Hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân, cách điều trị

Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh giữa cánh tay khiến bạn bị đau, tê yếu cơ và gặp khó khăn khi cầm nắm đồ vật. Bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Dưới đây là một số thông tin về hội chứng ống cổ tay và cách điều trị để bạn tham khảo.

Hội chứng ống cổ tay là gì?

Hội chứng ống cổ tay (có tên khoa học là Carpal tunnel syndrome) là bệnh lý xảy ra khi có áp lực chèn ép lên dây thần kinh giữa của cánh tay khi nó đi qua ống cổ tay. Trong y học, bệnh còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như hội chứng chèn ép thần kinh giữa hay hội chứng đường hầm cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay và cách điều trị
Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ

Bình thường, các dây thần kinh giữa chạy dọc cánh tay này có chức năng kiểm soát các hoạt động diễn ra ở bàn tay và cổ tay, đồng thời chi phối cảm giác nhận được ở khu vực này. Chính vì vậy mà khi chúng bị chèn ép, người bệnh sẽ có cảm giác đau đớn, tê yếu bàn tay và gặp khó khăn khi thực hiện các cử động ở khu vực bị ảnh hưởng.

Hội chứng ống cổ tay ảnh hưởng đến mọi đối tượng, tuy nhiên những người thường xuyên phải vận động ở khu vực cổ tay như nhân viên văn phòng, lao công, nhà báo, giáo viên… chiếm tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất. Việc nhận biết các dấu hiệu và chẩn đoán sớm sẽ giúp cho quá trình điều trị được dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay

Hội chứng đau ống cổ tay phát triển là do có áp lực lên dây thần kinh giữa chạy dọc cánh tay. Các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bao gồm:

  • Gãy xương cổ tay: Xương cổ tay thường bị gãy do tai nạn, lao động hoặc do té ngã… Nó có thể gây thu hẹp ống cổ tay và kích thích các dây thần kinh dẫn đến sưng, viêm.
  • Do cử động lặp lại liên tục ở cánh tay: Những người thường xuyên ngồi đánh máy tính, ghi chép, làm bánh, cắt tóc… khiến cổ tay bị tác động liên tục cũng có nguy cơ mắc hội chứng này.
  • Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố và giữ nước trong thời kì mang thai có thể gây ra nhiều vần đề về sức khỏe cho chị em phụ nữ, trong đó có hội chứng ống cổ tay.
  • Bệnh tật: Hội chứng viêm ống cổ tay còn được tìm thấy ở một số người mắc bệnh tiểu đường, suy giáp, viêm khớp dạng thấp.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số yếu tố tuy không trực tiếp gây ra bệnh như lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh và khiến các triệu chứng thêm nặng như:

  • Lịch sử gia đình từng có người mắc bệnh
  • Giới tính: Phụ nữ thường mắc hội chứng ống cổ tay nhiều hơn do cấu trúc đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn so với nam giới.
  • Dư thừa cân nặng, béo phì
  • Chạy thận nhân tạo
  • Trật khớp cổ tay
  • Nghiện rượu
  • Có khối u lành tính bên ngoài đường hầm ống cổ tay…

Ở hầu hết bệnh nhân, hội chứng xương ống cổ tay thường phát triển do nhiều nguyên nhân kết hợp.

Tham khảo thêm: Đau cổ tay do nguyên nhân gì? Cách nhận biết và điều trị

Triệu chứng nhận biết hội chứng ống cổ tay

Bạn nên thận trọng với căn bệnh này khi nhận thấy các dấu hiệu sau:

  • Có cảm giác ngứa ran ở khu vực bàn tay và các ngón tay ( ngoại trừ ngón út)
  • Đau cổ tay và bàn tay. Cơn đau tăng nặng hơn vào ban đêm khiến bạn bị đánh thức, khó ngủ
  • Bàn tay có cảm giác cứng đơ vào buổi sáng
  • Tê bàn tay, yếu cơ
  • Sưng ở cổ tay và các ngón tay
  • Khó kiểm soát được các cử động ở bàn tay, ngón tay
  • Gặp trở ngại khi thực hiện các sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm đồ vật, lái xe, mở khóa cửa hay cầm chổi quét nhà…
biểu hiện của hội chứng xương ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể gây đau và cứng khớp cổ tay

Khi hội chứng ống cổ tay phát triển nghiêm trọng, bạn có thể bị tổn thương cơ và thần kinh vĩnh viễn dẫn đến tàn phế. Vì vậy, đừng bỏ qua bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào. Hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.

Phương pháp chẩn đoán hội chứng ống cổ tay

Khi tới bệnh viện khám, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cung cấp chi tiết một số thông tin như lịch sử bệnh tật, chấn thương trước đó, nghề nghiệp hoặc cách bạn sử dụng tay hàng ngày. Điều này sẽ hỗ trợ tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Các kỹ thuật chẩn đoán khác có thể được thực hiện như:

  • Kiểm tra cảm giác ở khu vực bàn tay và đánh giá lực cơ tay: Để làm được điều này, bác sĩ thường ấn nhẹ lên dây thần kinh ở khu vực bạn bị đau hoặc yêu cầu bạn gập cổ tay, cầm nắm đồ vật…
  • Điện cơ đồ (EMG): Giúp đo được vận tốc truyền tín hiệu của dây thần kinh trên đường hầm ống cổ tay và mức độ thiệt hại của cơ bắp do ảnh hưởng của bệnh.
  • Chụp X-quang: Khu vực cổ tay bị ảnh hưởng sẽ được chụp x-quang nhằm mục đích loại trừ các nguyên nhân dẫn đến đau cổ tay khác, ví dụ như viêm khớp cổ tay hoặc gãy xương ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay điều trị như thế nào?

Việc áp dụng phương pháp nào để điều trị hội chứng ống cổ tay sẽ được bác sĩ xem xét dựa trên mức độ bệnh sau khi có kết quả chẩn đoán. Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn bằng các phương pháp nội khoa như thay đổi lối sống, mang nẹp cổ tay kết hợp dùng thuốc. Trường hợp nặng thì cần phẫu thuật.

1. Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng nội khoa

# Mang nẹp cổ tay:

Cổ tay được giữ cố định sẽ giúp bớt đau và làm giảm áp lực lên dây thần kinh. Bạn có thể mang nẹp suốt cả ngày nếu đang làm những công việc đòi hỏi cử động nhiều ở cổ tay. Việc đeo nẹp vào buổi tối  khi đi ngủ cũng rất cần thiết để tránh tình trạng đau khiến bạn bị thức giấc giữa đêm.

Cách điều trị hội chứng ống cổ tay
Mang nẹp có thể giúp giảm đau do hội chứng viêm ống cổ tay

# Dùng thuốc chữa hội chứng xương ống cổ tay

Một số loại thuốc tân dược có thể được chỉ định nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng của bệnh. Chúng bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid: Được sử dụng phổ biến là các loại thuốc Ibuprofen  như Advil hay Motrin IB. Thuốc có thể giúp giảm đau tạm thời nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, đau đầu… Điều quan trọng là cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng quá mức.
  • Corticosteroid: Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm mạnh, giúp giảm sưng đau và giải phóng áp lực lên dây thần kinh giữa. Bác sĩ có thể tiêm một loại Corticosteroid, chẳng hạn như Cortisone trực tiếp vào trong đường hầm ống cổ tay. Thuốc có tác dụng nhanh nhưng không duy trì được lâu.

# Siêu âm trị liệu

Liệu pháp siêu âm có thể giúp giảm đau, chống co thắt cơ và đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương. Một chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ bạn thực hiện siêu âm trong vài tuần để cải thiện các dấu hiệu khó chịu của bệnh.

# Lối sống giúp khắc phục hội chứng ống cổ tay tại nhà

  • Dừng lại sau mỗi 1-2 giờ khi làm các công việc có tính chất lặp đi lặp lại để đôi tay được nghỉ ngơi. Có thể thực hiện động tác xoay cổ tay, lắc tay để kích thích lưu thông máu đến khu vực đang bị tổn thương.
  • Đổi con chuột máy tính: Hãy đảm bảo rằng con chuột bạn đang sử dụng có kích thước phù hợp, không làm căng cổ tay khi sử dụng.
  • Cố gắng giữ cổ tay ở tư thế thẳng, tránh uốn cong quá nhiều
  • Trong những ngày thời tiết trở lạnh, nên mang gang tay để giữ ấm. Điều này cũng sẽ giúp bạn có cảm giác bớt đau và dễ chịu hơn.
  • Tránh ngủ gục trên đôi tay của bạn
  • Có kế hoạch giảm cân khoa học nếu bạn đang bị dư thừa cân nặng
  • Tập yoga: Một số tư thế yoga có thể giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ, giảm đau và cải thiện chức năng cầm nắm. Nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn những bài tập luyện phù hợp nhất với bạn.

2. Phẫu thuật điều trị hội chứng xương ống cổ tay

Phẫu thuật ống cổ tay có thể được chỉ định nếu bạn đang gặp những triệu chứng nghiêm trọng, có nguy cơ gặp biến chứng hoặc các phương pháp điều trị nội khoa không cho kết quả như ý. Mục đích chính của phẫu thuật là giải phóng áp lực lên dây thần kinh giữa bằng cách cắt bỏ các dây chằng có liên quan.

Hội chứng ống cổ tay điều trị bằng phẫu thuật
Người bị hội chứng đau ống cổ tay nặng có thể được điều trị bằng phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định một trong hai phương pháp phẫu thuật sau:

# Phẫu thuật nội soi:

Trước tiên, bác sĩ sẽ rạch một hay hai đường mổ nhỏ ở cổ tay để đưa ống nội soi có gắn camera và các dụng cụ phẫu thuật vào. Sau đó tiếp cận với các dây chằng đang đè nén lên dây thần kinh và cắt bỏ chúng.

Phương pháp này không gây đau và mất máu nhiều vì có mức độ xâm lấn ít. Thời gian phục hồi cũng nhanh hơn.

# Phẫu thuật mổ hở: 

Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống được tiến hành trên nhiều bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cắt bỏ dây chằng thông qua vết mổ được thực hiện trong lòng bàn tay, ngay phía trên đường hầm cổ tay.

Khi điều trị hội chứng ống cổ tay bằng phẫu thuật, bạn có thể phải đối mặt với một số rủi ro như: Không cắt bỏ hết dây chằng, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương thần kinh và mạch máu ở khu vực lân cận.

Sau phẫu thuật, vết mổ có thể liền da sau vài tuần, tuy nhiên phải cần đến vài tháng để cấu trúc ống cổ tay có thể khôi phục hoàn toàn.

Việc điều trị hội chứng ống cổ tay nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Vấn đề quan trọng là bạn cần phải nhận biết được các dấu hiệu bệnh và đi khám ngay để được bác sĩ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp.

Thông tin ThuocDanToc cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi áp dụng bạn nên thông qua ý kiến của các nhân viên y tế.

Có thể bạn quan tâm

Đi tìm nguyên nhân đau khuỷu tay và phương pháp điều trị

Đau khuỷu tay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nguyên nhân do chơi thể thao hay vận động quá mức, tình trạng sẽ nhanh chóng thuyên giảm...
đau đầu ngón tay thường xuyên

Vì sao bị đau đầu ngón tay thường xuyên? Phải làm sao?

Tình trạng đau đầu ngón tay xảy ra thường xuyên đã làm cho chất lượng cuộc sống của nhiều người...

chụp X-quang đốt sống cổ là gì

Chụp X-quang cột sống cổ khi nào? Điều cần biết

Chụp X-quang cột sống cổ là một kỹ thuật hiện đang được áp dụng rất phổ biến tại các trung...

tìm hiểu chứng tê tay khi mang thai

Tê tay khi mang thai: Mẹ đã biết gì về triệu chứng này?

Tê tay khi mang thai là một vấn đề xảy ra khá phổ biến, nhưng không phải ai cũng có...

Bị tê tay chân khám ở đâu tốt tại TP HCM và Hà Nội?

Bị tê tay chân khám ở đâu tốt tại TP HCM và Hà Nội?

Bị tê bì tay chân khám ở đâu tốt tại TP HCM và Hà Nội? Nhiều người bệnh đang quan...

Đau cổ ở trẻ em

Chớ xem thường chứng đau cổ ở trẻ em

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật lý trị liệu Brazil 2014 cho thấy tỷ lệ trẻ em...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *