ra liệt vĩnh viễn, bệnh nhân mất khả năng cử động tay, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiên lượng điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay khá tốt. Vì bản chất của bệnh lý này là những chấn thương ngoại lực từ bên ngoài. Chỉ cần điều trị tập trung làm giảm viêm và nghỉ ngơi, giảm vận động đúng cách sẽ giúp vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay dần phục hồi trở lại, giảm thiểu nguy cơ tái phát.

Điều trị

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay rất dễ xảy ra do cơ chế gây bệnh đơn giản. Việc điều trị bệnh cũng không quá khó khăn nếu người bệnh phát hiện sớm, thăm khám chuyên khoa và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

1. Chăm sóc tích cực tại nhà 

Đa phần các trường hợp bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay đều không quá nghiêm trọng, không nhất thiết phải can thiệp điều trị y tế chuyên sâu. Bệnh nhân chỉ cần tạm ngưng hoặc giảm cường độ vận động, khoảng thời gian này sẽ giúp các bó cơ gân, xương được thư giãn, thả lỏng giảm bớt áp lực và hồi phục trở lại trạng thái bình thường.

Dùng băng dán cơ dán trực tiếp vào vùng bị đau trên khuỷa tay giúp hỗ trợ vận động, giảm sưng đau và giảm nguy cơ chấn thương

Kết hợp thực hiện các mẹo giảm đau, giảm viêm không dùng thuốc sau:

  • Chườm lạnh: Đây là mẹo giúp giảm sưng viêm và đau nhức tại vùng gân khớp bị tổn thương, trong đó có tình trạng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Chú ý chườm lạnh bằng cách sử dụng túi chườm chuyên dụng hoặc bọc đá vào khăn, không nên áp đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh.
  • Dùng băng dán cơ RockTape: Đây là loại băng dán thể thao co giãn, không thấm nước có tác dụng cải thiện vận động, giảm triệu chứng sưng đau nhức hiệu quả. Cơ chế hoạt động là làm giảm áp lực lên các mô, thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi khuỷa tay. Miếng băng dán này có khả năng bám dính tốt, có khả năng dính chắc trên da > 5 ngày;
  • Xoa bóp, massage: Thực hiện massage nhẹ nhàng lên vùng khuỷa tay, cánh tay bị đau nhức đúng cách (có thể kết hợp với tinh dầu) để làm giãn cơ gân, cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả.

Lưu ý, khi bị sưng viêm, đau nhức do viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, người bệnh tuyệt đối không nên bôi bất kỳ loại dầu nóng hay rượu thuốc nào vì có thể khiến tình trạng viêm ngày càng nặng hơn.

2. Điều trị vật lý 

Hiện nay, sự phát triển của y học hiện đại với rất nhiều liệu pháp vật lý điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay như:

  • Tia laser;
  • Sóng ngắn;
  • Điện phân;
  • Sóng xung kích;
  • Xung trị liệu;
  • ...

3. Dùng thuốc 

Với những trường hợp nặng, cơn đau nhức và sưng viêm không thuyên giảm mà còn ngày càng tăng dần mức độ theo thời gian, bắt buộc phải sử dụng thuốc hỗ trợ. Tùy theo mức độ bệnh và thể trạng sức khỏe cụ thể, bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau, chống viêm phù hợp.

Dùng thuốc là cách giảm đau, chống viêm hiệu quả và nhanh chóng nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn

Một số loại phổ biến như:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Trường hợp cơn đau vừa khởi phát, đột ngột và dữ dội, người bệnh có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin...;
  • Thuốc chống viêm không  steroid (NSAIDs): Tùy trường hợp có thể, cơ địa người bệnh và tiền sử bệnh mà sử dụng thuốc dạng uống hoặc dạng bôi ngoài da phù hợp.
    • Thuốc dạng uống: Meloxicam, Diclofenac, Etoricoxib, Piroxicam, Celecoxib...;
    • Thuốc dạng bôi: Profenid, Diclofenac...;
  • Tiêm thuốc Corticoid:
    • Trường hợp bệnh nhân đau nhức vùng cánh tay, khuỷa tay dữ dội không thuyên giảm và không đáp ứng với các loại thuốc trên sẽ được tiêm Corticoid tại chỗ;
    • Có 2 loại thường dùng nhất là Bethamethasone (Diprospan) hoặc Methylprednisolone acetat (Depo medrol) liều 1/2ml, dùng dưới dạng tiêm tại chỗ. Bệnh nhân thường chỉ phải tiêm duy nhất 1 lần hoặc tiêm mũi nhắc lại sau ít nhất 3 tháng;
    • Tuy thuốc tiêm Corticoid đem lại tác dụng mạnh nhưng không được lạm dụng quá mức để tránh các rủi ro tác dụng phụ nguy hiểm như nhiễm trùng, teo da, tăng nguy cơ khởi phát bạch biến ...

4. Can thiệp ngoại khoa 

Bệnh nhân viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay mức độ nghiêm trọng và điều trị nội khoa thất bại sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Tùy theo mức độ tổn thương gân cơ lồi cầu ngoài cánh tay nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật mổ phù hợp. Chẳng hạn như:

  • Mổ cắt bỏ gân cơ duỗi, kéo dài ra và tạo hình chữ Z cố định nhằm ngăn không cho các cơ duỗi hoạt động gây viêm, đau nhức;
  • Mổ loại bỏ các tổ chức thừa thải tích tụ ở gốc gân duỗi, giải phóng sự chèn ép ở gân cơ duỗi;

Phẫu thuật viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có tiên lượng tốt, sau phẫu thuật bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe tích cực, hạn chế vận động tối đa để phục hồi nhanh hơn. Chú ý theo dõi vết mổ để dự phòng biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết...

5. Các biện pháp điều trị khác

Điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay còn rất nhiều phương pháp khác, tuy nhiên đa số vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và nghiên cứu thêm như:

  • Tiêm Botulium to-xin A trực tiếp vào ngón có cơ duỗi nhằm liệt cơ, hạn chế cử động quá mức cho gân duỗi;
  • Tiêm huyết tương tự thân có chứa lượng tiểu cầu cao;
  • Tiêm hoạt chất Hyaluronic acid;
  • ...

Phòng ngừa

Bảo vệ và phòng ngừa bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bằng các biện pháp tích cực sau:

Chơi thể thao đúng kỹ thuật và đeo đai hỗ trợ để tránh chấn thương gây viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

  • Giảm thiểu cường độ vận động hàng ngày, bao gồm làm việc hoặc chơi thể thao.
  • Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao, đặc biệt là cánh tay, cổ tay trong những bộ môn như quần vợt, cầu lông...
  • Chọn dụng cụ chơi thể thao có kích thước phù hợp với chiều dài và sức cầm của tay.
  • Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của từng bộ môn thể thao để giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
  • Trong quá trình chơi thể thao và hoạt động hãy dành ra những khoảng nghỉ ngơi, vận động quá sức trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh.
  • Thực hiện các bài lý trị liệu vùng tay nhẹ nhàng và phù hợp để tăng cường sức mạnh các nhóm cơ này.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau nhức khuỷa tay, cánh tay sau khi chơi thể thao là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?

3. Nếu tôi không điều trị bệnh có tự khỏi được không?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay?

5. Phương pháp điều trị bệnh tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Tôi nên điều trị bảo tồn hay phẫu thuật?

7. Bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có điều trị khỏi hoàn toàn được không?

8. Quá trình điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay mất bao lâu thì khỏi?

9. Tôi nên và không nên làm những gì trong quá trình điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay?

10. Sau điều trị, bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có tái phát không?

Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay không quá nguy hiểm. Đặc biệt, có thể điều trị khỏi và phòng ngừa được nếu phát hiện sớm, áp dụng đúng phương pháp kết hợp chăm sóc tích cực hàng ngày. Khuyến cáo mỗi người cần nâng cao ý thức về việc vận động quá sức, mạnh, sai tư thế gây hại cho sức khỏe và đe dọa khả năng vận động để điều chỉnh cường độ làm việc và thay đổi lối sống khoa học để phòng ngừa các bệnh lý tổn thương cơ xương khớp tương tự.